Thế giới hôm nay: 01/04/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Xuất hiện các chi tiết về chương trình cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden. Đề xuất đầy tham vọng này có nhiệm vụ cải tổ lại nền kinh tế Mỹ, với trọng tâm mới là chống biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ lo phần chi phí. Cụ thể, ông Biden muốn tăng thuế lợi nhuận doanh nghiệp từ 21% lên 28%, và buộc các công ty đa quốc gia phải trả nhiều thuế hơn cho thu nhập có được từ nước ngoài.

Doanh thu quý của Huawei lần đầu tiên giảm, theo đó trong quý cuối năm 2020 đã giảm khoảng 1/10 xuống còn 220 tỷ nhân dân tệ (33,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Hãng công nghệ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của Mỹ; tăng trưởng doanh thu tổng thể năm 2020 là 3,8%, so với 19% của năm 2019. Doanh số bán hàng vững chắc ở Trung Quốc đã giúp công ty tạm vượt qua những khó khăn ở nước ngoài.

PfizerBioNTech nói vắc-xin covid-19 của họ có hiệu quả 100% ở trẻ từ 12 đến 15 tuổi, theo dữ liệu thử nghiệm sơ bộ. Hai hãng dược này sẽ vận động để được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ và châu Âu, với kỳ vọng trẻ em có thể được tiêm chủng trước năm học tới. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA cũng đã cho phép các công ty bắt đầu thử nghiệm trên trẻ dưới 11 tuổi.

Một tòa án Ấn Độ không có động thái giảm nhẹ nào cho ByteDance, chủ sở hữu của ứng dụng chia sẻ video TikTok. Công ty Trung Quốc cho biết họ đang “chảy máu” sau khi nhà chức trách Ấn Độ phong tỏa tài khoản ngân hàng địa phương của họ với cáo buộc trốn thuế. Ấn Độ cấm TikTok từ năm ngoái vì lo ngại an ninh quốc gia. Hồi tháng 1, ByteDance đã cắt giảm lực lượng lao động ở Ấn Độ, song hiện vẫn còn khoảng 1.300 nhân viên ở đây.

Việc làm khu vực tư nhân Mỹ tăng trong tháng 3 với tốc độ nhanh nhất trong sáu tháng, theo ADP, một công ty xử lý bảng lương. Các nhà tuyển dụng tư nhân phi nông nghiệp đã tạo ra 517.000 việc làm trong tháng 3, mức tăng cao nhất kể từ tháng 9 năm 2020. Hầu hết số này là trong ngành dịch vụ, với 437.000 việc làm, trong đó số việc làm tăng nhiều nhất ở các công ty giải trí và khách sạn.

Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ đưa Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vì nền độc lập tư pháp đang bị xói mòn của nước này. Cơ quan hành pháp EU đã chỉ trích Ba Lan về các quy tắc mới cho phép trừng phạt các thẩm phán vì các phán quyết của họ. Ủy ban hy vọng một phán quyết từ ECJ có thể buộc Ba Lan thay đổi.

Alexei Navalny, lãnh đạo phe đối lập Nga, đã tuyệt thực nhằm yêu cầu nhà tù giam giữ ông phải có chăm sóc y tế cho những cơn đau cấp tính ở lưng và chân của ông. Trong một lá thư gửi đến cơ quan quản lý nhà tù được đăng trên mạng xã hội, ông Navalny nói các yêu cầu của ông đã bị phớt lờ. Tuần trước, ông nói có một lính canh liên tục đánh thức ông hàng giờ trong đêm.

TIÊU ĐIỂM

Ấn Độ tiêm vắc-xin không kịp tốc độ lây lan của covid-19

Trong nỗ lực đẩy mạnh tiêm ngừa covid-19, từ hôm nay Ấn Độ sẽ cho phép người trên 45 tuổi được tiêm vắc-xin. Hiện nay chỉ những người trên 60 tuổi hoặc có nguy cơ cao mới được tiêm. Nhưng Ấn Độ đang phải chạy đua với thời gian. Số ca nhiễm đã tăng trong tháng qua và hiện có tới 60.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đây đã là 2/3 mức đỉnh của làn sóng đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 9; nếu giữ tốc độ này, họ sẽ sớm vượt Mỹ và Brazil để trở thành điểm nóng covid-19 lớn nhất thế giới.

Để kiểm soát tình hình, các chuyên gia cho biết Ấn Độ cần phải tiêm chủng cho 10 triệu người mỗi ngày; con số hiện tại chỉ là 2 triệu. Họ không thể sản xuất đủ vắc-xin, trong khi cũng đã cam kết cung cấp thuốc cho các nước khác. Nhưng có một điều may mắn là Ấn Độ có tỷ lệ tử vong thấp khác thường do covid-19. Hơn nữa, mặc dù 63 triệu người được tiêm chủng cho đến nay chỉ chiếm 5% dân số Ấn Độ, nó bao gồm nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.

Pháp phong tỏa lần ba

Lần thứ ba kể từ đầu đại dịch, người Pháp đi vào phong tỏa. Trong một bài phát biểu vào ngày 31 tháng 3, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ thứ Bảy. Chúng sẽ hạn chế mọi di chuyển trong phạm vi 10 km tính từ nhà riêng. Còn trường học sẽ đóng cửa 3-4 tuần trong học kì xuân này.

Lệnh giới nghiêm toàn quốc hiện tại tiếp tục được áp dụng và sẽ bắt buộc làm việc tại nhà nếu có thể. Ông Macron từng mong có thể tránh phong tỏa, và đã không phong tỏa hồi tháng 1 dù giới khoa học kêu gọi. Ông đặc biệt lập luận điều quan trọng là phải giữ trẻ em đến trường, mở cửa suốt cả năm học. Nhưng “le variant anglais” (biến thể Anh) đã làm đổ bể kế hoạch. Số ca nhiễm mới đang tăng vọt. Trong khi bệnh viện phải chịu nhiều áp lực. Bị tố là hành động chậm trễ, ông Macron hiện kỳ vọng tăng tốc chiến dịch tiêm chủng sẽ giúp đợt phong tỏa, cho dù bị ghét bỏ đến đâu, chỉ kéo dài trong vòng một tháng.

New York cải cách hệ thống cảnh sát

Sau vụ giết George Floyd hồi năm ngoái, thống đốc New York Andrew Cuomo đã ký một lệnh hành pháp yêu cầu mỗi cơ quan trong số hơn 500 cơ quan cảnh sát của bang phải đề ra một kế hoạch cải tổ nhằm “khôi phục mối quan hệ giữa cộng đồng và cảnh sát.” Hôm nay là hạn chót nộp các kế hoạch này. Sở cảnh sát thành phố New York cam kết sẽ ngừng tuần tra quá mức các khu dân cư da màu, và chuyển sang một phương pháp tiếp cận dựa trên y tế công hơn là nhấn mạnh trừng phạt đối với việc sử dụng quá liều ma túy.

Không rõ ý nghĩa trong thực tế của các đề xuất đó là gì. Hứa thì luôn dễ hơn làm. NYPD là lực lượng cảnh sát lớn nhất nước Mỹ, với 36.000 sĩ quan và 19.000 nhân viên dân sự, và vốn từ lâu đã chậm thay đổi và không chịu bị giám sát — hai đặc điểm mà các lực lượng cảnh sát khác cũng có. Một điều cũng chưa rõ là liệu công chúng có duy trì áp lực đòi cải cách hay không, sau một năm chứng kiến số vụ giết người tăng mạnh nhất từ trước đến nay.

Các nước lớn đang chạy đua vũ trang trên không gian

Các nước đang có những động thái tiếp theo để đưa chiến tranh lên quỹ đạo. Quỹ Thế giới An toàn, một viện nghiên cứu của Mỹ, đã nhận định như vậy trong một báo cáo được công bố hôm nay. Báo cáo liệt kê các công nghệ mới như hệ thống phòng không Aegis của Mỹ và hệ thống phòng không S-500 sắp tới của Nga, với khả năng bắn hạ vệ tinh. Nga cũng đã triển khai các “vệ tinh phụ”, có thể được phóng từ vệ tinh chính và có tác dụng như những viên đạn.

Trong khi đó Trung Quốc đang nâng cấp tên lửa chống vệ tinh của riêng mình, với một số có thể được bắn từ xe tải. Về phía Pháp, bất chấp tuyên bố của các quan chức nước này về việc trang bị súng máy phòng thủ cho các vệ tinh, vẫn không có kế hoạch nào như vậy được công khai. Nhưng Pháp, cũng như Ấn Độ, đã bắt đầu nghiên cứu tia laser để làm vô hiệu các cảm biến vệ tinh. Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng đã thử nghiệm các thiết bị tương tự. Ngoài ra ba nước này còn có thể làm nhiễu tín hiệu vệ tinh, một công nghệ mà Iran cũng đang nghiên cứu. Nga thậm chí thiết kế thiết bị gây nhiễu để sử dụng trên quỹ đạo. Trong tương lai, chiến tranh giữa các vì sao là hoàn toàn có thể.

Scotland có đảng ủng hộ ly khai mới

Alex Salmond hôm nay sẽ công bố các ứng viên cho Alba, đảng ly khai mới của ông. Ông Salmond, cựu lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland và cựu thủ hiến Scotland, từng bị xét xử vì tội tấn công tình dục vào năm ngoái và được tuyên trắng án. Sau đó, ông và người kế nhiệm Nicola Sturgeon có mâu thuẫn sâu sắc, khi tố cáo phe cánh của bà (không có nhiều bằng chứng) âm mưu bỏ tù ông. Tận dụng hệ thống bầu cử hai lá phiếu của Scotland, theo đó người Scotland bỏ phiếu cho nghị sĩ đại diện địa phương lẫn đại diện khu vực, ông Salmond nói Alba sẽ giúp tạo ra thế đa số trong Quốc hội Scotland để hướng tới độc lập.

Ông đang khai thác sự chia rẽ trong phong trào dân tộc chủ nghĩa xoay quanh đường hướng tách khỏi Anh. Ông ủng hộ các chiến thuật cấp tiến hơn để đạt được độc lập, và sẽ hậu thuẫn biểu tình đường phố. Ông Salmond có thể sẽ nhận được ủng hộ từ phe ly khai chống EU, bảo thủ về mặt xã hội vốn bị bà Sturgeon xa lánh. Song cũng có khả năng ông sẽ gây hại cho phong trào đòi độc lập. Alba hoàn toàn có thể khiến liên minh dân tộc chủ nghĩa bị chia phiếu và không thắng được ghế nào.