Cỗ máy chiến tranh Nga phụ thuộc vào linh kiện Phương Tây (P1)

Nguồn: Amy Mackinnon, “Russia’s War Machine Runs on Western Parts,” Foreign Policy, 22/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bất chấp lệnh trừng phạt, Moscow vẫn nhập khẩu các linh kiện vũ khí quan trọng từ Mỹ và châu Âu.

Vào khoảng gần trưa ngày 19/08/2023, một tên lửa hành trình của Nga đã cắt ngang qua những mái vòm củ hành mạ vàng và những dãy chung cư thấp tầng trên đường chân trời Chernihiv ở miền bắc Ukraine. Tên lửa Iskander-K đã lao thẳng vào mục tiêu: nhà hát kịch của thành phố, nơi đang tổ chức cuộc họp của các nhà sản xuất máy bay không người lái vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Hơn 140 người bị thương và 7 người thiệt mạng. Nạn nhân nhỏ nhất, Sofia Golynska, 6 tuổi, đang chơi ở công viên gần đó.

Các mảnh vỡ tên lửa được lực lượng vũ trang Ukraine thu hồi và được các nhà nghiên cứu nước này phân tích đã tìm thấy nhiều thành phần do các nhà sản xuất Mỹ chế tạo trong hệ thống dẫn đường của tên lửa, cho phép nó tiếp cận mục tiêu với độ chính xác khủng khiếp. Sang tháng 12, cơ quan chống tham nhũng của Ukraine công bố cơ sở dữ liệu trực tuyến về hàng nghìn linh kiện do nước ngoài sản xuất được thu hồi từ vũ khí Nga cho đến nay.

Việc Nga phải chật vật để sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến, linh kiện điện, và máy công cụ cần thiết nhằm cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng đã bắt đầu từ trước cuộc chiến hiện tại ở Ukraine và khiến Nga phụ thuộc vào nhập khẩu ngay cả khi nước này bị phương Tây ghẻ lạnh. Vì vậy, khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hồi tháng 2/2022, các nước chế tạo lớn từ Bắc Mỹ, châu Âu, và Đông Á đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt mặt hàng được coi là quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ khí của Nga.

Nga nhanh chóng trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới: Khoảng 16.000 cá nhân và doanh nghiệp phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và lệnh kiểm soát xuất khẩu do một liên minh gồm 39 quốc gia áp đặt. Các hạn chế xuất khẩu có phạm vi rộng đến mức kính râm, kính áp tròng và răng giả cũng bị cấm. Ngay cả các mặt hàng do các công ty nước ngoài chế tạo ở nước ngoài cũng bị cấm bán sang Nga nếu chúng được sản xuất bằng công cụ hoặc phần mềm của Mỹ, theo một quy định được gọi là quy định về sản phẩm trực tiếp của nước ngoài.

Đống đổ nát xung quanh nhà hát kịch Chernihiv sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào ngày 19/08/2023. © Paula Bronstein / GETTY

Nhưng khi chiến tranh đến gần cột mốc hai năm, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã không thể ngăn được dòng thiết bị điện tử và máy móc tiên tiến đổ vào Nga khi các chuỗi cung ứng mới và phức tạp được hình thành thông qua các nước thứ ba như Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập, vốn không tham gia vào các nỗ lực kiểm soát xuất khẩu. Một cuộc điều tra của Nikkei Asia cho thấy xuất khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc và Hong Kong sang Nga đã tăng gấp 10 lần ngay sau cuộc chiến – và phần lớn trong số đó là từ các nhà sản xuất Mỹ.

“Sự sống luôn tìm ra con đường,” một quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Mỹ đã trích dẫn bộ phim Công viên kỷ Jura để thảo luận về việc Nga trốn tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Một số vũ khí và linh kiện được các nhà điều tra phân tích có thể đã được dự trữ trước chiến tranh. Tuy nhiên, dữ liệu thương mại được công bố rộng rãi của Nga cho thấy hoạt động nhập khẩu đang diễn ra sôi động. Theo dữ liệu mật của cơ quan hải quan Nga mà Bloomberg thu được, hơn 1 tỷ USD chất bán dẫn tiên tiến từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đã được đưa vào nước này trong năm ngoái. Một báo cáo gần đây của Trường Kinh tế Kyiv cho thấy hoạt động nhập khẩu các linh kiện được xem là quan trọng cho chiến trường chỉ giảm 10% trong 10 tháng đầu năm 2023, so với mức trước chiến tranh.

Báo cáo lưu ý rằng điều này đã tạo ra một tình huống phi lý hết sức khó chịu, trong đó quân đội Ukraine đang chiến đấu bằng vũ khí của phương Tây chống lại kho vũ khí của Nga, vốn cũng sử dụng các linh kiện của phương Tây.

Đây là một vấn đề hiển nhiên, được ghi nhận rõ ràng trong nhiều báo cáo của các nhóm nghiên cứu và phương tiện truyền thông, nhưng lại không có giải pháp dễ dàng. Theo dõi hoạt động buôn bán bất hợp pháp các mặt hàng như chất bán dẫn là một thách thức lớn gấp bội so với việc giám sát các chuyến hàng vũ khí thông thường. Khoảng 1 nghìn tỷ con chip được sản xuất mỗi năm. Được tìm thấy trong thẻ tín dụng, lò nướng bánh, xe tăng, hệ thống tên lửa, và nhiều thứ khác, chúng chính là động lực của nền kinh tế toàn cầu cũng như của quân đội Nga. Loại bỏ Nga khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu là việc nói dễ hơn làm.

Chris Miller, tác giả cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology (Chiến tranh chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất của thế giới) nhận xét: “Cả quân đội Nga và Trung Quốc, và về cơ bản là quân đội của mọi nước trên thế giới, đều đang sử dụng một lượng lớn linh kiện điện tử tiêu dùng trong hệ thống của mình.”

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã từng được thiết kế để khiến cho các mặt hàng cụ thể, chẳng hạn như công nghệ hạt nhân, không rơi vào tay các quốc gia bất hảo và các nhóm khủng bố. Nhưng trong lúc Washington tranh giành ưu thế về công nghệ với Bắc Kinh, đồng thời tìm cách kiềm chế Nga và Iran, họ ngày càng sử dụng những hạn chế thương mại này để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ. Chẳng hạn, chính quyền Biden đã đưa ra các lệnh cấm trên diện rộng đối với việc xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Matthew Axelrod, Thứ trưởng phụ trách thực thi xuất khẩu tại Bộ Thương mại Mỹ, cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng 9 năm ngoái: “Chưa bao giờ trong lịch sử, việc kiểm soát xuất khẩu lại đóng vai trò quan trọng đối với an ninh tập thể của chúng ta như hiện nay.” Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là “một tài sản chiến lược mới trong bộ công cụ của Mỹ và các đồng minh.”

Khả năng của Nga trong việc thách thức những hạn chế này không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc chiến ở Ukraine. Nó cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về thách thức sắp tới đối với Trung Quốc.

James Byrne, giám đốc phân tích và tình báo nguồn mở tại Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia, một viện chính sách của Anh, khẳng định “Vấn đề then chốt trong câu chuyện này là công nghệ và liệu chúng ta có thể hạn chế nó rơi vào tay kẻ thù hay không.”

Tại thành phố Izhevsk của Nga, nơi đặt nhà máy sản xuất súng trường Kalashnikov, các trung tâm mua sắm đang được chuyển đổi thành nhà máy sản xuất máy bay không người lái, trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng tăng vọt giúp nền kinh tế Nga vượt qua vòng vây của phương Tây. Các nhà sản xuất vũ khí đã được kêu gọi hoạt động hết công suất để cung cấp cho cỗ máy chiến tranh Nga, trong khi quốc phòng dự kiến sẽ chiếm 1/3 ngân sách nhà nước trong năm nay.

Theo tờ báo kinh doanh Vedomosti của Nga, Alexander Zakharov, giám đốc thiết kế của công ty máy bay không người lái Zala Aero, đã phát biểu tại một sự kiện kín vào tháng 8/2022 rằng: “Chúng tôi đã phát triển một ý tưởng để chuyển đổi các trung tâm thương mại – vốn chủ yếu bán các sản phẩm của các thương hiệu phương Tây trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt – thành các nhà máy lắp ráp các loại máy bay không người lái sản xuất trong nước.” Chiến dịch quân sự đặc biệt là cách mà chính phủ Nga gọi cuộc chiến với Ukraine. Và Zala Aero là công ty con của Kalashnikov Concern – tập đoàn này, cùng với Zakharov, đã bị Mỹ trừng phạt vào tháng 11 năm ngoái.

Theo truyền thông địa phương, các công ty quốc phòng đã mua ít nhất ba trung tâm mua sắm ở Izhevsk để tái sử dụng cho mục đích sản xuất máy bay không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái tấn công Lancet, mà Bộ Quốc phòng Anh mô tả là một trong những vũ khí mới hiệu quả nhất mà Nga đưa ra chiến trường trong năm ngoái. Với chi phí sản xuất khoảng 35.000 USD, Lancet đã gây ra nhiều thiệt hại trong đợt phản công năm ngoái của Ukraine và đã được quay video cảnh tấn công các xe tăng có giá trị của Ukraine và các máy bay chiến đấu MiG đang đậu.

Giống như nhiều hệ thống vũ khí khác của Nga, Lancet chứa đầy các linh kiện từ phương Tây. Một phân tích hình ảnh của loại máy bay không người lái này được Viện Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Washington công bố vào tháng 12 cho thấy chúng chứa một số bộ phận từ các nhà sản xuất Mỹ, Thụy Sĩ, và Cộng hoà Séc, bao gồm các thành phần phân tích và xử lý hình ảnh quan trọng, cho phép máy bay không người lái tiếp cận mục tiêu trên chiến trường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) thăm Diễn đàn Các nhà sản xuất súng toàn Nga lần thứ hai ở Izhevsk, Nga, vào ngày 19/09/2023. Hình ảnh do hãng thông tấn Sputnik cung cấp. © Mikhail Metzel/ AFP/ GETTY

Báo cáo lưu ý rằng “Sự xuất hiện thường xuyên của các bộ phận phương Tây trong các hệ thống máy bay không người lái của Nga cho thấy sự phụ thuộc sâu sắc vào chúng để có được những khả năng quan trọng trong hệ thống máy bay không người lái.” Lancet không phải là máy bay không người lái duy nhất được phát hiện có chứa các thành phần của phương Tây. Một phân tích riêng được công bố vào tháng 11 kết luận rằng gần như tất cả các linh kiện điện tử trong máy bay không người lái Shahed-136 của Iran mà Nga hiện đang sản xuất với sự giúp đỡ của Iran để sử dụng ở Ukraine đều có nguồn gốc từ phương Tây.

Trong giai đoạn đầu cuộc chiến, Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia đã phân tích 27 hệ thống quân sự của Nga, bao gồm tên lửa hành trình, tổ hợp tác chiến điện tử, và hệ thống thông tin liên lạc, và phát hiện ra rằng chúng chứa ít nhất 450 linh kiện do nước ngoài sản xuất, cho thấy sự phụ thuộc của Nga vào nhập khẩu.

Xem tiếp: Phần 2