Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Các đòn tấn công tên lửa vào Iraq, Lebanon, Syria và Yemen hôm thứ Bảy vừa qua có nguy cơ làm mở rộng chiến trường ở Trung Đông. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết tên lửa do Israel bắn vào Damascus đã giết chết 5 thành viên của họ; trong khi các nguồn tin an ninh Lebanon nói một cuộc tấn công của Israel đã giết chết một thành viên của Hizbullah. Ở phía ngược lại, các phiến quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq đã tấn công làm bị thương một số binh sĩ Mỹ. Tổng thống Iran tuyên bố sẽ trừng phạt Israel vì cuộc tấn công vào Syria.
Binyamin Netanyahu đã công khai đấu khẩu với Joe Biden, một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Israel trong cuộc chiến ở Gaza. Người phát ngôn của thủ tướng Israel thông báo Netanyahu nói với Biden trong điện đàm rằng sẽ không có một nhà nước Palestine có chủ quyền nào được tồn tại, do mối đe dọa mà nó sẽ gây ra cho an ninh của Israel. Nhưng chính ông Biden đã nói chỉ vài giờ trước đó rằng ông tự tin giải pháp như vậy là khả thi khi ông Netanyahu nắm quyền.
Theo thị trưởng Donetsk do Nga bổ nhiệm, 25 người đã thiệt mạng và ít nhất 20 người bị thương sau khi lực lượng Ukraine pháo kích vào thành phố này. Donetsk là một trong 4 vùng ở miền đông Ukraine bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm ngoái. Trong khi đó, một ngọn lửa bùng phát tại một trạm tiếp nhận khí đốt của Nga trên Biển Baltic. Các quan chức tuyên bố đã nhìn thấy máy bay không người lái của Ukraine trong khu vực. Ukraine chưa bình luận về cả hai vụ việc.
Đức Giáo hoàng Francis đã đưa ra “lời kêu gọi chân thành” yêu cầu trả tự do cho sáu nữ tu và những người bị bắt cóc ở Haiti hôm thứ Sáu. Xe buýt của họ đã bị chặn lại bởi các tay súng có vũ trang. Vào ngày 26 tháng 1, một tòa án Haiti sẽ phán quyết liệu một lực lượng đa quốc gia do Kenya dẫn đầu có được phép vào nước này để trấn áp bạo lực băng đảng hay không.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả tuyên bố của Donald Trump rằng ông có thể ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga trong 24 giờ là “rất nguy hiểm” và cảnh báo Mỹ sẽ nhượng bộ đơn phương với Nga nếu ông Trump tái cử tổng thống. Ông Trump từ chối đưa ra đề xuất hòa bình của mình, nhưng mô tả tổng thống Nga Vladimir Putin là một chính trị gia “thông minh,” người đã nhanh chóng chiếm được một “mảnh đất lớn” và chỉ vấp phải trừng phạt không đáng kể.
NASA đã lấy lại được liên lạc với Ingenuity, chiếc trực thăng cao nửa mét trên sao Hỏa, sau khi nó ngừng hoạt động đột ngột. Chiếc tàu cánh quạt nhỏ này, nặng chỉ bằng một chai nước sốt cà chua lớn, đã hạ cánh xuống sao Hoả vào năm 2021. Trước đây nó đã từng bị mất liên lạc với NASA, bao gồm hai tháng hồi năm ngoái.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết các đội nên tự động hủy trận đấu nếu họ bị bỏ rơi vì hành vi phân biệt chủng tộc của người hâm mộ. Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi các trận đấu ở Sheffield, Anh, và Udine, Ý, phải tạm hoãn vào thứ Bảy vì các cầu thủ da đen ở đội khách bị phân biệt chủng tộc. Quy định hiện hành của FIFA cho phép các trận đấu được tạm dừng hai lần và sau đó bị đình chỉ nếu tình trạng phân biệt vẫn tiếp diễn.
TIÊU ĐIỂM
Ấn Độ khánh thành đền Hindu trị giá 220 triệu đô
Vào thứ Hai, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ chủ trì lễ thánh hiến một ngôi đền trị giá 220 triệu USD ở thành phố Ayodhya miền bắc đất nước. Trước tâm lý bàng hoàng của 200 triệu người Hồi giáo trong nước và nhiều người Ấn Độ có tư tưởng thế tục, buổi lễ hoành tráng sẽ đánh dấu một cột mốc mới trong dự án Hindu dân tộc chủ nghĩa nhiều năm nay của Đảng Bharatiya Janata cầm quyền. Ngôi đền được xây dựng trên đúng địa điểm mà vào năm 1992 đám đông đã san bằng một nhà thờ Hồi giáo 450 năm tuổi.
Đối với nhiều người theo đạo Hindu, đây là một dịp vui vì nó sửa chữa một sai lầm cổ xưa: theo thần thoại, địa điểm này là nơi sinh của vị thần Ram trong đạo Hindu. Hàng triệu người sẽ theo dõi qua TV; văn phòng, thị trường chứng khoán và thậm chí cả sòng bạc đều cho biết sẽ đóng cửa. Vì những lý do này, sự kiện cũng là hồi chuông khai cuộc cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ ba của ông Modi vào tháng 4 và tháng 5. Tòa Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết rằng “tôn giáo và chính trị” không nên trộn lẫn. Nhưng sự kết hợp đó có thể sẽ lại một lần nữa củng cố vị thế trên đỉnh cao quyền lực của ông Modi.
Khai mạc Diễn đàn Tài chính châu Á
Hơn 2.500 nhân vật chính trị, doanh nghiệp và tài chính sẽ tề tựu về Hồng Kông trong tuần này để tham dự Diễn đàn Tài chính châu Á thường niên. Nhìn chung tâm trạng là lạc quan: IMF kỳ vọng kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2024, so với mức tăng trưởng toàn cầu 2,9%.
Nhưng bầu không khí ở thành phố chủ nhà lại u ám hơn. Hồi tháng 11, chính phủ Hồng Kông đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống còn 3,2% – nghĩa là nền kinh tế Hồng Kông hiện nay thậm chí nhỏ hơn so với năm 2018. Chỉ số thị trường chứng khoán chính đã giảm hơn một phần tư trong năm qua. Giá bất động sản giảm gần 1/5 kể từ mức đỉnh, và dữ liệu công bố vào thứ Hai về lãi suất cho vay cơ bản của Trung Quốc, vốn rất quan trọng đối với thị trường nhà ở của đại lục, có thể sẽ không mang lại nhiều niềm vui.
Trưởng đặc khu John Lee tuyên bố sự kiện này sẽ thể hiện “sự tự do, sức sống và tính đa dạng” của Hồng Kông, và sự tham gia của quốc tế chứng tỏ nó “vẫn hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Song cần nhiều hơn một diễn đàn để thuyết phục được thế giới.
Tổng thống Macron thăm Đức
Pháp và Đức sẽ phô diễn tình hữu nghị của họ tại Berlin vào thứ Hai. Quốc hội Đức đang tổ chức lễ tưởng niệm Wolfgang Schäuble, cựu bộ trưởng tài chính Đức vừa qua đời tháng trước. Khách mời danh dự sẽ là Emmanuel Macron, người sẽ đọc ít nhất một phần bài điếu văn bằng tiếng Đức. Ông Schäuble từng gọi tổng thống Pháp là “cơ hội cho châu Âu.”
Khi ở Berlin, ông Macron sẽ gặp thủ tướng Đức Olaf Scholz. Hai nhà lãnh đạo đã nỗ lực vượt qua nhiều khác biệt giữa hai nước, đặc biệt là về chính sách năng lượng và các quy định tài chính của khu vực đồng euro. Một chủ đề cấp bách là viện trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine. Nếu nhìn tổng thể, Đức chi nhiều hơn Pháp. Tuy vậy, Pháp hiện đang gửi lô tên lửa hành trình tầm xa thứ hai, trong khi quốc hội Đức từ chối cho phép nước này gửi bất kỳ tên lửa nào. Ông Macron tuần trước đã tuyên bố “chiến thắng của Nga sẽ là dấu chấm hết cho an ninh châu Âu.”
Ngoại trưởng Mỹ thăm châu Phi
Tuần này Antony Blinken, bộ trưởng ngoại giao Mỹ, sẽ đi thăm Cape Verde, Bờ Biển Ngà, Nigeria và Angola. Trọng tâm của Mỹ là Ukraine và Trung Đông, và tổng thống Joe Biden đã thất hứa không đi thăm lục địa này vào năm ngoái. Có lẽ một trong những mục đích của chuyến đi là cho người châu Phi thấy họ không hề bị lãng quên.
Ông Blinken cũng sẽ nêu ra những tin tốt. Cape Verde là một nền dân chủ nhiều sức sống vừa đánh bại được bệnh sốt rét. Ở Bờ Biển Ngà, nơi có nền kinh tế đang bùng nổ, ông có thể sẽ tham dự một trận đấu bóng đá tại Cúp Các Quốc gia châu Phi, để chứng tỏ nước Mỹ hòa hợp với người dân châu Phi.
Nhưng đứng đầu vẫn là các vấn đề an ninh. Bờ Biển Ngà đang chống đỡ các chiến binh thánh chiến ở biên giới phía bắc. Nigeria đang ở trong một cuộc khủng hoảng bắt cóc mà việc Mỹ bán vũ khí cho nước này hầu như không giúp ích được mấy. Nhưng cũng như chuyến thăm châu Phi của ông Blinken vào tháng 3 năm ngoái, ông lại một lần nữa bỏ qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên lục địa: chiến tranh Sudan, nơi rất cần sự quan tâm ngoại giao.