Thế giới hôm nay: 18/07/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vụ nổ ngày hôm qua trên cầu Kerch nối Crimea với Nga đã khiến hai người thiệt mạng. Video trên mạng xã hội cũng cho thấy thiệt hại đáng kể cho cấu trúc của cây cầu. Một nguồn tin Ukraine nói với AFP rằng lực lượng an ninh và hải quân Ukraine đã thực hiện vụ tấn công bằng tàu không người lái. Là đường nối trực tiếp duy nhất giữa Nga và bán đảo bị sáp nhập từ năm 2014, cầu Kerch đang bị tạm dừng lưu thông.

Nga cho biết sẽ rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen. Thỏa thuận ban đầu, được trung gian bởi Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm 2022, đã giúp kiểm soát giá lương thực toàn cầu. Người phát ngôn của Điện Kremlin nói sẽ “quay trở lại” với thỏa thuận nếu các yêu cầu của Nga được đáp ứng. Nga nói quyết định này không liên quan đến vụ tấn công cầu Kerch.

Một loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer do hãng dược phẩm Mỹ Eli Lilly phát triển đã được chứng minh là giúp hạn chế suy giảm nhận thức trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Thử nghiệm cho thấy donanemab, một phương pháp điều trị bằng kháng thể, đã làm chậm tiến triển của bệnh ở giai đoạn đầu khoảng 35%. Eli Lilly cho biết sẽ đệ trình loại thuốc này lên cho FDA cấp phép. Một loại thuốc tương tự, lecanemab, đã được phê duyệt hoàn toàn hồi đầu tháng.

Sau khi hội kiến tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói một thỏa thuận thương mại giữa EUMercosur, khối các nền kinh tế lớn ở Nam Mỹ, là “trong tầm tay.” Các thành viên của khối, bao gồm Brazil và Argentina, trước đó đã từ chối cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường bổ sung.

Nắng nóng bất thường tiếp tục thiêu đốt nhiều khu vực ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Cháy rừng bùng phát ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo nhiệt độ ở Địa Trung Hải sẽ còn tăng lên trong những ngày tới. Tại tỉnh Tân Cương ở miền tây Trung Quốc, nhiệt độ đã chạm mức 52°C vào Chủ nhật, một kỷ lục quốc gia mới.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói hai nhà lập pháp cấp cao đã từ chức sau khi có “quan hệ không phù hợp” với nhau. Đây là vụ bê bối thứ hai trong Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền trong tháng này. Tuần trước, bộ trưởng giao thông đã bị bắt trong một cuộc điều tra tham nhũng. PAP, nắm quyền từ năm 1965, thường tự hào về sự liêm chính của mình.

Swatch, một hãng đồng hồ Thụy Sĩ, đã kiện chính phủ Malaysia vì tịch thu 172 chiếc đồng hồ có chủ đề LGBT của họ. Đồng tính luyến ái là một tội ở Malaysia. Hồi tháng 5, chính phủ đã thu giữ những chiếc đồng hồ có màu cầu vồng từ một số trung tâm mua sắm trên cả nước. Vào thời điểm đó, CEO của Swatch Nick Hayek đã hỏi liệu chính quyền có tịch thu “nhiều cầu vồng tự nhiên” trên bầu trời Malaysia hay không.

Con số trong ngày: 10%, là tỷ lệ các bà mẹ sinh con ở Tây Ban Nha trên 40 tuổi. Tuổi sinh con đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ và Hàn Quốc cùng tham gia lập kế hoạch hạt nhân

Sự khả tín là rất quan trọng đối với khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Không chỉ cho thấy khả năng răn đe để kẻ thù không dám động tay, một siêu cường hạt nhân còn phải thuyết phục được các đồng minh rằng họ sẽ đáp trả trong trường hợp bị tấn công. Trên thực tế, mục tiêu thứ hai khó thực hiện hơn hẳn.

Phe diều hâu ở Hàn Quốc lo ngại rằng Mỹ sẽ không mạo hiểm đẩy Triều Tiên vào tình huống tấn công hạt nhân Seattle chỉ để cứu Seoul; và đang kêu gọi Hàn Quốc tự phát triển bom hạt nhân. Đáp lại, phía Mỹ hy vọng cuộc gặp đầu tiên vào thứ Ba của Nhóm Tư vấn Hạt nhân mới giữa hai nước sẽ xoa dịu được họ. Mặc dù về cơ bản nó không thay đổi tư thế hạt nhân của Mỹ, đây sẽ là diễn đàn cho cả hai tham gia vào “lập kế hoạch chiến lược và hạt nhân.” Hiện tại, bấy nhiêu là đủ trong mắt tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Phát biểu tại buổi lễ nhân Ngày Tưởng niệm của Hàn Quốc hôm 6 tháng 6, ông tuyên bố quan hệ đối tác quân sự 70 năm qua của hai nước đã được “nâng cấp thành một liên minh dựa trên hạt nhân.”

Mỹ điều tra các ngân hàng Thuỵ Sĩ

Vào thứ Ba, Ủy ban Helsinki, một cơ quan liên bang của Mỹ, sẽ tổ chức điều trần về vai trò của Thụy Sĩ trong việc giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thụy Sĩ từ lâu đã nổi tiếng về việc cất giấu tài sản của giới nhà giàu Nga: uỷ ban ước tính rằng các ngân hàng của nước này nắm giữ hơn 200 tỷ đô la tiền mặt Nga. Và mới đây hồi tháng 3, bốn nhân viên ngân hàng Thụy Sĩ đã bị kết án tại Zurich vì không thẩm định đầy đủ các khoản chuyển tiền được thực hiện bởi Sergei Roldugin, một nghệ sĩ cello người Nga thân cận với Vladimir Putin.

Nhưng Thụy Sĩ không phải là quốc gia duy nhất làm suy yếu những nỗ lực trừng phạt của phương Tây. Gần đây EU đã công bố các biện pháp nhắm vào các công ty giúp Nga lách luật kiểm soát xuất khẩu của khối. Các thực thể này đến từ những nước như Trung Quốc, UAE và Uzbekistan. Hồi tháng 5, uỷ viên ngoại giao EU Josep Borrell đã chỉ trích Ấn Độ về việc mua dầu thô của Nga, lọc, rồi bán sang phương Tây. Khi nói đến làm ăn với Nga, trung gian luôn được hưởng lợi đáng kể.

Tình hình của ngành ngân hàng Mỹ

Bank of America và Morgan Stanley, hai trong số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, sẽ công bố thu nhập quý hai vào thứ Ba; Goldman Sachs theo sau vào thứ Tư. Kết quả có thể cho thấy mảng doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình đang hoạt động tốt. Khi lãi suất tăng lên, thu nhập cho vay của các ngân hàng thương mại, như BofA, tăng vọt. Thông thường lãi suất tăng cũng có thể gây ra suy thoái, đẩy các khoản lỗ cho vay lên cao. Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó xảy ra. Tỷ lệ vỡ nợ chỉ tăng nhẹ tại Citi, JPMorgan Chase và Wells Fargo, ba ngân hàng sẽ báo cáo vào thứ Sáu.

Trong khi đó hoạt động đầu tư ở Phố Wall khó khăn hơn, khi lãi suất cao làm nghẽn mạch IPO và các giao dịch sáp nhập. Hỗn loạn thị trường có thể giúp ích cho các bàn giao dịch chứng khoán – nhưng rồi dữ liệu quý hai không hề cho thấy điều này. Tại JPMorgan, phí ngân hàng đầu tư và doanh thu giao dịch đều giảm trong năm. Đó là điềm xấu cho cả Goldman lẫn Morgan Stanley, vốn đều sa thải bớt nhân viên trong thời gian gần đây.

Hội nghị an ninh Aspen khai mạc

Cộng đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ sẽ tề tựu về vùng núi Colorado vào thứ Ba để thảo luận về tình hình địa chính trị hiện nay. Tại Diễn đàn An ninh Aspen kéo dài bốn ngày, họ sẽ có nhiều điều phải suy ngẫm: cuộc chiến ở Ukraine và chính sách ngoại giao một khi chiến tranh kết thúc; hậu trường đấu tranh quyền lực ở điện Kremlin bị vạch trần bởi cuộc nổi dậy ngắn ngủi của Yevgeny Prigozhin; và cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc dù cả hai nỗ lực ổn định quan hệ.

Hội nghị thường chỉ có người Mỹ. Nhưng lần này sự kiện sẽ chào đón một nhóm chuyên gia quốc tế khá lớn, làm người ta nhớ đến Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Những gì người Mỹ nói và nghĩ vẫn quan trọng nhất, nhưng Mỹ đang ngày càng dựa vào các đồng minh để đối trọng với kẻ thù.

Có lẽ chủ đề lớn nhất sẽ không nằm trong chương trình nghị sự: nước Mỹ sẽ ra sao trước cuộc tái đấu vào năm tới giữa Joe Biden và Donald Trump. Mỹ sẽ tiếp tục con đường quốc tế chủ nghĩa của mình, hay đi vào một hình thức chủ nghĩa dân túy kiểu Trump đầy thù hận và có tổ chức hơn?