18/06/1983: Sally Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Sally Ride becomes the first American woman in space, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1983, tàu con thoi Challenger được phóng lên vũ trụ trong sứ mệnh thứ hai. Tiến sĩ Sally K. Ride đã tham gia sứ mệnh này với tư cách là chuyên gia, trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên du hành vào vũ trụ.

Trước đó, Ride từng theo đuổi sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp, nhưng vào năm 1977, bà đã đáp lại lời một quảng cáo trên báo của NASA kêu gọi các nhà khoa học trẻ am hiểu công nghệ đến làm việc như chuyên gia trên sứ mệnh tàu con thoi.

Mỹ đã sàng lọc một nhóm phi công nữ vào năm 1959 và 1960 để có thể đào tạo phi hành gia, nhưng sau đó lại quyết định giới hạn chỉ tuyển chọn phi hành gia nam giới. Sang năm 1978, NASA đã thay đổi chính sách và tuyên bố đã chấp thuận sáu phụ nữ (trong số khoảng 3.000 ứng viên ban đầu) trở thành những nữ phi hành gia đầu tiên trong chương trình vũ trụ của Mỹ.

Ride là cựu sinh viên Đại học Stanford (bà có bằng Cử nhân Khoa học Vật lý, Cử nhân Nghệ thuật Anh, cũng như bằng Thạc sĩ Khoa học và Tiến sĩ Vật lý). Bà trở thành người giao tiếp giữa tàu và mặt đất (capsule communicator, CAPCOM) cho các nhiệm vụ STS-2 và STS-3 của NASA vào năm 1981 và 1982, trở thành chuyên gia điều khiển cánh tay robot của tàu con thoi.

Vào ngày 30/04/1982, NASA tuyên bố Ride sẽ là thành viên của phi hành đoàn STS-7, giữ vai trò chuyên gia sứ mệnh và tham gia cùng Chỉ huy Robert L. Crippen, chuyên gia sứ mệnh John M. Fabian, bác sĩ-phi hành gia Norman E. Thagard, và phi công Frederick H. Hauck trên chuyến bay lịch sử

Trong sáu ngày, các nhiệm vụ phức tạp của phi hành đoàn bao gồm phóng vệ tinh liên lạc thương mại cho Indonesia và Canada, đồng thời triển khai và thu hồi một vệ tinh bằng cách sử dụng cánh tay robot của tàu con thoi. Ride, khi đó 32 tuổi, là người phụ nữ đầu tiên điều khiển cánh tay cơ khí của tàu con thoi.

Nhiệm vụ cũng bao gồm các thí nghiệm như nghiên cứu tác động của tình trạng không trọng lực lên hành vi xã hội của một đàn kiến, nghiên cứu các hợp kim kim loại trong điều tra vi trọng lực và bệnh “say không gian” (space sickness).

“Tôi là một trong số ít phi hành gia tham gia sâu vào công việc mô phỏng để xác minh rằng các mô phỏng đã mô phỏng chính xác cánh tay cơ khí: phát triển các quy trình sử dụng cánh tay trên quỹ đạo không gian, phát triển các quy trình xử lý sự cố để các phi hành gia biết phải làm gì nếu có trục trặc,” Ride nói với Dự án Lịch sử Truyền miệng của Trung tâm Vũ trụ NASA Johnson vào năm 2002. “Không có bất kỳ danh sách kiểm tra nào khi chúng tôi bắt đầu; chúng tôi đã phát triển tất cả chúng.”

Sứ mệnh thứ bảy của NASA đã kết thúc vào ngày 24/06/1983, khi Challenger trở về Trái Đất , và thật tình cờ, nó xảy ra gần ngày kỷ niệm 20 năm chuyến bay lịch sử của phi hành gia Liên Xô Valentina V. Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 16/06/1963.

Ride một lần nữa làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ lần thứ hai vào ngày 05/10/1984, trên tàu con thoi STS-41G, nơi bà là thành viên của nhóm 7 người bay vào vũ trụ trong 8 ngày.

Giống như chuyến bay vũ trụ đầu tiên của mình, Ride đã sử dụng cánh tay robot của tàu con thoi, lần này là để loại bỏ băng giá từ bên ngoài tàu và điều chỉnh lại thiết bị. Một phụ nữ khác, chuyên gia sứ mệnh Kathryn D. Sullivan, cũng là thành viên của phi hành đoàn đó, khiến đây là chuyến bay vũ trụ đầu tiên của NASA có hai phụ nữ trên tàu (Sullivan trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên đi bộ trong vũ trụ, cũng trong sứ mệnh này).

Sứ mệnh thứ ba của Ride đã bị hủy bỏ sau vụ nổ tàu Challenger vào ngày 28/01/1986, trong đó cả bảy thành viên phi hành đoàn, bao gồm giáo viên Christa McAuliffe, đều thiệt mạng. Ride được bổ nhiệm vào Ủy ban Rogers, một ủy ban của tổng thống chịu trách nhiệm điều tra thảm họa. Sau đó, bà trở thành trợ lý đặc biệt cho giám đốc NASA trước khi rời cơ quan này vào năm 1987 và quay trở lại giới học thuật.

Ride qua đời vì bệnh ung thư tuyến tụy vào năm 2012 ở tuổi 61.