Chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng bố gia tăng ở Mỹ và trên toàn cầu

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Graham Allison và Michael J. Morell, “The Terrorism Warning Lights Are Blinking Red Again,” Foreign Affairs, 10/06/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xuất hiện những dấu hiệu tương tự giai đoạn trước sự kiện ngày 11/9.

Từ phiên điều trần phê chuẩn chức vụ Giám đốc Tình báo Trung ương vào tháng 5/1997 cho đến ngày 11/09/2001, George Tenet đã liên tiếp cảnh báo về Osama bin Laden và al Qaeda. Trong bốn năm trước khi các thành viên al Qaeda tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc, Tenet đã công khai làm chứng không dưới mười lần về mối đe dọa mà nhóm người này gây ra cho lợi ích của Mỹ trong và ngoài nước. Sang tháng 2/1999, sáu tháng sau khi nhóm này đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, ông tuyên bố: “Không có chút nghi ngờ nào về việc Osama bin Laden… [đang] lên kế hoạch cho các cuộc tấn công tiếp theo chống lại chúng ta.” Đầu năm 2000, ông lại cảnh báo Quốc hội rằng bin Laden “đứng đầu trong danh sách những kẻ khủng bố, vì mối đe dọa cấp bách và nghiêm trọng mà hắn đặt ra” và vì khả năng của hắn ta trong việc tấn công “mà không cần cảnh báo.”

Tenet cho biết các cuộc tấn công tiếp theo của Al Qaeda có thể “đồng thời” và “kinh hoàng.” Trong những lúc riêng tư, Tenet thậm chí còn quyết đoán hơn. Phá vỡ các giao thức chuẩn mực, ông viết thư cá nhân cho Tổng thống Bill Clinton, bày tỏ niềm tin sâu sắc của mình về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa. Và nhiều lần trong năm 2001, đích thân ông đã thảo luận những quan ngại của mình về kế hoạch của al Qaeda với Tổng thống George W. Bush và Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice. CIA và FBI khi đó có thể chưa phát hiện ra thời gian, địa điểm hoặc phương pháp của âm mưu ngày 11/9, nhưng những lời cảnh báo của Tenet thực sự mang tính tiên tri.

Hai thập kỷ rưỡi sau, Christopher Wray, Giám đốc FBI, cũng đưa ra những cảnh báo tương tự. Nội dung cuộc thảo luận của ông trong chính quyền Biden là riêng tư, nhưng lời chứng của ông trước Quốc hội và các tuyên bố công khai khác không thể rõ ràng hơn. Ra làm chứng vào tháng 12 trước các thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, Wray nói, “Khi tôi ngồi đây vào năm ngoái, tôi đã giải thích tại sao chúng ta lại ở trong một môi trường có mối đe dọa cao như thế này.” Tuy nhiên, sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, “chúng ta đang chứng kiến mối đe dọa từ những kẻ khủng bố nước ngoài tăng lên một cấp độ hoàn toàn khác,” ông nói thêm. Khi nói về những mối đe dọa đó, Wray nhiều lần kêu gọi sự chú ý đến những lỗ hổng an ninh ở biên giới phía nam Mỹ, nơi mỗi tuần có hàng nghìn người vào Mỹ mà không bị phát hiện.

Wray không phải là quan chức cấp cao duy nhất đưa ra cảnh báo. Kể từ khi trở thành chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) vào năm 2022, Tướng Erik Kurilla đã chỉ ra khả năng đáng lo ngại của các nhóm khủng bố mà lực lượng của ông đang đối đầu ở Trung Đông và Nam Á. Các nhóm này bao gồm al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (còn được gọi là ISIS), và đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), chi nhánh của ISIS hoạt động ở Afghanistan và Pakistan. Christine Abizaid, giám đốc sắp mãn nhiệm của Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia, đã mô tả “môi trường đe dọa toàn cầu đang gia tăng” khi phát biểu tại một hội nghị ở Doha vào tháng trước. Và trong lời chứng trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện mới tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland, trong lúc nói về khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Mỹ, đã khẳng định rằng “mức độ đe dọa… đã tăng lên rất nhiều.”

Chỉ khi có quyền truy cập đầy đủ vào thông tin tình báo, người ta mới có thể hình thành một cái nhìn hoàn toàn độc lập về mối đe dọa này. Nhưng tuyên bố của Giám đốc FBI và Chỉ huy CENTCOM gần như chắc chắn phản ánh thông tin tình báo mật mà họ đang đọc cũng như các hoạt động hành pháp và chiến dịch quân sự mà tổ chức của họ đang tham gia. Lời nói của họ nên được xem xét một cách nghiêm túc. Trong những năm kể từ khi xảy ra vụ 11/9, nhiều quan chức đã cảnh báo về các mối đe dọa khủng bố mà may mắn thay đã không trở thành hiện thực, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể xem nhẹ những bình luận của Wray và Kurilla. Những biến động trong các cảnh báo khủng bố suốt những năm qua nhìn chung tương ứng với mức độ rủi ro thực tế. Trong nhiều trường hợp, những cảnh báo đó đã dẫn đến phản ứng của chính phủ nhằm cản trở kế hoạch của những kẻ khủng bố. Trước những nguy cơ tiềm ẩn, sự chủ quan là một mối đe dọa lớn hơn sự lo lắng thái quá.

Ý định đã nêu của các nhóm khủng bố, khả năng ngày càng tăng mà họ đã thể hiện trong các cuộc tấn công thành công và thất bại gần đây trên khắp thế giới, và thực tế là một số âm mưu ở Mỹ đã bị vạch trần – tất cả những điều này dẫn đến một kết luận khó chịu nhưng không thể tránh khỏi. Nói một cách đơn giản thì Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng về một cuộc tấn công khủng bố trong những tháng tới.

May mắn thay, trong 30 năm qua, người Mỹ đã học được rất nhiều về cách chống lại các mối đe dọa khủng bố, bao gồm cả những mối đe dọa vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông giờ đây nên mang cuốn cẩm nang đó ra. Nó bao gồm các bước mà cộng đồng tình báo nên thực hiện để hiểu rõ hơn về mối đe dọa, các bước để ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập vào Mỹ, và các bước để gây áp lực lên các tổ chức khủng bố ở những quốc gia nơi họ đang trú ẩn. Một trong những mô hình tốt nhất nên noi theo là tập hợp các biện pháp mà Clinton đã cho triển khai khi mối đe dọa khủng bố gia tăng vào mùa hè và mùa thu năm 1999. Những biện pháp đó đã ngăn chặn một số cuộc tấn công, trong đó có ít nhất là một cuộc tấn công vào đất Mỹ. Thành công đó – cũng như thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn vụ 11/9 – mang lại những bài học quý giá cho các nhà hoạch định chính sách hiện đại. Ngày nay cũng như khi xưa, chủ động luôn tốt hơn bị động.

NHỮNG MẢNH GHÉP CỦA CÂU ĐỐ

Nếu không có quyền truy cập vào thông tin tình báo mật, thì việc thu thập thông tin từ các lời chứng công khai của quốc hội, các cuộc tấn công khủng bố thành công ở nước ngoài, và các âm mưu bị phá vỡ ở Mỹ và các nơi khác chính là cách tốt nhất để xây dựng một bức tranh về mối đe dọa. Manh mối về những nỗ lực không thành công ở Mỹ nói riêng đã được để lộ kể từ khi chính quyền Biden thuyết phục Quốc hội vào tháng 4 gia hạn Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài, một điều khoản cho phép chính phủ Mỹ buộc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet của Mỹ chuyển giao thông tin liên lạc của người nước ngoài sống bên ngoài nước Mỹ nhưng có thông tin liên lạc đi qua Mỹ.

Trong ít nhất tám lần xuất hiện trước Quốc hội kể từ mùa thu năm ngoái, bao gồm cả lần xuất hiện cách nay vài tuần, Wray đã xác định ba loại đe dọa khác nhau đối với nước Mỹ: khủng bố quốc tế, khủng bố trong nước, và khủng bố do nhà nước bảo trợ. Ông nói với Ủy ban Tư pháp Thượng viện vào tháng 12 rằng cả ba đang “đồng thời tăng cao.”

Ra làm chứng trước Ủy ban Tình báo Hạ viện vào tháng 3, ông nói rằng “loại đe dọa khủng bố số một” ở Mỹ bao gồm “các tác nhân hoặc cá nhân đơn độc hoạt động trong các đơn vị nhỏ, sử dụng vũ khí sẵn có.” Ghi nhận ảnh hưởng của cuộc tấn công khủng bố ngày 7/10 của Hamas, Wray đã cảnh báo về “những kẻ cực đoan bạo lực trong nước” được thúc đẩy bởi cả cuộc tấn công của Hamas và phản ứng của Israel. Ông nói rằng FBI đang điều tra nhiều cá nhân như vậy, nhưng ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Đánh giá mối đe dọa từ nước ngoài, Wray nói với Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện vào tháng 10 năm ngoái rằng Washington không thể “loại bỏ khả năng Hamas hoặc một tổ chức khủng bố nước ngoài khác có thể….. tiến hành các cuộc tấn công ở đây” – trên đất Mỹ. Sang tháng 4 năm nay, ông nói với Ủy ban Thẩm định Hạ viện rằng “khả năng xảy ra một cuộc tấn công phối hợp ở nước Mỹ” là “ngày càng đáng lo ngại.”

Wray đã tập trung vào một quốc gia với tư cách là nhà tài trợ tiềm năng cho khủng bố: Iran. Vào tháng 10, ông nói với Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện rằng Tehran đang tiếp tục âm mưu chống lại các quan chức cấp cao “hiện tại hoặc trước đây” của chính phủ Mỹ như một biện pháp trả thù việc Mỹ ám sát quan chức cấp cao của Quân đội Iran Qasem Soleimani vào tháng 1/2020. Cho đến nay, các kế hoạch của Iran đã thất bại, nhưng không có gì đảm bảo rằng kế hoạch tiếp theo của họ sẽ thất bại. Việc sát hại thành công một công dân Mỹ, đặc biệt nếu việc đó diễn ra trên đất Mỹ, sẽ không chỉ gây ra nỗi sợ hãi trong công chúng Mỹ mà còn đẩy Tehran và Washington vào một cuộc khủng hoảng ở quy mô chưa từng thấy kể từ khi chế độ Iran lên nắm quyền vào năm 1979.

Giám đốc FBI cũng đã nhấn mạnh một lỗ hổng an ninh cụ thể. Vào tháng 12, Wray cảnh báo Ủy ban Tư pháp Thượng viện rằng những kẻ khủng bố nước ngoài đang cố gắng xâm nhập vào nước Mỹ có “khả năng khai thác bất kỳ điểm nhập cảnh nào, bao gồm cả biên giới phía tây nam của chúng ta.” Vào tháng 3, ông kêu gọi Ủy ban Tình báo Thượng viện chú ý hơn đến “một mạng lưới cụ thể [hoạt động ở biên giới phía nam].” Ông nói với ủy ban rằng mạng lưới buôn lậu này có những người hỗ trợ ở nước ngoài có “mối quan hệ với ISIS mà chúng tôi rất lo ngại.”

Kurilla đã đưa ra những cảnh báo tương tự từ CENTCOM. Các lực lượng dưới sự chỉ huy của ông đã tiến hành 475 chiến dịch trên bộ và 45 cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu ISIS ở Iraq và Syria trong năm ngoái – tiêu diệt hoặc bắt giữ gần 1.000 chiến binh của nhóm này. Trong một tuyên bố hồi tháng 3, Kurilla khẳng định rằng cả ISIS và al Qaeda “vẫn cam kết gây ra bạo lực.” Dù lực lượng Mỹ đã ngăn ISIS kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria nhưng theo tính toán của Kurilla, nhóm này vẫn còn ít nhất 5.000 chiến binh. Chỉ trong vòng hai tuần vào đầu năm 2024, ISIS đã tiến hành 275 cuộc tấn công – mức cao nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, Al Qaeda cũng liên tục hoạt động ở Afghanistan và Yemen.

Kurilla kêu gọi mọi người đặc biệt chú ý đến ISIS-K, chi nhánh của ISIS ở Afghanistan và Pakistan. Trong lời chứng vào tháng 3 năm ngoái trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông cảnh báo rằng nhóm này có thể thực hiện một “chiến dịch chống lại lợi ích của Mỹ hoặc phương Tây ở nước ngoài trong vòng sáu tháng mà không có hoặc có rất ít cảnh báo.” Lời nói của ông đã được chứng minh vào đầu năm nay, khi ISIS-K tiến hành cuộc tấn công khủng bố nguy hiểm nhất mà Iran từng trải qua kể từ khi thành lập Cộng hòa Hồi giáo, trong đó hai kẻ đánh bom liều chết đã giết chết ít nhất 95 người tại một đài tưởng niệm nhân ngày mất của Soleimani. ISIS-K lại tấn công thêm lần nữa vào tháng 3, khi bốn kẻ khủng bố giết chết 145 người và làm bị thương thêm 550 người khác trong một cuộc tấn công trắng trợn vào phòng hòa nhạc ở Moscow.

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ (AFRICOM), Tướng Michael Langley, cũng đã vẽ ra một bức tranh tương tự. Trong lời chứng vào tháng 3 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Langley lưu ý rằng al Qaeda và ISIS đang khai thác “các khu vực phát triển kém, quản lý kém” và “các cuộc đảo chính quân sự gần đây ở Tây Phi đang tạo không gian cho các tổ chức bạo lực cực đoan.” Langley nói với ủy ban rằng trong năm 2023 lực lượng của ông đã tiến hành 18 cuộc tấn công vào các nhóm khủng bố đó như một phần của một chiến dịch lớn hơn. Lời làm chứng của ông phù hợp với đánh giá của hầu hết các chuyên gia về khủng bố trong và ngoài chính phủ rằng các nhóm al Qaeda và ISIS ở Châu Phi đang phát triển mạnh.

Các nhân viên hành pháp gần địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc Crocus City Hall bên ngoài Moscow, tháng 3/2024. © Maxim Shemetov/Reuters

Những xu hướng có thể quan sát được đã làm tăng thêm sức nặng cho mối lo ngại của các quan chức này. Điều quan trọng nhất là số lượng các cuộc tấn công khủng bố, cả thành công lẫn thất bại, đang tăng cao. Theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu, số người chết vì khủng bố đã tăng 22% từ năm 2022 đến năm 2023. Năm nay, chúng ta đã chứng kiến hai vụ tấn công lớn của ISIS-K ở Iran và Nga. Và nếu không nhờ công việc xuất sắc của tình báo và cảnh sát Đức, danh sách các vụ khủng bố thành công trong vài tháng qua có lẽ còn dài hơn. Chính quyền Đức đã bắt giữ những công dân nước ngoài bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công Nhà thờ Cologne vào cuối năm ngoái và Tòa nhà Quốc hội Thụy Điển ở Stockholm vào tháng 3.

Những âm mưu bị lật tẩy bên trong nước Mỹ sẽ là lời cảnh tỉnh cuối cùng.  Tháng 4/2022, Bộ Tư pháp buộc tội một quan chức chính phủ Iran đang sống tại Tehran về tội âm mưu thuê sát thủ ám sát cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. Một tháng sau, FBI báo cáo rằng họ đã ngăn cản kế hoạch của một công dân Iraq sống ở Ohio đưa lậu bốn người qua biên giới phía nam để ám sát cựu Tổng thống George W. Bush. Gần đây nhất, FBI – trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm thuyết phục Quốc hội cấp phép lại Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài – đã chia sẻ với Politico một thông tin tình báo được giải mật, trong đó cho thấy cơ quan này đã ngăn chặn một âm mưu tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở Mỹ vào mùa thu năm ngoái. Theo FBI, kẻ tổ chức vụ tấn công thường xuyên liên lạc với một nhóm khủng bố nước ngoài, đã xác định được các mục tiêu cụ thể và đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện kế hoạch.

Mảnh ghép cuối cùng là chuỗi những lời kêu gọi tấn công gần đây của các nhóm khủng bố. Nhiều nhóm đã gắn lời đe dọa của họ với sự kiện ngày 7/10. Ngay sau cuộc tấn công ngày hôm đó, al Qaeda đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi người Hồi giáo trên khắp thế giới nắm bắt cơ hội “chỉ có một lần trong đời” để thực hiện các hành động bạo lực nhằm ủng hộ chính nghĩa của Hamas. Vào tháng 1, nhánh al Qaeda ở Bán đảo Ả Rập (AQAP) đã công bố các video kêu gọi tấn công các chuyến bay thương mại trên toàn thế giới và các mục tiêu ở Thành phố New York. Sang tháng 3, tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, người phát ngôn của ISIS-K đã kêu gọi các cá nhân thực hiện các cuộc tấn công đơn độc nhắm vào những người theo Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo ở Mỹ, Châu Âu, và Israel. Khi các nhóm khủng bố đưa ra những lời đe dọa rõ ràng đối với nước Mỹ, Washington nên lắng nghe. Không có gì lạ khi kẻ thù nói ra chính xác những gì họ sẽ làm – bin Laden cũng đã làm vậy trước vụ 11/9.

LOGIC CỦA LỜI ĐE DỌA

Việc xác định các mối đe dọa khủng bố bao gồm xác định động cơ, phương tiện, và cơ hội – ba yếu tố chính trong bất kỳ cuộc điều tra tội phạm nào. Tuy nhiên, trong trường hợp khủng bố, cần có thêm một yếu tố nữa: năng lực tổ chức. Nếu một cá nhân hoặc một nhóm không có kỹ năng hoặc mối quan hệ cần thiết để biến kế hoạch thành hành động, họ sẽ không vượt qua ngưỡng từ rủi ro tiềm ẩn thành rủi ro có thật.

Những thủ phạm tiềm năng của các cuộc tấn công khủng bố thường có rất nhiều động cơ. Hai thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, cũng như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở hơn chục quốc gia khác, đã tạo ra sự phẫn nộ đối với Mỹ và có thể khiến nhiều cá nhân tìm kiếm sự trả thù bằng bạo lực. Gần đây hơn, phản ứng của Israel trước vụ tấn công kinh hoàng ngày 7/10 đã giết chết ít nhất 36.000 người ở Gaza (trong đó hơn một nửa là dân thường). Hoạt động đó sẽ dẫn đến điều mà Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines gọi là “tác động mang tính thế hệ đối với chủ nghĩa khủng bố” và sẽ tạo ra điều mà Kurilla đã mô tả là “điều kiện cho những kẻ ác tâm gieo rắc sự bất ổn trong toàn khu vực và hơn thế nữa.” Vụ ám sát Soleimani vào năm 2020 cũng đã thúc đẩy người Iran cố gắng tấn công Mỹ kể từ đó. Những nỗ lực này có thể tăng tốc khi Iran phải đối mặt với xung đột ngày càng sâu sắc với Israel và sự bất ổn trong nước sau cái chết của tổng thống. Ngay cả mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan trong nước và các cuộc tấn công đơn độc – những hình thức khủng bố khó dự đoán nhất – cũng có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn khi nước Mỹ tiến tới một cuộc bầu cử phân cực giữa hai ứng viên thường xuyên đưa ra những cảnh báo rằng chiến thắng của người còn lại sẽ là hồi chuông báo tử của nền dân chủ Mỹ.

Tiếp theo, hãy xem xét phương tiện và cơ hội. An ninh sân bay có thể đã được thắt chặt đáng kể kể từ vụ 11/9, nhưng các vụ xả súng hàng loạt diễn ra mỗi tuần chứng tỏ rằng ở Mỹ người ta vẫn dễ dàng mua được vũ khí tấn công công suất lớn và có đủ đạn dược để giết số lượng lớn người trong một khoảng thời gian ngắn. Năm ngoái, hàng trăm cá nhân trong danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ đã cố gắng xâm nhập qua biên giới phía nam. Không khó để tưởng tượng một người, hoặc thậm chí một nhóm, có ý định khủng bố vượt qua biên giới – nơi các quan chức Mỹ báo cáo đã có 2,5 triệu cuộc chạm trán với người di cư vào năm 2023 – rồi mua súng trường tấn công và thực hiện một vụ thảm sát quy mô lớn. Nước Mỹ không thiếu những địa điểm nơi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tụ tập thường xuyên – và tất cả đều có thể trở thành mục tiêu sẵn sàng cho những kẻ khủng bố.

Yếu tố cuối cùng là năng lực tổ chức. “Cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ đã loại bỏ một lượng lớn các chiến binh và những người lập kế hoạch. Nhưng như Kurilla đã cảnh báo hồi đầu năm nay, ISIS và các nhóm khác vẫn có ban lãnh đạo, bộ binh và cơ cấu tổ chức cần thiết để dàn dựng các cuộc tấn công. Wray cũng kêu gọi các nhà lập pháp đừng quá tự tin rằng quy mô của các nhóm khủng bố này ngày càng thu hẹp. Ông đã nói vào tháng 12, “Đừng quên rằng chỉ cần một số ít người vào ngày 11/9 đã có thể giết chết 3.000 người.”

NGĂN CHẶN ĐIỀU KHÔNG THỂ TƯỞNG TƯỢNG ĐƯỢC

Chính quyền Biden đã có rất nhiều việc phải làm: hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược quy mô lớn của Nga, chuẩn bị cho khả năng cuộc chiến thất bại của Israel chống lại Hamas ở Gaza sẽ biến thành một cuộc chiến rộng hơn chống lại các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực, và duy trì sự tập trung vào Trung Quốc. Nhưng các nhà hoạch định chính sách không nên đánh giá thấp mối đe dọa của một cuộc tấn công khủng bố bên trong nước Mỹ. Việc đánh giá các mối đe dọa an ninh quốc gia cần phải tính đến cả mức độ rủi ro và quy mô hậu quả tiềm ẩn – và trong trường hợp khủng bố, cả hai đều buộc chính quyền phải hành động.

Biden nên phát động một chiến dịch toàn diện nhằm ngăn chặn bất kỳ kế hoạch khủng bố nào đang được tiến hành, sử dụng chính cẩm nang mà Clinton đã áp dụng vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình. Sau khi lắng nghe kỹ lưỡng cảnh báo của cộng đồng tình báo về những âm mưu khủng bố tiềm tàng, Clinton quyết tâm hành động. Những vụ tấn công bị ngăn chặn vào đầu thế kỷ 21 này, cũng như những vụ không được ngăn chặn vào ngày 11/9, đều chứa đựng bài học cho ngày hôm nay.

Vào mùa thu năm 1999, các cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập thông tin cho thấy bin Laden và al Qaeda đang chuẩn bị tiến hành nhiều cuộc tấn công trùng với thời điểm bắt đầu thiên niên kỷ mới. Dù đối thủ và thời điểm đã rõ ràng, nhưng mục tiêu và phương pháp tấn công thì không. Tuy nhiên, việc thiếu chi tiết đã không ngăn được Clinton ra lệnh phản ứng nhanh chóng và sâu rộng. Như Tenet kể lại trong hồi ký của mình, những gì diễn ra sau đó là một “hoạt động điên cuồng”: CIA đã tiến hành các chiến dịch ở 53 quốc gia, nhắm vào 38 mục tiêu, bao gồm cả việc bắt giữ hàng chục kẻ tình nghi khủng bố. CIA đã nhờ đến cả các đối tác nước ngoài, đáng chú ý nhất là hợp tác với chính quyền Canada để tiêu diệt một nhóm khủng bố Algeria ở Canada, và giúp chính quyền Jordan bắt giữ 16 kẻ khủng bố đang lên kế hoạch tấn công khách du lịch ở Amman. Kết quả là không có nhóm khủng bố nào có thể thực hiện thành công một cuộc tấn công vào đầu thiên niên kỷ. Trong số những thành công nổi tiếng hơn cả là việc bắt giữ một thành viên al Qaeda, Ahmed Ressam, theo đó cản trở kế hoạch tấn công Sân bay Quốc tế Los Angeles của nhóm này vào tháng 12/1999. Các nhân viên quản lý nhập cư ở Port Angeles, Washington, đã cảnh giác cao độ sau mệnh lệnh của Clinton, và họ đã phát hiện Ressam tại cửa khẩu biên giới Mỹ-Canada. Trong cốp xe của hắn, họ phát hiện ra hơn 45kg chất nổ mạnh và vật liệu chế tạo nhiều ngòi nổ. Ressam sau đó bị kết án về tội khủng bố.

Để Washington thực hiện một nỗ lực tương tự nhằm chống lại mối đe dọa khủng bố ngày nay, cộng đồng tình báo và an ninh cần giải thích mối nguy hiểm cho các nhà hoạch định chính sách và công chúng Mỹ một cách nhất quán hơn. Wray và Kurilla đã lên tiếng về mối quan ngại của họ, nhưng các quan chức khác cho đến nay vẫn tỏ ra dè dặt. Không rõ liệu sự dè dặt công khai này chỉ là một toan tính chính trị, hay là một dấu hiệu của sự bất đồng quan điểm. Để làm rõ nhận định của các quan chức về các mối đe dọa, các ủy ban tình báo quốc hội nên triệu tập các phiên điều trần công khai với các giám đốc của Văn phòng Tình báo Quốc gia, CIA, FBI, và Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia, sau đó yêu cầu mỗi cơ quan đưa ra quan điểm thẳng thắn của mình. Chẩn đoán phải đi trước kê đơn. Các nhà hoạch định chính sách cần có một bức tranh rõ ràng về mối đe dọa trước khi họ có thể xác định các bước hành động tiếp theo, cũng như thuyết phục người dân Mỹ tham gia.

Tiếp theo, cơ quan tình báo Mỹ nên xem xét lại toàn bộ các thông tin đã thu thập trước đó liên quan đến khủng bố. Việc xem xét lại báo cáo trước đó có thể mang lại những hiểu biết mới hoặc thậm chí phát hiện ra thông tin bị bỏ sót lần đầu tiên. Tenet đã ra một mệnh lệnh xem xét lại tương tự vào mùa hè năm 2001. Dù nó không thể ngăn cản vụ 11/9, nhưng nhiệm vụ này đã tiết lộ rằng, vào năm 1999, CIA đã biết rằng hai thành viên al Qaeda sau này trở thành không tặc có thị thực Mỹ, nhưng CIA lại không yêu cầu đưa hai người này vào danh sách theo dõi vào thời điểm đó. Khi thông tin này được đưa ra ánh sáng, hai người này ngay lập tức được đưa vào danh sách theo dõi, và FBI bắt đầu truy lùng họ, nhưng không thành công. Ngày nay, những manh mối tương tự có thể xuất hiện, và để tìm ra chúng, các chuyên gia tình báo sẽ cần phải bắt đầu thực hiện cái mà họ gọi là “rung cây.” Một trong những biện pháp hiệu quả nhất mà họ có thể thực hiện là yêu cầu các đối tác chống khủng bố quốc tế của Mỹ bắt giữ và thẩm vấn – trong phạm vi thẩm quyền pháp lý của họ – những cá nhân có quan hệ với khủng bố.

Wray tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện ở Washington, DC, tháng 3/2024. © Julia Nikhinson/Reuters

Các bước xác định mối đe dọa này rất quan trọng, nhưng hành động ngăn chặn các cuộc tấn công thậm chí còn quan trọng hơn. Do tính dễ bị tổn thương đặc biệt của khu vực biên giới phía nam nước Mỹ, sắc lệnh hành pháp gần đây của Biden nhằm hạn chế quá trình xử lý người tị nạn là một bước có giá trị nhằm hạn chế người nhập cảnh vào Mỹ. Nhưng với việc Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ báo cáo gần 200.000 cuộc chạm trán với người di cư ở biên giới này mỗi tháng trong năm 2024, chưa kể hàng nghìn người khác vượt biên mỗi tuần mà không bị phát hiện, chính phủ sẽ cần phải thực hiện các hành động bổ sung – bao gồm cả việc sử dụng các cơ quan kiểm soát biên giới quốc gia khẩn cấp – để đảm bảo rằng những kẻ khủng bố không khai thác kênh biên giới quá tải này để xâm nhập vào đất nước.

Cũng cần phải hành động để giải quyết các mối đe dọa trước khi chúng lan đến nước ngoài. ISIS-K đặt ra mối đe dọa trước mắt nhất, nhưng tổ chức này có trụ sở tại Afghanistan, nơi Mỹ không có sự hiện diện quân sự kể từ khi rút quân vào năm 2021. Do đó, Washington cần phải làm một điều không thể tưởng tượng nổi: hợp tác với Taliban. Nhóm này đã một lần nữa cai trị Afghanistan sau hai thập kỷ chiến tranh với Mỹ, và họ xem ISIS-K là kẻ thù. Khả năng phối hợp với Taliban để nhắm vào phiến quân ISIS-K đã được nhiều người nêu ra trước đó, trong đó gồm cả cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley vào năm 2021. Washington không cần cung cấp vũ khí cho Taliban hay đưa quân Mỹ đến đây, nhưng nên xem xét việc trao đổi thông tin tình báo có giới hạn, trong đó Mỹ cung cấp thông tin về các mục tiêu có thể có của ISIS-K bên trong Afghanistan để đổi lấy thông tin từ Taliban về khả năng và kế hoạch tấn công ở nước ngoài của ISIS-K. Tương tự, Mỹ cũng nên hợp tác với Pakistan, một trụ sở khác của ISIS-K cũng hoạt động.

Việc thực hiện các bước này sẽ rất khó khăn ngay cả trong những thời điểm thuận lợi nhất, chứ đừng nói là trước thềm một cuộc bầu cử. Nhưng những kẻ khủng bố có thể tấn công mà không báo trước và họ cũng không cần phải tôn trọng lịch trình chính trị của Mỹ. Trong hai thập kỷ vừa qua, dưới các chính quyền của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, nỗ lực của hàng nghìn người Mỹ trong cộng đồng quân đội và tình báo đã giúp đất nước tránh được vụ 11/9 lần thứ hai – hoặc tệ hơn. Đây là một thành tựu phi thường, nhưng nhiều công việc vẫn chưa được thực hiện. Một cuộc tấn công khủng bố là một thảm họa có thể phòng ngừa được. Khi mối đe dọa gia tăng, các nhà hoạch định chính sách phải vươn lên đối mặt với thách thức bảo vệ quê hương.

Graham Allison là Giáo sư về Quản trị chính quyền tại Đại học Harvard.

Michael J. Morell là cố vấn cấp cao và giám đốc toàn cầu về rủi ro địa chiến lược tại Beacon Global Strategy. Ông là Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương CIA.