Cuộc khủng hoảng tính chính danh của ngành tình báo Mỹ

Nguồn: David V. Gioe, Michael S. Goodman, và Michael V. Hayden, “U.S. Intelligence Is Facing a Crisis of Legitimacy,” Foreign Policy, 16/05/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các cuộc tấn công với ý đồ xấu đang đặt an ninh Mỹ vào tình thế nguy hiểm.

Nhu cầu thông tin tình báo chất lượng chưa bao giờ nhiều hơn lúc này. Việc cơ quan an ninh Israel không thể lường trước được cuộc tấn công bất ngờ và tàn bạo của Hamas vào ngày 7/10/2023 đã cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi tình báo gặp trục trặc.

Ngược lại, vào cuối tháng 2/2022, kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin – tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” kéo dài 3 ngày nhằm xâm lược Ukraine và lật đổ chính phủ nước này – đã bị cộng đồng tình báo Mỹ và Anh lật tẩy. Đúng là Putin đã từng nhanh chóng chiếm giữ Crimea nhờ “những người đàn ông nhỏ màu xanh” vào năm 2014, nhưng vào thời điểm xảy ra cuộc xâm lược năm 2022, các động thái được dự đoán của Nga bao gồm cả việc giải mật công khai các thông tin tình báo nhạy cảm, theo đó đảm bảo rằng cả cộng đồng tình báo và người Ukraine luôn đi trước một bước so với kế hoạch của Putin.

Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu rõ ràng và lâu dài về tình báo chất lượng cao nhằm hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách, an ninh quốc gia, và các hoạt động quân sự hiệu quả, các cơ quan tình báo và nhân viên tình báo Mỹ đang bị suy yếu bởi một cuộc khủng hoảng về tính chính danh. Các nghiên cứu gần đây về thái độ của công chúng đối với cộng đồng tình báo Mỹ đã tiết lộ một số xu hướng đáng lo ngại.

Một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Mỹ của Đại học Harvard và tổ chức Harris Poll thực hiện vào tháng 5/2023 cho thấy 70% người Mỹ được khảo sát “rất” hoặc “hơi” lo ngại về “sự can thiệp của FBI và các cơ quan tình báo vào một cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai.”

Một nghiên cứu khác, được thực hiện vào năm 2021 và 2022 bởi Dự án Nghiên cứu Tình báo tại Đại học Texas ở Austin và Hội đồng Các vấn đề Toàn cầu Chicago, cho thấy chỉ có 56% người Mỹ nghĩ rằng cộng đồng tình báo “đóng vai trò quan trọng trong việc cảnh báo chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài và góp phần vào an ninh quốc gia của chúng ta.” Con số này đã giảm 10 điểm so với mức cao trước đó – nếu có thể gọi là cao – ở mức 66% vào năm 2019, và xu hướng đi xuống này không mang lại cho chúng ta lý do để lạc quan. Vì nói cách khác, thống kê đó có nghĩa là vào năm 2022, một con số đáng báo động (theo quan điểm của chúng tôi) là 44% người Mỹ không tin rằng cộng đồng tình báo có thể bảo vệ họ an toàn trước các mối đe dọa từ nước ngoài hoặc góp phần vào an ninh quốc gia Mỹ.

Tệ hơn nữa, dù có rất nhiều ví dụ về sự hung hăng của các chế độ chuyên chế và các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới, gần 1 trong 5 người Mỹ dường như vẫn không biết những mối đe dọa thực sự đối với quyền tự do của họ xuất phát từ đâu. Theo nghiên cứu của Đại học Texas Austin, ngày càng có nhiều người Mỹ cho rằng cộng đồng tình báo mới là mối đe dọa đối với quyền tự do dân sự: 17% vào năm 2022, tăng từ mức 12% vào năm 2021. Một tỷ lệ không nhỏ người Mỹ tin rằng cộng đồng tình báo là một mối đe dọa ngầm, thay vì một người bảo vệ quan trọng trong một thế giới đầy hiểm nguy – một viễn cảnh đang đe doạ an ninh và thịnh vượng của Mỹ và các đồng minh của nước này.

Ví dụ rõ ràng nhất về hậu quả của sự suy giảm lòng tin đối với cộng đồng tình báo là sự vụ gần đây xoay quanh việc tái cấp phép Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA). Được giới thiệu lần đầu tiên trong Đạo luật FISA sửa đổi năm 2008, Mục 702 là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép cộng đồng tình báo Mỹ tiến hành giám sát có mục tiêu đối với người nước ngoài ở bên ngoài Mỹ, với sự hỗ trợ bắt buộc của các nhà cung cấp dịch vụ liên lạc điện tử. Theo một báo cáo do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) công bố, Mục 702 là “cực kỳ có giá trị” và “cung cấp thông tin tình báo về hoạt động của những tổ chức khủng bố, những kẻ phổ biến vũ khí, gián điệp, tác nhân mạng độc hại, và những kẻ thù nước ngoài khác.”

Mục 702 dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2023 nếu không được cấp phép lại. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã không gia hạn Mục 702 vào thời điểm cuối năm 2023, mà quyết định trì hoãn – điều vẫn thường xảy ra – đến mùa xuân năm nay, khi mục này cuối cùng cũng được cấp phép lại (với một số cải cách quan trọng) vào cuối tháng 4/2024, nhưng nó chỉ được gia hạn trong hai năm thay vì năm năm như thông lệ. Một liên minh bất thường giữa phe cực hữu và phe cực tả đã gây áp lực lên những người theo chủ nghĩa trung dung và chính quyền Biden, vốn đang kêu gọi gia hạn Mục 702 nhằm bảo vệ quyền tự do dân sự của công dân Mỹ và không gây trở ngại một cách không cần thiết cho cộng đồng tình báo trong việc bảo vệ nước Mỹ.

Tuy nhiên, những cuộc đàm phán dồn dập vào phút chót về việc tái cấp phép cho Mục 702 đã che khuất một vấn đề sâu sắc hơn, nằm trong cốt lõi của quan hệ giữa người Mỹ đương đại với cộng đồng tình báo, một vấn đề đã âm ỉ trong suốt thập kỷ qua: Tính chính danh làm nền tảng cho một cộng đồng tình báo hùng mạnh – và tính chính trực của các thành viên trong cộng đồng – đã bị các nhà lập pháp Mỹ thuộc phe cực tả và cực hữu nghi ngờ, phản ánh một sự đồng thuận sai lầm nhưng đang lớn dần trong số hàng chục triệu người Mỹ.

Xu hướng này giờ đây đã trở thành một cuộc khủng hoảng.

Trên hành trình đầy trắc trở, Mục 702 đã phải đối mặt những truy vấn từ phe cánh tả muốn bảo vệ quyền riêng tư, những người với lo ngại thái quá về khả năng lạm quyền của cộng đồng tình báo đã xem việc tái cấp phép cho Mục 702 chẳng khác gì “biến những người lắp cáp thành gián điệp,” trích ý kiến của một nhà bình luận được đăng trên The Hill. Quyền hạn được sửa đổi của cộng đồng tình báo (một số điều chỉnh trong số này là cần thiết do 15 năm phát triển công nghệ liên lạc kể từ khi đạo luật sửa đổi được thông qua lần đầu) được gọi là “gây kinh hoàng” và “giám sát kiểu Orwell” – vốn là cách mô tả cũ kỹ nhất cho các công cụ tình báo. Trong khi đó, đối với phe cánh hữu hoài nghi quyền lực, Mục 702 được xem như một công cụ giám sát mạnh mẽ khác của cái gọi là nhà nước ngầm.

Để giải quyết những lo ngại chính đáng về những sai lầm trong quá khứ, cộng đồng tình báo đã triển khai cải cách thủ tục và tăng cường đào tạo mà họ cho rằng sẽ giải quyết phần lớn các sai lầm (được tự báo cáo) trong bảng truy vấn Mục 702. Theo báo cáo từ Phòng An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp, FBI đã đạt được tỷ lệ tuân thủ 98% vào năm 2023 sau khi được đào tạo tốt hơn. Hơn nữa, Bộ Tư pháp và DNI đã nỗ lực hết sức để thể hiện một cách công khai – qua những câu chuyện thành công đã được giải mật – những mối nguy thực sự mà Mỹ và các đồng minh sẽ phải đối mặt nếu Mục 702 trở nên vô hiệu.

Chưa bao giờ một cộng đồng tình báo lại phải năn nỉ, ve vãn, và cầu xin các nhà lập pháp cho phép họ thực hiện công việc của mình. Suy cho cùng, một cộng đồng tình báo yếu kém vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm nếu một cảnh báo chiến tranh bị bỏ qua, hoặc nếu một cuộc tấn công khủng bố xảy ra.

Ví dụ, Tướng Eric Vidaud, giám đốc tình báo quân đội Pháp, đã ngay lập tức bị sa thải vì những sai sót tình báo liên quan đến việc Putin (tái) xâm lược Ukraine dù Điện Elysée từng chỉ trích những cảnh báo của Mỹ và Anh là “thái quá.” Và Thiếu tướng Aharon Haliva, giám đốc tình báo quân đội Israel, gần đây cũng đã từ chức sau vụ tấn công ngày 7/10 dù một phần lỗi có lẽ đến từ các thành phần khác trong chính giới Israel. Các chuyên gia tình báo thường phải trả giá đắt hơn những người khác khi đưa ra dự báo không chính xác.

Những ồn ào xung quanh Mục 702 không phải là trường hợp duy nhất gần đây xem các hành động của bộ máy an ninh quốc gia là đáng ngờ và đang được thực hiện bởi các quan chức không trung thực. Một số câu chuyện lịch sử đương đại sẽ giúp chúng ta hiểu các sự kiện này trong một xu hướng suy giảm niềm tin rộng hơn.

Năm 2013, Edward Snowden, một nhân viên IT cấp trung với những ảo tưởng viển vông, đã làm rò rỉ hàng loạt tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), theo đó thổi bùng một cuộc thảo luận toàn cầu cần thiết, nhưng đã bị bóp méo về tính chính danh của việc thu thập thông tin tình báo – khi anh ta đánh cắp hơn 1,5 triệu tài liệu của NSA, rồi trốn sang Trung Quốc, và sau đó đến Nga. Nhưng tuyên bố xuyên tạc về các chương trình của NSA do Snowden và đồng minh lan truyền (mô tả chúng có tính can thiệp sâu hơn và ít bị giám sát pháp lý hơn thực tế) đã dẫn đến những hiểu lầm phổ biến về các phương thức và hoạt động giám sát của cộng đồng tình báo.

Không chỉ những kẻ rò rỉ thông tin cấp thấp với những lời chỉ trích vô căn cứ mà cả những nỗ lực chính trị lưỡng đảng cũng đã góp phần làm xói mòn niềm tin của công chúng vào cộng đồng tình báo. Năm 2009, Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là Nancy Pelosi tuyên bố rằng CIA đã nói dối bà sau khi bà muốn tránh xa “các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” của cơ quan này – mà các nhà phê bình gọi là tra tấn. Nhưng bình luận của Pelosi đã bị đánh giá là “giả dối” từ “máy đo sự thật” của Politifact. Giám đốc CIA khi đó là Leon Panetta phản bác rằng “các quan chức CIA đã thông báo một cách trung thực.”

Một số nghi ngờ về quyền lực ngầm của cộng đồng tình báo bắt nguồn từ những thất bại thực sự trong quá khứ, đặc biệt là các chiến dịch của CIA trong giai đoạn đầu và giữa Chiến tranh Lạnh, bao gồm một số âm mưu ám sát ghê tởm, thu thập thông tin tình báo bất hợp pháp trong nước (chẳng hạn như giám sát người dân Mỹ vì lý do chính trị, bao gồm cả việc mở thư của họ một cách bất hợp pháp) và các thí nghiệm thuốc LSD trên những người Mỹ không hề hay biết trong khuôn khổ chương trình MKULTRA tai tiếng.

Hầu hết những hành vi thái quá này – bị gọi là “ngọc gia bảo” (Family Jewels) của CIA – đã được báo cáo lên Quốc hội Mỹ. Sau đó, vào năm 1975, Quốc hội đã tổ chức các phiên điều trần để công khai các hoạt động này và đẩy các cơ quan tình báo ra chịu trận trước công chúng. Hình ảnh Thượng nghị sĩ Frank Church giơ cao một khẩu súng phi tiêu độc, do CIA thiết kế để vô hiệu hóa và gây một cơn đau tim cho các nhà lãnh đạo nước ngoài, đã trở thành tin tức trên trang nhất. Những thất bại nghiêm trọng về trách nhiệm giải trình này chính là khởi đầu của sự giám sát nghiêm ngặt đối với hoạt động tình báo.

Niềm tin của công chúng vào chính phủ lại càng giảm sút khi, vào năm 1971, Hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ rằng các chính trị gia đã nói dối về các hoạt động của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, theo đó khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Vụ bê bối Watergate một năm sau đó đã đổ thêm dầu vào lửa. Dù CIA không trực tiếp tham gia vào vụ Watergate, nhưng sự tham gia của các cựu nhân viên CIA đã khiến nhiều người tin rằng cơ quan này đã bị vấy bẩn. Và đến cuối những năm 1970, tinh thần của CIA tụt xuống mức thấp nhất mọi thời đại khi Tổng thống lúc bấy giờ là Jimmy Carter bắt đầu quá trình cắt giảm mạnh nhân sự, nói rằng quyết định này là do các hoạt động “gây sốc” của CIA.

Để đáp lại những phát hiện của Quốc hội và những bản tin tiêu cực của truyền thông, các giám đốc tiếp theo của CIA đã xem xét những lời chỉ trích và thực hiện nhiều điều chỉnh trong cách thức hoạt động của cộng đồng tình báo. Dù cộng đồng tình báo (và các nhà lãnh đạo của nó) đã có những nỗ lực thiện chí để nghiêm túc chỉ hoạt động trong ranh giới pháp lý của mình, phản ứng nhanh hơn trước sự giám sát của Quốc hội, và chấp nhận một số mức độ minh bạch, hình ảnh công khai của CIA và cộng đồng tình báo nói chung vẫn không thay đổi nhiều. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phó chủ tịch Ủy ban Chọn lọc về Tình báo của Thượng viện, Daniel Patrick Moynihan, đã hai lần kêu gọi giải tán CIA. Những lời công kích chính trị nhắm vào vai trò của cộng đồng tình báo và sự chính trực của những người làm nghề tình báo chắc chắn đã có tác động.

Nền chính trị mất lòng tin đang quay trở lại những ngày xưa tồi tệ. Tính đến năm 2016, sự mất lòng tin vào cộng đồng tình báo đã thực sự quay trở lại: ứng viên tổng thống lúc bấy giờ là Donald Trump tuyên bố rằng NSA đang vượt qua các cấu trúc pháp lý trong nước để theo dõi chiến dịch tranh cử của ông thông qua quan hệ đối tác với Tổng cục Truyền thông Chính phủ (GCHQ), cơ quan tình báo tín hiệu của Vương quốc Anh. (NSA cho biết những tuyên bố đó là sai sự thật, còn GCHQ gọi chúng là “lố bịch.”) Với tư cách là tổng thống đắc cử, Trump cũng so sánh tình báo Mỹ với việc “sống ở Đức Quốc Xã.” Khi Trump bước vào Phòng Bầu dục, FBI thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của ông sau khi cơ quan này mở cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Dù cộng đồng tình báo Mỹ đã đi một chặng đường dài để thoát khỏi các chiến dịch thái quá của thập niên 1970, nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo. Tình báo là một nghệ thuật, không phải là khoa học. Tình báo không phải là tiên đoán chính xác, mà là thu hẹp vùng bất định để những người ra quyết định có thể hành động trong một thế giới phức tạp. Ngay cả khi hoạt động tuân thủ luật pháp và dưới sự giám sát của Quốc hội và các chánh thanh tra, cộng đồng tình báo vẫn mắc sai lầm trong một số trường hợp quan trọng. Họ đã thất bại trong việc ngăn chặn vụ tấn công 11/9, đánh giá sai lầm nghiêm trọng rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, và dường như đã bất lực trước Osama bin Laden suốt gần một thập kỷ trước khi đặc nhiệm Hải quân bắt kịp hắn ta trong một nhiệm vụ của CIA ở Pakistan vào tháng 5/2011.

Sai lầm vẫn xảy ra bởi vì tình báo là một lĩnh vực khó khăn, và việc thỉnh thoảng không thể cảnh báo, ngăn chặn mọi cuộc tấn công, hoặc ngăn chặn mọi thông tin không chính xác là điều không thể tránh khỏi. Ngày nay, những sai lầm này đều được báo cáo trước Quốc hội, chứ không còn bị che giấu như trước. Tuy nhiên, cộng đồng tình báo vẫn còn rất kém trong việc kể câu chuyện của chính mình và tự kiểm duyệt do bảo mật thông tin quá mức trên diện rộng – một vấn đề mà DNI đã thừa nhận, nhưng chưa khắc phục được. Họ chỉ mới bắt đầu chấp nhận một cách muộn màng tính minh bạch cần thiết cho một bộ máy tình báo hiện đại trong một quốc gia dân chủ, và vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Nhiệm vụ của các cơ quan tình báo là giữ bình tĩnh và thận trọng trước những diễn biến xấu. Trong một thế giới với ngày càng nhiều mối đe dọa, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng tình báo trong các quốc gia dân chủ chưa bao giờ lớn hơn lúc này. Nếu cộng đồng tình báo không được các nhà lãnh đạo chính trị ở Nhà Trắng và Quốc hội tin tưởng, chứ chưa nói đến người dân Mỹ, thì họ sẽ không được trao khả năng “đi đến cùng,” và nguy cơ là Mỹ và các đồng minh của họ sẽ không thể biết trước những mối đe dọa mà họ phải đối mặt. Xét đến những kẻ thù hiện tại, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Tình báo Mỹ đã lấy lại được lòng tin kể từ vụ 11/9 và những đánh giá sai lầm về chương trình vũ khí của Iraq. Chính tình báo và các chiến dịch đặc biệt đã giúp truy lùng và tiêu diệt bin Laden, cơ quan hành pháp Mỹ đã bảo vệ đất nước an toàn trước một cuộc tấn công khủng bố lớn khác, và cộng đồng tình báo đã dự đoán chính xác về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ý thức về mục đích và tinh thần đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu người dân Mỹ, Quốc hội, hoặc Tổng thống (đương nhiệm hoặc tương lai) không tin tưởng họ. Cuộc khủng hoảng về tính chính danh này là một xu hướng có thể sớm cản trở cộng đồng tình báo và hậu quả sẽ là không thể tưởng tượng nổi. Đạt được sự cân bằng giữa quyền tự do dân sự và quyền an ninh không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng cộng đồng tình báo phải có các công cụ, sự tin cậy, và sự giám sát cần thiết để vừa giữ được niềm tin của người dân Mỹ, vừa đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên của họ.

David V. Gioe là giáo sư của Học viện Anh, thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Nhà vua London, và là nghiên cứu viên của Viện Mạng Quân đội tại Học viện Quân sự Mỹ, nơi ông cũng là phó giáo sư lịch sử. Gioe là giám đốc nghiên cứu của Sáng kiến An ninh Cambridge và là người đồng tổ chức chương trình tình báo và an ninh quốc tế của tổ chức. Phân tích của ông không nhất thiết phản ánh bất kỳ quan điểm nào của chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Michael S. Goodman là giáo sư về tình báo và quan hệ quốc tế, đồng thời là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo tại Đại học Nhà vua London. Ông cũng là cựu trưởng Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại tại Đại học Nhà vua và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Tình báo Na Uy và Viện Nghiên cứu Chính trị Paris.

Michael V. Hayden là cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ và CIA, đồng thời là cựu phó giám đốc của Cơ quan Tình báo Quốc gia. Ông nghỉ hưu với hàm tướng sau 39 năm làm việc trong Lực lượng Không quân Mỹ. Trung tâm Tình báo, Chính sách, và An ninh Quốc tế Michael V. Hayden hiện thuộc Trường Chính sách và Chính phủ Schar tại Đại học George Mason.