Nguồn: Emma Ashford và Evan Cooper, “Yes, the World Is Multipolar,” Foreign Policy, 05/10/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bài liên quan: Không, trật tự thế giới hiện nay không phải là đa cực!
Nhưng đó không phải là tin xấu đối với Mỹ.
Một thuật ngữ học thuật ít được mọi người biết đến đột nhiên trở nên thịnh hành trong các vấn đề quốc tế. Trật tự đa cực – ý tưởng cho rằng có nhiều cường quốc quan trọng trên toàn cầu, chứ không phải chỉ một vài siêu cường – đang được các nhà lãnh đạo, CEO, và học giả coi là tương lai. Tin tức khắp nơi đang gợi ý tầm quan trọng ngày càng tăng của các cường quốc tầm trung, từ Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đến Hàn Quốc và Australia.
Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục. Tháng trước, Jo Inge Bekkevold đã viết trên Foreign Policy, “việc cho rằng thế giới ngày nay là thế giới đa cực chỉ là chuyện hoang đường. … Ngày nay, chỉ có hai quốc gia sở hữu quy mô kinh tế, sức mạnh quân sự, và đòn bẩy toàn cầu đủ lớn để tạo thành một cực: Mỹ và Trung Quốc. Các cường quốc khác vẫn chưa xuất hiện và sẽ không sớm xuất hiện.” Đây dường như cũng là quan điểm của chính quyền Biden, những người đang nỗ lực xây dựng một “kiến trúc an ninh mạng lưới” (networked security architecture) ở Thái Bình Dương và liên kết các đồng minh châu Âu và châu Á với nhau, giống như một nỗ lực nhằm tái hiện giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Cả hai đều đang nhầm lẫn. Trong một bài viết do Trung tâm Stimson xuất bản gần đây, chúng tôi đã đánh giá liệu thế giới có thực sự trở nên đa cực hơn hay không, và làm thế nào các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể tận dụng tốt nhất các đặc điểm của môi trường quốc tế mới nổi để đạt được các lợi ích của Mỹ. Chúng tôi đã đi đến một kết luận rõ ràng: Mỹ đơn giản đã không còn nắm giữ mức độ sức mạnh quân sự và kinh tế tương đương những thập niên đầu của Chiến tranh Lạnh. Và Trung Quốc ngày nay cũng không sánh được với Liên Xô ở thời kỳ đỉnh cao.
Một hệ thống đa cực không yêu cầu ba cường quốc có quy mô bằng nhau; nó chỉ đòi hỏi quyền lực đáng kể phải tập trung ở nhiều hơn hai quốc gia. Ngày nay, các cường quốc tầm trung – từ Nhật Bản đến Ấn Độ – có ảnh hưởng lớn hơn đáng kể so với trước đây. Đó chính là định nghĩa trong sách giáo khoa về cái mà các học giả gọi là “đa cực không cân bằng” (unbalanced multipolarity).
Tranh cãi xoay quanh các định nghĩa về sự phân cực dường như là nhỏ nhặt và vô nghĩa, nhưng các lợi ích liên quan là rất lớn. Chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể khả thi trong một thế giới lưỡng cực, trong đó Washington và các đồng minh kiểm soát phần lớn sức mạnh kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, trong một thế giới đa cực hơn, Mỹ có nguy cơ ngày càng bị cô lập khỏi các cường quốc tầm trung mà nước này cần đến. Chiến lược của Biden – dựa trên cạnh tranh Mỹ-Trung – là hoàn toàn không phù hợp với thực tế mới nổi của chính trị thế giới.
Khái niệm phân cực mô tả sự phân bổ quyền lực trong hệ thống quốc tế và cách quyền lực thay đổi theo thời gian. Những thay đổi này – khi nền kinh tế của các quốc gia lớn mạnh hơn, hoặc khi quân đội của họ thu nhỏ lại – là chìa khóa để hiểu lý do tại sao các quốc gia có thể cạnh tranh hoặc hợp tác với nhau.
Phân cực thường xuất hiện dưới một trong ba dạng: đơn cực (trong đó chỉ có một cường quốc mạnh nhất), lưỡng cực (trong đó hai cường quốc có sức mạnh ngang nhau), và đa cực (trong đó quyền lực được phân tán nhiều hơn giữa một số quốc gia). Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng trật tự đa cực phải bao gồm nhiều quốc gia sở hữu khả năng gần như ngang nhau (tức là trật tự đó phải được cân bằng). Nhưng trên thực tế, các hệ thống đa cực thường không cân bằng, với hai hoặc ba siêu cường và một vài cường quốc bậc trung, tất cả đều tranh giành vị trí trên trường quốc tế.
Trong 30 năm qua, Mỹ rõ ràng là nước dẫn đầu thế giới. Nhưng giờ đây, ý kiến đã bắt đầu chia rẽ. Một số người cho rằng Mỹ vẫn là bá chủ toàn cầu trong tương lai gần, những người khác cho rằng chúng ta đang hướng tới một cuộc cạnh tranh lưỡng cực mới với Trung Quốc, và những người khác nữa tin rằng một kỷ nguyên đa cực đang bắt đầu.
Các lý thuyết về rủi ro là nền tảng cho tất cả những lập luận này. Có một giả định đã tồn tại từ lâu, rằng trật tự lưỡng cực và đơn cực an toàn hơn cho Mỹ so với trật tự đa cực. Rốt cuộc thì, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc một cách hòa bình, qua đó cho thấy Mỹ nên cố gắng chống lại một thế giới đa cực. Nhưng đó lại là một giả định sai lầm khác: Lý thuyết cho rằng một thế giới đa cực sẽ hỗn loạn hơn – thậm chí có nhiều chiến tranh hơn – nhưng lại không có nỗi sợ hãi hằng hữu về sự cạnh tranh giữa các siêu cường, vốn là đặc điểm của cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô. Bạn muốn có điều nào hơn: một vài cuộc chiến nhỏ ở Đông Phi hay Trung Á trong trật tự lưỡng cực, hay một thế giới có ít nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân hơn trong trật tự đa cực?
Trớ trêu thay, dù sự phân cực có thể dễ dàng được mô tả, nhưng nó lại khó được đo lường. Người ta có thể sử dụng bất kỳ chỉ số quân sự hoặc kinh tế nào để chứng minh rằng một quốc gia đang trỗi dậy hoặc đang suy tàn, trong khi một vài chỉ số khác có thể gợi ý điều ngược lại. Chẳng hạn, Bekkevold sử dụng các chỉ số kinh tế và quân sự hiện tại để chứng minh rằng Mỹ và Trung Quốc đang vượt xa các quốc gia khác đến mức việc so sánh là vô nghĩa. Trong khi đó, hai học giả William C. Wohlforth và Stephen G. Brooks sử dụng chi tiêu quân sự và các thước đo công nghệ để lập luận rằng thế giới về cơ bản vẫn là đơn cực.
Ngược lại, nghiên cứu của chúng tôi xem xét hàng chục thước đo khác nhau về quyền lực theo thời gian. Nhìn chung, những chỉ số này chắc chắn cho thấy rằng Mỹ và Trung Quốc đang vượt xa phần còn lại. Nhưng chúng cũng cho thấy sức mạnh kinh tế và quân sự đang được tích lũy ở những quốc gia khác, từ Pháp đến Australia.
Quả thực, dù tỷ lệ phần trăm chính xác thay đổi tuỳ theo thước đo, nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất là: khác với Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô kiểm soát phần lớn sức mạnh kinh tế và quân sự – con số thậm chí còn cao hơn nếu tính gộp cả các khối liên minh tương ứng của họ – ngày nay, Trung Quốc và Mỹ chỉ kiểm soát một phần sức mạnh nhỏ hơn. Ví dụ, một chỉ số về sức mạnh quân sự và kinh tế cho thấy tỷ trọng đã giảm từ khoảng 40% năm 1946 xuống chỉ còn khoảng 30% hiện nay.
Tỷ trọng nền kinh tế toàn cầu do Washington, Moscow, và hai khối liên minh của họ kiểm soát lên tới 88% GDP toàn cầu vào năm 1950. Ngày nay, hai quốc gia lớn nhất chỉ chiếm 57% GDP toàn cầu. Quyền lực đã được chuyển dịch đi nơi khác, chuyển từ các siêu cường sang các cường quốc tầm trung năng động và có năng lực, những nước sẽ giúp định hình môi trường quốc tế trong những thập niên tới.
Tin tức chỉ xác nhận thêm rằng các cường quốc bậc trung đang trở nên có ảnh hưởng hơn. Chỉ trong vài tuần vừa qua: Ukraine tăng cường phản công chống lại người hàng xóm khổng lồ của mình; Ấn Độ trở thành chủ nhà đón tiếp các nền kinh tế lớn nhất thế giới tại G20 – nơi các nước có mặt đã bác bỏ hy vọng của Mỹ về việc lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga ở Ukraine – và sau đó châm ngòi cho một cuộc đối đầu ngoại giao với Canada xoay quanh việc sát hại một nhà bất đồng chính kiến người Sikh trên đất Canada. Và khi chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát một lần nữa, nước có ảnh hưởng quyết định trong xung đột không phải các cường quốc, mà chính là láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã trang bị vũ khí và huấn luyện cho lực lượng Azerbaijan suốt những năm gần đây.
Các cuộc tranh luận về sự phân cực không đơn thuần chỉ là đưa ra lập luận về một thuật ngữ mới của Davos – hiểu biết về sự phân cực chính là nền tảng của các chiến lược hiệu quả. Một phần được thúc đẩy bởi những lo ngại của chính họ về đa cực, chính quyền Biden đang theo đuổi điều mà người ta có thể mô tả là một chiến lược dựa trên các khối.
Họ hy vọng có thể quản lý sự chuyển dịch cân bằng quyền lực toàn cầu bằng cách xây dựng một liên minh chống Trung Quốc, nhấn mạnh hợp tác quân sự và kỹ thuật chặt chẽ hơn giữa các đồng minh trên khắp châu Âu và châu Á, đồng thời cố gắng xây dựng một khối dân chủ toàn cầu – hoặc chí ít là một khối các nước “cùng chí hướng” – định hướng chống lại những nước theo chủ nghĩa xét lại độc tài. Cách tiếp cận này sau đó được kết hợp với các chính sách kinh tế để làm suy yếu khả năng Trung Quốc tiếp cận các thị trường toàn cầu quan trọng và hạn chế chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Tóm lại, dưới thời Biden, Mỹ đang có kế hoạch tái hiện câu chuyện Chiến tranh Lạnh, cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, và hy vọng rằng sức mạnh của các đồng minh và đối tác có thể bù đắp cho sức mạnh đang suy yếu của Mỹ. Tuy nhiên, trong một thế giới đa cực hơn, cách tiếp cận này chứa đầy rủi ro. Bằng cách cố gắng tổ chức một nhóm chống Trung Quốc gồm càng nhiều quốc gia càng tốt, chính quyền Biden có nguy cơ tạo ra những quan hệ đối tác yếu kém, được xây dựng dựa trên lợi ích chung nhỏ nhất.
Cuộc chiến ở Ukraine đã minh chứng cho động lực này trong thực tế: Các quốc gia sẵn sàng – thậm chí háo hức – hợp tác với Mỹ để chống Trung Quốc lại thường không sẵn lòng cam kết ủng hộ quan điểm của Mỹ về Ukraine. Chẳng hạn, Ấn Độ đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng họ vẫn tiếp tục nhập khẩu năng lượng và vũ khí từ Nga. Trong khi đó, ở châu Âu, Đức vẫn là đối tác thương mại thân thiết của Bắc Kinh dù hợp tác chặt chẽ với Mỹ về Ukraine. Một loạt các cường quốc tầm trung với những lợi ích khác nhau khó có thể hình thành một khối toàn cầu thống nhất, bất kể Washington muốn gì.
Một rủi ro khác của cách tiếp cận “theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi” này là Mỹ có thể bị chính các đối tác của mình lợi dụng. Đôi khi, điều này diễn ra dưới hình thức những kẻ ăn theo liên minh, trong đó một số đồng minh đóng góp ít hơn những đồng minh khác cho việc phòng thủ chung. Ngày nay, chúng ta có thể chứng kiến điều này ở NATO, khi chính quyền Biden vừa phải trấn an các đồng minh, vừa phải cảnh cáo họ về việc chi tiêu không đủ. Nếu các đồng minh của Mỹ tin rằng Mỹ không có lựa chọn nào khác, họ sẽ ít có khả năng xem xét những lời cảnh cáo đó một cách nghiêm túc.
Tư duy lưỡng cực – và việc xây dựng các khối – cũng góp phần tạo ra giả định sai lầm rằng bất kỳ chiến thắng nào dành cho Trung Quốc cũng nhất thiết là một tổn thất đối với Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, các chế độ chuyên chế đã được hưởng lợi từ sự hào phóng của Mỹ hoặc Liên Xô để đổi lấy những lời hứa hẹn về tình hữu nghị. Rồi sau đó vài năm, cuộc tranh giành sự ủng hộ giữa hai bên lại bắt đầu một lần nữa. Nỗ lực liên tục của chính quyền Biden nhằm đảm bảo an ninh cho Ả Rập Saudi, được thúc đẩy bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Vịnh, là một ví dụ điển hình.
Lĩnh vực mà thực tế đa cực và chiến lược lưỡng cực xung đột nhiều nhất là kinh tế. Mỹ không còn sở hữu sức mạnh kinh tế đủ lớn để thuyết phục các nước khác cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế, để đổi lấy những lời hứa tiếp cận thị trường Mỹ. Thay vì cắt đứt Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu, cách tiếp cận theo chủ nghĩa trọng thương mới của chính quyền Biden – được đặc trưng bởi thuế quan và kiểm soát xuất khẩu – đã khiến các đồng minh thân cận như Hàn Quốc và Hà Lan khó chịu. Các biện pháp cưỡng chế như trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu có thể mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng có nguy cơ làm giảm sức mạnh kinh tế của Mỹ trong dài hạn khi các quốc gia khác tìm kiếm giải pháp thay thế.
Phần lớn sai lầm trong cách tiếp cận trật tự toàn cầu của chính quyền Biden là họ cố gắng làm quá nhiều với quá ít. Trong một thế giới đa cực, khác với thế giới đơn cực trong ba thập niên qua, sức mạnh tương đối ngày càng suy giảm cho thấy chính phủ Mỹ sẽ không thể thực thi ý chí của mình ở mọi khu vực trên thế giới cùng một lúc.
Tiếp tục xem Mỹ là “quốc gia không thể thiếu” nhiều khả năng sẽ dẫn đến thất bại và dàn trải sức mạnh quá mức. Quả thực, nhiều nghiên cứu học thuật cho thấy rằng các quốc gia phản ứng trước những thay đổi quốc tế về cân bằng quyền lực bằng việc thu hẹp tầm với và tái tổ chức (retrenchment and realignment) thường hoạt động tốt hơn nhiều so với những quốc gia từ chối điều chỉnh và cuối cùng kiệt sức vì vượt quá giới hạn của mình.
Mỹ không nên rút lui khỏi sân khấu thế giới mà nên sử dụng thế giới đa cực để làm lợi thế cho mình. Một chiến lược như vậy sẽ bao gồm ba yếu tố cốt lõi:
Đầu tiên, Mỹ nên tận dụng, thay vì đàn áp, sức mạnh của các đồng minh. Thay vì cố gắng duy trì dấu chân quân sự tốn kém đến mức khó tin như trong những thập niên qua, chính quyền Biden nên nhấn mạnh đến việc chuyển giao gánh nặng, khuyến khích các đồng minh đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc phòng thủ của chính họ, từ đó biến sức mạnh kinh tế của các đồng minh thành sức mạnh quân sự nhằm củng cố các mục tiêu của Mỹ. Hãy xem xét việc các nước Đông Âu tăng cường chi tiêu quân sự sau cuộc chiến ở Ukraine: Nếu được quản lý hợp lý, quá trình chuyển đổi này có thể thay đổi sự phân bổ quyền lực ở châu Âu và đem lại cho lục địa này một hệ thống phòng thủ bền vững hơn, nhưng với chi phí và rủi ro thấp hơn cho người Mỹ.
Thứ hai, trong một thế giới đa cực, tính linh hoạt và cởi mở có giá trị rất cao. Chính quyền Biden nên cởi mở hơn trong việc tham gia các hiệp định thương mại đôi bên cùng có lợi. Những thất bại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương không phải do các bên tham gia khác thiếu sự quan tâm, mà là do người Mỹ đã chủ trương bảo hộ thương mại. Thay vì một “cuộc đua xuống đáy” qua chủ nghĩa bảo hộ, điều cần thiết bây giờ là một “cuộc đua lên đỉnh” với Trung Quốc về thương mại.
Cuối cùng, các liên minh lớn ít có khả năng hoạt động hiệu quả trong một thế giới đa cực. Thay vào đó, chính quyền Biden nên tập trung vào các thỏa thuận song phương và tiểu đa phương nhấn mạnh vào lợi ích chung. Họ đã đạt được một số thành công trong lĩnh vực này, từ thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu G-7, đến thỏa thuận cơ sở hạ tầng của Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad).
Đa cực sẽ không làm cho Mỹ trở nên bất lực. Trên thực tế, nó có thể là một lợi ích cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Bằng cách tập trung tận dụng lợi thế đa cực của mình, chính quyền Biden có thể thúc đẩy an ninh của Mỹ và duy trì vai trò toàn cầu của nước này. Đừng sợ hãi, mà hãy đón nhận trật tự đa cực.
Emma Ashford là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là nghiên cứu viên cấp cao trong Chương trình Tái định hình Đại chiến lược của Mỹ tại Trung tâm Stimson, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, đồng thời là tác giả của cuốn Oil, the State, and War.
Evan Cooper là cộng tác viên nghiên cứu trong Chương trình Tái định hình Đại chiến lược của Mỹ tại Trung tâm Stimson.