Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
Ngày 18 tháng Chạp năm Thái Trinh thứ nhất [22/1/1505], Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Tông nhân lệnh Tự ân sứ Lê Năng Nhượng cùng các Công, Hầu, Bá, Phò mã, Đô uý, các quan năm phủ, sáu bộ, Ngự sử đài, Đông các, Hàn lâm, Lục tự, Lục khoa, Đề hình các quan 13 đạo, đến điện Hương Minh đón con thứ hai của Hiến Tông là Tuấn lên ngôi Hoàng đế. Đại xá, đổi niên hiệu lấy năm sau là năm Đoan Khánh thứ nhất.
Vua có tên huý là Huyên, anh thứ của Túc Tông, ở ngôi 5 năm, thọ 22 tuổi, bị Giản Tu công Oánh [còn đọc là Dinh], tức Vua Tương Dực, đuổi đi, rồi sau bị giết, chôn ở An Lăng. Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tôn thất, ngầm giết bà nội, để họ ngoại hoành hành, dân chúng oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy.
Mẹ vua là Chiêu Nhân hoàng thái hậu Nguyễn thị, tên huý là Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh. Lúc bé mồ côi cha, nhà nghèo, tự bán mình cho người ở phủ Phụng Thiên; sau nhà ấy có tội, Nguyễn thị bị tịch thu sung làm quan tỳ, do đó được vào hầu Trường Lạc Hoàng thái hậu. Khi Hiến Tông còn làm Thái tử, vào chầu Thái hậu, thấy có sắc đẹp thì ưa, lấy vào làm phi. Vào giờ Tý ngày mồng 5 tháng 5 năm Hồng Đức thứ 19 [14/6/1488] sinh ra vua. Năm Thái Trinh thứ nhất [1504], Túc Tông băng, không có con nối, mẹ nuôi là Kính phi Nguyễn thị[1] mưu lập Vua ở trong cung cấm, bèn lên ngôi Hoàng đế. Đại xá, đổi niên hiệu Đoan Khánh, lấy ngày sinh là Thiên khánh thánh tiết, tự xưng là Quỳnh Đô động chủ.
Bấy giờ, bọn Nguyễn Bảo Khuê sang sứ nhà Minh chưa qua cửa ải; bèn triệu hồi, sửa đổi tên tờ biểu cầu phong sang Vua Uy Mục, rồi giao cho Bảo Khuê mang đi. Sứ bộ đến Bắc Kinh vào tháng 11 năm sau; triều Minh quyết định sai quan đến nước ta làm lễ tang Vua Hiến Tông:
“Ngày 25 tháng 11 năm Hoằng Trị thứ 18 [20/12/1505]. Lê Huy, vua nước An Nam mất. Con vua nước này là Lê Nghị [vua Uy Mục] sai bọn Bồi thần Nguyễn Kỳ đến báo tin. Triều đình sai quan đến làm lễ tang.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 162.
Ngày 16 tháng 2, năm Đoan Khánh thứ nhất [21/3/1505], tức Minh Hoằng Trị năm thứ 18, dâng tên thuỵ cho Vua trước Đại Hành Hoàng Đế là Chiêu Nghĩa Hiển Nhân Ôn Cung Uyên Mặc Hiếu Doãn Cung Khâm Hoàng Đế, miếu hiệu Túc Tông.
Tháng 3 [4/4-3/5/1505], đưa linh cữu Túc Tông Hoàng đế về Tây Kinh, Thanh Hóa; táng ở Kính Lăng. Quan bộ Lễ tâu xin dựng bia, vua y chấp nhận; sai bọn Đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm, soạn văn bia.
Ngày18 [21/4/1505], truy tôn mẹ đẻ Nguyễn Thị Cận làm Chiêu Nhân Hoằng Ý hoàng thái hậu. Ngày 27 [30/4/1505], rước thần chủ của Chiêu Nhân Hoằng Ý hoàng thái hậu thờ vào cung Minh Đức nhà Thái Miếu ở Đông Kinh, Hà Nội.
Tháng này, mở khoa thi Hội, lấy đỗ 55 người. Vào thi Đình, xếp hạng chọn 3 Tiến sĩ cập đệ, 16 Tiến sĩ xuất thân, và 36 Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân:
“Thi Hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Lê Nại (người làng Mộ Trạch, huyện Đường An) 55 người. Thi Đình cho bọn Lê Nại, Bùi Doãn Văn, Trần Phỉ (người làng Chi Nê, huyện Chương Đức, con là Trần Khải) 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Tiếu Tượng, Trần Lỗi 16 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Đôn Thục, Nguyễn Tư 36 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 40a.
Bà nội nhà Vua, Thái hoàng thái hậu mất thình lình tại cung Trường Lạc. Lúc sinh thời, bà cho rằng Vua là con người tỳ thiếp không xứng để lập; nên Vua ngầm cho giết đi, rồi sai làm lễ lớn, nghỉ chầu 7 ngày để che mắt:
“Ngày 22, Thái hoàng thái hậu Nguyễn thị thình lình băng ở chính tẩm điện Trường Lạc, thọ 65 tuổi. Trước đây, khi Túc Tông băng không có con nối, nội thần Nguyễn Nhữ Vi định lập vua, Thái Thánh Tông cho rằng vua là con người tỳ thiếp, không thể nối được đạo thống, khăng khăng đòi lập Lữ Khôi Vương. Bấy giờ Nhữ Vi liền đóng các cửa thành lại lập vua lên. Thái hậu do vua đã được lập rồi, có ý không vui. Sau vua liền sai quan hầu cận ngầm giết Thái hậu rồi nghỉ chầu 7 ngày.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 40a.
Ngày 27 tháng 4 [30/5/1505], nhà Vua truy tôn tên thuỵ cho bà ngoại là Huy Gia Tĩnh Mục Ôn Cung như Thuận Thái hoàng thái hậu. Cho dựng điện Chân Nguyên, làm Bảo Thuỵ đường tại quê bà, ở hương Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh để thờ. Cũng cho làm Tuyên Dự đường ở hương Hoa Lăng, huyện Thuỷ Đường, Hải Phòng, để thờ bà mẹ nuôi Nguyễn Kính Phi.
Ngày mồng 7 tháng 5 [8/6/1505], vua Hiếu Tông nhà Minh băng; ngày 28 [29/6/1505], hoàng thái tử Hậu Chiếu lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Chính Đức, tức Vua Vũ Tông. Đến tháng 8 sai sứ đến Triều Tiên và nước ta báo tin lên ngôi và tặng các hàng lụa, nhung:
“Ngày 14 tháng 8 năm Hoằng Trị thứ 18 [11/9/1505]. Mệnh Hàn lâm viện Thị độc Từ Ngạn làm Chánh sứ, Lại khoa Cấp sự trung Cát Thời làm Phó sứ đến nước Triều Tiên; Tu soạn Lâm Văn Tự làm Chánh sứ, Hộ khoa Cấp sự trung Trương Hoằng Chí làm Phó sứ đến nước An Nam. Mỗi sứ bộ mang chiếu thư báo lên ngôi, cùng ban cho Quốc vương và Vương phi lụa trử trong ngoài, các hàng nhung, gấm hoa văn có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 162.
Ngày mồng 5 tháng 6 [5/7/1505], truất chức Đàm Văn Lễ Thượng thư bộ Lễ và Nguyễn Quang Bật Đô ngự sử, làm Thừa chính sứ ở thừa tuyên Quảng Nam; rồi trên đường đi, mưu giết đi:
“Trước kia, lúc Hiến Tông nằm giường bệnh, Kính phi có ý muốn lập nhà vua, nhưng sợ quan đại thần không theo, bèn đem vàng đút lót Đàm Văn Lễ, Văn Lễ không nhận. Kịp khi Hiến Tông bệnh kịch. Văn Lễ cùng Quang Bật nhận tờ di chiếu giúp Hoàng thái tử nối ngôi vua. Lúc ấy các vương tranh nhau để được lập làm vua, Văn Lễ sợ việc biến xảy ra trong chốc lát, bèn vào nhà tẩm điện lấy quả ấn truyền quốc đem về nhà mình, rồi cùng các đại thần lập Túc tông. Nhà vua rất lấy làm oán giận. Đến nay, nhà vua dùng mưu mô của Khương Trùng và Nguyễn Nhữ Vi, truất Văn Lễ và Quang Bật đi giữ chức Thừa chính sứ đạo Quảng Nam; khi hai người đi đến sông Chân Phúc [huyện Nghi Lộc, Nghệ An], nhà vua sai người đuổi kịp, bắt phải tự tử. Bầy tôi trong triều lấy cớ rằng hai người ấy không có tội mà bị chết, nên nhiều người can ngăn; nhà vua đổ lỗi ấy cho Nhữ Vi, rồi lại giết cả Nhữ Vi nữa.” Cương Mục, quyển 25. trang 20.
Dùng Lê Tung làm Thừa tuyên sứ Thanh Hoa; phục chức Ngô Hoán làm Hiến sát sứ Thanh Hoa. Hoán đậu Tiến sĩ thời Vua Thánh Tông, đến đời Hiến Tông can tội đem việc trong triều nói cho người ngoài biết, nên bị bãi chức; năm Cảnh Thống thứ 4 [1501] lại thi đỗ sinh đồ, đến đây được bổ dụng lại.
Vào trung tuần tháng 6, con Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai là Sa Cố Bốc Lạc sai sứ đến nhà Minh xin phong. Triều đình nhà Minh bàn luận, lấy cớ sứ giả không tâu rõ ràng Cổ Lai đã mất, nên không chấp thuận. Lại thêm tình hình lãnh thổ Chiêm Thành lúc bấy giờ không rõ ràng, thiếu an ninh; nên nhà Minh không muốn sai sứ đến phong. Sứ giả Chiêm Thành không hoàn thành sứ mệnh, tháng sau trở về nước:
“Ngày 17 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 18 [17/7/1505]
Con Quốc vương Chiêm Thành Sa Cố Bốc Lạc sai sứ Sa Bất Đăng Cổ Lỗ đến cống sản vật địa phương, xin Đại thần đến nước này, vẫn tại các xứ cảng Tân Châu [Thị Nại, Bình Định], để phong tước; nhưng không tâu rõ về việc cha y đã mất, lại nói qua về số đất bị chiếm đoạt. Bọn Cấp sự trung Nhiệm Lương Bật tâu rằng:
“Việc thỉnh phong cần phải xem xét kỹ. Lời di huấn của Hoàng tổ ( Minh Thái Tổ) cho rằng Chiêm Thành triều cống mang thương nhân đi theo, nhiều trí trá, cần ngăn cấm. Đến thời Thái Tông có việc tại An Nam, nước này với Chiêm Thành như môi với răng, nên bắt đầu đi lại phong tước. Tuy nhiên thời gian triều cống so với Triều Tiên, An Nam thì không giống. Mới đây nước này suy nhược; nên mượn việc cống tiến, sắc phong để báo động lân quốc; kỳ thực Quốc vương nước này lập hay không, không lệ thuộc vào việc phong tước hay không phong của triều đình. Trước đây Cổ Lai đã xin phong cho Sa Cố Bốc Lạc nhưng chưa được chấp thuận, nay lại xưng Cổ Lai đã mất, thực hư khó biết. Vạn nhất nếu Sứ giả đến, Cổ Lai vẫn còn sống, lại phong cho người con ư? Hoặc xét điều nghĩa không thể được, nên từ chối rồi xẩy ra hiếp bách; nếu sự việc như vậy thì thật khó xử! Như trước đây Cấp sự trung Lâm Tiêu đi sứ, vua Mãn Thứ Gia [Melaka] không chịu hướng về phương bắc quì lạy, bắt Sứ giả giam đói; nhưng không thể mang quân đi hỏi tội; mệnh vua, quốc thể, thực lấy làm đáng tiếc!
Xét về đại thể, những nước nơi biển xa nếu vô sự thì phế triều cống tự lập; có việc thì mượn việc triều cống xin phong. Nay Chiêm Thành đến không phải vì việc cầu phong cấp thiết, mà thực ra muốn được An Nam trả lại đất, ta trả lại những người đã trốn sang Quảng Đông. Về việc An Nam xâm chiếm đất, trước đây từng ban tỷ thư, lệnh phải trả lại đất, nếu không trả sẽ làm rõ tội. Bọn họ đoán tình thế khó xẩy ra, nên dù lời của Thiên tử đinh ninh, nhưng vẫn xâm chiếm như trước, nếu chỉ dụ tiếp đến thì họ cũng coi thường, mà uy tín của Thiên tử bị tổn thương. Nay nếu không xử trí được vấn đề lãnh thổ lại đến phong, nếu Sứ giả bị câu lưu để chờ phân xử, không biết triều đình xử trí thế nào? Số người chạy trốn đến Quảng Đông, bộ Binh đã gửi văn thư cho quan trấn phủ lệnh điều tra, đến nay chưa nhận được báo hồi. Nếu nhân việc này, bọn chúng câu lưu sứ giả của ta để đòi cho được người bỏ trốn, như vậy thì hóa ra Sứ giả Thiên triều bị bắt làm con tin vì những tên Di vô danh vậy. Nên đối xử như lệ trước đây, Cổ Lai đến Quảng Đông tựu phong, sai sứ đưa đến biên giới Quảng Đông, rồi mang sắc trở về nước. Bộ Hộ gửi cho quan trấn phủ Lưỡng Quảng trách vấn An Nam dụ điều họa phúc, lệnh trả hết đất xâm chiếm. Còn bọn dân Phiên bỏ trốn, nên sai quan trấn thủ phủ dụ cho trở về nước, ngõ hầu toàn vẹn chính sách nhu viễn, không tổn thương uy tín Trung Quốc.”
Sự việc đưa xuống dưới, bộ lễ họp bàn rồi tâu lên:
“Theo lệ Quốc vương mất trước hết phải sai người trong họ đến cáo ai, nay không làm như thế. Vả lại trong tờ tấu xin phong của Sa Cổ Bốc Lạc không nói rõ năm tháng Cổ Lai mất; vậy nên sai ty Bố chánh Quảng Đông gửi văn thư để nước này trình báo, rồi bàn xét sau.”
Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 162.
“Ngày 13 tháng 7 năm Hoằng Trị thứ 18 [12/8/1505].
Ban cho bọn Cống sứ Chiêm Thành Sa Bất Đăng Cổ Lỗ các vật như y phục lụa thải, đoạn dệt kim, có sai biệt; lại sai mang về ban cho con của Vương là Sa Cổ Bốc Lạc gấm và ỷ; rồi lệnh cho khởi hành.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 162.
Lúc Vua Lê Uy Mục mới lên ngôi, sai bọn Sứ thần Nguyễn Bảo Khuê sang nhà Minh báo tin các vua Hiến Tông, Túc Tông mất và xin phong cho nhà Vua. Vào tháng Chạp năm Hoằng Trị thứ 18, sứ bộ nhà Minh do Biên Tu Thẩm Đảo cầm đầu sang phong Vua Uy Mục tước An Nam Quốc vương:
“Ngày 11 tháng 12 năm Hoằng Trị thứ 18 [4/1/1506].
Mệnh Hàn lâm viện Biên tu Thẩm Đảo sung Chánh sứ, Công khoa Tả Cấp sự trung Hứa Thiên Tích sung Phó sứ mang phù tiết[2] phong con thứ của cố An Nam Quốc vương Lê Huy là Nghị chức An Nam Quốc vương. Trước đây Huy mất; Thế tử Kính chưa kịp phong cũng mất; lúc bệnh để di chúc cho Nghị. Nhân sai bọn Bồi thần Nguyễn Bảo Khuê dâng biểu xin phong tước cùng cống phương vật. Thiên tử hứa cho, lại ban cho Nghị một bộ quan phục có mũ, cùng thường phục, mỗi thứ một bộ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 162.
Tháng giêng năm Đoan Khánh thứ 2 [24/1-22/2/1506], tức Minh Vũ Tông Chính Đức năm thứ nhất; lập người con gái họ Trần làm Hoàng hậu. Trước đây, viên quản lĩnh họ Trần người làng Nhân Mục [Hà Nội] vốn là cháu ngoại của một ông vua triều Trần, sinh được 2 người con gái, con trưởng tên là Tùng, con thứ tên là Trúc. Vua nghe nói Tùng có sắc đẹp, chọn vào hậu cung, sinh được Hoàng tử nên được phong Hoàng hậu. Sau Trúc, người em, cũng được đưa vào cung.
Ngày 12 tháng 12 [25/12/1506], thi khảo quân và dân về môn viết chữ và tính toán tại điện Giảng Võ:
“Nhà vua sai bọn Nguyễn Quang Mĩ, Binh bộ thượng thư, Nguyễn Tinh, Lại khoa đô cấp sự trung, và Nguyễn Trọng Đạt, giám sát ngự sử, thi khảo quân và dân về môn viết chữ và tính toán ở sân điện Giảng Võ. Người ứng thi hơn ba vạn, lấy bọn Nguyễn Tử Kỳ 1519 người trúng tuyển; trong số này trích lấy những người trội hơn được 144 người, thi khảo lại một lần nữa, lấy 25 người trúng tuyển cho sung vào Hoa Văn học sinh, ngoài ra đều cho sung làm lại dịch các nha môn trong kinh và ngoài các đạo.” Cương Mục, quyển 25, trang 22.
Ngày mồng 9 tháng giêng năm Đoan Khánh thứ 3 [21/1/1507], tức Minh Chính Đức năm thứ 2, nhà Minh sai Chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Tăng Đạc, phó sứ là Lại khoa hữu cấp sự trung Trương Hoằng Chí sang báo việc Vũ Tông nhà Minh lên ngôi và ban cho vóc lụa. Theo Minh Thực Lục, vua Minh chuẩn bị chuyến đi sang nước ta vào ngày 14 tháng 8 năm Hoằng Trị thứ 18 [11/9/1505]; dùng Hàn lâm viện Thị độc Từ Ngạn làm Chánh sứ; nay thay đổi cho Tăng Đạc làm Chánh sứ, riêng Phó sứ Trương Hoằng Chí thì vẫn giữ nguyên.
Lấy Nguyễn Xao làm Thừa tuyên sứ Hải Dương. Trước đây, Nguyễn Xao vâng mệnh đi sứ phương Bắc, có mua được cái gối của phương Bắc rất đẹp, không đem dâng tiến lên, bị xá nhân tâu lên, phải bãi chức về nhà, đến đây mới được bổ dụng. Sau Xao chết ở nhiệm sở.
Vào tháng 12 năm ngoái [14/12/1506-12/1/1507], Vua Minh sai Hàn lâm viện Biên tu Thẩm Đảo làm Chánh sứ, Công khoa Tả Cấp sự trung Hứa Thiên Tích Phó sứ, mang chiếu thư phong Vua Uy Mục chức An Nam Quốc vương; tháng Giêng nhuần [12/2-13/3/1507] năm nay đến nước ta. Nhân dịp này, viên Phó sứ Hứa Thiên Tích làm thơ, miệt thị Vua Uy Mục là Quỉ vương!
“Tháng Giêng nhuận, nhà Minh sai Hành nhân ty hành nhân Hà Lộ sang làm lễ viếng Hiến Tông Duệ Hoàng Đế, lại sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Thẩm Đảo, phó sứ là Công khoa tả cấp sự trung Hứa Thiên Tích mang chiếu thư sang phong vua làm An Nam Quốc Vương, lại ban một bộ mũ áo quan võ bằng da và một bộ thường phục. Thiên Tích thấy tướng vua, đề thơ rằng:
An Nam tứ bách vận vưu trường,
Thiên ý như hà giang quỷ vương?
(Vận nước An Nam bốn trăm năm rất dài,
Không biết lòng trời như thế nào lại giáng sinh ông vua quỷ sứ). Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 43a.
Nhắm đáp lễ, vào tháng 11, triều đình ta cử 6 sứ bộ sang nhà Minh; với sứ mệnh mừng Vua Vũ Tông lên ngôi, tạ ơn ban vóc, lụa; dâng hương phúng điếu Vua cũ Hiếu Tông, tạ ơn sang viếng các vua Hiến Tông, Túc Tông, tạ ơn sách phong, cùng đi cống hàng năm:
“Mùa đông tháng 11 [4/12/1507-2/1/1508], sai sứ sang nhà Minh. Bọn Hộ bộ tả thị lang Dương Trực Nguyên, Đông các hiệu thư Chu Tống Văn và Hàn Lâm viện kiểm thảo Đình Thuận mừng Vũ Tông lên ngôi; Lương Khản tạ ơn ban vóc lụa; Hồng lô tự thiếu khanh Nguyễn Thuyên dâng hương; bọn Công bộ hữu thị lang Nguyễn Thọ, Hàn lâm viện kiểm thảo Doãn Mậu Khôi, Hộ khoa cấp sự trung Lê Đĩnh Chi tạ ơn sang viếng; bọn Thừa tuyên xứ Thanh Hoa Lê Tung, Hàn lâm viện kiểm thảo Đinh Trinh, Giám sát ngự sử Lê tạ ơn sách phong; bọn Tham nghị Nghệ An Lê Uyên, Hàn lâm viện hiệu lý Ngô Tuy, Giám sát ngự sử Hoàng Nhạc đi tuế cống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 44a.
Các sứ bộ năm sau mới đến Bắc Kinh, được tiếp đón và ban yến tiệc vào các ngày khác nhau. Như sứ bộ Dương Trực Nguyên được tiếp đón vào ngày 25 tháng 2 năm Chính Đức thứ 3 [ 26/3/1508 ]; sứ bộ Lê Tung vào ngày 2 tháng 5 năm Chính Đức thứ 3 [1/5/1508]:
“Ngày 25 tháng 2 năm Chính Đức thứ 3 [26/3/1508].
Quốc vương An Nam Lê Nghị [vua Uy Mục] sai bọn Bồi thần Dương Trực Nguyên dâng biểu, cống sản vật địa phương để chúc mừng. Ban cho Nghị 10 bộ y phục lụa đoạn, 4 tấm gấm. Ban cho bọn Nguyên yến tiệc và y phục dệt vàng, lụa, đoạn, có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 163.
“Ngày 2 tháng 5 năm Chính Đức thứ 3 [31/5/1508].
Quốc vương An Nam Lê Nghị sai bọn Bồi thần Lê Tung đến triều cống sản vật địa phương. Ban cho Nghị 10 y phục lụa, 4 tấm gấm; Lại ban yến cho bọn Tung, mỗi người được ban cho lụa ỷ hoa văn dệt vàng, có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 163.
Bấy giờ cánh họ ngoại nhà Vua tại huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh, cậy thế lộng hành. Vào tháng Giêng nhuần [12/2-13/3/1507], viên Tri phủ Nguyễn Chí người địa phương Đông Ngàn, bị Khương Chủng người thân thích bên ngoại vua đánh chết, nhưng may sống lại. Nguyễn Chí sợ bị phát giác phải mai danh ẩn tích, đến triều đại sau lại ra làm quan:
“Tri phủ Nguyễn Chí bị thân nhân của bọn ngoại thích Khương Chủng đánh chết lại sống lại. Trước đây, thời Hiến Tông, Chí làm Trung thư giám chính sự, sau khi thi Hội trúng trường, vì là người huyện Đông Ngàn, quê ngoại của vua nên được bổ làm Thiếu doãn phủ Phụng Thiên, sau làm Tri phủ phủ Phú Bình.[3] Chí là người cứng cỏi bất khuất. Thân nhân của Khương Chủng là Nguyễn Trọng bắt Chí giam vào ngục của ty Đình uý rồi đánh chết, vứt xác ra ngoại thành. Con cháu lấy chiếu bó xác lại đem về định chôn, bỗng nhiên Chí sống lại. Sau đó, phải ẩn náu ở nhà con em, ban ngày ở dưới hang, ban đêm ngủ trên cây. Vợ con lấy hài cốt của người khác đem chôn, rồi làm chay theo như lễ để tang, đã qua 3 năm mà hàng xóm không ai biết cả. Đến năm Kỷ Tỵ đời Hồng Thuận [21/1/1509-8/2/1510], quân khởi nghĩa nổi dậy,[4] Chí đến cửa khuyết trình bày, được cho vào làm Bí thư xá nhân và được ban tên hiệu là Hoàng Sinh. Thời Nguỵ Mạc [1527-1532], làm quan đến tri phủ các phủ Nghĩa Hưng[5] và Cao Bằng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 43b.
Tháng 3 [12/4-11/5/1507], Vua tuần du Tây Kinh, Thanh Hóa. Đến ngày 24 [5/5/1507], từ Tây Kinh trở về, đến ngự điện Chân Nguyên tại quê ngoại làng Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, để xem đất tốt.
Tháng 2 năm Đoan Khánh thứ 4 [2/3-30/3/1508], tức Minh Chính Đức năm thứ 3, thì Hội các cử nhân trong nước; lấy đỗ bọn Đỗ Dung 54 người. Dung người huyện Thư Trì, Nam Định; khi thi Đình đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Đến kỳ thi đình lấy bọn Nguyễn Giản Thanh, Hứa Tam Tỉnh, Nguyễn Hữu Nghiêm 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Tông 15 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Nghĩa Thọ 36 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Theo sách Đăng Khoa Bị Khảo thì trong khoa này bài thi Hội của Hứa Tam Tỉnh hay hơn bài của Nguyễn Giản Thanh; nhưng khi vào thi Đình thì bài phú Nôm, Phụng Thành Xuân Sắc của Nguyễn Giản Thanh hay hơn; nên được lấy đỗ Trạng nguyên cao hơn Hứa Tam Tĩnh. Ghi lại việc này, người địa phương có câu”Trạng Me đè Trạng Ngọt”; vì quê của Nguyễn Giản Thanh tại làng Me, tức hương Tức Mặc, huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh; quê Hứa Tam Tĩnh tại làng Ngọt, tức tên nôm làng Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Lấy Nguyễn Bá Tuấn làm Tổng binh thiêm sự Thanh Hoa [Thanh Hóa], Nguyễn Trung làm Hiến sát sứ Thanh Hoa.
Tháng 3 [31/3-29/4/1508], lấy Mạc Đăng Dung làm Thiên vũ vệ.[6] Dung thuộc dòng dõi Trạng nguyên đời Trần Mạc Đỉnh Chi; cháu 4 đời của Mạc Thúy, người từng hợp tác với quân Minh đánh nhà Hồ:
“Lấy Mạc Đăng Dung làm Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ ty đô chỉ huy sứ. Đăng Dung là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (tức là xã Long Động, huyện Chí Linh), tiên tổ Đăng Dung là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên triều Trần, làm quan đến Tả bộc xạ. Đĩnh Chi sinh ra Cao, Cao sinh ra Thuý, Thuý sinh ra Tung, dời sang ở xã Lan Khê, huyện Thanh Hà[7] rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương[8] rồi trú tại đó. Bình sinh ra Hịch, Hịch lấy con gái trưởng của Đặng Xuân người cùng xã, sinh được ba con trai, con trưởng là Đăng Dung, con thứ là Đốc Tín, con út là Quyết. Đăng Dung có sức khoẻ, vì đỗ võ cử, được sung vào quân túc vệ, đến đây phong cho chức này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 45a.
Tháng 10 [24/10-22/11/1508], bộ tộc Hắc La La tại Vân Nam xâm lấn cửa ải Chu Quan thuộc châu Thủy Vĩ, Lào Cai. Nhà vua sai bọn Lê Quýnh đem quân đi đánh, chia lập giới mốc ở nơi quan ải, rồi dẫn quân về:
“Nước Hắc La La xâm lấn vào cửa ải Chu Quan. Nhà vua sai Trần Thúc Mại, đô đốc Bắc quân, làm phó tướng doanh Hữu du kính, Phạm Nhất Ngạc làm ký lục, dẫn quân đi trước; một mặt hạ lệnh cho Mỹ quận công Lê Quýnh làm Chinh man tướng quân, Đan Khê bá Trịnh Hựu làm phó, thống lĩnh các vệ Thần Võ. Hiệu Lực, Điện Tiền và quân trong Ngũ phủ, tất cả 6 vạn người đi đánh. Quân kéo đến cửa ải Chu Quan, chia lập giới mốc; lại hạ lệnh cho bọn Lê Quýnh chỉnh lý đất đai ở Chu Quan thuộc châu Thủy Vĩ xứ Hưng Hóa, sửa sang xếp đặt công việc ở quan ải, rồi dẫn quân về.” Cương Mục, quyển 25, trang 27.
Tháng 3 năm Đoan Khánh thứ 5 [21/3-19/4/1509] (từ tháng 12 trở về sau là Tương Dực Đế, Hồng Thuận năm thứ nhất; Minh Chính Đức năm thứ 4); ra lệnh cho bọn Chinh Man tướng quân Lê Quýnh và Trịnh Hựu đem quân từ châu Thủy Vĩ [Lào Cai] trở về.
Tăng cường phòng thủ nơi cung cấm, đặt thêm ti Phi võ lực sĩ. Theo chế độ cũ, lực sĩ điện Kim Quang 10 ti, mỗi ti lực sĩ 100 người, bác sĩ 2 người, thay nhau phụng mệnh túc trực ở điện Kim Quang. Đến nay, mới đặt Phi Võ ti lực sĩ 100 người, túc trực cung Đoan Khang, cũng theo như thể lệ lực sĩ túc trực điện Kim Quang.
Đặt 2 ty ngự tượng và ngự mã, trang bị mũ phân biệt; hàng ngày giao đấu cho Vua xem. Tính nhà vua thích dũng lực; sai quân các ti và quân các vệ trong Ngũ phủ, quản lãnh voi công dẫn đến trước mặt vua để ứng tuyển, đặt hai giám ti Ngự tượng và Ngự mã; quân sĩ ở ti Ngự tượng đội mũ màu thủy ngân, vẽ hoa kim quỳ; quân sĩ ti Ngự mã đội mũ màu thủy ngân, vẽ hoa hồng quỳ. Mỗi ngày, sai hai viên giám quân đấu sức với nhau; hai viên cầm gậy đánh nhau từ cửa Thanh Dương đến ngoài cửa Thái Miếu, nhà vua tới xem, lấy làm thích, thưởng cho tiền và lụa.
Vua từ khi lên ngôi đam mê gái đẹp, rượu chè. Uy quyền giao cho bên ngoại và bên vợ; giết các các quan Đại thần không hùa theo, nghi ngờ giam giữ các Hoàng thân quốc thích, khiến lòng người ly tán:
“Từ khi lên ngôi, vua đêm nào cũng cùng cung nhân vui đùa uống rượu vô độ. Khi rượu say liền giết cả cung nhân. Bấy giờ, uy quyền thuộc về họ ngoại, phía đông thì làng Hoa Lăng [huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng] quê của mẹ nuôi; phía tây thì làng Nhân Mục [Hà Nội] quê của vợ vua; phía bắc thì làng Phù Chẩn [huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh] quê của mẹ vua, đều chuyên cậy quyền thế, vùi dập các quan, kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân, kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, mọi thứ súc vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ vào và đòi lấy. Muôn dân ta oán mà vua vẫn không chừa, lại mang lòng ngờ vực, đố kỵ. Các quan người nào ngày trước không lập mình, thì thường giết đi. Lại ngầm sai nội nhân Nguyễn Đình Khoa dò xét cả 26 vương là các chú và anh em của vua. Trong đó, Kinh Vương là chú đã chạy trốn không biết đi đâu, chỉ có Giản Tu công là con chú bác bị giam vào ngục trốn thoát được. Do vậy, mọi người đều cảm thấy nguy đến thân mình, càng nghĩ đến việc nổi loạn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 47a.
Hạ lệnh cho bọn đô đốc Lê Tử Vân và Vũ Cảnh đi chinh lý xếp đặt công việc ở Quảng Nam. Tháng 8 [16/8-13/9/1509], xuống chiếu bắt giết hết những người Chiêm hiện đang bị giam giữ:
“Trước kia, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được Trà Toại và vợ con hắn mang về an trí ở ngoài cửa Bảo Khánh gần 30 năm; Trà Toại [em Trà Toàn] mất, đến khoảng niên hiệu Cảnh Thống [Hiến Tông 1498-1504], con Trà Toại là Trà Phúc lấy trộm hài cốt mang trốn về. Đến nay, những người Chiêm Thành làm nô lệ ở điền trang các nhà công thần thế gia cũng bỏ trốn về nước. Gặp lúc ấy, bọn Ma Mạt, người Chiêm Thành đi biển bị trôi giạt, quan quân nước ta bắt được, Ma Mạt cung xưng:”Năm trước Trà Phúc trốn về, sai con là Mạ La sang cầu viện với nhà Minh và đóng nhiều thuyền chứa lương thảo”. Vì cớ ấy, nhà vua hạ lệnh cho bọn Vũ Cảnh đi kinh lý xếp đặt công việc ở Quảng Nam. Nhà vua hạ chiếu bắt người Chiêm Thành nào còn bị giam giữ đem giết hết.” Cương Mục, quyển 25, trang 30.
Tháng 11 [12/12/1509-9/1/1510], Nguyễn Văn Lang, cháu ruột Trường lạc Hoàng thái hậu, cầm đầu cuộc nổi dậy; tôn Hoàng thân Giản Tu công Oánh làm minh chủ, tiến quân đến gần kinh đô:
“Lúc ấy nhà vua đuổi các người tôn thất và công thần về Thanh Hóa. Uy quyền của bọn ngoại thích là Khương Trùng và Nguyễn Bá Thắng làm nghiêng lệch cả trong triều đình và ngoài các địa phương, chúng tự tiện làm oai làm phúc; dân gian không có kế gì xoay sở được tay chân, thiên hạ mất hết hi vọng. Nguyễn Văn Lang lấy thân phận là họ thân của Nguyễn Thái hậu cũng bị đuổi. Người đại thần trong họ tôn thất là Nghi quận công Lê Năng Cẩn không được hài lòng, bèn gởi cho Văn Lang bài thơ bảo đem quân giết hết bè đảng bạo nghịch. Văn Lang bèn đem nô bộc người Chiêm Thành là Chế Mạn cùng Vũ Bá, Vũ Tiếp hiệu triệu nhân dân ba phủ thuộc Thanh Hóa hội hợp ở thành Tây Đô, rồi đem quân trấn giữ cửa biển Thần Phù. Gặp lúc ấy, Giản Tu Công tên là Oánh trước bị giam trong ngục, Oánh đem nhiều lễ vật đút lót cho người canh ngục, được thoát ra, trốn về Tây Đô. Khi Oánh đi đến cửa biển Thần Phù, Văn Lang đón rước lập làm minh chủ. Nhân đấy, Oánh đem đại thần là bọn Nguyễn Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm cùng những viên quan ở Thanh Hóa là tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, thừa tuyên sứ Lê Tung, tham chính Nguyễn Thì Ung cùng nhau khởi binh, sai Lương Đắc Bằng làm tờ hịch dụ bảo đại thần trăm quan, rồi giả xưng là Cẩm Giang vương [Lê Sùng, anh ruột Giản Tu Công], kéo lá cờ chiêu an, tiến quân đến sát Đông Kinh.” Cương Mục, quyển 25, trang 32.
Bài hịch Bảng nhãn Lương Đắc Bằng làm kể tội Lê Uy Mục, nội dung như sau:
“Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó[9] ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá[10] ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính.[11] Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh.[12] Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương[13] đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng[14] nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 50b.
Ngày mồng 8 [19/12/1509], Giản Tu công Oánh từ Tây Đô đem các dinh thuỷ, bộ cùng tiến phát. Quân thuỷ đến núi Thiên Kiện, tại huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Vua Uy Mục dùng hai chiếc thuyền nhẹ Hà Thanh và Hải Thanh đi đến chùa Bảo trên núi Thiên Kiện, bắt được một viên tướng thuỷ dinh và giết được 20 sĩ tốt đem về ngoài cửa Đông Hoa tại kinh thành. Vua sai phó tướng Đông Nham bá Lê Vũ làm tán lý, Ngự sử đài đô ngự sử Dương Trực Nguyên làm ký lục và bọn Hữu thị lang Phạm Thịnh, Trần Năng đem cấm quân và quan quân các vệ Thần Vũ, Hiệu Lực, Điện Tiền đi chống giữ nhưng không được. Ngày 23 [3/1/1510], anh của Giản Tu Công là Cẩm Giang Vương Sùng, em là Tĩnh Lượng công Doanh, và Quyên cùng Thọ Mai phò mã Nguyễn Kính đều bị hại. Quân của Giản Tu Công vẫn dùng cờ chiêu an của Cẩm Giang Vương để dụ bọn Vũ về hàng, Vũ lấy đầu Cẩm Giang Vương giơ ra cho chúng xem và nói:
“Đây là cái đầu của Cẩm Giang vương, chúng bay còn nói láo làm gì?”
Rồi cưỡi voi chỉ huy binh sĩ tiến đánh đến xứ Đồng Lạc, bị hãm trận, Vũ tử trận. Bọn Dương Trực Nguyên, Phạm Thịnh, Trần Năng cũng bị chết ở Châu Cầu [Phủ Lý, Hà Nam]. Quan quân thua trận rút về. Ngày 26 [6/1/1510], các dinh quân của Giản Tu Công Oánh đều tiến đến các xứ Bảo Đà, Nhân Mục, Hồng Mai [Bạch Mai] gần kinh thành.
Tình thế khẩn trương, vua ra lệnh thả tù nhân, lấy vàng bạc ban cho, rồi sai đi đánh trận, nhưng tù nhân không theo. Lại mang sắc điều quân các lộ đến cứu, nhưng sắc chưa đến nơi thì quân của Giản Tu Công đã tiến sát kinh thành. Khi quân vào thành, Vua Uy Mục chạy ra phường Nhật Chiêu, bị bắt rồi uống thuốc độc tự tử. Giản Tu công giáng Vua Uy Mục làm Mẫu Lệ Công, rồi lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Hồng Thuận:
“Quân của Oánh tiến đến làng Bảo Đà và phường Hồng Mai. Nhà vua ra cửa Thanh Dương yên ủy tướng sĩ, lấy kiếm trao cho bọn Trịnh Chí Sâm và Lê Quảng Độ. Một mặt đem vàng bạc tiền lụa trong kho ban cho người phạm tội bị giam mỗi người ba quan và buông tha ra, bắt phải đi đánh giặc. Các phạm nhân lạy tạ nhận xong thì họ đều về nhà. Một mặt khác hạ lệnh cho Trung sứ và Hoa văn học sinh đem sắc văn và phù hiệu đến các xứ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và An Bang [Quảng Ninh] điều động lấy mỗi xứ 5000 lính bản thổ đem vào bảo vệ kinh thành. Bọn Trung sứ và Hoa văn học sinh chưa đi đến Bồ Đề [Bắc Ninh], thì quân của Oánh đã tiến đến sát kinh thành, dân chúng đều bỏ trốn; hoàng hậu Trần Thị chạy ẩn núp ở nhà một người dân Hồng Mai [Hoàng Mai], tự thắt cổ chết. Lê Quảng Độ cùng Oánh, người trong thành, người ngoài thành, ứng tiếp lẫn nhau, bắn pháo để báo hiệu. Quân sĩ thì hoặc lấy ngọn tre hoặc đẵn cây đánh lẫn nhau để cho mọi người sợ hãi. Nhân đấy, Quảng Độ bắt cóc nhà vua chạy sang mặt bắc. Khi Oánh vào Đông Kinh, nghe tin mẹ cùng em là bọn Doanh và Quyên, anh là Sùng đều bị giết, sai quan làm lễ táng, tế. Nhà vua chạy đến phường Nhật Chiêu, vệ sĩ đuổi theo bắt được, đem trói ở cửa Lệ Cảnh. Oánh cho tên vệ sĩ ấy là người bất nghĩa, sai đem chém đi. Nhà vua uống thuốc độc tự tử. Oánh căm giận về việc nhà vua giết mẹ cùng anh em của mình, bèn sai người dùng cổ đại bác đem thây đặt ở hỏa khẩu, khi súng nổ, hài cốt bị tan tành, chỉ lấy tro tàn đem về táng ở An Lăng tại làng Phù Chẩn [huyện Từ Sơn, Bắc Ninh] là nơi quê mẹ mà thôi. Oánh giáng tước nhà vua làm Mẫu Lệ Công, rồi lên ngôi hoàng đế, ân xá cho trong nước, đổi niên hiệu là Hồng Thuận.” Cương Mục, quyển 25, trang 35.
———————–
[1] Nguyễn Kính phi: người xã Hoa Lăng, huyện Thuỷ Đường, nay là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
[2] Phù tiết: ấn tín của vua ban cho để làm tin.
[3] Phủ Phú Bình: phủ thời Lê, gồm đất huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đông Hồ, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai tỉnh Bắc Thái và một phần đất huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay.
[4] Chỉ cuộc khởi nghĩa của Giản Tu công Oánh tức là Tương Dực Đế sau này vào năm 1509.
[5] Phủ Nghĩa Hưng: phủ thời Lê, gồm đất các huyện Vụ Bản. Nghĩa Hương, Ý Yên tỉnh Nam Hà hiện nay.
[6] Thiên vũ vệ: Xem năm Hồng Thuận thứ 2 (1510),”đặt hai vệ Thiên vũ và Thánh oai, ban thứ ở trên vệ Cẩm y và Kim ngô”.
[7] Huyện Thanh Hà: sau thuộc phủ Nam Sách nay thuộc đất huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương.
[8] Huyện Nghi Dương: sau là huyện Kiến Thuỵ, nay thuộc đất huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng.
[9] Đuôi chó: Tấn sử chép Triệu Vương Lân phong bừa quan tước cho nô lệ, đầy tớ, khi triều hội đầy những người đội mũ đuôi điêu. Người thời ấy có câu chế giễu: Đuôi điêu chẳng đủ, lấy đuôi chó nối thêm vào, ý nói kẻ hèn hạ cũng được thăng quan tước.
[10] Đầu cá: Tống sử chép Lỗ Tông Đạo làm Tham tri chính sự, bọn ngoại thích sợ, gọi Lỗ là “tham chính đầu cá” (Chữ Lỗ [魯] trên đầu có chữ ngư [魚] là cá).
[11] Tần Chính: tức Tần Thuỷ Hoàng.
[12] Nguỵ Oanh: tức là Lương Huệ Vương đời Chiến Quốc.
[13] Hoa Cương: tức là đá hoa cương. Tống Huy Tông thích hoa đẹp, đá lạ, bắt dân chở đá đẹp ở các nơi về Biện Kinh, thuyền ghe nối liền nhau trên sông Hoài, sông Biện.
[14] Tần Thuỷ Hoàng dựng cung A Phòng rất tráng lệ. Sau Hạng Võ vào kinh đô nhà Tần, đốt cung này, lửa cháy ba tháng chưa hết.