Thế giới hôm nay: 19/08/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một ủy viên của Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi ECOWAS vừa nói với các chỉ huy quân đội là khối sẵn sàng dùng vũ lực để khôi phục nền dân chủ ở Niger “nếu mọi lựa chọn khác đều thất bại.” Cộng đồng đã gặp nhau ở Ghana để thảo luận về một lực lượng dự phòng. Các tướng lĩnh quân đội Niger lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26 tháng 7. Cho đến nay họ vẫn phớt lờ yêu cầu phục chức cho ông Bazoum từ ECOWAS, Liên Hợp Quốc, và các cường quốc phương Tây.

Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, vừa công bố doanh thu 162 tỷ đô la trong ba tháng tính đến tháng 7, vượt kỳ vọng 161 tỷ đô la của giới phân tích và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Gã khổng lồ bán lẻ Mỹ đã tăng dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng lên 4-4,5% trong năm nay, từ mức 3,5%. Công ty cho rằng tin tốt đến từ lạm phát hạ nhiệt và nhu cầu cao đối với hàng tạp hóa giá rẻ, nhưng cũng nói giá nhiên liệu tăng và chi phí vay cao vẫn có thể làm tổn hại niềm tin tiêu dùng.

Lenovo, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới, đã báo cáo doanh thu giảm 24% xuống còn 12,9 tỷ đô la trong quý 2, thấp hơn ước tính 13,8 tỷ đô la của các nhà phân tích. Gã khổng lồ Trung Quốc đã chứng kiến lợi nhuận theo năm giảm 14% trong năm tính đến tháng 3, đánh dấu mức giảm theo năm đầu tiên kể từ 2019. Lenovo đang bị giảm doanh số như các doanh nghiệp khác trong ngành do khách hàng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và phải kiềm chế chi tiêu.

Cư dân ở các vùng tây bắc Canada đã được lệnh sơ tán vì cháy rừng. Ngoại trừ một số tòa nhà bị phá hủy, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Nhiều nơi trên thế giới đang trải qua cháy rừng dữ dội. Tại Hawaii, giới chức biện minh cho quyết định không phát còi báo động trong cháy rừng gần đây bằng cách nói rằng người dân thường liên tưởng còi báo động với sóng thần.

Israel sẽ tiếp tục bán Arrow-3, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa tiên tiến nhất của họ, cho Đức với giá 3,5 tỷ USD, sau khi Mỹ chấp thuận thỏa thuận này. Đây là thỏa thuận xuất khẩu quân sự lớn nhất trong lịch sử Israel. Số tiền này sẽ đến từ quỹ trị giá 100 tỷ euro (109 tỷ USD) mà Đức thành lập để hiện đại hóa quân đội sau khi Nga xâm lược Ukraine. Hàng dự kiến được giao ​​vào cuối năm 2025.

Một đám đông Hồi giáo ở Pakistan đã phóng hỏa ít nhất tám nhà thờ và phá hoại một số ngôi nhà ở tỉnh Punjab. Các vụ tấn công diễn ra sau khi hai người đàn ông theo Kito giáo bị cảnh sát địa phương buộc tội vì “xúc phạm kinh Koran và báng bổ nhà tiên tri Muhammad.” Bộ trưởng thông tin của Punjab đã lên án hành vi báng bổ này, vốn có thể bị kết án tử hình ở Pakistan.

Tàu thăm dò không gian Luna 25 đã đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, đưa Nga tiến gần hơn đến việc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng để tìm kiếm nước đóng băng. Ấn Độ cũng đặt mục tiêu đáp một con tàu vũ trụ ở cực nam trong tháng này. Nước sẽ cho phép con người ở lại lâu hơn trên Mặt Trăng để khai thác tài nguyên.

Con số trong ngày: 304, là số lượng ga tàu điện ngầm ở Paris, nhiều hơn 32 ga so với London.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ – Nhật – Hàn họp ba bên ở Trại David

Thái độ quyết liệt của Trung Quốc, sự hiếu chiến của Triều Tiên, và cuộc chiến tranh của Nga đã đẩy Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn. Khi các nhà lãnh đạo ba nước gặp nhau tại Trại David, Mỹ, vào thứ Sáu, những mối đe dọa này chắc chắn sẽ được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Dù đều là đồng minh hiệp ước của Mỹ, Nhật và Hàn không phải lúc nào cũng hòa thuận với nhau. Nhưng nỗ lực hòa giải, chủ yếu được thúc đẩy bởi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, đã tạo ra một khả năng hợp tác lớn hiếm có, dù còn phụ thuộc rất nhiều vào bất kỳ thay đổi chính quyền nào ở ba nước. Điều này đặc biệt đúng với Hàn Quốc, nơi những ký ức về tội ác thời thuộc địa của Nhật, và cảm giác rằng Nhật chưa chuộc lỗi một cách thích đáng, vẫn còn rất mạnh mẽ. Để đưa hợp tác vào khuôn khổ, các nhà lãnh đạo cần tạo ra các thiết chế như họp ba bên thường kỳ hoặc đường dây nóng. Chúng sẽ tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của họ.

Giới nghiên cứu cần một định nghĩa pháp lý mới cho phôi thai

Vì phôi người — thường được định nghĩa là các tế bào trong 8 tuần phát triển đầu tiên — có thể phát triển thành bào thai và cuối cùng là con người, nghiên cứu về chúng ở hầu hết các nước chỉ giới hạn trong 14 ngày đầu tiên của thai kỳ. Nhưng giờ đây các nhà khoa học đã có thể tạo ra mô hình phôi thai từ tế bào gốc của con người, dù chưa rõ có hợp pháp hay không. Điều này đã khiến một nhóm các nhà sinh vật học nổi tiếng quốc tế đề xuất một định nghĩa pháp lý mới cho phôi thai, qua đó giúp làm rõ khi nào thì xã hội nên hạn chế nghiên cứu chủ đề này.

Trong bài viết trên tạp chí Cell, họ đề xuất phôi thai được định nghĩa là một nhóm tế bào người mà, khi kết hợp với môi trường giống như tử cung, có khả năng hình thành bào thai. Điều đó phá vỡ định nghĩa hiện tại của nhiều quốc gia, vốn cho rằng phôi hình thành từ quá trình thụ tinh; đồng thời đưa ra ý tưởng mới rằng nó không chỉ là một cụm tế bào, mà còn phải ở trong môi trường cho phép nó phát triển. Nếu được thông qua, định nghĩa mới sẽ đặt phôi ngoài những hạn chế nghiên cứu hiện tại.

Hệ thống bảo hiểm lũ lụt ở Mỹ khủng hoảng

Dù lũ lụt ở Mỹ đã gây ra ít nhất 323 tỷ đô la thiệt hại trực tiếp kể từ năm 1960, các công ty bảo hiểm tư nhân thường không cung cấp bảo hiểm cho nhà riêng. Sản phẩm này được bán bởi chính phủ liên bang. Nhưng một lịch sử dài về rủi ro định giá thấp và cho phép xây nhà ở vùng đồng bằng ngập lũ đã khiến Chương trình Bảo hiểm Lũ lụt Quốc gia Mỹ (NFIP) nợ bộ tài chính hơn 20 tỷ đô la.

Quốc hội đã nhiều lần thất bại trong việc cải cách chương trình. Chẳng hạn, luật được thông qua vào năm 2012 để cập nhật bản đồ lũ lụt đã bị đảo ngược khi cử tri nhận ra phí bảo hiểm sẽ tăng. Hồi năm 2021, NFIP đã đơn phương thay đổi cách xác định phí bảo hiểm. Xếp hạng Rủi ro 2.0 giờ đây mở rộng khái niệm nguồn gây lũ lụt, chẳng hạn như lượng mưa lớn.

Một lần nữa, các chủ nhà có phí bảo hiểm tăng tiếp tục không hài lòng. Vào thứ Sáu, mười bang, dẫn đầu là Louisiana, sẽ yêu cầu một thẩm phán liên bang hủy bỏ phương pháp mới của NFIP. Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ, cơ quan kiểm toán của Quốc hội, đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng ngân sách tiếp theo nếu cải cách bị lùi lại. Đối với Quốc hội, họ không còn có thể trì hoãn thêm được nữa.