Trương Đức Giang: ‘Người thứ ba’ ở Bắc Đới Hà và tương lai chính trị Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “’Third man’ of Beidaihe offers clue behind China’s turmoil,”Nikkei Asia, 28/09/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chế độ Tập Cận Bình đã đáp trả bằng việc chấm dứt sự nghiệp của con trai Đặng Tiểu Bình.

Biến động chính trị ở Trung Quốc ngày nay không đơn thuần chỉ xoay quanh việc các bộ trưởng mất tích.

Trương Đức Giang, một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc 76 tuổi, người đã tham dự mật nghị thường niên Bắc Đới Hà hồi tháng 8, là chìa khóa giúp chúng ta hiểu những gì đang thực sự xảy ra bên trong Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Theo các nguồn tin quen thuộc với các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, chỉ ba nhân vật lão thành có mặt tại cuộc họp căng thẳng bất thường năm nay, giữa các đảng viên quyền lực đã nghỉ hưu và các nhà lãnh đạo đương nhiệm tại khu nghỉ mát ven biển ở tỉnh Hà Bắc.

Sự hiện diện của Trương, người có quan hệ mật thiết với phe của cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, có nghĩa là các đại diện lão thành của cả ba lực lượng chính trị lớn đều có mặt để gây áp lực lên chính quyền Tập Cận Bình. Một phe khác gồm những người thân cận với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, và thành viên của quân đội cũng có mặt.

Như đã đưa tin trước đó trong chuyên mục này, những đại diện lão thành còn lại là cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng, 84 tuổi, và Trì Hạo Điền, 94 tuổi, một vị tướng đã nghỉ hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Nhiều bãi biển ở Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, chỉ dành cho khách VIP và có biển cấm dân thường. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

Các nguồn tin nhận định, nếu chỉ chú ý đến việc sa thải Ngoại trưởng Tần Cương và các sự kiện bất thường trong quân đội, bao gồm vụ Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc biến mất, chúng ta có thể sẽ không nhận ra bức tranh toàn cảnh về chính trị Trung Quốc.

Các nguồn tin nói rằng tốt hơn hết hãy chú ý đến những gì ẩn giấu sau hàng loạt sự cố xảy ra vào mùa hè này.

Không giống như hai đảng viên lão thành khác ở Bắc Đới Hà, Trương Đức Giang đã trực tiếp ủng hộ chế độ của Tập trong những ngày đầu với tư cách là một trong bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng. Trương là nhân vật đứng thứ 3 trong hệ thống cấp bậc của đảng, sau Tập và Thủ tướng lúc bấy giờ là Lý Khắc Cường.

Đảng viên lão thành đầu tiên, Tăng Khánh Hồng, được cho là cánh tay phải của cố Chủ tịch Giang Trạch Dân. Người thứ hai, Trì Hạo Điền, có một sự nghiệp quân sự xuất sắc. Ông đã chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và có tin đồn rằng ông vẫn còn giữ một viên đạn trong cơ thể để chứng minh điều đó.

Trương Đức Giang (trái), cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng, và cựu Tham mưu trưởng Trì Hạo Điền: Ba đại diện cho các đảng viên lão thành tại mật nghị Bắc Đới Hà mùa hè năm nay.

Trương có thể không nổi tiếng với người ngoài, nhưng ông vẫn có ảnh hưởng lớn, từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc), một chức vụ chủ chốt đóng vai trò là trung tâm trong việc thông qua các dự luật.

Ông cũng rất khác thường. Dù là người Hán nhưng Trương đã học tiếng Hàn ở Châu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên, thuộc tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc, và học tại Đại học Kim Nhật Thành của Triều Tiên.

Trương đã thể hiện sự khéo léo của mình vào năm 2012, khi ông được cử đến Trùng Khánh để giải quyết ổn thỏa sau khi quan chức hàng đầu thành phố Bạc Hy Lai bị thất sủng. Dù vẫn giữ chức phó thủ tướng, Trương đã kiêm nhiệm chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, thay thế Bạc.

Bức ảnh dưới đây đã ghi lại cảnh Trương và Tập nói chuyện một cách thân thiện. Trương được cho là có quan hệ tốt với chủ tịch nước trước khi nghỉ hưu.

Cả hai thực ra là những người quen cũ: Tập đã kế nhiệm Trương làm Bí thư Tỉnh uỷ Chiết Giang vào đầu những năm 2000.

Trương Đức Giang nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 08/08/2017. (Ảnh của Akira Kodaka)

Tuy nhiên, sự thật khó chịu với Tập là việc Trương cực kỳ thân thiết với hai đảng viên lão thành quyền lực có mối quan hệ mật thiết với Đặng Tiểu Bình.

Một trong hai người là Đặng Phác Phương, 79 tuổi, con trai cả của Đặng Tiểu Bình.

Đặng Tiểu Bình đã bị thanh trừng trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976) và con trai của ông cũng bị bức hại. Đặng Phác Phương đã bị Hồng Vệ Binh ném ra ngoài cửa sổ một toà nhà và bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Ông đã phải ngồi xe lăn kể từ đó.

Đặng Phác Phương là một anh hùng vượt lên từ nghịch cảnh, người đã đứng đầu Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc suốt nhiều năm.

Đặng Phác Phương, con trai Đặng Tiểu Bình. 5 năm trước, Đặng đã có những nhận xét gây tranh cãi, ngầm chỉ trích Tập. (Ảnh chụp màn hình từ CCTV).

Đồng minh còn lại của Trương là Du Chính Thanh, 78 tuổi, cũng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Tập, bắt đầu từ năm 2012.

Du đứng thứ 4 trong hệ thống phân cấp của đảng, kém Trương một bậc. Vào thời điểm đó, Du giữ chức Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước.

Là một người có tính cách điềm đạm, Du có tình bạn đặc biệt sâu sắc với gia đình Đặng Tiểu Bình. Ông cũng là “thế hệ đỏ thứ hai,” tên gọi dành cho con cái của các lãnh đạo đảng thời cách mạng.

Trương Đức Giang thường được cho là thân thiết với Giang Trạch Dân, nhưng thực ra ông thân thiết hơn với gia đình họ Đặng, nhờ quan hệ với Đặng Phác Phương và Du Chính Thanh. Ba người này hiện đang đứng đầu nhóm đảng viên lão thành thân cận với nhà họ Đặng.

Một giai thoại từ 10 năm về trước có thể giúp chúng ta hiểu thêm về Du.

Trước thềm đại hội đảng toàn quốc năm 2012, Du nói với người bạn thân hơn 30 năm rằng: “Rồi anh sẽ thấy. Tôi quyết tâm sẽ là người thứ bảy tham gia” Thường vụ Bộ Chính trị mới.

Người bạn thân hỏi lại, “Ý anh là thứ chín?” Du tự tin đáp, “Không, ý tôi là thứ bảy.”

Du Chính Thanh vào tháng 03/2016. Ông có mối quan hệ mật thiết với gia đình Đặng Tiểu Bình. (Ảnh của Akira Kodaka)

Lúc đó, Du đã ám chỉ rằng số lượng ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ từ chín người có khả năng giảm xuống còn bảy, và gợi ý rằng chiếc ghế thứ bảy sẽ là của ông.

Tại đại hội toàn quốc năm 2012, Tập được bầu làm Tổng Bí thư, còn Du trở thành người số 4 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên. Ông đã được thăng chức cao hơn nhiều so với mong đợi.

Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người từng khen ngợi Du trước công chúng, chính là nhân vật chủ chốt quản lý việc thay đổi nhân sự. Giang có lý do để đánh giá cao Du: Bằng cách thăng chức cho Du, Giang cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt cho gia đình Đặng Tiểu Bình.

Đặng Tiểu Bình đã đưa Giang lên làm Tổng Bí thư sau vụ đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đối với những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ.

Du, người đã giúp duy trì cân bằng quyền lực giữa các phe phái trong đảng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập, đã không tới Bắc Đới Hà vào mùa hè này, một phần vì ông quá thân thiết với gia đình Đặng Tiểu Bình, nên Tập rất cảnh giác với ông.

Tại sự kiện lớn kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm 2021, và sau đó là tại đại hội đảng toàn quốc năm 2022, Tập đã tự cho rằng mình đã vượt qua Đặng Tiểu Bình về địa vị trong lịch sử đảng.

Trương và Du trở thành các nhà chính trị hàng đầu một phần nhờ sự giúp đỡ của nhà họ Đặng, và do đó, họ tỏ ra hoài nghi về lập trường của Tập.

Phát biểu tại một cuộc họp công khai cách đây 5 năm, Đặng Phác Phương đã đưa ra những nhận xét gây tranh cãi, ngầm chỉ trích Tập Cận Bình.

Ông nói, “Chúng ta cần phải biết lượng sức mình và đừng hống hách. Nhưng cũng không nên coi thường bản thân mà không có lý do. Xét đến tình hình hiện tại của chúng ta, Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, nên chúng ta cần tiến về phía trước bằng cách lập kế hoạch chi tiết cho mọi thứ.”

Những nhận xét của Đặng Phác Phương nhanh chóng lan truyền và được diễn giải rộng rãi như một lời cảnh báo chống lại sự kiêu ngạo của Tập, người đã tạo ra một bầu không khí mang hơi hướng sùng bái cá nhân.

Các cơ quan truyền thông chính của Trung Quốc đã không đưa tin về những nhận xét này, theo đó cho thấy Đặng đã đi vào vùng nguy hiểm.

Ngày 19/09, vài tuần sau cuộc họp ở Bắc Đới Hà, một điều bất thường đã xảy ra với Đặng Phác Phương. Tại đại hội toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần của Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc, người ta đã quyết định rằng ông sẽ từ chức chủ tịch danh dự của tổ chức. Ông được kế nhiệm bởi một nhân vật thân cận với Tập.

Khi Đặng Phác Phương xuất hiện tại đại hội toàn quốc của liên đoàn, được tổ chức ở Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, khán giả đã vỗ tay vang dội, có lẽ để bày tỏ sự tiếc nuối trước sự ra đi của ông. Một số nhà quan sát cho rằng hành vi của các khán giả cũng có hàm ý chỉ trích cách làm việc của Tập. Điều này đã xảy ra trước sự chứng kiến của Tập và các cấp dưới của ông.

Chủ tịch Tập Cận Bình vẫy tay chào đám đông trong lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 ở Hàng Châu vào ngày 23/9. Trước đó không lâu, Đặng Phác Phương đã nghỉ hưu hoàn toàn. © Getty Images

Tại Bắc Kinh, người ta đồn rằng sự ra đi của Đặng Phác Phương là do ông bị ép nghỉ hưu sau áp lực liên tục từ chính quyền Tập Cận Bình. Ngay cả khi việc nghỉ hưu là một kết quả được định trước, nó cũng có thể được coi là một đòn phản công của Tập sau những lời khuyên gay gắt mà ông nhận được từ các đảng viên lão thành Bắc Đới Hà.

Không rõ liệu thông qua động thái này, và các cuộc thanh trừng đang diễn ra trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, Tập có thể kiềm chế được thế hệ đỏ thứ hai và quân đội hay không.

Kết quả sơ bộ của cuộc giằng co chính trị trong mùa hè này sẽ trở nên rõ ràng tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20, một sự kiện quan trọng dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới. Thông thường, đây là nơi để thảo luận về diễn biến của nền kinh tế Trung Quốc và những vấn đề lớn mà nước này đang phải đối mặt.

Điều quan trọng nhất khi xem xét tình hình chính trị hiện tại của Trung Quốc là hiểu được điều gì đã diễn ra tại mật nghị Bắc Đới Hà vào mùa hè. Tác động của nó có thể ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế Trung Quốc trong tương lai, cũng như các chính sách đối ngoại và an ninh của đất nước.

Trong “Người Thứ Ba” (The Third Man), bộ phim noir năm 1949, lấy bối cảnh ở Vienna đổ nát thời hậu chiến, “người thứ ba” được cho là đang nắm giữ chiếc chìa khóa mà nhân vật chính cần để giải quyết một bí ẩn. Tương tự, Trương Đức Giang, người thứ ba trong số các đảng viên lão thành ở Bắc Đới Hà, có thể nắm giữ chìa khóa để lý giải động lực quyền lực phức tạp ngày nay và cách chúng tác động đến nền chính trị Trung Quốc. Đó có thể là chiếc chìa khóa mở ra cho Trung Quốc một tương lai mới.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.