Thế giới hôm nay: 13/07/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nhóm các nước giàu G7 đã công bố thêm đảm bảo an ninh cho Ukraine tại cuộc họp thượng đỉnh ở Vilnius, Litva. Cam kết sẽ cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Ukraine trong những năm tới, đồng thời chia sẻ thông tin tình báo. Người phát ngôn Điện Kremlin lên án thỏa thuận này, nói rằng nó đe doạ an ninh của Nga. Hôm thứ Ba, các lãnh đạo NATO đã từ chối lời kêu gọi của tổng thống Volodymyr Zelensky về thời gian biểu cho Ukraine gia nhập liên minh, và nước ông sẽ không thể trở thành thành viên cho đến khi “các đồng minh đồng ý và có đủ các điều kiện.”

Lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống mức 3% theo năm trong tháng 6, giảm một điểm phần trăm so với một tháng trước đó; đánh bại dự đoán 3,1% của thị trường. Lạm phát cơ bản (không tính chi phí thực phẩm và nhiên liệu) giảm từ 5,3% trong tháng 6 xuống 4,8%. Cục Dự trữ Liên bang dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối tháng này, sau lần tạm ngưng của tháng trước.

Ủy ban bầu cử Thái Lan ra khuyến nghị Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến lên ủng hộ dân chủ, nên bị cấm nắm giữ các chức vụ công. Ông dự kiến sẽ ra tranh cử trong cuộc bỏ phiếu của quốc hội vào thứ Năm để chọn thủ tướng mới, và có thể vẫn làm vậy bất chấp khuyến nghị của uỷ ban. Trong khi đó, Prayuth Chan-ocha, cựu tướng nắm quyền từ cuộc đảo chính 2014, đã tuyên bố nghỉ hưu.

Tin tặc có liên kết với nhà nước Trung Quốc đã nhắm vào tài khoản email của các nhà ngoại giao Mỹ, theo giới chức Washington. Chiến dịch gián điệp mạng bắt đầu từ tháng 5 và bị phát hiện vào ngày 16 tháng 6, vài ngày trước khi ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Bắc Kinh. Các tài khoản đều chạy trên dịch vụ Outlook của Microsoft. Trung Quốc phủ nhận có liên quan.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc, vừa ra thông báo ca ngợi mười công ty công nghệ hàng đầu của đất nước — bao gồm Alibaba và Tencent — trong một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang giảm bớt áp lực lên lĩnh vực này. NDRC cho biết các công ty này rất quan trọng cho những công nghệ như ô tô không người lái và chất bán dẫn. Trung Quốc siết chặt ngành công nghệ từ cuối năm 2020 để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Cơ quan giám sát đạo đức doanh nghiệp của Canada đang điều tra các cáo buộc cho thấy Nike Canada hưởng lợi từ nạn cưỡng bức lao động Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Nike phủ nhận và nói họ không còn liên hệ với các công ty Trung Quốc bị cáo buộc cưỡng bức công nhân. Ngoài ra, công ty khai thác vàng Dynasty Gold cũng đối mặt với một cuộc điều tra tương tự, và đã phủ nhận các cáo buộc. Các cáo buộc tương tự của các nhóm nhân quyền chống lại 11 công ty Canada khác vẫn đang được xem xét.

Con số trong ngày: Mỹ chiếm tới hai phần ba chi tiêu quân sự của NATO.

TIÊU ĐIỂM

Kinh tế châu Âu: ngành công nghiệp suy thoái trong khi dịch vụ phát triển

Dịch vụ và sản xuất không phải lúc nào cũng phát triển song hành với nhau. Nhưng tình hình hiện tại trong khu vực đồng euro là rất hiếm – với ngành dịch vụ phát triển mạnh bất chấp lạm phát và lãi suất tăng, trong khi công nghiệp gặp khó khăn. Sự yếu kém của sản xuất công nghiệp đặc biệt khiến các nhà kinh tế lo lắng vì nó đang trở nên tồi tệ hơn. Thị trường sẽ có thêm thông tin khi dữ liệu mới được công bố vào thứ Năm.

Cú sốc năng lượng 2022, Trung Quốc tăng trưởng yếu, và lãi suất cao trên toàn cầu, chắc chắn sẽ gây áp lực lên ngành công nghiệp châu Âu. Lượng công việc tồn đọng từ thời kỳ bùng nổ hậu đại dịch từng giúp bù đắp cho nhu cầu thấp hơn, nhưng rồi nó cũng qua đi. Trong tháng 6, ngành sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng chưa giao giảm mạnh nhất trong ba năm qua. Để đánh bại lạm phát, việc giảm bớt hoạt động kinh tế là cần thiết, nhưng nghiền nát ngành công nghiệp vì dịch vụ quá phát triển chắc chắn không nằm trong kế hoạch của ECB.

Ai sẽ là thủ tướng tiếp theo của Thái Lan?

Quốc hội Thái Lan sẽ họp vào thứ Năm để bổ nhiệm thủ tướng mới. Dù đã sẵn sàng cho một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, tự do, người dân nước này có lẽ sẽ không được mãn nguyện. Trong cuộc bầu cử tháng 5, hai đảng ủng hộ dân chủ chính — do Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, lãnh đạo — đã thắng tuyệt đối đa số phiếu phổ thông. Đảng “Tiến lên” của ông Pita vận động với lời hứa cải cách chế độ quân chủ và quân đội, hai thể chế từ lâu đã thống trị đất nước.

Hai phe này chống trả quyết liệt, chủ yếu bằng cách cáo buộc ông Pita không kê khai đầy đủ quyền sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông. Dù các cáo buộc thiếu sức thuyết phục, nó vẫn đủ khiến ủy ban bầu cử đề nghị cấm ông Pita đảm nhiệm chức vụ công; và vụ việc giờ đây sẽ được chuyển lên Tòa án Hiến pháp. Nhưng ngay cả khi không bị truất quyền làm thủ tướng, ông Pita vẫn khó có thể giành đủ số phiếu bầu trong thượng viện nơi các thượng nghị sĩ, tất cả đều do quân đội bổ nhiệm, có vai trò lớn trong việc chọn thủ tướng. Chính trị Thái Lan hứa hẹn tiếp tục bất ổn.

Nội chiến Sudan có nguy cơ lan rộng

Các nước láng giềng của Sudan sẽ gặp nhau vào thứ Năm tại Cairo, thủ đô Ai Cập, để thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 12 tuần qua ở nước này. Những gì bắt đầu như một cuộc xung đột giành quyền kiểm soát thủ đô Khartoum giữa quân đội chính quy Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đang lan rộng một cách nguy hiểm ra các vùng ven của đất nước. Liên Hợp Quốc gần đây cảnh báo rằng Sudan đang trên bờ vực của một “cuộc nội chiến toàn diện.”

Đáng lo ngại nhất là xung đột leo thang ở Darfur, một khu vực phía tây có diện tích bằng Tây Ban Nha. Hơn 190.000 người tị nạn đã chạy qua biên giới để tới Chad, trong nỗ lực thoát khỏi các hành vi bạo lực gây ra bởi RSF và các lực lượng dân quân Ả Rập mà đặc phái viên Liên Hợp Quốc gọi là “thanh trừng sắc tộc quy mô lớn.” Chuỗi sự kiện khiến nhiều người nghĩ tới nạn diệt chủng từng giết chết 300.000 người trước khi một lực lượng lớn quân gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi được triển khai vào năm 2007. Khi Liên Hợp Quốc bị thu hút nguồn lực ở những nơi khác, hiện các quốc gia phi Ả Rập trong khu vực sẽ không thể mong đợi một nỗ lực can thiệp tương tự.

Các bác sĩ Anh lại đình công

Vào thứ Năm, các bác sĩ cấp dưới trên khắp nước Anh sẽ nghỉ việc năm ngày liên tiếp, đánh dấu cuộc đình công dài nhất trong lịch sử 75 năm của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh và cuộc đình công thứ tư trong cuộc xung đột hiện tại giữa các bác sĩ và chính phủ. Giới bác sĩ cho biết tiền lương của họ bị giảm 26% theo giá trị thực kể từ năm 2008 và đang yêu cầu tăng lương ngang lạm phát để khắc phục. Một tuần sau khi cuộc đình công mới nhất bắt đầu, các bác sĩ có thâm niên, những người có hợp đồng khác, cũng sẽ hạ ống nghe trong hai ngày.

Các nghiên cứu về đình công y tế cho thấy bệnh nhân không có khả năng tử vong do hậu quả trực tiếp của đình công — ít nhất là ngay lập tức. Nhưng hậu quả vẫn rất lớn khi hàng trăm nghìn thủ thuật y tế bị hủy bỏ. Tranh chấp khó có thể được giải quyết sớm. Ở Scotland, đình công đã bị đình chỉ sau khi chính phủ đề nghị tăng 17,5% lương cho các bác sĩ trong hai năm. Nhưng ở phía nam biên giới, mỗi bên đều cáo buộc bên kia không có thiện chí đàm phán.