Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần thứ ba trì hoãn cuộc bỏ phiếu về đề xuất do UAE đệ trình kêu gọi ngừng bắn ở Gaza để cho phép viện trợ. Ban đầu được lên kế hoạch cho thứ Hai, cuộc bỏ phiếu hiện dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Năm, khi các thành viên tiến hành đàm phán để tránh quyền phủ quyết từ Mỹ. (Trước đây Mỹ đã phủ quyết hai nghị quyết tương tự.) Trong khi đó Ismail Haniyeh, lãnh đạo Hamas, đến Cairo để thảo luận về cuộc chiến ở Gaza với các quan chức Ai Cập. Trước đây Ai Cập từng giúp làm trung gian cho lệnh ngừng bắn vào tháng 11 giữa Hamas và Israel. Theo bộ y tế của Hamas ở Gaza, số người Palestine thiệt mạng hiện đã vượt quá 20.000 người.
Tòa tối cao bang Colorado ra phán quyết Donald Trump không đủ điều kiện tranh cử tổng thống lần nữa và không thể xuất hiện trong lá phiếu sơ bộ của bang. Phán quyết rất quan trọng này, mà ông Trump chắc chắn sẽ kháng cáo lên Tòa Tối cao Hoa Kỳ, là quyết định đầu tiên tại toà loại ông Trump theo Tu chính án thứ 14, vốn cấm những người từng nổi dậy chống lại nước Mỹ nắm giữ chức vụ liên bang.
Tỷ lệ lạm phát năm của Anh giảm mạnh xuống 3,9% trong tháng 11, từ mức 4,6% của tháng 10 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Lạm phát về mức thấp nhất trong hai năm qua là nhờ chi phí thực phẩm và vận chuyển giảm. Đây là tin tốt cho Anh, vốn đứng trước nguy cơ mắc kẹt với lạm phát cao ngay cả khi lãi suất giảm ở hầu hết các nước phát triển.
Một số cử tri đang gặp nhiều khó khăn khi tìm cách vào các điểm bỏ phiếu của cuộc bầu cử đang diễn ra ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Félix Tshisekedi, tổng thống đương nhiệm, phải đối mặt với 18 đối thủ, một trong số họ mô tả tình hình là “hoàn toàn hỗn loạn.” Mặc dù Congo vẫn chìm trong bạo lực của các lực lượng dân quân, Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba đã đồng ý rút quân gìn giữ hòa bình theo yêu cầu của ông Tshisekedi.
Orsted, một công ty năng lượng tái tạo của Đan Mạch, tuyên bố sẽ xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ngoài khơi nước Anh. Cũng như phần lớn ngành điện gió, Orsted, dù là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất hành tinh, đã phải trải qua một năm đầy biến động. Hồi tháng 11, hãng từng phải hủy hai dự án ở Mỹ do các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí ngoài dự kiến và lãi suất tăng.
Chính phủ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rơi vào khủng hoảng sau khi thông qua một dự luật nhập cư quan trọng. Bất chấp thắng lợi tại quốc hội, luật này đã gây chia rẽ trong liên minh của ông Macron, khi 52 trên 251 thành viên của liên minh đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống lại dự luật vì cho rằng nó chiều theo cánh cực hữu. Và như để đổ dầu vào lửa, Marine Le Pen đã tuyên bố đảng cực hữu của bà ủng hộ dự luật.
Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết AI không thể nắm giữ bằng sáng chế. Vụ việc ban đầu được đưa ra bởi Stephen Thaler, một nhà khoa học máy tính người Mỹ, người tin rằng mô hình AI của ông, DABUS, có tri giác và muốn nó được công nhận là người phát minh ra một chiếc hộp đựng thực phẩm và một chiếc đèn hiệu. Tòa án kết luận “nhà phát minh phải là một con người,” nhưng DABUS thì không.
Con số trong ngày: 78, là số nghị sĩ đại diện cho đảng cực hữu Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức AfD trong quốc hội nước này. Ảnh hưởng của AfD đang ngày càng tăng.
TIÊU ĐIỂM
Kinh tế toàn cầu đã thoát suy thoái trong năm 2023
Chỉ cách đây một năm người ta vẫn cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ sớm rơi vào suy thoái. Nhưng rồi kinh tế Mỹ bùng nổ trong năm 2023, tăng trưởng với tốc độ năm đáng kinh ngạc là 5,2% trong quý 3. Và ngay cả khi không có suy thoái toàn cầu, lạm phát vẫn giảm trên toàn thế giới.
Tuy vậy, niềm vui tốt đẹp này không thể kéo dài. Nền tảng cho sự tăng trưởng hiện nay có vẻ không ổn định. Một lý do khiến nền kinh tế Mỹ hoạt động tốt hơn mong đợi là vì người tiêu dùng nước này đã chi tiêu số tiền họ tích lũy được trong đại dịch. Do đó, khi khoản tiền này vơi đi, lãi suất cao sẽ gây ảnh hưởng nặng nề, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Rắc rối cũng sẽ xuất hiện nếu lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài – với một điển hình là tình trạng phá sản của các doanh nghiệp đang gia tăng.
Nền kinh tế thế giới cũng đang được nâng đỡ bởi nguồn tài chính khổng lồ không bền vững. Nhìn chung, nợ chính phủ ở các nước giàu hiện nay tính theo tỷ trọng GDP đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ sau Chiến tranh Napoléon đầu thế kỷ 19..
Khoảng cách tiền lương thu hẹp ở các nước phát triển
Niềm tin rằng chủ nghĩa tư bản được thiết kế để mang lại lợi ích cho người giàu và gây hại cho người lao động đã định hình thế giới quan của hàng triệu người trên thế giới. Nhưng nó có thể không đúng sự thật. Khoảng cách tiền lương đang thu hẹp trên khắp các nước phát triển. Ở Mỹ, thu nhập thực tế hàng tuần của nhân công thu nhập thấp đang tăng nhanh hơn những người có thu nhập cao nhất. Đâu là động lực của xu hướng này?
Các chính phủ đã mở hầu bao trong đại dịch Covid-19, trong khi Mỹ tiếp tục thâm hụt ngân sách lớn. Hệ quả là nhu cầu lao động vẫn ở mức cao. Hơn nữa, năng suất cao hơn trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi AI sẽ thúc đẩy nhu cầu việc làm trong các lĩnh vực mà AI không thật sự hữu dụng (ví dụ như lao động chân tay). Nhu cầu cao hơn trong khi nguồn cung thì hạn chế, được đánh dấu bởi tỉ lệ tăng dân số trong độ tuổi lao động chính xuống mức thấp chưa từng thấy ở các nước phát triển.
Thời kỳ hoàng kim hiện nay dành cho người lao động cổ cồn xanh vẫn còn ngắn ngủi và hoàn toàn có thể thay đổi. Nhưng ít nhiều nó đã chứng tỏ con đường tốt nhất dẫn tới thịnh vượng trong tương lai cho tất cả mọi người. Các chính phủ không nên thu hẹp, mà hãy chia đều miếng bánh.
Chủ nghĩa bảo hộ phi thi trường liệu có bền vững?
Đứt gãy chuỗi cung ứng, các mối đe dọa về an ninh quốc gia, quá trình chuyển đổi năng lượng và khủng hoảng chi phí sinh hoạt – tất cả gần đây đã thôi thúc các chính phủ phải hành động. Song chúng cũng thúc đẩy cái được nhiều người gọi là “kinh tế quê hương” (homeland economics), một hệ tư tưởng mang nặng tính bảo hộ và can thiệp do các nhà nước quản lý. Thị trường mở bị bỏ quên khi các chính phủ vứt bỏ các nguyên tắc đã làm cho thế giới trở nên giàu có.
Sự kết hợp giữa bảo hộ, chi tiêu và quy định có một cái giá không hề rẻ. Hóa đơn nợ công ngày một tăng của Mỹ có thể sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trước cuối thập niên này. Kinh tế quê hương cũng không quá hấp dẫn trước một thế giới thay đổi từng ngày. Quá trình chuyển đổi năng lượng và AI là quá lớn để các chính phủ có thể lập kế hoạch – ý tưởng cần được thử nghiệm bởi thị trường, không phải nhà nước.
Tin tốt là kinh tế quê hương sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính nó. Ví dụ, một Trung Quốc trì trệ và đàn áp có thể không còn giữ được lời hứa về sự thịnh vượng do nhà nước chỉ đạo. Dù tiềm ẩn những hứa hẹn, xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho thị trường tự do sẽ không dễ dàng.
Thị trường quản lý tài sản bùng nổ
Các công ty quản lý tài sản là điều hấp dẫn nhất ở Phố Wall. Với mức phí hàng năm khoảng 1% tài sản đầu tư, họ đang ngày càng tỏ ra hiệu quả trong việc giúp khách hàng phân bổ tài sản, giảm thiểu hóa đơn thuế và lập kế hoạch nghỉ hưu. Các công ty đang đổ xô vào mảng quản lý tài sản, nhờ tiềm năng to lớn khi thế giới ngày càng giàu có hơn. Ví dụ, năm ngoái ở Ấn Độ có 849.000 triệu phú đô la, gấp gần 23 lần so với năm 2000.
Sự bùng nổ này là tin tốt cho các công ty và cơ quan quản lý. Người đánh cược cũng được hưởng lợi. Các công ty quản lý tài sản có nhiệm vụ phụ trách toàn bộ và phải hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng khi đưa ra lời khuyên tài chính. Họ không phải là những tay đánh cổ phiếu với tham vọng đánh bại thị trường (lợi nhuận chủ động thật ra cũng không thể đánh bại được lợi nhuận thụ động sau phí). Đối với những người muốn bảo tồn và phát triển tài sản cá nhân, các nhà quản lý tài sản là lựa chọn hàng đầu.