Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng vừa được Thượng viện Mỹ công bố sau nhiều tháng tranh cãi. Ứng viên dẫn đầu của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đã lên án dự luật này là “khủng khiếp” và kêu gọi có một đạo luật khác để điều chỉnh vấn đề nhập cư. Thỏa thuận trị giá 118 tỷ USD này gắn titlean ninh biên giới với viện trợ cho Israel và Ukraine, mà các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã phản đối suốt mấy tháng qua. Cuộc bỏ phiếu đầu tiên về dự luật được lên kế hoạch vào thứ Tư.
Cung điện Buckingham thông báo Vua Charles III bị mắc ung thư. Các nhiệm vụ công của ông sẽ phải tạm dừng dù tình hình ông “vẫn hoàn toàn tích cực” và ông mong sớm trở lại công việc. Ung thư được phát hiện vào tháng trước khi nhà vua, 75 tuổi, được điều trị chứng phì đại tuyến tiền liệt; song cung điện không nói rõ là loại ung thư nào. Ông đăng quang vào tháng 5 năm ngoái.
Chủ sở hữu của Yandex, một doanh nghiệp công nghệ có trụ sở tại Hà Lan, đã tuyên bố bán các hoạt động của công ty tại Nga với giá 475 tỷ rúp (5 tỷ USD). Công ty điều hành công cụ tìm kiếm lớn nhất của Nga, từng tự hào về mức vốn hóa thị trường 30 tỷ USD, sẽ được mua lại bởi một nhóm nhà đầu tư Nga. Thỏa thuận này là cuộc rút lui lớn nhất của một công ty nước ngoài khỏi Nga kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu hai năm trước.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đến thăm Bắc Ireland để thể hiện sự ủng hộ việc trao lại quyền chia sẻ quyền lực sau hai năm bế tắc chính trị. Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, cũng đã tới Belfast để gặp lãnh đạo mới của Bắc Ireland. Cả hai đã gặp Michelle O’Neill, thủ hiến mới; vào thứ Bảy, phó chủ tịch của Sinn Fein đã trở thành chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc đầu tiên giữ chức vụ này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Trung Đông để đàm phán về cuộc chiến Israel-Gaza. Ông Blinken dự kiến sẽ thúc đẩy lệnh ngừng bắn và thả con tin Israel. Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, cho biết sẽ có thêm đòn tấn công nhắm vào lực lượng ủy nhiệm của Iran, sau vụ máy bay không người lái làm thiệt mạng 3 binh sĩ Mỹ ở Jordan vào tháng trước.
Snap, công ty mẹ của nền tảng truyền thông xã hội Snapchat, thông báo cắt giảm khoảng 500 việc làm, chiếm 10% lực lượng lao động toàn cầu. Công ty này đã thực hiện một vài đợt sa thải kể từ năm 2022 và dự kiến sẽ báo cáo thu nhập quý vào thứ Ba. Tuần trước, cùng với các giám đốc điều hành mạng xã hội khác, Evan Spiegel, CEO và đồng sáng lập của Snap, đã bị ủy ban Thượng viện Mỹ chất vấn về tác hại của mạng xã hội lên trẻ em.
Bão lớn ập vào California, gây lũ lụt và mất điện cho toàn bang. Một nhà khí tượng học tại Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết thời tiết khắc nghiệt hứa hẹn “có quy mô lịch sử,” với các trận lở đất được báo cáo ở Los Angeles, thành phố lớn nhất bang. Hơn 800.000 người được cho là bị mất điện và chính quyền đã ra lệnh sơ tán ở các quận Santa Barbara và Ventura.
Con số trong ngày: 30+, là độ tuổi của hơn một nửa số người dùng TikTok ở Mỹ.
TIÊU ĐIỂM
Tình hình kinh tế vĩ mô ở châu Âu
Trong tháng 1, lạm phát tiêu đề và lạm phát cơ bản ở khu vực đồng euro đều giảm 1/10 điểm phần trăm, xuống còn 2,8% và 3,3%. Nếu lạm phát không giảm nhanh hơn, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Điều này sẽ làm tổn thương một nền kinh tế vốn đã yếu kém. Do đó, thị trường đang trông cậy vào sức mua của người tiêu dùng. Liệu điều đó có xảy ra hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn khi số liệu thương mại-bán lẻ tháng 12 được công bố vào thứ Ba.
Khối lượng thương mại-bán lẻ bị trì trệ trong gần như suốt năm 2023, nhưng sẽ bắt đầu tăng khi tiền lương thực tế phục hồi. Song cả niềm tin tiêu dùng lẫn niềm tin của các nhà bán lẻ ở EU đều không cải thiện trong tháng 1. Nhìn chung, nền kinh tế khu vực đồng euro chỉ phục hồi chậm, trong khi kỳ vọng việc làm giảm, báo hiệu thị trường lao động đang hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng khó mà chi tiêu thoải mái.
Toyota công bố kết quả quý tài chính
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Toyota, sẽ báo cáo kết quả quý 3 vào thứ Ba. Giới quan sát sẽ tập trung vào những gì công ty Nhật Bản nói về các vụ bê bối tại công ty con Daihatsu cũng như công ty mẹ. Daihatsu đã đình chỉ giao hàng ô tô từ tháng 12 sau khi bị phát hiện gian lận trong các cuộc kiểm tra an toàn. Toyota đã ngừng sản xuất một số mẫu xe vào tháng trước sau khi các cuộc thử nghiệm động cơ diesel cũng bị phát hiện có gian lận. Akio Toyoda, chủ tịch công ty, cho biết họ đã “đánh mất những nguyên tắc sáng lập của mình.”
Công ty cũng có thể bình luận về cam kết của họ đối với năng lượng pin, sau khi doanh số bán xe điện trên toàn thế giới gần đây sụt giảm. Điều này dường như có lợi cho Toyota, vì xe hybrid chiếm tới 1/3 doanh số của hãng còn xe điện thuần túy chỉ chiếm một phần nhỏ. Trong khi các nhà sản xuất ô tô khác đã đưa ra cam kết chắc chắn về việc sử dụng hoàn toàn xe điện, Toyota lại có kế hoạch tiếp tục dùng xăng. Gần đây họ thậm chí thông báo tiếp tục phát triển các mẫu động cơ đốt trong mới.
Khủng hoảng chính trị ở Senegal
Đụng độ bạo lực có thể sẽ tiếp diễn vào thứ Ba tại Sénégal, nơi từ lâu được coi là ngọn hải đăng dân chủ ở Châu Phi. Hôm thứ Bảy, tổng thống Macky Sall đã hoãn vô thời hạn cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 25 tháng 2. Lý do biện minh của ông Sall là để có thời gian cho một cuộc điều tra của quốc hội về các cáo buộc tham nhũng chống lại Hội đồng Hiến pháp, cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra tư cách của các ứng viên tổng thống. Những người phản đối chỉ trích một “cuộc đảo chính hiến pháp.” Cảnh sát đã bắt giữ một ứng viên tại các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật.
Khi các nghị sĩ tranh luận về một lệnh miễn trừ hiến pháp để cho phép trì hoãn bầu cử vào thứ Hai, internet di động đã bị cắt, xe máy (phổ biến với những người biểu tình trẻ tuổi) đã bị cấm và một đài truyền hình bị đóng cửa. Nếu dự luật được quốc hội thông qua, bầu cử sẽ phải tới sáu tháng nữa mới diễn ra, vượt quá khung nhiệm kỳ được bầu của ông Sall. Song có nhiều điều không chắc chắn; đang có một đề xuất tại quốc hội yêu cầu hoãn bầu cử một năm và quy định chặt chẽ về việc ai có thể ra tranh cử tổng thống. Điều đó sẽ chỉ gây ra biểu tình lớn hơn. Có lẽ cuộc khủng hoảng ở Senegal chỉ mới bắt đầu.
Chiến lược khử carbon của EU bị chỉ trích
Vào thứ Ba, Ủy ban châu Âu sẽ công bố chiến lược khí hậu mới nhất, nêu chi tiết cách họ dự định cắt giảm carbon trên toàn EU cho tới năm 2040. Cơ quan điều hành của EU dự kiến sẽ đề xuất giảm 90% lượng khí thải “ròng” so với năm 1990 – nghĩa là ô nhiễm sẽ được bù đắp bằng các biện pháp tự nhiên (chẳng hạn như trồng rừng) cộng với công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.
Đề xuất này đã bị chỉ trích. Các công nghệ khác nhau cho phép hấp thụ, vận chuyển, lưu trữ dưới lòng đất hoặc tái sử dụng lượng khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các quy trình công nghiệp. Nhưng hầu hết đều đắt tiền, kém hiệu quả và chưa tồn tại ở quy mô cần có.
Các nhà bảo vệ môi trường đã phản đối việc dựa vào những công nghệ “đầu cơ” như vậy, vì cho rằng chúng sẽ không khuyến khích cắt giảm nhiên liệu hóa thạch. Nhưng EU đã bị chỉ trích bởi những người nông dân giận dữ phản đối các quy định xanh. Bị dồn từ hai phía, EU sẽ phải rất cẩn thận.