Thế giới hôm nay: 23/06/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nga cho biết nguyên nhân của vụ hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk nằm sát biên giới Ukraine là bị tấn công bởi hai máy bay không người lái. Còn ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, ít nhất 20 người đã thiệt mạng bởi tên lửa Nga. Cuộc sống ở thành phố này chỉ mới tương đối trở lại bình thường gần đây. Trong khi đó, tình báo quân sự Anh nói các lực lượng dân quân thân Nga và quân chính quy Nga ở vùng Donbas đang hứng chịu “tỉ lệ thương vong cao khác thường.”

Trong phát biểu trước phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell “cam kết mạnh mẽ” giảm lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất 40 năm qua. Ông cũng cho biết cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và phong tỏa vì covid-19 kéo dài sẽ tiếp tục đẩy lạm phát lên cao. Nhưng ông nói kinh tế Mỹ đủ mạnh để “chịu đựng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.”

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết nước bà sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ theo các kế hoạch phòng thủ hiện tại của NATO. Bà Kallas cảnh báo ba nước Baltic sẽ bị quân Nga tràn ngập nếu Moscow tấn công. Bà đưa ra nhận định trên ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tuần tới, nơi các thành viên sẽ thảo luận về chiến lược bảo vệ sườn phía đông của họ.

Trong bài phát biểu trước cả nước vài ngày sau khi mất thế đa số ở nghị viện, Emmanuel Macron nói các chính trị gia của Pháp “phải học cách quản trị và lập pháp theo một cách khác.” Tổng thống Pháp gợi ý rằng các đảng đối lập sẽ làm việc với ông về vấn đề lạm phát, biến đổi khí hậu và thất nghiệp. Ông Macron nói ông tái đắc cử để ban hành những cải cách đầy tham vọng. Nhưng ông sẽ phải nỗ lực nhiều để có đủ số phiếu cần thiết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội đình chỉ thuế nhiên liệu liên bang trong ba tháng khi giá xăng dầu tăng vọt và lạm phát lên cao. Hiện giá trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng là gần 5 đô la, tăng khoảng 60% so với một năm trước. Một số đảng viên Dân chủ lo ngại động thái này sẽ chỉ làm lợi cho các công ty năng lượng thay vì người tiêu dùng. Và phe Cộng hòa cũng phản đối, khiến triển vọng thông qua của nó bị nghi ngờ.

Giới chức cho biết trận động đất mạnh 6,1 độ ở Afghanistan đã giết chết ít nhất 1.000 người và khiến hàng trăm người khác bị thương. Trận động đất xảy ra ở tỉnh Paktika gần biên giới với Pakistan, nhưng mạnh đến mức những nơi xa như Ấn Độ cũng có thể cảm nhận được rung chấn. Nỗ lực cứu trợ sẽ khá phức tạp vì một số cơ quan viện trợ quốc tế đã rời đi khi Taliban trở lại nắm quyền vào năm ngoái.

Các nghị sĩ Israel bỏ phiếu hôm thứ Tư để giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm. Trước đó thủ tướng Naftali Bennett đã từ chức vào thứ Hai vì cho rằng liên minh 8 đảng của ông quá bất ổn để tiếp tục. Phe đối lập, do Binyamin Netanyahu lãnh đạo, muốn chặn dự luật để có thể thành lập chính phủ mới không qua bầu cử.

Con số trong ngày: 79%, là tỷ lệ gia tăng tự tử ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc trong thời gian đóng cửa năm 2020 so với cùng kỳ 2019.

TIÊU ĐIỂM

BRICS họp thượng đỉnh online

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay sẽ khai mạc vào thứ Năm trong hoàn cảnh khó xử. Lãnh đạo các thành viên chính của nhóm — Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga — đã họp thường niên kể từ năm 2009 (Nam Phi chỉ tham gia năm 2010) để thảo luận các vấn đề nổi trội của họ. Cuộc họp trực tuyến kéo dài hai ngày của năm nay, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, sẽ diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc chiến mà người đồng cấp Nga của ông, Vladimir Putin, đang tiến hành ở Ukraine.

Ông Tập muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh để đưa các nền kinh tế lớn mới nổi xích lại gần với Trung Quốc hơn – và chống lại phương Tây. Họ thậm chí xem xét việc mở rộng nhóm, khi Argentina và Saudi Arabia cũng được mời dự họp. Vấn đề Ukraine dĩ nhiên sẽ không được nhắc đến. Và Ấn Độ khả năng cao sẽ không gửi đi các thông điệp chống Mỹ một cách công khai (mặc dù họ thèm muốn vũ khí và dầu mỏ Nga). Với chi phí do chiến tranh khổng lồ trên toàn cầu, ông Tập có thể gặp khó khăn trong nỗ lực đoàn kết nhóm.

EU họp bàn tư cách ứng viên gia nhập của Ukraine và Moldova

Một hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo quốc gia thuộc EU, dự kiến ​​sẽ cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên của khối. Đây là bước đầu tiên trên con đường dài trở thành thành viên. Moldova, quốc gia có chính phủ cải cách thường xuyên bị Nga đe dọa, nhiều khả năng cũng sẽ được trao tư cách ứng cử viên, trong khi Georgia được yêu cầu đáp ứng nhiều điều kiện hơn.

Sẽ không có nhiều tin vui cho bốn nước tây Balkan. Albania, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia đều muốn gia nhập EU nhưng bị trì hoãn suốt nhiều năm qua. (Bắc Macedonia bị phản đối bởi Bulgaria; dù Pháp đứng ra làm trung gian, cuộc khủng hoảng chính phủ ở Sofia đã khiến mọi thứ trở nên mông lung.) Các thành viên EU sẽ thảo luận về việc cấp một số lợi ích cho tư cách thành viên, chẳng hạn như du lịch miễn thị thực, trong quá trình gia nhập khối và, đối với các nước khác, một số hình thức liên kết châu Âu lỏng lẻo hơn. Đến thứ Sáu, hội đồng sẽ giải quyết một vấn đề thậm chí còn lớn hơn: nền kinh tế đang gặp khó khăn của lục địa.

WHO xem xét tuyên bố đậu mùa khỉ là mối quan ngại toàn cầu

Các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao bệnh đậu mùa khỉ, một loại virus gây ra các triệu chứng tương tự thủy đậu — sốt, kiệt sức và mụn mủ — lại lan nhanh đến vậy. Thông thường bệnh này chỉ giới hạn ở các vùng của châu Phi. Nhưng năm nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định được 2.103 ca nhiễm ở 42 quốc gia. (Một trường hợp tử vong được ghi nhận cho đến nay là ở Nigeria.) WHO sẽ họp vào thứ Năm để quyết định xem có nên phân loại dịch bệnh đậu mùa khỉ là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại ở quy mô toàn cầu” (PHEIC) hay không, một chỉ định cho tới nay chỉ áp dụng cho covid-19 và bại liệt.

PHEIC là một chỉ định kỹ thuật áp dụng cho các “sự kiện bất thường” được xác định là tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng thông qua lây nhiễm xuyên biên giới. Nếu WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là PHEIC, tổ chức này cũng sẽ đưa ra khuyến nghị về cách các chính phủ nên xử lý cụm dịch. Nguồn cung vắc-xin đậu mùa hạn chế của thế giới, với khả năng bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ, có thể sẽ hữu ích. Dĩ nhiên quá trình phân phối sẽ cần có sự hợp tác quốc tế. Nhưng nó có thể dễ dàng hơn vắc-xin covid vì nhu cầu không lớn bằng.

Khảo sát chất lượng sống đô thị của The Economist

Chất lượng cuộc sống ở các thành phố trên thế giới đang được cải thiện. Hàng năm EIU, bộ phận nghiên cứu và phân tích của The Economist Group, biên soạn một chỉ số về “mức độ đáng sống” ở các đô thị. Điểm trung bình cho năm 2022 là 73,6, tăng hơn bốn điểm so với năm 2021.

Chỉ số của EIU xếp hạng mức độ đáng sống dựa trên các yếu tố như sự ổn định, y tế, văn hóa, môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Các thành phố phương Tây đã thể hiện khá tốt, sau khi dỡ bỏ hầu hết các hạn chế covid nhờ triển khai vắc-xin thành công. Vienna tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng, lần thứ ba kể từ năm 2018, trong khi năm thành phố khác của châu Âu lọt vào top 10 cùng ba thành phố của Canada.

Có những ngoại lệ đáng chú ý. Mọi thành phố ở Trung Quốc đều tụt hạng. Và cuộc chiến ở Ukraine tạo ra nhiều thay đổi. EIU đã phải hoãn khảo sát ở Kyiv khi giao tranh nổ ra, trong khi cuộc sống ở các thành phố Nga trở nên khó khăn hơn vì môi trường chính trị đè nén — cũng như các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.

Hai cuộc bầu cử bổ sung đầy thách thức cho đảng Bảo thủ Anh

Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh đứng trước hai cuộc bầu cử bổ sung cho nghị viện vào thứ Năm tuần này. Đây sẽ là bài kiểm tra mức độ ủng hộ đối với thủ tướng Boris Johnson, ở hai khu vực bầu cử rất khác nhau.

Cả hai diễn ra theo cách tệ nhất cho đảng của ông. Tại Wakefield, một thành phố miền bắc nước Anh, nơi phe Bảo thủ dẫn trước Công đảng 3.358 phiếu trong cuộc bầu cử gần nhất, nghị sĩ tiền nhiệm đã bị kết tội tấn công tình dục một trẻ em vào năm 2008. Còn ở Tiverton và Honiton, một khu vực bầu cử nông thôn rộng lớn ở tây nam đất nước, thế đa số 24.239 phiếu đang bị đảng Dân chủ Tự do đe dọa. Tại đây, bầu cử được kích hoạt sau khi nghị sĩ Bảo thủ thừa nhận đã xem nội dung khiêu dâm khi làm việc tại Hạ viện. Các cuộc bầu cử phụ sẽ cho thấy liệu cử tri có sẵn sàng tha thứ hai vụ bê bối này hay không, bên cạnh “Partygate” của ông Johnson, trong đó ông bị phạt vì vi phạm quy tắc phong tỏa – cũng như tình trạng kinh tế khó khăn hiện tại.