Thế giới hôm nay: 07/08/2023

Print Friendly, PDF & Email

 Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thời hạn đặt ra cho Niger của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi vừa trôi qua mà không xảy ra sự cố nào. Trước đó khối này đã đe dọa can thiệp quân sự nếu chính quyền quân sự Niger không phục chức cho tổng thống Mohamed Bazoum trước cuối ngày Chủ nhật. Những người ủng hộ quân đội đã lấp đầy một sân vận động ở thủ đô Niamey và tham gia lực lượng an ninh để tuần tra đường phố. Pháp tuyên bố ủng hộ ECOWAS can thiệp, nhưng một số nước châu Phi tỏ ra hoài nghi.

Quân đội Ukraine tuyên bố đã đánh sập hai cây cầu nối bán đảo Crimea với khu vực Kherson. Thống đốc vùng do Nga bổ nhiệm nói một đường ống bị vỡ đã khiến 20.000 người ở thị trấn Henichesk bị mất nguồn cung khí đốt. Đòn tấn công của Ukraine đến ngay sau loạt không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái hạng nặng của Nga trên khắp Ukraine vào tối thứ Bảy, bao gồm vào một trung tâm truyền máu ở phía đông bắc đất nước.

Các nhà khoa học Mỹ lần thứ hai tạo ra năng lượng ròng trong phản ứng nhiệt hạch, sau bước đột phá hồi tháng 12, theo Financial Times. Thí nghiệm thứ hai, trong đó các tia laser công suất cao làm hợp nhất các đồng vị hydro và giải phóng năng lượng, được báo cáo mang lại sản lượng lớn hơn thí nghiệm đầu tiên. Các nhà khoa học kỳ vọng một ngày nào đó năng lượng nhiệt hạch có thể cung cấp một nguồn năng lượng sạch dồi dào cho nhân loạn.

Lực lượng Tuần duyên Philippines cáo buộc phía Trung Quốc có hành động “quá mức và trái pháp luật” ở Biển Đông. Họ nói Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào các tàu Philippines đang trên đường tiếp tế cho binh lính của nước này trên quần đảo Trường Sa, vốn được cả hai nước (và những nước khác) tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc nói tàu của Philippines xâm phạm; trong khi Mỹ tố cáo phản ứng của Trung Quốc là “nguy hiểm.”

Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan đã qua đêm trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt sau khi nhận bản án 3 năm tù vì tội tham nhũng. Ông tuyên bố sẽ kháng cáo và kêu gọi người ủng hộ biểu tình, dù cho đến nay đường phố vẫn yên ắng. Phán quyết này truất quyền tham gia các cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 11 tới của ông Khan, chính trị gia được ủng hộ nhất ở Pakistan. Trong những tháng gần đây, các tướng Pakistan đã đàn áp ông Khan và đảng của ông.

Elon Musk hứa chi trả mọi chi phí pháp lý cho người dùng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) nếu bị nhà tuyển dụng “đối xử bất công” vì các bài đăng của họ trên X. Người tự xưng là “theo chủ nghĩa tuyệt đối về tự do ngôn luận” đã cắt giảm kiểm duyệt nội dung của X sau khi mua lại vào năm ngoái. Trong khi đó các nhân viên cũ tại SpaceX và Tesla nói họ bị mất việc vì chỉ trích Musk.

Con số trong ngày: 140.000 đô la/năm, là mức lương cần thiết để đủ khả năng thuê một căn hộ studio ở New York.

TIÊU ĐIỂM

Saudi Aramco công bố kết quả Quý 2

Saudi Aramco công bố kết quả Quý 2 vào thứ Hai. Công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới đã kiếm được lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022 nhờ giá dầu tăng vọt sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nhưng năm nay sẽ không được tốt đẹp như thế. Lợi nhuận của các ông lớn dầu mỏ phương Tây đã giảm trong Quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy Aramco vẫn có thể có một năm khá tốt tuỳ vào quyết định của chính phủ Saudi, vốn quyết định sản lượng của công ty. Vương quốc này muốn đảm bảo giá dầu – và theo đó là thu ngân sách – luôn ở mức đủ cao để tài trợ cho các kế hoạch kinh tế lớn trong nước. Tuần trước, bộ năng lượng của Ả Rập Saudi cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 9, đồng thời thông báo xem xét cắt giảm “sâu hơn.” Kết quả là giá dầu thô Brent tăng lên mức khoảng 85 đô la một thùng trong những tuần gần đây.

Ông Trump sắp bị truy tố lần thứ tư

Năm 2016, Donald Trump từng nói ông có thể đứng giữa Đại lộ số 5 và bắn ai đó mà không mất bất kỳ cử tri nào. Có vẻ như ông không hề nói chơi. Giờ đây với ba bản cáo trạng hình sự, cựu tổng thống Mỹ vẫn là người dẫn đầu trong cuộc đua sơ bộ của Đảng Cộng hòa. Cả vị trí dẫn đầu lẫn số tiền quyên góp đều tăng lên sau các cáo buộc.

Sớm nhất là thứ Hai này ông sẽ đối mặt một bản cáo trạng thứ tư. Tuần trước Fani Willis, luật sư cứng rắn của đảng Dân chủ ở quận Fulton, Georgia, thông báo hoàn thành cuộc điều tra về âm mưu của ông Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 ở bang mà ông đã thua Joe Biden. Vụ kiện của bà có thể sẽ tập trung vào một cuộc điện thoại được ghi âm, trong đó ông Trump yêu cầu thư ký bang Georgia “tìm” thêm 11.000 phiếu bầu của đảng Cộng hòa, cũng như số hồ sơ gian lận mà một danh sách các đại cử tri Cộng hòa giả mạo đã đệ trình lên Quốc hội. Mục đích của bà là cho thấy chính quyền Trump cố tình dàn dựng một cuộc tấn công nhiều hướng.

Tuần quyết định cho một thoả thuận giữa Sri Lanka và IMF

Tuần này sẽ là một tuần quan trọng cho Sri Lanka. Nước này kẹt trong khủng hoảng nợ hơn một năm qua kể từ khi chính phủ tuyên bố cạn kiệt ngân sách. Để đảm bảo khoản cứu trợ trị giá hàng tỷ đô la từ IMF, chính phủ ở Colombo có thời hạn đến thứ Sáu để đạt được thỏa thuận với các ngân hàng nội địa về cách tái cơ cấu nợ trong nước. Nhưng các ngân hàng, những chủ nợ, lo ngại việc giảm giá trị các khoản nợ có thể gây bất ổn cho toàn ngành ngân hàng.

IMF đã đóng vai nhà băng khẩn cấp của các nước đang phát triển trong gần 50 năm qua. Nhưng khi các khoản nợ công gia tăng, một số quốc gia nợ nần đang tìm kiếm trợ giúp từ những nguồn tiền khác. Hôm 1 tháng 8, Ai Cập đã vay 616 triệu đô la từ Quỹ Tiền tệ Ả Rập, nhánh tài chính của Liên đoàn Ả Rập, bên cạnh gói giải cứu trị giá 3 tỷ đô la đã thỏa thuận với IMF vào tháng 12. Ngay sau đó vào ngày 4 tháng 8, Argentina vay 775 triệu đô la từ Qatar để hoàn trả cho IMF. Nếu thỏa thuận IMF của Sri Lanka thất bại, họ sẽ phải đi tìm tiền ở nơi khác.

Brazil muốn đi đầu về các nỗ lực môi trường ở Nam Mỹ

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva hứa sẽ cứu rừng nhiệt đới Amazon. Kể từ khi ông lên nhậm chức vào tháng 1, nạn phá rừng đã giảm 1/3 (từng tăng 56% dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro). Và giờ đây Lula sẽ muốn kêu gọi các nước láng giềng của Brazil chung tay. Vào thứ Hai, ông sẽ tiếp các nhà lãnh đạo của tám nước Nam Mỹ tại Belém để soạn thảo một chiến lược chung sẽ được trình bày tại COP28 vào cuối năm.

Hội nghị thượng đỉnh của Lula là màn tập dượt cho bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, dự kiến nhấn mạnh các vấn đề môi trường. Ông cũng hy vọng thành lập cái gọi là nghị viện Amazon, nơi các đại biểu từ tám quốc gia sẽ thảo luận về các biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Brazil dường như mâu thuẫn với một số chính sách đối nội của Lula. Hồi tháng 5, chính phủ của ông đã khởi động một chương trình trợ cấp ô tô và đang tiến hành nghiên cứu khai thác dầu gần cửa sông Amazon.