Thế giới hôm nay: 29/03/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sam Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù vì lừa đảo khách hàng và nhà đầu tư của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Ông nói trước toà tại New York rằng ông đã đưa ra “một loạt quyết định tồi tệ” nhưng vẫn khẳng định FTX có thể trả lại hàng tỷ đô la mà họ nợ khách hàng. Các công tố viên gọi vụ án này là “một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất” trong lịch sử nước Mỹ. Vị vua tiền điện tử buộc bảy tội danh vào tháng 11.

Nga tuyên bố có bằng chứng liên hệ vụ tấn công khủng bố khiến hơn 140 người thiệt mạng ở Moscow vào tuần trước với “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine.” Các nhà điều tra Nga cho biết những kẻ tấn công đã nhận tiền mặt và tiền điện tử từ Ukraine, và cho biết một nghi phạm “có liên quan đến tài trợ” cho vụ thảm sát đã bị bắt giữ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng ám chỉ Ukraine ngay cả sau khi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm.

Chính quyền Palestine công bố nội các mới sau khi thủ tướng Mohammed Shtayyeh từ chức vào tháng 2. Người thay thế ông, Mohammed Mustafa, người cũng sẽ giữ chức ngoại trưởng, đã tuyên bố lãnh đạo một chính phủ kỹ trị. Mỹ muốn giới lãnh đạo của Palestine giúp đoàn kết Gaza và Bờ Tây. Nhưng nhiều người dự đoán ông Mustafa sẽ chỉ chủ yếu phục vụ cho Mahmoud Abbas, tổng thống cứng rắn đã nắm quyền suốt 4 nhiệm kỳ nay.

Nga phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm gia hạn nhiệm vụ của ủy ban giám sát xem Triều Tiên có vi phạm lệnh trừng phạt hay không. Liên Hợp Quốc đã tăng cường các hình phạt sau ba vụ thử hạt nhân vào năm 2016 và 2017. Trong những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã cản trở việc giám sát và giúp Triều Tiên tránh bị trừng phạt. Việc giải tán hội đồng sẽ khiến các biện pháp trừng phạt trở nên kém hiệu quả hơn.

Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc, đã bắt đầu bán chiếc ô tô điện đầu tiên của họ. Mẫu Speed Ultra 7 cơ bản của Xiaomi có giá hấp dẫn là 215.900 nhân dân tệ (29.900 USD). Xiaomi muốn cạnh tranh với Model 3 của Tesla — và so sánh chiếc Porsche Taycan chạy điện với các mẫu xe cao cấp nhất của hãng. Nhưng doanh số bán xe điện toàn cầu đang chậm lại. Hồi tháng 2, Apple đã từ bỏ kế hoạch sản xuất ô tô của riêng mình.

Colombia ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Argentina, làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn giữa lãnh đạo hai nước. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, Javier Milei, tổng thống theo chủ nghĩa tự do của Argentina, đã gọi Gustavo Petro, người đồng cấp Colombia, là một “kẻ khủng bố.” Ông Petro từng thuộc một nhóm du kích cánh tả và hiện đang sa lầy trong scandal. Hồi tháng 1, Colombia đã rút đại sứ khỏi Argentina.

Nhà Trắng lần đầu sửa đổi cách thu thập dữ liệu về chủng tộc và sắc tộc ở Mỹ kể từ năm 1997. Các cơ quan liên bang giờ đây sẽ nhóm hai khái niệm này lại với nhau. Một mục mới sẽ xuất hiện: “Trung Đông hoặc Bắc Phi,” và một số mục khác sẽ bị bỏ, bao gồm “Negro” và “Viễn Đông.” Những thay đổi này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến luật tái phân chia khu vực và quyền công dân.

Con số trong ngày: 60 mét, là phần dâng lên thêm của mực nước biển nếu băng ở Nam Cực tan chảy.

TIÊU ĐIỂM

Tròn một năm ngày nhà báo Mỹ bị Nga bắt

Thứ Sáu này là tròn một năm kể từ khi Nga bắt giữ Evan Gershkovich, một phóng viên người Mỹ của tờ Wall Street Journal, với cáo buộc gián điệp. Ông Gershkovich, nhà báo Mỹ đầu tiên bị bắt với tội danh gián điệp ở Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đã bị giam tại Lefortovo, một nhà tù ở Moscow chuyên giam giữ những tù nhân cấp cao. Hôm thứ Ba, một tòa án Nga đã gia hạn thời gian giam giữ trước khi xét xử ông cho đến ít nhất là 30 tháng 6. Nếu bị kết án, ông Gershkovich có thể phải đối mặt với án tù 20 năm.

Các quan chức Nga đã ám chỉ rằng một cuộc trao đổi tù nhân có thể diễn ra sau khi phán quyết được đưa ra. Nhưng các chi tiết không rõ ràng. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, tổng thống Vladimir Putin đề nghị đổi ông Gershkovich lấy một người mà ông không nêu tên, được cho là Vadim Krasikov, một sát thủ người Nga đang bị giam ở Đức. Cơ quan an ninh của ông Putin dường như muốn bắt thêm tù nhân để dùng làm con bài mặc cả. Vào tháng 10, Nga đã bắt giữ Alsu Kurmasheva, biên tập viên người Mỹ gốc Nga của Radio Free Europe/Radio Liberty, một đài truyền hình do nhà nước Mỹ tài trợ.

Chủ tịch Fed sẽ giải thích thêm quan điểm lãi suất của ông

Vào thứ Sáu, phát biểu tại một hội nghị ở San Francisco, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell sẽ có cơ hội đầu tiên để điều chỉnh thông điệp mà ông đã đưa ra sau cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương vào tuần trước. Thời điểm ấy, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, ông Powell và các cộng sự đã nhắc lại kế hoạch cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, bất chấp lạm phát cao trong vài tháng qua.

Ngay trước khi ông Powell phát biểu, Mỹ sẽ công bố dữ liệu chi tiêu cá nhân trong tháng 2. Bao gồm trong đó sẽ là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Các nhà phân tích cho rằng về mặt cốt lõi (loại bỏ thực phẩm và năng lượng), lạm phát theo thước đo này sẽ giảm xuống mức 0,3% so với tháng trước trong tháng 2 từ mức 0,4% của tháng 1. Nếu vậy, ông Powell có thể dùng nó như một lý do để tỏ ra ‘bồ câu’ hơn.

Mùa Phục sinh bận rộn của Giáo hoàng Francis

Vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh, tại Đấu trường La Mã ở Rome, Giáo hoàng Francis sẽ chủ trì lễ tưởng niệm truyền thống về cuộc hành trình của Chúa Giêsu đến nơi chịu đóng đinh. Thông thường, mỗi bài suy niệm trong buổi lễ sẽ do một người khác nhau đảm nhiệm. Nhưng năm nay Giáo hoàng đã chọn tự mình viết tất cả.

Lịch trình Lễ Phục sinh của ông là rất bận rộn ngay cả với một Giáo hoàng trẻ trung. Nhưng Francis đã 87 tuổi, và dành phần lớn thời gian trên xe lăn. Ông bị viêm phế quản và cúm trong mùa đông vừa qua. Tuần trước, Đức Thánh Cha đã gây bối rối cho những người dự thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá khi bỏ qua bài giảng. Nhưng trong cuốn tự truyện xuất bản tháng này, ông nhấn mạnh rằng không có vấn đề sức khỏe nào buộc ông phải từ chức. Trong một nhận xét sẽ làm thất vọng những người bảo thủ hay chỉ trích mình, Đức Francis nói ông vẫn còn “nhiều dự án cần hoàn thành.”