Quan hệ Trung-Ấn khó đoán hơn sau chiến thắng của Narendra Modi

Nguồn:社评:莫迪胜选后的中印关系更具不确定性”, CRNTT, 10/06/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Mới đây, Đảng Bharatiya Janata (BJP) do Narendra Modi lãnh đạo đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc tổng tuyển cử của Ấn Độ. Đảng BJP đã giành được 240 ghế trong Quốc hội, ít hơn nhiều so với con số 303 ghế mà đảng này từng giành được trong cuộc tổng tuyển cử trước đó. Narendra Modi sẽ trở thành người thứ hai trong lịch sử Ấn Độ giữ chức Thủ tướng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, sau Jawaharlal Nehru.

Quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ đã nhanh chóng xấu đi vào nửa sau nhiệm kỳ đầu của Modi. Từ sự cố Doklam năm 2017, sự cố Thung lũng Galwan đầu năm 2020 và đến nay, Ấn Độ vẫn triển khai hơn 100.000 quân ở biên giới Trung-Ấn. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã nhiều lần công khai dùng vấn đề biên giới để ràng buộc mối quan hệ giữa hai nước, cũng như tuyên bố rằng quan hệ hai nước sẽ không thể trở lại quỹ đạo bình thường trừ khi vấn đề biên giới được giải quyết.

Hiện giờ, cuộc tổng tuyển cử đã ngã ngũ, quan hệ Trung-Ấn cần tiến triển ra sao thì mới có thể phù hợp với lợi ích của cả hai nước? Chúng tôi quan ngại sâu sắc về phương hướng tương lai của quan hệ Trung-Ấn. Dưới đây là những lý do chính:

Thứ nhất, hợp tác chiến lược và ngờ vực chiến lược cùng tồn tại trong quan hệ Mỹ-Ấn.

Sau khi Trump lên nắm quyền, Mỹ đã thăng hạng Ấn Độ thành đối tác quan trọng và coi nước này là tài sản chiến lược then chốt trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính phủ Modi đã tích cực phối hợp với “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ, “phi Trung Quốc hóa” một cách toàn diện và bắt tay với Mỹ về mặt chiến lược để kiềm chế Trung Quốc. “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” kết nối Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương thành một thể, điều này phù hợp với lợi ích chiến lược của Ấn Độ. Việc Ấn Độ tích cực tận dụng sự bao vây của Mỹ đối với Trung Quốc, ngoài việc giúp tăng cường tiếng nói của nước này trong các vấn đề quốc tế, cũng trực tiếp thúc đẩy nước này phát huy tầm ảnh hưởng lớn hơn trong một không gian chiến lược rộng lớn hơn, cũng như thu được nhiều lợi ích hơn về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, sau khi Ấn Độ đạt được thỏa thuận về cảng Chabahar với Iran, quan hệ Mỹ-Ấn đã xuất hiện rạn nứt nghiêm trọng. Thêm vào đó, các vụ việc như những vụ ám sát mà Ấn Độ thực hiện ở Canada và Mỹ cũng như vụ bắt giữ Thủ hiến bang Delhi Arvind Kejriwal của Tổng cục Thực thi Trung ương Ấn Độ (Enforcement Directorate) đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai nước, dẫn tới sự mất lòng tin lẫn nhau, cũng như làm nổi bật sự khác biệt về lợi ích và lập trường giữa hai bên. Cùng với các diễn biến địa chính trị, xung đột giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên, sẽ không có thay đổi lớn nào trong lập trường cũng như hành động của Mỹ và Ấn Độ về việc bắt tay chống Trung Quốc.

Thứ hai, xung đột và dung hòa tồn tại song song trong quan hệ kinh tế Trung-Ấn.

Mỹ đang trấn áp Trung Quốc một cách toàn diện và nỗ lực chuyển dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc công nghiệp vào Trung Quốc, cũng như thay thế vị thế của Trung Quốc trong dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, do sức mạnh tổng hợp chưa đủ lớn nên Ấn Độ khó có thể kế thừa dây chuyền sản xuất được chuyển giao từ Trung Quốc, chứ chưa cần nói đến việc thay thế vị thế sản xuất của nước này.

Mặc dù các tranh chấp biên giới và xung đột chính trị giữa hai bên đã khiến Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng xa cách, nhưng hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn duy trì xu hướng ổn định và thậm chí còn tăng trưởng. Trung Quốc và Ấn Độ đã dung hòa trong xung đột, hợp tác trong cạnh tranh và duy trì những tương tác kinh tế ở mức tối thiểu. Trong năm tài chính 2023-2024, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 118,4 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc lên tới 85 tỷ USD, đây là một vấn đề mang tính cấu trúc do hai nước đang ở vào những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau. Điều này cũng chứng tỏ, Ấn Độ đã hoàn toàn thất bại trong chính sách “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Quốc, việc này sẽ càng khiến các công ty nước ngoài phải làm mới nhận thức về môi trường kinh doanh và đầu tư ở Ấn Độ, đồng thời làm suy yếu ý muốn chuyển giao dây chuyền công nghiệp sang Ấn Độ của họ.

Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong các lĩnh vực thực tế là hợp tác đôi bên cùng có lợi và việc Ấn Độ nhất quyết “tách khỏi” Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Trung-Ấn. Việc ngăn chặn ngành sản xuất của Trung Quốc và “tách khỏi” Trung Quốc sẽ càng cô lập chính Ấn Độ, đẩy nhanh sự suy thoái của nước này và khiến khoảng cách giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng bị nới rộng.

Thứ ba, sự tự tin thái quá đồng hành với tâm lý “chống mọi thứ liên quan đến Trung Quốc”.

Một mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ lành mạnh và ổn định phục vụ cho lợi ích chung của cả hai nước, đồng thời cũng có lợi cho hòa bình và sự phát triển của cả khu vực và thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác chứ không phải đối thủ, hai bên cần đạt được thành tựu chung thay vì làm tổn hại lẫn nhau.

Trung Quốc và Ấn Độ đều là những nước đang phát triển và là láng giềng không thể tách rời. Hai bên nên mang lại cho nhau những cơ hội phát triển và không nên tạo ra mối đe dọa cho nhau. Để quan hệ Trung-Ấn đi đúng hướng, Ấn Độ cần xem xét và điều chỉnh thái độ đối với Trung Quốc, khắc phục sự tự tin thái quá và tâm lý “chống mọi thứ liên quan đến Trung Quốc”, cũng như nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách lý tính, khách quan và tiến về phía đối phương.

Thứ tư, vẫn còn không gian và tiềm năng cho hợp tác Trung-Ấn.

Mặc dù sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ trên phương diện chính trị đã bị đình trệ nhưng hợp tác Trung-Ấn vẫn còn không gian trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn, hai nước có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việc Đảng BJP không giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử lần này cũng như tiếng nói của Modi đã không còn sức nặng như trước, mặc dù đã mang đến những biến động mới cho quan hệ Trung-Ấn, nhưng Modi nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Khả năng để chính phủ mới của Ấn Độ có thể áp dụng một thái độ thực tế và lý tính, kiểm soát những bất đồng một cách thoả đáng và đưa quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ trở lại đúng quỹ đạo phụ thuộc vào việc Ấn Độ và Trung Quốc có thể tiến về phía nhau hay không. Tuy nhiên, sẽ là thiếu thực tế cũng như không hợp lý nếu mong đợi một sự điều chỉnh nhanh chóng trong quan hệ Trung-Ấn. Phía Trung Quốc cần chuẩn bị tâm lý cho hướng đi tương lai của quan hệ Trung-Ấn. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ đòi hỏi sự đồng lòng của cả hai bên, nguyện vọng từ một phía là không đủ. Trung Quốc không nên lạc quan một cách thái quá và cũng không nên đẩy Ấn Độ hoàn toàn về phía phe đối lập. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần hết sức cảnh giác và đề phòng sự hợp tác của Ấn Độ trong các vấn đề như eo biển Đài Loan và Biển Đông, những điều có thể làm suy yếu việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các bên liên quan.