Pháp và Anh đang đổi chỗ cho nhau trong chính trị châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Gideon Rachman, “France and Britain are changing places,” Financial Times, 08/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Châu Âu dường như đang không có người lãnh đạo trong lúc các mối đe dọa toàn cầu gia tăng.

Anh và Pháp đang ngồi ở hai đầu đối diện của một chiếc bập bênh chính trị. Ba ngày sau khi người Anh bầu ra một chính phủ trung dung, thực dụng, với đa số phiếu lớn, người Pháp đã đưa ra một lựa chọn hoàn toàn trái ngược. Cuộc bầu cử cơ quan lập pháp hôm Chủ nhật 30/06 đã tạo ra một quốc hội bế tắc, với cả phe cực hữu và cực tả đều giành được ưu thế.

Ở Anh, thời kỳ hỗn loạn chính trị bắt đầu từ cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 cuối cùng cũng có thể kết thúc. Nhưng ở Pháp, thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài có lẽ chỉ mới bắt đầu.

Sự nhẹ nhõm rằng Đảng Tập hợp Dân tộc (Rassemblement National, RN) cực hữu đã thể hiện kém hơn dự kiến trong vòng bỏ phiếu thứ hai không thể che giấu sự thật rằng không gian cho nhóm trung dung trong nền chính trị Pháp đang bị thu hẹp – và cùng với đó là quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron. Sự yên tĩnh của London trong đêm bầu cử trái ngược hẳn với bầu khí cuồng nhiệt ở Paris tối Chủ nhật.

Thật không may là chu kỳ chính trị của Pháp và Anh lại không đồng bộ. Bất chấp bản năng cạnh tranh với nhau, việc hai nước hợp tác có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Họ là những nước láng giềng và là những nền dân chủ với quy mô dân số tương đương. Họ cũng giữ lại một số biểu tượng của vị thế cường quốc, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân và ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, dù không còn sức mạnh kinh tế để củng cố vị thế đó.

Cả Pháp và Anh đều cố gắng đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Cả hai nước đều chú trọng đến mối đe dọa từ nước Nga của Vladimir Putin và đều ủng hộ Ukraine một cách mạnh mẽ. Trong những thập niên gần đây, Pháp và Anh cũng là hai cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu – dù theo thời gian, việc Đức tái vũ trang có thể thay đổi điều đó.

Nhưng khả năng Anh thực sự ảnh hưởng đến tương lai của châu Âu đã bị Brexit cản trở. Brexit đã đẩy Anh ra khỏi các cấu trúc chính trị quan trọng của châu Âu và để lại di sản của sự ngờ vực và sụp đổ thể chế. Trong lúc Anh vắng mặt, Macron đã nắm bắt cơ hội để đưa ra một tầm nhìn đầy tham vọng cho tương lai của châu Âu. Nhưng khả năng Tổng thống Pháp nắm giữ vị trí lãnh đạo trí thức của châu Âu giờ đây có thể sẽ biến mất, cùng với nhiệm vụ chính trị trong nước của ông.

Tuy nhiên, những thách thức quốc tế mà Anh, Pháp, và toàn châu Âu phải đối mặt nhiều khả năng sẽ chỉ trầm trọng thêm trong năm tới. Cuộc chiến Ukraine hiện đang rơi vào bế tắc và nỗi lo về khả năng đột phá của Nga đang gia tăng. Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump cũng sẽ đặt ra những rủi ro rõ ràng đối với liên minh NATO và hệ thống thương mại quốc tế, theo đó đe dọa đến sự thịnh vượng và an ninh tương lai của châu Âu.

Về lý thuyết, phản ứng rõ ràng trước những mối đe dọa chung này là Pháp và Anh phải hợp tác chặt chẽ hơn với nhau – cùng thúc đẩy một sự hợp tác sâu rộng ở châu Âu, để giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của lục địa trước một thế giới nguy hiểm hơn.

Trên thực tế, những thay đổi gần đây trong chính trị của cả Pháp và Anh sẽ khiến kiểu hợp tác đó trở nên khó khăn hơn nhiều. Nếu chính sách đối ngoại của Pháp bắt đầu phản ánh những ưu tiên của các phe phái chính trị cực đoan, thì điều đó sẽ tạo ra sự xung đột rõ ràng với quan điểm của chính phủ Starmer mới ở Anh. Cả phe cực tả và cực hữu ở Pháp đều đồng cảm với nước Nga của Putin hơn nhiều so với Macron hay Starmer.

Chủ nghĩa quốc tế thực dụng của Starmer rõ ràng phù hợp hơn với các chính sách hiện tại của liên minh cầm quyền ở Đức, do Đảng Dân chủ Xã hội của Olaf Scholz lãnh đạo. Và quả thực, ngay trong ngày thứ hai nhậm chức, David Lammy, tân Ngoại trưởng Anh, đã tới Berlin, nơi ông nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt vốn thường dành cho Ngoại trưởng Pháp.

Về bản chất, Starmer và Lammy là những người ủng hộ châu Âu, nhưng họ phải đối mặt với thực tế rằng Anh không còn là thành viên của EU – điều mà chính phủ Đảng Lao động đã thề sẽ không đảo ngược. Thay vào đó, mục đích của họ là đàm phán một hiệp ước an ninh mới với EU, nhưng định nghĩa “an ninh” này rất rộng, để nó có khả năng bao gồm nhiều chủ đề như năng lượng, khí hậu, và các khoáng sản quan trọng. Điều này có thể mở ra cánh cửa cơ hội hợp tác nhiều hơn với EU trên diện rộng – mà không chạm đến các vấn đề nhạy cảm (và quan trọng) về tư cách thành viên của Anh trong thị trường chung EU hoặc liên minh thuế quan EU.

Những ý tưởng của Đảng Lao động về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Anh đã được đón nhận nồng nhiệt trong chuyến đi của Lammy tới Đức, Ba Lan, và Thụy Điển. Nhưng phản ứng của Pháp đối với đề xuất của Đảng Lao động về một hiệp ước an ninh mới vẫn rất quan trọng. Trong suốt quá trình đàm phán Brexit kéo dài, chính phủ Pháp từng đóng vai trò quan trọng trong việc kiên định lập trường chống lại mọi nỗ lực “chọn lọc” của Anh nhằm hưởng thụ những lợi ích hấp dẫn nhất của tư cách thành viên EU, nhưng lại tránh né các nghĩa vụ của mình.

Thật không may, nước Pháp đang phải giải quyết những vấn đề nội bộ, và có thể sẽ mất nhiều tháng trước khi họ có một chính phủ đủ năng lực để đưa ra phản ứng thống nhất về các vấn đề của châu Âu. Đây sẽ là một vấn đề, không chỉ đối với Anh mà còn cho toàn bộ EU.

Cuộc bỏ phiếu của Pháp cũng gửi đi một thông điệp hấp dẫn về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đừng tin vào các cuộc thăm dò ý kiến. Tất cả các cuộc khảo sát quan trọng đều chỉ ra rằng phe cực hữu đang nổi lên như khối lớn nhất trong Quốc hội Pháp. Nhưng khi phiếu được kiểm xong, RN của Marine Le Pen lại chỉ đứng thứ ba. Phải chăng những kết quả thăm dò ý kiến cho thấy Donald Trump đang dẫn đầu cũng kém tin cậy hơn vẻ bề ngoài?