Lý do thực sự đằng sau chủ nghĩa bảo hộ của phương Tây

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Gideon Rachman, “The real reasons for the west’s protectionism,” Financial Times, 18/09/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Mỹ và EU tin rằng không chỉ nền kinh tế mà cả sự ổn định chính trị và xã hội của họ đang bị đe dọa.

“Hãy trao đổi thương mại tự do với Trung Quốc và thời gian đang đứng về phía chúng ta.” Đó là quan điểm đầy tự tin của George W. Bush, cựu tổng thống Mỹ, trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001. Một thế hệ sau, nhiều người ở phương Tây đã đi đến kết luận rằng, trên thực tế, thời gian đã đứng về phía Trung Quốc.

Bush đã đưa ra một phán quyết chính trị. Ông tin rằng một Trung Quốc hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên cởi mở và dân chủ hơn. Nhưng dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc lại trở nên khép kín và độc tài hơn. Nước này cũng có thái độ thù địch công khai hơn với Mỹ. Cùng lúc đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã cho phép xây dựng quân đội trên quy mô lớn.

Khi nhìn lại, một số nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng quyết định kết nạp Trung Quốc vào WTO là một sai lầm. Họ tin rằng lợi thế lớn mà sự kiện này mang lại cho xuất khẩu của Trung Quốc cũng góp phần đáng kể vào quá trình phi công nghiệp hóa của Mỹ. Bất bình đẳng gia tăng ở Mỹ sau đó đã mở đường cho sự nổi lên của Donald Trump.

Điều đó đặt ra một câu hỏi khó khăn. Phải chăng toàn cầu hóa không hề thúc đẩy dân chủ ở Trung Quốc, mà còn làm suy yếu nền dân chủ ở Mỹ? Đó sẽ là một sự trớ trêu thú vị – nếu chúng ta không phải là người sống chung với hậu quả.

Những lo ngại về “sức khỏe” của nền dân chủ Mỹ đã củng cố chính sách công nghiệp của Nhà Trắng dưới thời Biden. Ông quyết định giữ nguyên các mức thuế do Trump áp đặt đối với Trung Quốc và bổ sung các khoản trợ cấp mạnh tay nhằm tái công nghiệp hóa nước Mỹ và giúp họ dẫn đầu về các công nghệ của tương lai. Nhà Trắng xem những chính sách này là rất quan trọng đối với sự ổn định của xã hội Mỹ và của hệ thống dân chủ Mỹ.

Nhiều người ở châu Âu đã thất vọng trước việc Mỹ chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ và chính sách hỗ trợ công nghiệp. Nhưng thông báo hồi tuần trước xoay quanh cuộc điều tra của EU về trợ cấp cho ngành xe điện của Trung Quốc cho thấy châu Âu đang bắt đầu đi theo con đường tương tự. Mức thuế hiện tại của Mỹ đối với xe hơi Trung Quốc là 27,5%, so với mức thuế của EU là 10%. Nhưng nếu EU xác định rằng Trung Quốc đang trợ cấp không công bằng cho xuất khẩu xe hơi của mình, con số đó có thể tăng mạnh.

Phản ứng của Trung Quốc trước các cuộc điều tra của EU là cáo buộc châu Âu “bảo hộ trắng trợn.” Nhưng một số nhân vật có ảnh hưởng ở Mỹ lại tỏ ra đồng cảm. Jennifer Harris, người giúp thiết kế chính sách công nghiệp của chính quyền Biden, đã tweet rằng “Chào mừng châu Âu. Rất vui vì các vị đã nhập hội.”

Nếu châu Âu thực sự theo chân Mỹ và trở nên bảo hộ hơn, thì họ làm vậy cũng vì lý do tương tự như Mỹ – lo ngại rằng sự cạnh tranh từ Trung Quốc đang làm suy yếu cơ sở công nghiệp của châu Âu và kéo theo đó là sự bất ổn về chính trị xã hội.

Ngành công nghiệp xe hơi là ngành sản xuất quan trọng nhất ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, trung tâm của nền kinh tế EU. Đây cũng là một trong số ít lĩnh vực mà châu Âu có các công ty thực sự đứng đầu thế giới. Ba trong số bốn công ty xe hơi lớn nhất thế giới tính theo doanh thu – Volkswagen, Stellantis, và tập đoàn Mercedes-Benz – đều có trụ sở tại EU.

Nhưng lợi thế của châu Âu trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu đang sa sút nhanh chóng. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ trở thành nước xuất khẩu xe hơi lớn nhất thế giới. Nước này đặc biệt mạnh về xe điện, loại xe của tương lai. Lợi thế đó sẽ khó bị lung lay bởi Trung Quốc đang thống trị việc sản xuất pin và cung cấp khoáng sản đất hiếm quan trọng cho xe điện.

Phản ứng theo truyền thống của thị trường tự do sẽ là châu Âu nên biết ơn nếu Trung Quốc cung cấp xe điện giá rẻ, đáng tin cậy cho người tiêu dùng châu Âu. Việc những chiếc xe này cung cấp nền tảng cho quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu chính là một động lực để chào đón xe điện Trung Quốc. Nhưng thực tế xã hội và chính trị lại phức tạp hơn thế. Theo Ủy ban châu Âu, ngành xe hơi cung cấp hơn 6% việc làm ở EU. Đây thường là các công việc được trả lương cao và có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của các quốc gia như Đức. Chứng kiến những công việc đó được chuyển sang cho Trung Quốc sẽ có tác động lớn về mặt chính trị và xã hội.

Sự ủng hộ dành cho đảng cực hữu Lựa chọn thay thế của nước Đức (AfD) hiện đang tăng rất mạnh ở Đức, với nhiều cuộc thăm dò cho thấy đây là đảng được yêu thích thứ hai. Hãy tưởng tượng mọi chuyện sẽ ra sao nếu ngành công nghiệp xe hơi nội địa của Đức bắt đầu sụp đổ khi xe BYD của Trung Quốc thay thế xe BMW của Đức trên đường cao tốc.

Dù chủ nghĩa bảo hộ dường như là một giải pháp hiển nhiên và hấp dẫn đối với EU, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Châu Âu vẫn cần đầu vào của Trung Quốc – dưới dạng pin và khoáng sản – để sản xuất xe điện cho nhu cầu trong nước. Trung Quốc cũng là thị trường xe lớn nhất thế giới, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mercedes và Volkswagen, với ít nhất một nửa lợi nhuận của Volkswagen đến từ Trung Quốc . Nếu châu Âu áp thuế cao đối với xe điện Trung Quốc, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ trả đũa. Mặt khác, các công ty EU đang mất dần thị phần ở Trung Quốc, và xu hướng có lẽ sẽ ngày càng tăng tốc.

Các vấn đề phức tạp này có thể có nghĩa là châu Âu cuối cùng sẽ không đi theo con đường của Mỹ, và sẽ phải âm thầm từ bỏ những lời đe dọa bảo hộ của mình. Mặt khác, áp lực chính trị và xã hội nhằm cứu vãn ngành công nghiệp xe hơi châu Âu sẽ ngày càng lớn. Sự trỗi dậy của các đảng dân túy và dân tộc chủ nghĩa trên khắp châu Âu sẽ làm gia tăng áp lực đó.

Có thể cuối cùng EU sẽ thúc đẩy một số thỏa hiệp lộn xộn nào đó, chẳng hạn như hạn chế xuất khẩu “tự nguyện” đối với xe điện của Trung Quốc. Nhưng bất kể kết quả cuối cùng ra sao, rõ ràng là chính sách công nghiệp và chủ nghĩa bảo hộ một lần nữa vẫn đáng được quan tâm – ở cả hai bờ Đại Tây Dương.