Chuyển động Quốc Phòng (20/10 – 26/10/2023)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Chiến tranh Israel – Hamas:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Đông Nam Á:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Nga tuyên bố phá hủy 3 tàu Ukraine ngoài khơi Crimea

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng hải quân đã phá hủy ba tàu không người lái của Ukraine ở phía bắc Biển Đen ngoài khơi Bán đảo Crimea. Nga cũng thực hiện chiến dịch chống khai thác và “chống phá hoại” đang được tiến hành ngoài khơi cảng Sevastopol ở Biển Đen, nơi Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân. Moscow đã sử dụng hạm đội, bao gồm khoảng 30 tàu chiến, để cố gắng phong tỏa bờ biển Ukraine và bắn tên lửa vào các thành phố của Ukraine.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia claims destruction of three Ukrainian boats off Crimea. Truy cập ngày 25/10/2023

Lực lượng Nga tăng cường áp lực lên Avdiivka, Kherson của Ukraine

Các lực lượng Nga ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine đã liên tục tấn công thị trấn Avdiivka ở phía đông và tăng cường pháo kích ở khu vực phía nam Kherson. Phía Ukraine cho biết đã đẩy lùi gần 20 cuộc tấn công của Nga xung quanh Avdiivka. Avdiivka được coi là cửa ngõ để chiếm lại thành phố Donetsk do Nga nắm giữ và phần còn lại của Donbas – bao gồm các khu vực Donetsk và Luhansk. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết tình hình ở Avdiivka và thị trấn Maryinka gần đó đặc biệt khó khăn trước nhiều cuộc tấn công của Nga, nhưng Ukraine vẫn giữ vững phòng tuyến.

Xem thêm tại: Reuters, Russian forces intensify pressure on Ukraine’s Avdiivka, Kherson. Truy cập ngày 24/10/2023

Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công bằng drone của Nga tại Odesa

Ukraine đã bắn hạ 14 drone và một tên lửa hành trình của Nga ở phía nam và phía đông nước này chỉ trong một đêm, nhưng các mảnh vỡ từ chiếc drone bị bắn rơi đã làm hư hại một nhà kho ở cảng Odesa ở Biển Đen. Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng và ngũ cốc kể từ khi rút khỏi thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian vào tháng 7, cho phép Kyiv vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine repels Russian drone strike, but debris damages Odesa warehouse. Truy cập ngày 24/10/2023

Tiểu đoàn Siberia của Ukraine tuyển người Nga giúp chống lại Moscow

Một chỉ huy người Ukraine tự giới thiệu mình bằng biệt hiệu Batya cho biết một số tân binh thuộc Tiểu đoàn Siberia mới thành lập của Ukraine. Một sĩ quan quân đội Ukraine cho biết hầu hết trong số 50 thành viên của đơn vị đều đến từ Nga, đi qua các nước thứ ba để đến Ukraine. Những tân bình này hầu hết là người dân bản địa ở Siberia và họ muốn chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc Nga cả ở Ukraine và quê hương của họ.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine’s Siberian Battalion recruits Russians to help fight Moscow. Truy cập ngày 25/10/2023

Tổng thống Biden kêu gọi 60 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ yêu cầu Quốc hội cấp viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine và 14 tỷ USD cho Israel. Yêu cầu này cũng sẽ bao gồm 10 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo, 14 tỷ USD cho an ninh biên giới và 7 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một nửa trong số 60 tỷ USD mà tổng thống Biden yêu cầu dành cho Ukraine sẽ dùng để thay thế và hiện đại hóa kho vũ khí của Mỹ.

Xem thêm tại: Reuters, Biden to seek $60 bln for Ukraine, $14 bln for Israel – source. Truy cập ngày 21/10/2023

Chiến tranh Israel – Hamas:

Hamas cho biết các chiến binh của họ đã giao tranh với lực lượng Israel xâm nhập vào Gaza

Các chiến binh Hamas giao chiến với lực lượng Israel đã xâm nhập vào Dải Gaza và quay trở lại căn cứ của họ sau khi phá hủy một số thiết bị quân sự của Israel. Nhóm này cho biết cuộc xâm nhập của lực lượng thiết giáp Israel đã diễn ra ở phía đông Khan Younis ở khu vực phía nam Gaza, trong bối cảnh có những lo ngại về một cuộc tấn công toàn diện trên bộ của lực lượng Israel tập trung xung quanh khu vực này.

Xem thêm tại: Reuters, Hamas says its fighters engaged Israeli force infiltrating Gaza. Truy cập ngày 24/10/2023

Đại sứ quán Israel ở Nicosia bị đánh bom

Một vụ nổ nhỏ xảy ra trong đêm bên ngoài đại sứ quán Israel ở thủ đô Nicosia của Síp. Cảnh sát cho biết một vật kim loại chứa “một lượng nhỏ vật liệu pháo hoa” đã phát nổ cách khu vực vành đai của đại sứ quán khoảng 30 mét, nằm trong khu vực đông dân cư của Nicosia. Síp, ở rìa Trung Đông đầy biến động, đã thắt chặt an ninh tại các địa điểm trên khắp hòn đảo bằng cách mở rộng hàng rào an ninh xung quanh đại sứ quán, chặn các con đường dân sự.

Xen thêm tại: Jerusalem Post, Explosive attack on Israel’s Nicosia embassy, homemade bomb used. Truy cập ngày 22/10/2023

Israel không kích khu vực gần 3 bệnh viện ở Gaza

Máy bay chiến đấu của Israel hôm thứ hai đã ném bom các khu vực gần ba bệnh viện ở Dải Gaza. Các báo cáo cho biết Israel đã tấn công gần các bệnh viện Shifa và Al-Quds của Thành phố Gaza và gần Bệnh viện Indonesia, ở phía bắc khu vực này. Giám đốc Bệnh viện Indonesia cho biết vụ đánh bom đã gây ra “thiệt hại và thương tích nghiêm trọng” nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Xem thêm tại: Reuters, Israel strikes hit areas near three Gaza hospitals, Palestinian media report. Truy cập ngày 24/10/2023

Israel dùng drone tấn công người Palestine trong cuộc đột kích ở Bờ Tây

Lực lượng Israel trong một cuộc đột kích qua đêm ở Bờ Tây bị chiếm đóng đã bị tấn công bởi một nhóm người Palestine mà quân đội sau đó nhắm tới bằng một cuộc tấn công bằng drone. Israel cho biết những người Palestine có vũ trang đã bắn và ném bom vào lực lượng của họ ở trại tị nạn Jenin, phía bắc Bờ Tây. Cuộc tấn công này ít nhất là lần sử dụng sức mạnh không quân thứ ba của Israel ở Bờ Tây kể từ khi bạo lực trên lãnh thổ này gia tăng sau vụ xả súng ngày 7 tháng 10 của Hamas ở miền nam Israel.

Xem thêm tại: Reuters, Israeli drone strikes Palestinians during West Bank raid, military says. Truy cập ngày 26/10/2023

Israel tấn công hai nhánh Hezbollah ở Lebanon

Quân đội Israel cho biết đã sử dụng máy bay đã tấn công hai đơn vị Hezbollah ở Lebanon, nơi đang có kế hoạch phóng tên lửa chống tăng và rocket về phía Israel, khi giao tranh bùng phát khắp biên giới chung của hai nước. Lebanon báo cáo về một cuộc không kích của Israel ở vùng ngoại ô phía nam Aitaroun. Quân đội Israel cho biết một đơn vị nằm liền kề với thị trấn Mattat của Israel, cách Aitaroun khoảng 13 km về phía tây nam. Cơ quan này cho biết khu vực còn lại nằm xa hơn về phía bắc trong khu vực Trang trại Shebaa đang tranh chấp.

Xem thêm tại: Reuters, Israel strikes two Hezbollah cells in Lebanon, military says. Truy cập ngày 24/10/2023

Israel trang bị vũ khí cho đội an ninh dân sự vì lo ngại xung đột nội bộ

Israel đã thành lập hàng trăm đội an ninh tình nguyện trong hai tuần kể từ khi chiến tranh ở Gaza nổ ra và đang trang bị vũ khí cho họ nếu xảy ra tình trạng bất ổn giữa người Do Thái và người Ả Rập. Cảnh sát Israel đã bắt giữ hàng chục công dân Ả Rập vì nghi ngờ kích động và ủng hộ Hamas. Bộ trưởng cảnh sát Itamar Ben-Gvir đã dự đoán rằng cuộc chiến này có thể lặp lại tình trạng bất ổn năm 2021 và đã ra lệnh nới lỏng các quy định cấp giấy phép sử dụng súng cho công dân, trong đó người nộp đơn phải phục vụ trong quân đội Israel. Một biện pháp bổ sung là thành lập các đội an ninh tình nguyện để tuần tra trên đường phố và hỗ trợ cảnh sát.

Xem thêm tại: Reuters, Israel arms civilian security squads, fearing internal strife. Truy cập ngày 23/10/2023

Israel tấn công khí tài của quân đội Syria sau khi phóng tên lửa

Quân đội Israel cho biết các máy bay phản lực của họ đã tấn công cơ sở hạ tầng và bệ phóng súng cối của quân đội Syria nhằm đáp trả các vụ phóng tên lửa từ Syria về phía Israel. Quân đội Israel cho biết họ đã xác định được hai vụ phóng tên lửa từ Syria đã rơi xuống các khu vực trống trải và họ đã đáp trả bằng pháo kích. Phía Israel không cáo buộc quân đội Syria đã bắn hai quả tên lửa, khiến còi báo động không kích ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng hôm thứ Ba.

Xem thêm tại: Reuters, Israel strikes Syrian army assets after rocket launches, Israeli military says. Truy cập ngày 25/10/2023

Mỹ gửi thêm hệ thống phòng không tới Trung Đông

Mỹ sẽ gửi hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và hệ thống Patriot bổ sung tới Trung Đông. Trước đó, Mỹ đã gửi một lực lượng hải quân đáng kể tới Trung Đông trong những tuần gần đây, bao gồm hai tàu sân bay, các tàu hỗ trợ và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ. Hệ thống THAAD có radar mạnh mẽ. Việc Mỹ triển khai hệ thống này tới Hàn Quốc vào năm 2016 đã khiến Trung Quốc tức giận vì tin rằng họ có thể xâm phạm không phận của mình.

Xem thêm tại: Reuters, U.S. sending additional air defense systems to Middle East – Pentagon. Truy cập ngày 23/10/2023

Hải quân Trung Quốc triển khai tới 6 tàu chiến ở Trung Đông trong tuần qua

Các báo cáo cho thấy Trung Quốc đã triển khai tới 6 tàu chiến đến Trung Đông trong tuần qua. Theo đó, lực lượng đặc nhiệm đến từ Chiến khu phía Đông của PLA, bao gồm tàu Truy Bác, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D, tàu khu trục Kinh Châu và tàu tiếp tế tích hợp Thiên Đảo Hồ. Đoàn hộ tống mới, từ Bộ chỉ huy Chiến khu phía Bắc của PLA, bao gồm một tàu khu trục Loại 052 khác là Urumqi; tàu khu trục Lâm Nghi và tàu tiếp tế Đông Bình Hồ. Các tàu khu trục Type 052D mang theo thiết bị điện tử và radar tiên tiến tương đương với hệ thống Aegis của Mỹ và bệ phóng tên lửa thẳng đứng 64 ô.

Xem thêm tại: SCMP, China PLA stationed up to 6 warships in Middle East over past week amid rising tensions from Israel-Gaza war: reports. Truy cập ngày 20/10/2023

Úc triển khai thêm máy bay, nhân sự tới Trung Đông

Úc hôm thứ tư cho biết họ đã triển khai thêm hai máy bay quân sự và một “số lượng đáng kể” nhân viên quốc phòng tới Trung Đông để giúp hỗ trợ công dân của mình ở đó nếu cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas leo thang. Úc đã gửi một máy bay Boeing C-17 và một máy bay tiếp nhiên liệu trên không có khả năng chở hành khách, nâng tổng số lên ba chiếc.

Xem thêm tại: Reuters, Australia deploys more aircraft, personnel to Middle East. Truy cập ngày 25/10/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Mỹ triển khai máy bay ném bom B-52 có khả năng hạt nhân tới Guam

Mỹ đã triển khai B-52 Stratofortresses, một phần của Phi đội ném bom số 2 đóng tại Căn cứ Không quân Barksdale ở Louisiana, đến Căn cứ Không quân Andersen ở Guam. Việc triển khai này là một phần trong các nhiệm vụ của Lực lượng đặc nhiệm ném bom (BTF) đang diễn ra nhằm thể hiện sức mạnh và độ tin cậy về khả năng quân sự của Mỹ trong việc giải quyết bối cảnh an ninh toàn cầu rất đa dạng và khó lường hiện nay. Các nhiệm vụ BTF, được tích hợp vào khuôn khổ chiến lược của quân đội Mỹ, được thiết kế để nâng cao khả năng phục hồi hoạt động của máy bay ném bom chiến lược, cho phép chúng hoạt động liền mạch từ nhiều địa điểm khác nhau trên toàn thế giới, bao gồm các căn cứ ở nước ngoài và trong lục địa Mỹ.

Xem thêm tại: Reuters, US deploys nuclear-capable B-52 bombers to Guam. Truy cập ngày 22/10/2023

Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang mở rộng cách tấn công vào lục địa Mỹ

Trung Quốc đang mở rộng các cách có thể tấn công lục địa Mỹ, bao gồm cả tên lửa liên lục địa được trang bị thông thường và vũ khí phóng từ tàu ngầm có thể được bắn từ sự an toàn của vùng nước ven biển. Nếu một phiên bản vũ trang thông thường được phát triển và triển khai, những khả năng như vậy sẽ cho phép Trung Quốc “đe dọa nhằm vào các mục tiêu ở lục địa Mỹ, Hawaii và Alaska”.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, China expanding ways to target continental U.S., Pentagon report says. Truy cập ngày 20/10/2023

Trung Quốc tuyên bố phát hiện thêm một vụ gián điệp ở Mỹ

Cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc hôm chủ nhật cho biết một công dân Trung Quốc làm việc cho một viện quốc phòng đã bị buộc tội làm gián điệp cho Mỹ. Một người đàn ông họ Hầu làm việc tại một viện quốc phòng không được tiết lộ đã được cử đến làm học giả thỉnh giảng tại một trường đại học Mỹ vào năm 2013, nơi anh ta bị ép buộc tiết lộ bí mật quốc gia của Trung Quốc. Một giáo sư người Mỹ thân cận với Hầu đã giới thiệu anh với một người tự xưng là nhân viên của một công ty tư vấn, nhưng thực chất là một “sĩ quan tình báo” người Mỹ sử dụng công ty này làm vỏ bọc cho mình. Viên chức tình báo đã tiếp cận ông Hầu để trở thành chuyên gia tư vấn tại công ty của anh ta. Ông Hầu sẽ được yêu cầu tiết lộ những bí mật tuyệt mật trong các phiên họp kéo dài hàng giờ và sẽ nhận được 1.000 USD tiền thưởng.

Xem thêm tại: Reuters, China says it uncovered another spying case in US. Truy cập ngày 24/10/2023

Mỹ gửi tàu không người lái đến căn cứ hải quân ở Nhật Bản, báo hiệu vai trò mới của tàu không người lái trong việc ngăn chặn Trung Quốc

Thủy thủ và Biệt kích của Hạm đội 3 Mỹ đã khởi hành từ California đến Yokosuka, Nhật Bản vào tháng trước trong khuôn khổ cuộc tập trận Integrated Battle Problem 23.2 (IBP23.2) của Hải quân Mỹ. IBP23.2 là cuộc diễn tập tập trung vào việc thử nghiệm việc sử dụng USV cùng với các tàu có người lái ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc triển khai thuyền không người lái và drone là một phần của chiến lược bù đắp nhằm giảm số lượng binh sĩ trong chiến tranh hiện đại, với mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu thương vong.

Xem thêm tại: SCMP, US sends drone ships to navy bases in Japan, signalling new role for driverless vessels in deterring China. Truy cập ngày 23/10/2023

Các nhà thầu quốc phòng Nhật Bản chào hàng cho quân đội Mỹ

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tổ chức một sự kiện tại đây để tạo điều kiện thuận lợi cho các thỏa thuận giữa quân đội Mỹ và các nhà thầu quốc phòng Nhật Bản, nhằm tìm cách thúc đẩy các dịch vụ bảo trì liên quan đến tàu và máy bay cũng như các bộ phận vệ tinh không gian của nước này. Tại sự kiện Ngày Công nghiệp, có 23 công ty Nhật Bản và 7 doanh nghiệp Mỹ tham gia. Ngoài những công ty lớn như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và NEC, khoảng một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japanese defense contractors pitch wares to U.S. military. Truy cập ngày 21/10/2023

Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên với Nhật Bản và Mỹ

Hàn Quốc, cùng với Nhật Bản và Mỹ hôm chủ nhật đã tổ chức một cuộc tập trận chung trên không gần bán đảo Triều Tiên. Lực lượng không quân Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận nhằm mở rộng khả năng ứng phó của các nước trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ cũng như máy bay chiến đấu của ba quốc gia. Cũng trong ngày Chủ nhật, hải quân Hàn Quốc và Mỹ đã hoàn thành cuộc tập trận chống tàu ngầm chung mang tên Silent Shark, hải quân Hàn Quốc cho biết.

Xem thêm tại: Reuters, South Korea says holds first joint air drill with Japan and US. Truy cập ngày 23/10/2023

Mitsubishi Electric giành được hợp đồng quốc phòng đầu tiên với Úc trong ngành

Mitsubishi Electric đã ký một thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Úc để phát triển thiết bị chung, công ty này công bố hôm thứ Năm. Công ty con Mitsubishi Electric Australia và quân đội Australia sẽ kết hợp công nghệ laser để tăng cường khả năng giám sát cho máy bay chiến đấu và phương tiện. Năm 2016, Nhật Bản từng cố gắng bán tàu ngầm Soryu do Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries chế tạo cho Australia nhưng bị thua vào tay một công ty của Pháp.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Mitsubishi Electric lands Australia defense contract in industry first. Truy cập ngày 21/10/2023

Pakistan thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung

Pakistan vừa tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Ghauri, sử dụng nhiên liệu lỏng, có tầm bắn lên tới 1.500 km. Tên lửa Ghauri/Hatf-V là một phần của chương trình tên lửa chiến lược của Pakistan trong một thời gian và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng phòng thủ của quốc gia. Cuộc thử nghiệm này là một phần trong nỗ lực không ngừng của Pakistan nhằm cải thiện công nghệ quân sự và đảm bảo tính sẵn sàng của lực lượng phòng thủ.

Xem thêm tại: Defence Blog, Pakistan tests medium-range ballistic missile. Truy cập ngày 25/10/2023

Đông Nam Á:

Philippines sẽ không có cam kết quân sự hiện tại và tương lai với Đài Loan

Philippines không có cam kết quân sự với Đài Loan và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy thấy sẽ có cam kết nào trong tương lai với hòn đảo. Philippines coi nguy cơ xung đột ở Đài Loan là mối lo ngại lớn trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Quân đội đã sẵn sàng cho mọi tình huống, mặc dù họ chưa theo dõi các báo cáo về bất kỳ cuộc tấn công có chủ đích nào nhằm vào Đài Loan nói riêng. Quân đội Philippines đã thành lập một đội hải quân ở đảo Mavulis cực bắc của đất nước, cách mũi phía nam của Đài Loan 150 km, nơi có 150.000 người Philippines sống và làm việc.

Xem thêm tại: Reuters,  Philippines sees no current, future engagements with Taiwan – military chief. Truy cập ngày 20/10/2023

Philippines tuyển dụng ‘chiến binh mạng’ để phòng thủ mạng

Quân đội Philippines đang thành lập một bộ chỉ huy mạng để cải thiện khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng hầu như hàng ngày và sẽ nới lỏng các quy định tuyển dụng để đảm bảo có thể thu hút các chuyên gia trực tuyến. Một số cơ quan chính phủ, bao gồm cả Hạ viện, gần đây đã báo cáo về các cuộc tấn công mạng và người đứng đầu lực lượng vũ trang cho biết một số cuộc tấn công gần như hàng ngày vào quân đội đến từ nước ngoài. Quân đội sẽ ngừng cho phép các công ty viễn thông xây dựng tháp di động trong các trại quân sự. Các căn cứ đã đặt các cơ sở lắp đặt do một số hãng điện thoại di động điều hành, bao gồm cả gã khổng lồ viễn thông nhà nước China Telecom của Trung Quốc.

Xem thêm tại: Reuters, Philippines to recruit ‘cyber warriors’ for online defence. Truy cập ngày 20/10/2023

Hải quân Thái Lan mua tàu khu trục thay vì tàu ngầm Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Sutin Klungsang cho biết hải quân sẽ đặt mua tàu khu trục Trung Quốc thay vì tàu ngầm Trung Quốc vì tàu ngầm Trung Quốc không thể có động cơ của Đức như Thái Lan quy định ban đầu. Thỏa thuận ban đầu được ký vào năm 2017 cho tàu ngầm lớp S26T yêu cầu sử dụng động cơ diesel do Đức sản xuất, nhưng Đức cấm sử dụng động cơ như vậy trong phần cứng quân sự và quốc phòng của Trung Quốc. Hải quân đã đưa ra hai đề xuất. Một là mua tàu khu trục có thể chống lại tàu ngầm, hai là mua tàu tuần tra ngoài khơi. Ông Sutin cho biết ông và chính phủ đã chọn phương án tàu khu trục có chi phí 17 tỷ baht, cao hơn 1 tỷ baht so với dự án tàu ngầm.

Xem thêm tại: Bangkok Post, Navy to buy frigate instead of Chinese sub. Truy cập ngày 21/10/2023

Malaysia, Indonesia tiến hành tập trận chung ở Tawau

Malaysia và Indonesia đang tổ chức một cuộc tập trận chung nhằm nâng cao năng lực cũng như sự hiểu biết giữa quân đội hai nước tại quận Tawau, bờ biển phía đông Sabah. Cuộc tập trận Keris Kartika Malaysia-Indonesia, hay Kekar ​​Malindo, kéo dài 9 ngày, bắt đầu vào thứ hai (23/10) sẽ có sự tham gia của hơn 600 sĩ quan và quân nhân của cả hai lực lượng vũ trang. Tư lệnh Lữ đoàn bộ binh số 13 Malaysia, Chuẩn tướng Hashim Osman cho biết cuộc tập trận nhằm mục đích cải thiện lực lượng vũ trang của cả hai nước trong chiến tranh tấn công thông thường.

Xem thêm tại: The Star, Malaysia, Indonesia conducting joint military exercise in Tawau. Truy cậ[ ngày 24/10/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

NATO tăng cường tuần tra vùng Baltic sau thiệt hại cơ sở hạ tầng dưới biển

NATO đang tăng cường tuần tra ở Biển Baltic sau những thiệt hại gần đây đối với cơ sở hạ tầng dưới biển trong khu vực. Động thái này diễn ra sau thông báo của chính quyền về việc tuyến cáp viễn thông Biển Baltic nối Thụy Điển và Estonia cũng như tuyến đường ống và cáp Phần Lan-Estonia bị hư vào cùng thời điểm vào đầu tháng này. NATO, Liên minh Châu Âu và các chính phủ quốc gia đã đặt việc bảo vệ các đường ống và dây cáp dưới biển lên hàng đầu kể từ khi các vụ nổ vào tháng 9 năm 2022 làm đứt các đường ống Dòng chảy Phương Bắc dưới Biển Baltic và cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Châu Âu.

Xem thêm tại: Reuters, NATO boosts Baltic patrols after undersea infrastructure damage. Truy cập ngày 21/10/2023

Hanwha vận chuyển lô pháo K9 mới tới Ba Lan

Một lô hàng mới gồm 18 khẩu pháo tự hành K9 đã bắt đầu hành trình đến Ba Lan từ cơ sở sản xuất Hanwha Aerospace ở Changwon. Lựu pháo K9 tương thích với NATO có tầm bắn vượt quá 40 km (25 dặm) với loại đạn 155mm thông thường. K9 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động, có thể bắn sáu phát mỗi phút liên tục trong ba phút.

Xem thêm tại: Defence Blog, Hanwha ships new batch of K9 howitzers to Poland. Truy cập ngày 24/10/2023

Azerbaijan tổ chức tập trận chung đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ chiến thắng Karabakh

Azerbaijan hôm thứ hai cho biết họ đã bắt đầu một loạt cuộc tập trận quân sự chung với đồng minh thân cận Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết óc tới 3.000 quân nhân đang tham gia cuộc tập trận với Thổ Nhĩ Kỳ đang được tổ chức trên khắp Azerbaijan, bao gồm cả ở Baku, vùng lãnh thổ Nakhichevan giáp Thổ Nhĩ Kỳ và ở nơi mà Baku gọi là “các vùng lãnh thổ được giải phóng” Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên kết chặt chẽ về ngôn ngữ và văn hóa với Azerbaijan, đồng thời đã hỗ trợ quân sự và chính trị cho Baku trong cuộc xung đột kéo dài ba thập kỷ với Armenia.

Xem thêm tại: Reuters, Azerbaijan holds first joint drills with Turkey since Karabakh victory. Truy cập ngày 24/10/2023

Serbia nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết bị quốc phòng Trung Quốc

Thiết bị quân sự của Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh đáng kể cho lực lượng vũ trang Serbia, đặc biệt là hệ thống phòng không và drone. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucevic cho biết hệ thống tên lửa phòng không tầm trung FK-3 của Trung Quốc cùng các drone CH-95 và CH-92A của nước này “chắc chắn” là một trong những hệ thống phòng thủ quan trọng nhất mà Serbia mua được. Serbia đã mua hệ thống phòng không FK-3, tương tự như S-300 của Nga hoặc hệ thống Patriot của Mỹ, vào năm 2019.

Xem thêm tại: Reuters, Serbia highlights importance of Chinese defence equipment. Truy cập ngày 24/10/2023

Nhà Trắng cáo buộc Iran ‘tích cực tạo điều kiện’ tấn công căn cứ quân sự Mỹ

Nhà Trắng hôm thứ hai cho biết Iran trong một số trường hợp đã “tích cực tạo điều kiện” cho các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone của các nhóm ủy quyền được Iran hậu thuẫn nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria, và Tổng thống Biden đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị nhiều hơn và phản ứng thích hợp. Một số quốc gia tin rằng các nhóm này được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và chính phủ Iran hỗ trợ, vốn cũng đang tiếp tục hỗ trợ các nhóm chiến binh Hamas và Hezbollah.

Xem thêm tại: Reuters, White House says Iran ‘actively facilitating’ some attacks on US military bases. Truy cập ngày 24/10/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Bỏ rơi Ukraine sẽ gây ra hệ lụy lớn như thế nào?

Thất bại của Ukraina trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga sẽ là một thất bại thảm hại đối với phương Tây trên nhiều mặt, đặc biệt là từ góc độ kinh tế. Đầu tiên, nếu quân đội Nga có thể tiến vào Ukraine và tới biên giới với Ba Lan, có khả năng hàng chục triệu người Ukraine sẽ chạy trốn về phía tây. Điều này sẽ gây ra những rủi ro lớn về kinh tế, xã hội và chính trị cho châu Âu. Thứ hai, sẽ là hết sức liều lĩnh nếu phương Tây cho rằng ông Putin chỉ dừng lại ở Ukraine. Thay vào đó, Putin có nguy cơ sẽ tiến xa hơn về phía tây, chống lại các quốc gia vùng Baltic và những nơi khác ở Trung và Đông Âu. Mặt khác, phương Tây có thể sẽ cần phải chống lại mối đe dọa này bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng, vượt xa mục tiêu 2% GDP hiện tại của NATO. Do Mỹ đã chi tiêu ở mức này và giả sử chỉ có châu Âu mới đạt đến mức này, thì chỉ riêng châu Âu sẽ có thêm 200 tỷ USD chi tiêu quốc phòng mỗi năm. Khoản chi tiêu quốc phòng bổ sung 200 tỷ USD này của NATO sẽ được thực hiện hàng năm và định kỳ. Do đó, việc dồn tiền mặt để giúp Ukraine tự vệ và phương Tây, trong quá trình này, sẽ mang lại lợi nhuận gấp đôi và thậm chí còn nhân lên gấp bội nếu Ukraine thắng và ngăn chặn hoặc loại bỏ mối đe dọa lâu dài từ Nga. Kế đến, chiến thắng của Nga trước Ukraine sẽ báo hiệu cho các kẻ thù của phương Tây thấy sự yếu kém của liên minh xuyên Đại Tây Dương và khuyến khích họ thử thách quyết tâm của liên minh này ở các khu vực khác, đặc biệt là ở Đài Loan, Biển Đông và Trung Đông. Cuối cùng, việc Ukraine thất bại sẽ chứng tỏ rằng những hành động tống tiền của Nga, chẳng hạn như về cung cấp năng lượng, đã thành công. Từ đó, Nga sẽ tiếp tục thực hiện các hành động bắt nạt như sử dụng vũ khí năng lượng và hàng hóa của mình, để đảm bảo lợi ích chiến lược và gây ra tổn thất kinh tế cao cho phương Tây, khiến phương Tây sẽ trả nhiều tiền hơn cho những hàng hóa quan trọng.

Xem thêm tại: CEPA, The Sky-High Costs of Abandoning Ukraine. Truy cập ngày 24/10/2023

Israel sẽ tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Gaza như thế nào?

Israel đang sẵn sàng tấn công và các chiến binh Palestine đang chuẩn bị bảo vệ Gaza. Cả hai bên đều quyết tâm và có kinh nghiệm và đều tuyên bố rằng cuối cùng họ sẽ thắng thế. Nhưng trước hết, lực lượng Israel có những điểm mạnh nào? Đầu tiên và quan trọng nhất là ưu thế vượt trội về nhân lực được đào tạo và trang bị tốt, với nửa triệu quân nhân được triển khai trên khắp Israel và Bờ Tây bị chiếm đóng. Cuộc kháng chiến của người Palestine ở Gaza có lẽ chỉ có thể tập hợp được 10.000 chiến binh được huấn luyện phù hợp và có vũ khí phù hợp với các nhiệm vụ chuyên biệt mà nhóm của họ sẽ thực hiện. Điều đó có thể dễ dàng tăng lên tới 100.000 tình nguyện viên sẵn sàng chiến đấu nhưng nếu không được huấn luyện về chiến thuật và trang bị phù hợp, họ sẽ chỉ có thể dựa vào ý chí và quyết tâm của mình.

Tuy nhiên, quân đội Israel sẽ dựa vào sự vượt trội về số lượng và chất lượng trang thiết bị, huấn luyện, kỷ luật tốt hơn và chuyên biệt hơn, đường lối chỉ huy được xác định rõ ràng, tính linh hoạt trong chiến đấu và sự phối hợp trong tất cả các khu vực của chiến trường cũng như tính bất ngờ về mặt chiến thuật bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận mới và vũ khí mới. Người Palestine có lợi thế là đang chiến đấu trên sân nhà, nơi họ biết rõ mọi ngóc ngách, tòa nhà, mái nhà và đống đổ nát. Ngoài ra, những đường hầm mà Hamas đã đào trong nhiều năm ở Gaza là một tài sản phòng thủ cực kỳ vững chắc. Dẫu vậy, cuộc tấn công tổng lực của Israel gần như chắc chắn sẽ bắt đầu vào ban đêm. Hầu hết binh sĩ Israel đều được cấp kính nhìn đêm và được huấn luyện cách sử dụng chúng. Quan trọng hơn nhiều, các phương tiện trên không, máy bay, trực thăng và drone của Israel cũng có thể hoạt động trong bóng tối hoàn toàn. Do độ hẹp của Dải Gaza, hầu hết các máy bay ném bom của Israel sẽ có thể phóng những vũ khí chết người từ bên ngoài không phận Gaza.  Bom thông minh có thể lướt đi trong khoảng cách đủ để giữ máy bay ngoài tầm với của rất ít bệ phóng phòng không có khả năng hạn chế mà lực lượng phòng thủ được cho là có. Trước khi các lực lượng tiến vào, các máy bay dân sự Gulfstream và Super King Air đã được chuyển đổi của lực lượng không quân Israel sẽ bắt đầu chặn liên lạc bằng các biện pháp đối phó điện tử. Sự can thiệp điện từ sẽ khiến điện thoại di động không thể hoạt động và các tháp truyền thông sẽ là mục tiêu trong đợt ném bom đầu tiên. Các cuộc tấn công phối hợp trên bộ và trên biển sẽ diễn ra sau đó, đến từ nhiều hướng cùng lúc, có thể là vào khoảng nửa đêm. Các lực lượng trên bộ sẽ đi qua bức tường ngăn cách mà Israel xây dựng xung quanh Gaza với các máy ủi bọc thép có mặt khắp nơi chọc thủng các rào cản, đào và đẩy các loại mìn chống tăng và sát thương mà các chiến binh Palestine có thể đã đặt sang một bên. Lực lượng này sẽ được hộ tống bởi xe tăng Merkava và theo sau là các đại đội bộ binh trên xe bọc thép chở quân. Mục tiêu ban đầu sẽ là tiếp cận các khu vực đã xây dựng trước bình minh vì người Israel muốn nhìn thấy ánh sáng ban ngày từ các vị trí phòng thủ kiên cố khi các cuộc phản công đầu tiên dự kiến ​​của Hamas xảy ra. Biết suy nghĩ của quân đội Israel, mục tiêu chính của đêm xâm lược đầu tiên có thể là bao vây Thành phố Gaza và cắt đứt nó khỏi phía nam Dải Gaza, nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho các chiến binh Palestine. Địa hình phù hợp với khả năng này, với khu vực phía nam Thành phố Gaza chủ yếu là các trang trại, không có tòa nhà lớn. Để đạt được điều đó, lực lượng Israel sẽ tấn công về phía tây từ Israel từ hướng Đài tưởng niệm ANZAC và sử dụng chiến thuật gọng kìm quân sự cổ điển để đảm bảo thành công.

Xem thêm tại: Al Jazeera, How Israel will stage its land incursion into Gaza. Truy cập ngày 21/10/2023

Chỉ huy xe tăng Israel đang nghiên cứu sai lầm của Nga như thế nào?

Xe tăng, mặc dù ngày càng dễ bị tấn công bởi drone, đạn tuần kích và tên lửa chống tăng dẫn đường hiện đại, tấn công từ trên xuống, vẫn là nền tảng duy nhất tạo thành đội tiên phong trong cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Gaza, mở đường cho các đơn vị bộ binh phía sau. Các chỉ huy xe tăng Israel cũng đã rút ra được các bài học từ sai lầm của Nga. Trước nhất, các trung đoàn thiết giáp của Nga hoạt động như các đơn vị xe tăng riêng biệt thay vì phối hợp với các đơn vị bộ binh, công binh và pháo binh, cũng như không có sự phối hợp với lực lượng tình báo và không quân. Ngoài ra, các đội xe tăng Nga được huấn luyện kém và không tuân theo học thuyết của riêng họ. Khi bắt đầu cuộc tấn công của Hamas vào biên giới Israel, những kẻ tấn công đã sử dụng drone mang theo lựu đạn lớn để đánh chiếm các trạm quan sát. Chiến thuật tương tự đã được người Ukraine sử dụng để chống lại xe tăng Nga. Người ta đã thấy xe tăng Merkava có “lồng đối phó”, các thanh chắn kim loại dạng thanh cố định trên tháp pháo, bộ phận lộ rõ nhất của xe, để chặn các cuộc tấn công như vậy từ trên cao. Việc Nga sử dụng các thiết bị ngẫu hứng như vậy đã bị mỉa mai vào năm ngoái, nhưng việc áp dụng của Israel cho thấy các chuyên gia thiết giáp ngày càng coi trọng mối đe dọa từ drone.

Nếu mặt trận thứ hai nổ ra, lực lượng xe tăng Israel sẽ phải đối mặt với hai loại hình chiến tranh. Trong khi cả Hamas và Hizbullah đều sử dụng chiến thuật và vũ khí tương tự trong các cuộc chạm trán trước đây với xe tăng Israel – các đội phục kích nhỏ bắn tên lửa chống tăng do Nga sản xuất (và do Iran cung cấp) – thì địa hình sẽ tạo ra nhiều khác biệt. Đối mặt với Hezbollah ở vùng đồi núi, rừng cây ở Galilee và miền nam Lebanon là một viễn cảnh rất khác so với việc chiến đấu ở các khu đô thị đông đúc của Thành phố Gaza, nơi các cuộc tấn công có thể đến từ những khu vực gần nhau. Quân đoàn xe tăng của Israel có ít nhất hai lợi thế so với nhiều nước điều khiển xe tăng khác. Một là Hamas được cho là không sở hữu tên lửa chống tăng “tấn công hàng đầu” như Javelin của Mỹ và NLAW của Anh-Thụy Điển vốn có thể tấn công xe tăng vào phần yếu nhất của áo giáp – phần trên của thân xe. Lý do thứ hai là xe tăng của Israel được thiết kế để chiến đấu ở biên giới đất nước, thay vì ở xa nhà và mang lại mức độ bảo vệ cao. Điều đó khiến chúng tương đối cồng kềnh và nặng nề, đồng thời có khả năng kém cơ động hơn nhưng có khả năng chịu được những cú va chạm nghiêm trọng. Ngoài khả năng bảo vệ “chủ động”, các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh tiên tiến hơn của Israel còn có hệ thống liên lạc tinh vi. Những thiết bị này kết nối họ với mạng lưới cung cấp quân nhu, trên màn hình trong xe tăng, với tất cả thông tin được thu thập bởi các cảm biến trên các nền tảng khác của Israel, bao gồm cả cảnh quay từ drone bay lượn trên đầu. Điều đó khắc phục được vấn đề truyền thống của chiến tranh đô thị: tầm nhìn ngắn, trong đó một trung đội xe tăng có thể biết rất ít về những gì đang diễn ra xung quanh khu nhà tiếp theo.

Xem thêm tại: Economist, Israel’s tank commanders are studying Russia’s mistakes. Truy cập ngày 20/10/2023

Báo cáo về quân đội Trung Quốc của Mỹ có gì?

Tuần này, Lầu Năm Góc đã công bố một báo cáo về quân đội Trung Quốc, bao gồm nhiều lĩnh vực liên quan đến những bước tiến quan trọng nhất trong an ninh quốc gia Trung Quốc trong một năm vừa qua. Trước tiên, Trung Quốc sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân và đến năm 2023 con số đó sẽ tăng lên 2030. Thêm vào đó, báo cáo cũng cho thấy Trung Quốc có lẽ đã hoàn thành việc xây dựng ba bãi phóng tên lửa mới vào năm ngoài, với hơn 300 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Chưa hết, Bắc Kinh cũng sẽ nghiên cứu phát triển tên lửa xuyên lục địa tầm trung, vốn có thể đe doa Mỹ. Trung Quốc đang mở rộng dấu ấn quân sự toàn cầu của mình, mặc dù nó vẫn nhỏ hơn nhiều so với mạng lưới căn cứ của Mỹ. Báo cáo cho biết Trung Quốc có lẽ cũng đã cân nhắc việc xây dựng các cơ sở hậu cần quân sự ở các nước như Miến Điện, Thái Lan, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Nigeria, Namibia, Mozambique, Bangladesh, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tajikistan. Báo cáo cho biết Trung Quốc đã có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng này đang phát triển hơn nữa. Hải quân Trung Quốc có hơn 370 tàu chiến và tàu ngầm, tăng so với con số 340 tàu họ có trong báo cáo năm ngoái. Báo cáo cho biết thêm kỳ vọng là con số này sẽ tăng lên 395 tàu vào năm 2025 và 435 tàu vào năm 2030. Mặc dù báo cáo cho biết Trung Quốc nhìn chung đã phớt lờ hoặc phủ nhận những nỗ lực của Mỹ trong việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa quân đội với quân đội, nhưng nó mô tả rằng một dịp khi Bắc Kinh yêu cầu sự trợ giúp của Mỹ. Vào tháng 4 năm 2023, quân đội Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ sơ tán các nhà ngoại giao Trung Quốc khỏi Khartoum, Sudan.

Xem thêm tại: Reuters, What is most significant in the Pentagon’s China military report? Truy cập ngày 22/10/2023

Ba trụ cột bất định của AUKUS: chủ quyền, chiến lược và chi phí

Chính trị cấp bang và địa phương, cùng với thuế, kinh tế và các biện pháp khuyến khích, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thỏa thuận AUKUS giữa Washington, London và Canberra. Xét cho cùng, các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Úc sẽ được chế tạo ở các bang của Mỹ và sẽ liên quan đến một mạng lưới rộng lớn các nhà cung cấp, nhà sản xuất và công nghệ quốc phòng. Đối với người Mỹ, AUKUS là sự mở rộng của liên minh ANZUS và mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn. Sự khác biệt của Úc trong việc chiến đấu bên cạnh Mỹ trong mọi cuộc xung đột lớn trong thế kỷ qua không bị mất đi đối với họ, và giả định rằng Canberra sẽ đưa Lực lượng Phòng vệ Úc vào một cuộc chiến tiềm tàng với Trung Quốc về Đài Loan là điều phổ biến. Khi đó, vấn đề chủ quyền là lĩnh vực đầu tiên trở nên bất định. Do sự mất cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Úc, một số nhà phân tích Mỹ coi chủ quyền của Canberra là “tương đối và có thể thương lượng” khi nói đến việc bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù các tàu ngầm lớp Virginia do Mỹ chế tạo sẽ treo cờ Hải quân Hoàng gia Úc và đặt dưới sự chỉ huy của Canberra, các nhà phân tích Mỹ có xu hướng tin rằng Washington sẽ có ảnh hưởng, nếu không muốn nói là phủ quyết, đối với các quyết định của chính phủ Úc trong quá trình sử dụng chúng. Lĩnh vực bất định thứ hai là khả năng AUKUS đạt được mục đích đã nêu trong chiến lược là ngăn chặn Trung Quốc. Chính xác AUKUS sẽ ngăn chặn Trung Quốc như thế nào vẫn còn là một công việc đang được tiến hành và vẫn chưa rõ. Sẽ phải mất ít nhất 10 năm nữa chiếc tàu ngầm lớp Virginia đầu tiên của Australia mới chạm mặt nước và ít nhất 20 năm nữa trước khi lớp tàu ngầm AUKUS mới được hạ thủy. Mối quan tâm thứ ba là chi phí quá đắt. Bộ trưởng Tài chính Úc Jim Chalmers cho biết quyết định của AUKUS là một “khoản đầu tư thay đổi cuộc chơi” và chính phủ đã đảm bảo với công chúng rằng ngoài vũ khí hạt nhân, AUKUS là cách duy nhất để duy trì các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Úc trong khi bảo vệ diện tích rộng lớn và phạm vi hàng hải của nước này. Nhưng với các tàu ngầm trị giá lên tới 368 tỷ USD, không rõ liệu các chính phủ ÚC trong tương lai có tiếp tục tài trợ cho năng lực còn dang dở này hay không và trong bao lâu. AUKUS sẽ cho phép Úc gây tổn hại cho kẻ thù ở xa bờ biển của mình hơn nhiều và Trụ cột 2 của AUKUS — bao gồm hợp tác về các khả năng tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, vũ khí siêu thanh, an ninh mạng — có thể sẽ xuất hiện sớm hơn và giúp ngăn chặn Trung Quốc cho đến khi Trụ cột 1 (tàu ngầm) được hoàn thành. Nhưng Úc phải thừa nhận rằng mặc dù là đối tác AUKUS nhỏ nhất nhưng nước này được cho là sẽ có túi tiền sâu nhất vì được cho là nước được hưởng lợi lớn nhất.

Xem thêm tại: ASPI, AUKUS’s three pillars of uncertainty: sovereignty, strategy and costs. Truy cập ngày 24/10/2023

Tham vọng quốc phòng của Hàn Quốc có thể được đáp ứng nhờ công nghệ?

Hàn Quốc đặt mục tiêu chiếm vị trí thứ tư trên thị trường quốc phòng toàn cầu. Hàng thập kỷ đối đầu với Triều Tiên, quốc gia sắp trở thành cường quốc hạt nhân, đã buộc Seoul phải từ từ xây dựng năng lực của riêng mình thay vì phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Từ khả năng tự cung tự cấp và dự trữ, Hàn Quốc đã trở thành nước xuất khẩu toàn cầu. Cuộc chiến ở Đông Âu đã giúp Hàn Quốc tăng gấp đôi doanh số bán vũ khí vào năm ngoái, không chỉ cho Mỹ và Ukraine, mà còn cho các nước láng giềng vốn ngày càng lo sợ sự xâm lược của Nga. Chìa khóa để lọt vào top đầu sẽ là tập trung vào các kỹ năng giúp Hàn Quốc trở nên độc nhất trong số các đối thủ. Đây là ngôi nhà của các công ty hàng đầu thế giới về chip nhớ và lưu trữ, màn hình và điện thoại thông minh. Đây dường như không phải là những hoạt động kinh doanh liên quan đến vũ khí, nhưng bộ mặt đang thay đổi của xung đột quân sự và tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ trong mọi thứ, từ súng cầm tay đến drone và tên lửa khiến chúng trở thành nền tảng tốt cho sự phát triển trong tương lai. Điều làm cho những loại đạn này trở nên khác biệt là các mạch điện bên trong và Hàn Quốc đã đi đầu trong việc phát triển và sản xuất các hệ thống thu nhỏ này. Hầu hết các cảm biến và chip cần thiết trong vũ khí tiên tiến đều có thể được tìm thấy trong các thiết bị và linh kiện do Samsung Electronics Co., SK Hynix Corp. và LG Electronics Inc. sản xuất. Pháo binh là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu vũ khí của Seoul trong hai thập kỷ qua. Những thách thức mới từ Bình Nhưỡng sẽ là động lực để kết hợp hơn nữa vũ khí và công nghệ, đồng thời tạo ra một chỗ đứng lớn hơn cho chính mình. Hiện họ đang xây dựng một phiên bản Hàn Quốc của Mái vòm sắt của Israel để phòng thủ trước tên lửa của Triều Tiên, trong khi các công ty địa phương đã phát triển hệ thống radar, dẫn đường bằng laser và theo dõi hồng ngoại để sử dụng trong các hoạt động triển khai trên không, trên bộ và trên biển. Korea Aerospace Industries – một liên doanh giữa các tập đoàn Daewoo, Hyundai và Samsung – vào tháng 2 đã giành được thỏa thuận bán 18 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của mình cho Malaysia với giá 920 triệu USD, một hợp đồng có thể mở rộng lên 36 máy bay phản lực. Philippines đã chọn Hyundai cung cấp tàu khu trục và tàu tuần tra với tổng chi phí hơn 900 triệu USD, còn Thái Lan đã quay sang Hàn Quốc để cung cấp cả tàu khu trục và máy bay huấn luyện. Như đã nói, các công ty Hàn Quốc đã ký các hợp đồng trị giá hơn 8 tỷ USD để cung cấp các hệ thống phòng thủ phức tạp bao gồm tàu ​​ngầm và máy bay chiến đấu phản lực cho khách hàng ở Đông Nam Á. Lĩnh vực này vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, bao gồm cả công nghệ nhập khẩu được sử dụng trong hệ thống dẫn đường và tên lửa.

Xem thêm tại: Bloomberg, South Korea’s Defense Ambitions Can Be Met By Tech. Truy cập ngày 17/10/2023