Tương lai kinh tế Hàn Quốc đang bị đe dọa bởi các cuộc đình công

Nguồn: Park Dae Sung, “South Korea’s economic future at stake in doctors’ strike,” Nikkei Asia, 06/03/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tổng thống Yoon đang kiềm chế các công đoàn trong lúc tìm cách tăng tính linh hoạt của thị trường lao động.

Tuần này, chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol lại tiếp tục gia tăng căng thẳng trong cuộc đối đầu với các bác sĩ nội trú của Hàn Quốc.

Các quan chức của Bộ Y tế đã bắt đầu đến kiểm tra các bệnh viện để xác nhận sự vắng mặt của các bác sĩ được cho là đang tham gia cuộc đình công nhằm yêu cầu chính phủ từ bỏ kế hoạch mở rộng tuyển sinh vào trường y. Bộ này dự định đình chỉ giấy phép hành nghề của những người không quay trở lại làm việc trước hạn chót ngày 29/02.

Dù những người tham gia đình công chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số bác sĩ của cả nước, cuộc đình công này vẫn có tác động rất lớn đến các bệnh viện, buộc hàng trăm bệnh nhân phải hủy hoặc hoãn các ca phẫu thuật, thậm chí một số bệnh viện buộc phải giảm hoạt động từ 30% đến 50%. Kết quả là, quyết tâm cứng rắn của chính quyền Yoon nhằm đào tạo thêm bác sĩ đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng.

Yoon và Đảng Sức mạnh Quốc dân của ông đang ấp ủ nhiều dự định. Trong bài phát biểu đầu năm mới, Yoon cam kết sẽ thúc đẩy cải cách để giúp người sử dụng lao động linh hoạt hơn trong việc ấn định giờ làm việc, và sa thải những nhân viên làm việc kém hiệu quả.

Ông tuyên bố, “Một thị trường lao động linh hoạt là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.”

Trước khi thực hiện đề xuất lập pháp của mình, Yoon đã tập trung vào việc thiết lập lại vai trò của pháp quyền trong quan hệ lao động.

Nghe thật khó tin, nhưng hành hung công nhân không thuộc công đoàn, bắt các nhà quản lý làm con tin, và xông vào toà nhà quốc hội vẫn là những chiến thuật phổ biến của công đoàn tại nước này.

Các công đoàn Hàn Quốc nằm trong số những công đoàn hung hăng nhất trên thế giới. Nguyên nhân của sự hung hăng này bắt nguồn từ các cuộc đình công quy mô lớn vào cuối thập niên 1980, khi đất nước đang chuyển sang chế độ dân chủ.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của thành viên Đảng Dân chủ Đồng hành, Moon Jae-in, từ năm 2017 đến năm 2022, cảnh sát đã được chỉ thị phải tôn trọng quyền hội họp của người lao động ngay cả khi họ cư xử vô pháp. Những cảnh sát đàn áp thành viên công đoàn quá khích có thể bị kỷ luật vì sử dụng vũ lực quá đáng, trong khi những người đình công vi phạm pháp luật thường không bị trừng phạt.

Chẳng hạn, vào năm 2018, nhân viên công đoàn đã xông vào trụ sở General Motors tại Hàn Quốc để trút giận khi không nhận được lợi ích trong bối cảnh dòng tiền bị siết chặt. Các công nhân cầm ống kim loại đã đập phá văn phòng của Tổng Giám đốc Kaher Kazem, sau đó chiếm giữ toà nhà suốt hai ngày, đồng thời đe dọa giám đốc và các nhân viên khác.

Hai năm sau, ba lãnh đạo công đoàn bị kết tội xâm phạm trái phép và làm hư hại tài sản, đồng thời bị phạt từ 5 triệu won (3.753 USD) đến 7 triệu won mỗi người. Trong khi đó, Kazem và một số giám đốc điều hành khác của GM bị buộc tội sử dụng lao động bất hợp pháp đối với nhóm công nhân được các công ty gia công ngoài cử đến nhà máy của họ. Năm ngoái, ông đã nhận mức án 8 tháng tù giam, nhưng được hoãn thi hành án trong 2 năm.

Sau những trải nghiệm như của GM, không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây. Từ năm 2017 đến năm 2021, dòng vốn đi vào nước này xếp thứ 17 trong số các thành viên của G-20.

Số ngày nghỉ việc do đình công ở Hàn Quốc cũng cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, trong giai đoạn 2009-2019, trung bình cứ 1.000 lao động Hàn Quốc thì mất 38,7 ngày làm việc do đình công. Trong cùng thời gian đó, Anh mất 18 ngày, Mỹ 7,2 ngày, và Nhật Bản chỉ mất 0,2 ngày.

Hàng dài xe tải đậu ở cảng Busan trong lúc cánh tài xế đình công vào năm 2022: Cuộc biểu tình trên toàn quốc kết thúc sau 16 ngày, khi chính phủ ban hành lệnh quay trở lại làm việc. (Newsis/AP)

Một điểm cần lưu ý nữa là việc sa thải nhân viên ở Hàn Quốc là cực khó. Một cuộc khảo sát năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng Hàn Quốc đứng thứ 34 trong số 36 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tính linh hoạt của thị trường lao động.

Đồng thời, trí tuệ nhân tạo đang bắt đầu định hình lại các ngành công nghiệp. Trong những năm tới, khả năng các công ty linh hoạt điều chỉnh lực lượng lao động của mình dựa trên những thay đổi của thị trường sẽ là yếu tố quan trọng trong khả năng cạnh tranh của họ. Trong một thị trường lao động có tính linh hoạt cao, những người lao động bị thay thế bởi AI cũng có thể tìm được cơ hội việc làm mới dễ dàng hơn.

Đây là lý do tại sao Yoon đang cố gắng sửa đổi Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động của Hàn Quốc. Ông đặt mục tiêu mở rộng mức lương dựa trên hiệu suất lao động, và cấp cho người sử dụng lao động quyền thuê công nhân thay thế trong các cuộc đình công.

Tất nhiên, các công đoàn phản đối chương trình nghị sự của ông và đang phối hợp với các đồng minh để tìm ra biện pháp đối phó. Hồi tháng 11, Quốc hội Hàn Quốc, nơi Đảng Dân chủ Đồng hành chiếm đa số, đã thông qua dự luật cấm các công ty kiện người lao động về những tổn thất phát sinh do đình công. Dự luật sau đó đã bị Yoon phủ quyết.

Bế tắc lập pháp có thể bị phá vỡ vào tháng tới, khi người Hàn Quốc bầu ra một Quốc hội mới. Trong thời gian chờ đợi, bất chấp cuộc đình công của bác sĩ, nỗ lực của Yoon nhằm sử dụng các đạo luật có sẵn để buộc các công đoàn chịu trách nhiệm dường như đang mang lại kết quả.

Tháng 12/2022, một cuộc đình công trong ngành vận tải đường bộ trên toàn quốc đã kết thúc chỉ 16 ngày sau khi chính phủ ban hành lệnh quay trở lại làm việc. Các nhà hoạt động công đoàn đã tấn công các sĩ quan cảnh sát bị buộc tội hành hung, trong khi những người chiếm đóng trái phép trung tâm Seoul bị bắt giữ.

Mùa hè thường là thời kỳ cao điểm của các cuộc đình công ở Hàn Quốc, nhưng mùa hè năm ngoái chỉ chứng kiến hai cuộc đình công lớn: cuộc đình công kéo dài hai tuần của nhân viên y tế và cuộc đình công kéo dài bốn ngày của nhân viên đường sắt.

Cả hai cuộc đình công này đều diễn ra tương đối hòa bình, có lẽ do các nhà hoạt động công đoàn nhận thức được rằng quyền miễn trừ trước đây của họ đã không còn. Mùa hè này sẽ mang đến một thử thách mới, với rủi ro [cho công đoàn] tăng cao nếu Đảng Sức mạnh Quốc dân giành chiến thắng trong kỳ bầu cử, tạo ra triển vọng các cải cách lao động của Yoon sẽ sớm được cơ quan lập pháp thông qua.

Rõ ràng, việc đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hàn Quốc đòi hỏi phải có những chính sách lao động phù hợp với môi trường thế giới đang thay đổi. Nếu nước này vẫn bị chi phối bởi phong trào lao động hiếu chiến và tư duy lỗi thời, thì thế hệ người lao động Hàn Quốc tiếp theo sẽ có rất ít hy vọng.

Park Dae Sung là Chủ tịch Ủy ban Thanh niên và Tương lai của K-Policy Platform, một viện chính sách có trụ sở tại Seoul, đồng thời là tác giả cuốn sách “The Great Illusion, The Right Future.” Năm 2020, ông từng là ứng viên Quốc hội của Đảng Sức mạnh Quốc dân.

#11- Xử lý cuộc khủng hoảng Châu Á: IMF và Hàn Quốc