30/05/1942: Fred Korematsu bị bắt vì chống lệnh tạm giam người Mỹ gốc Nhật

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Japanese American Fred Korematsu is arrested for resisting internment, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, Fred Korematsu đã bị bắt tại San Leandro, California vì chống lại yêu cầu tạm giam (internment) theo Sắc lệnh Hành pháp 9066 gây tranh cãi của Tổng thống Franklin Roosevelt, theo đó ra lệnh tống giam gần như toàn bộ người Mỹ gốc Nhật sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng.

Sau khi bị kết án và bị giam giữ trong một trại giam ở Utah, Korematsu – khi đó 23 tuổi – đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang. Vụ án của ông cuối cùng đã được đưa ra trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào năm 1944, và tòa án đã ủng hộ tuyên bố của chính phủ rằng việc giam giữ là một vấn đề “quân sự khẩn cấp.”

Tuy nhiên, vào năm 1983, một thẩm phán liên bang đã đảo ngược phán quyết trong vụ Korematsu liên quan đến việc chống lại lệnh tạm giam, nói rằng một “sai lầm lớn” đã xảy ra. Năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan thay mặt chính phủ đưa ra lời xin lỗi công khai và cho phép bồi thường cho những người Mỹ gốc Nhật từng bị tạm giam hoặc con cháu của họ.

Các học giả và thẩm phán nói rằng phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ Korematsu là một trong những phán quyết tồi tệ nhất trong lịch sử của tòa này.

Năm 2011, luật sư trưởng của chính phủ Mỹ đã tuyên bố rằng một người tiền nhiệm của ông đã cố tình che giấu tòa án một báo cáo từ Văn phòng Tình báo Hải quân, kết luận rằng người Mỹ gốc Nhật không gây ra mối đe dọa quân sự nào. Trong vụ Trump v. Hawaii năm 2018, Tối cao Pháp viện đã đảo ngược hoàn toàn phán quyết của vụ Korematsu, gọi đó là “sai lầm nghiêm trọng ngay từ ngày quyết định đó được đưa ra.”

Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton đã trao tặng Korematsu, một người ủng hộ dân quyền trung thành, Huân chương Tự do của Tổng thống, vinh dự dân sự cao nhất của nước Mỹ. Korematsu qua đời năm 2005 ở tuổi 86.

Ngày 30/01/2011, tiểu bang California đã kỷ niệm “Ngày Fred Korematsu” đầu tiên – ngày lễ đầu tiên được đặt tên theo một người Mỹ gốc Á.