Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi đã đồng ý trừng phạt kinh tế đối với chính phủ quân sự mới của Niger, vốn lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hôm thứ Tư, và cho họ một tuần để từ bỏ quyền lực. Ngoài ra Liên minh châu Phi cũng yêu cầu các lãnh đạo đảo chính trở về doanh trại và khôi phục chính phủ dân sự trong vòng 15 ngày. Những người biểu tình ủng hộ đảo chính ở thủ đô Niamey đã đốt cờ Pháp và hô vang các khẩu hiệu chống Pháp và thân Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói các đòn tấn công vào lãnh thổ Nga là một diễn biến “không thể tránh khỏi” của chiến tranh, sau khi ba máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ trong cuộc tấn công vào Moscow khiến một trong những sân bay của thành phố phải đóng cửa tạm thời. Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông không từ chối đề xuất hòa bình được châu Phi đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi, nhưng các đòn tấn công của Ukraine khiến ngừng bắn “là không thể thực hiện được.”
Giáo hoàng Francis kêu gọi Nga tham gia lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, theo đó đảm bảo cho cây trồng và phân bón được vận chuyển an toàn từ Ukraine. Giá lúa mì đã tăng vọt kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận vào ngày 17 tháng 7. Nền kinh tế Ukraine chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu không thể xuất khẩu nông sản. Ngoài việc rút khỏi thoả thuận, Nga cũng ném bom các cảng và kho ngũ cốc của Ukraine.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết chính phủ ông sẽ xem xét điều chỉnh luật để hạn chế việc đốt kinh Koran trong biểu tình. Làm như vậy là xúc phạm người Hồi giáo và đã gây tranh cãi ngoại giao, nhưng là hợp pháp ở Đan Mạch nhờ quyền tự do ngôn luận. Các vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển trong năm nay đã gây nguy hiểm cho đơn xin gia nhập NATO của nước này.
Ở Pakistan, một vụ nổ tại cuộc mít tinh do đảng Hồi giáo Jamiat Ulema e Islam (JUI) tổ chức đã giết chết ít nhất 40 người. Diễn ra ở Khar thuộc miền tây bắc đất nước, sự kiện này thu hút những người ủng hộ Maulana Fazal ur Rehman, giáo sĩ theo đường lối cứng rắn đang lãnh đạo JUI, một thành viên trong liên minh cầm quyền của Pakistan. Chưa có bên nào nhận trách nhiệm cho vụ nổ.
Bộ trưởng quốc phòng Ý Guido Crosetto cho biết trong một cuộc phỏng vấn đăng trên Corriere della Sera rằng tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là một quyết định “tai hại” không hề giúp Ý tăng xuất khẩu. Ý là quốc gia phương Tây duy nhất đã đăng ký tham gia chương trình cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Thủ tướng Giorgia Meloni đã cho chính phủ của bà thời hạn đến tháng 12 để quyết định có nên rời khỏi BRI hay không.
Cộng hòa Trung Phi đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cho phép tổng thống Faustin-Archange Touadéra nắm quyền trọn đời. Ông Touadéra, người được bầu lần đầu tiên vào năm 2016, đã đề xuất một hiến pháp mới sẽ bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ. Các đảng đối lập đã kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu, vốn phần nào được tổ chức bởi chính nhóm đánh thuê Wagner.
TIÊU ĐIỂM
Xung đột sắc tộc đẫm máu ở Ấn Độ
Đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) của Ấn Độ luôn nói phải nắm quyền một cách cứng rắn để đảm bảo ổn định. Nhưng trong ba tháng qua, độ tin cậy của tuyên bố đó đã bị suy giảm bởi cuộc xung đột sắc tộc tàn bạo ở Manipur, một bang nhỏ ở miền đông bắc do BJP điều hành. Ít nhất 150 người đã chết và hàng nghìn người phải sơ tán khi căng thẳng kéo dài bùng nổ giữa cộng đồng Meitei theo đạo Hindu và các bộ lạc thiểu số miền núi theo đạo Thiên chúa.
Các đảng đối lập cáo buộc thủ tướng Narendra Modi “thờ ơ vô cảm” với cuộc xung đột. Một phái đoàn từ liên minh đối lập mới thành lập đã đến thăm bang vào cuối tuần qua và lên tiếng về “tình trạng thảm hại” của các trại cứu trợ. Liên minh đã đệ đơn kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ Modi, với một cuộc bỏ phiếu được ấn định vào thứ Hai. Dù khó có thể làm lung lay BJP, đảng chiếm đa số trong quốc hội, nó vẫn sẽ thu hút dư luận vào vụ việc. Phe đối lập hy vọng bấy nhiêu là đủ để giúp Manipur và làm giảm uy tín của BJP.
Nửa đầu năm kém lạc quan của kinh tế Trung Quốc
Tại cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 24 tháng 7, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận đà phục hồi kinh tế năm nay đã gặp khó khăn. Tăng trưởng cao hơn dự kiến trong ba tháng đầu năm nhưng sau đó đã chậm hơn mong đợi khi xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Thị trường bất động sản không thể bật dậy thành công sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách zero covid. Và áp lực giảm phát đang gia tăng.
Thị trường hy vọng các chỉ số quản lý mua hàng chính thức cho tháng 6, được công bố vào thứ Hai, sẽ ít nhất mang lại một tin vui cho kinh tế Trung Quốc. Chúng có thể cho thấy các ngành dịch vụ, vốn tương đối sôi nổi kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại, đã bắt đầu nâng đỡ cho phần còn lại của nền kinh tế. Nhưng nếu chúng ta thấy điều ngược lại – cả sản xuất và dịch vụ đều yếu – thì các lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải quyết liệt hơn với kích thích kinh tế.
Mặt trận gây quỹ của các ứng viên Cộng hoà
Thống đốc Florida Ron DeSantis, người đang chạy đua cho đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ, đã huy động được 20 triệu đô la chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Nhưng tin này đáng ngại hơn là đáng mừng. Ông DeSantis bị phụ thuộc vào các nhà tài trợ lớn, và các khoản đóng góp cá nhân bị giới hạn trong khi chiến dịch của ông đang tiêu tốn rất nhiều tiền. Để cắt giảm chi phí, ông đã sa thải một phần ba nhân viên của mình. Và các nhà tài trợ cũng không quá nhiệt tình. Sau khi hai cuộc gây quỹ cho DeSantis ở vùng Hamptons giàu có thuộc bang New York bị hủy bỏ vì ít người tham dự, một nhà gây quỹ Cộng hòa đã nói với tờ New York Post rằng ngay cả nghị sĩ nhiều tai tiếng George Santos “còn làm được tốt hơn.”
Vào thứ Hai, các ủy ban hành động chính trị của các ứng viên — khác với quỹ vận động tranh cử chính của họ — sẽ báo cáo doanh thu và chi tiêu trong nửa đầu năm 2023. Donald Trump, người quyên góp được nhiều tiền hơn ông DeSantis, có thể tự hào về các nhà tài trợ quy mô nhỏ, một dấu hiệu cho thấy lòng nhiệt tình của cử tri. Nhưng những người quyên góp cho uỷ ban hành động của Trump có thể không nhận ra hơn 40 triệu đô la đã được chi cho các khoản phí pháp lý của ông trong sáu tháng đầu năm.
Vấn đề tăng trưởng của nền kinh tế khu vực đồng euro
Như thường lệ, nền kinh tế của khu vực đồng euro đang khó khăn. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất cơ bản lên 3,75%, khớp với mức cao kỷ lục hồi năm 2001. Song lạm phát đang tỏ ra dai dẳng và các số liệu của tháng 7 — được công bố vào thứ Hai — không nhiều khả năng sẽ cải thiện. Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát lõi (không tính thực phẩm và năng lượng) sẽ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 5,5% của tháng 6.
Tin tốt là điều này một phần là nhờ khối cho đến nay đã tránh được suy thoái. Một loạt các số liệu tăng trưởng đầy lạc quan của các nước vào tuần trước đã khiến các nhà dự báo dự đoán có tăng trưởng GDP trên toàn khu vực trong quý hai ở mức 0,2%. Tin xấu là sản lượng của Đức không hề thay đổi từ tháng 3 đến tháng 6, sau hai quý giảm liên tiếp. Vẫn chưa thể quá lạc quan cho đến khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu bắt đầu tăng trưởng trở lại.