28/10/1998: Clinton ký ban hành Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: President Bill Clinton signs the Digital Millennium Copyright Act into law, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Theo một bản tin của đài ABC, sau khi vô tình xem được một đoạn video dài 29 giây quay cảnh một đứa trẻ mới biết đi nhảy theo bản hit “Let’s Go Crazy” năm 1984 của mình, biểu tượng nhạc pop Prince đã nộp đơn kiện, bắt đầu vụ tranh chấp pháp lý nổi tiếng có liên quan đến YouTube, Universal Music Group, và một bà nội trợ từ bang Pennsylvania tên là Stephanie Lenz. Giống như các vụ kiện cuối cùng khiến nền tảng chia sẻ nhạc Napster phải đóng cửa, vụ kiện của Prince có liên quan đến một đạo luật liên bang điều chỉnh việc sử dụng nhạc số trong thời đại Internet. Đạo luật đó, được gọi là Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số (Digital Millennium Copyright Act, DMCA), đã được Tổng thống Bill Clinton ký thành luật vào ngày 28/10/1998.

Trong hành trình tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ, dự thảo luật DMCA đã được hỗ trợ rất nhiều bởi ngành công nghiệp sáng tạo nội dung—Hollywood, các công ty âm nhạc, và các nhà xuất bản sách. DMCA được soạn thảo nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ bản quyền cấp liên bang hiện có, nhằm chống lại các mối đe dọa mới do Internet và quá trình dân chủ hóa công nghệ cao gây ra. Tuy nhiên, trong phiên bản cuối cùng được thông qua thành luật, có một điều khoản “bến đỗ an toàn” giúp các công ty vận hành nền tảng nội dung do người dùng đóng góp được miễn trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm bản quyền của người dùng. Các nhà điều hành các nền tảng chia sẻ tập tin như Grokster và Napster đã sử dụng điều khoản trên để cố gắng tự bảo vệ mình, dù không thành công, trước các vụ kiện liên quan đến DMCA vào đầu những năm 2000.

DMCA đã cho phép chủ sở hữu bản quyền yêu cầu các cá nhân hoặc công ty được cho là đang vi phạm “gỡ” tác phẩm có bản quyền. Cáo buộc vi phạm bản quyền trong vụ “Let’s Go Crazy” đến từ Universal Music Group – hoạt động với tư cách là nhà xuất bản âm nhạc của Prince vào tháng 6/2007 – và YouTube đã phản hồi bằng cách ngay lập tức xóa video vi phạm bản quyền cùng với khoảng 200 video khác cũng bị Universal cho là vi phạm. Stephanie Lenz đã kháng cáo việc YouTube gỡ bỏ video quay cảnh gia đình cô, dựa trên cơ sở rằng đoạn nhạc Prince khó nghe rõ thành tiếng vẫn tuân thủ quyền Sử dụng Hợp lý (Fair Use) vốn đã có từ lâu. Đoạn video đã được khôi phục sau khi Universal không nộp đơn kiện vi phạm bản quyền chính thức chống lại Lenz trong vòng hai tuần sau đó.