Thế giới hôm nay: 09/07/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một đòn không kích của Nga vào Ukraine gần đây đã khiến ít nhất 36 người thiệt mạng. Ở thủ đô Kyiv tên lửa thậm chí đánh trúng một bệnh viện nhi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ít nhất 40 tên lửa đã phá hủy cơ sở hạ tầng ở thủ đô, cũng như ở Dnipro và hai thành phố khác ở miền đông. Vào thứ Ba, các đồng minh NATO sẽ gặp nhau ở Mỹ, nơi họ dự kiến ​​ cam kết hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Trong thư gửi các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội, tổng thống Joe Biden nói rằng ông “cam kết chắc chắn” sẽ tiếp tục tham gia cuộc đua tổng thống Mỹ. Tham gia một cuộc phỏng vấn trên truyền hình cùng ngày qua điện thoại, ông Biden cũng thách thức “giới tinh hoa” của đảng Dân chủ đang phản đối ông, thách thức họ “tuyên bố ra tranh cử tổng thống đi.” Hôm Chủ nhật, một số đảng viên Dân chủ cấp cao được cho là đã kêu gọi ông Biden nhường chỗ cho một ứng viên khác trong một cuộc họp trực tuyến riêng.

Viktor Orban, thủ tướng thân Nga của Hungary, đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh để thảo luận về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông Tập nói với người đồng cấp Hungary rằng lệnh ngừng bắn sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu các cường quốc lớn “tạo điều kiện” để Nga và Ukraine “nối lại đối thoại trực tiếp.” Ông Orban đã đến thăm tổng thống Vladimir Putin vào tuần trước, khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lên tiếng phản đối.

Boeing cho biết họ sẽ nhận tội gian lận vì lừa dối nhà chức trách Mỹ về nguyên nhân của hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX khoảng 5 năm trước. Gã khổng lồ hàng không vũ trụ đã đạt được thỏa thuận với bộ tư pháp Mỹ và có thể bị phạt lên tới 487,2 triệu USD. Như một phần của thỏa thuận, Boeing sẽ đầu tư 455 triệu USD vào các chương trình tuân thủ và an toàn trong ba năm tới.

Các chính trị gia Israel tranh cãi về khả năng ngừng bắn và thỏa thuận con tin với Hamas. Yair Lapid, lãnh đạo phe đối lập, cho biết ông sẽ cung cấp cho Binyamin Netanyahu một “không gian an toàn chính trị” để đưa được thỏa thuận qua quốc hội. Nhưng sự chia rẽ trong chính phủ đã bị phơi bày bởi bộ trưởng tài chính Bezalel Smotrich, người nói rằng ông sẽ không tham gia vào “thỏa thuận đầu hàng Hamas.”

Bão Beryl đổ bộ vào Texas với sức gió lên tới 80 dặm (129 km)/giờ trước khi giảm cấp thành bão nhiệt đới. Ít nhất 2 người đã thiệt mạng do cây đổ vào nhà và hơn 2,6 triệu người bị mất điện. Cơn bão mạnh đã giết chết ít nhất 11 người ở vùng biển Caribe.

Một tòa án quân sự Nga đã kết án Evgenia Berkovich, một nhà thơ kiêm giám đốc sân khấu, và Svetlana Petriychuk, một nhà viết kịch, mỗi người sáu năm tù. Họ bị buộc tội “biện minh cho hành vi khủng bố” vì đã viết và dàn dựng một vở kịch về Nhà nước Hồi giáo, công chiếu vào năm 2020. Bà Berkovich, một người phản đối thẳng thắn cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nói rằng bà “dàn dựng buổi biểu diễn để ngăn chặn khủng bố.”

Con số trong ngày: 49%, là tỷ lệ người Mỹ cho rằng việc phá thai là chấp nhận được về mặt đạo đức.

TIÊU ĐIỂM

Lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt

Lạm phát ở Mỹ dường như đang được kiểm soát. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang vẫn chưa muốn tuyên bố chiến thắng vì sợ áp lực giá sẽ bùng phát trở lại, như đã từng xảy ra vào đầu năm nay. Vào thứ Ba, khi chủ tịch Fed Jerome Powell trình bày báo cáo chính sách tiền tệ hai năm một lần của mình trước Quốc hội, ông được cho là sẽ đưa ra tín hiệu lạc quan thận trọng. Ông có thể sẽ nói rằng đã có tiến bộ trong việc kiềm chế lạm phát nhưng cần có nhiều dữ liệu tốt hơn trước khi ông đủ tự tin cắt giảm lãi suất.

Vào thứ năm chúng ta có thể sẽ có số dữ liệu đó. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 được dự báo tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước sau khi không thay đổi trong tháng 5. Áp lực lạm phát đi xuống trong khi nền kinh tế chậm lại, cùng với việc thị trường lao động hạ nhiệt. Nếu Fed chờ đợi quá lâu để hạ lãi suất, tâm điểm có thể sớm chuyển từ lạm phát cao sang tăng trưởng ảm đạm.

NATO mừng 75 năm thành lập

Bữa tiệc sinh nhật lần thứ 75 của NATO, bắt đầu ở Washington vào thứ Ba, sẽ mang lại cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vui vì liên minh đã phát triển lâu dài hơn mong đợi và vẫn thu hút được thành viên (Phần Lan và Thụy Điển là những nước mới nhất tham gia). Nhưng buồn vì còn đó những mối đe dọa ngày càng tăng.

Khi lực lượng Nga chậm rãi tiến bước, Ukraine sẽ cần nhiều sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế hơn nữa – và trong một thời gian dài. Các nước NATO cũng sẽ cần chi nhiều hơn cho quân đội của mình để hoàn thành các kế hoạch phòng thủ khu vực của liên minh, vốn đã được tăng cường để chống lại sự hiếu chiến của Nga.

Một mối lo ngại lớn khác là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở một số thành viên lớn nhất NATO. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã già và yếu. Người đồng cấp Pháp của ông, Emmanuel Macron, bị suy yếu do không được lòng dân trong nước. Chiến thắng của Keir Starmer trong cuộc bầu cử ở Anh mang lại hy vọng rằng nền chính trị ôn hòa có thể thắng thế. Nhưng nếu Donald Trump thắng cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, liên minh sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Ông có thể từ bỏ Ukraine, và thậm chí là từ bỏ hoàn toàn NATO.

Quốc hội Anh trở lại sau bầu cử

Vào thứ Ba, Quốc hội Anh sẽ họp lần đầu tiên kể từ khi Đảng Lao động lên nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử vào tuần trước. Số nghị sĩ Lao động đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 411 người, trong khi số nghị sĩ Bảo thủ giảm chỉ còn 121. Đảng Dân chủ Tự do đã trở thành đảng lớn thứ ba, với tổng số 72 nghị sĩ. Trong khi đó, Đảng Quốc gia Scotland bị giảm từ 48 xuống chỉ còn 9 ghế.

Công việc đầu tiên của Hạ viện sẽ là bầu lại chủ tịch Lindsay Hoyle. Các nghị sĩ mới sau đó sẽ tuyên thệ trung thành với Vua Charles trong vòng ba ngày. Nhưng công việc thực sự sẽ bắt đầu vào tuần tới, vào ngày 17 tháng 7, với việc chính thức khai mạc quốc hội mới và công bố chương trình nghị sự lập pháp của chính phủ. Các dự luật về quyền làm việc và cải cách quy hoạch dự kiến ​​sẽ là một trong những dự luật đầu tiên được chính phủ đưa ra trước quốc hội.

Châu Âu phóng tên lửa Ariane 6

Sau một năm mất khả năng phóng một vệ tinh lớn, châu Âu sẽ làm vậy vào thứ Ba. Ariane 6 — một sự thay thế bị trì hoãn cho tên lửa chở vệ tinh Ariane 5, vốn ngừng hoạt động vào năm 2023 — sẽ cất cánh lần đầu tiên từ sân bay vũ trụ của châu Âu ở Guiana thuộc Pháp vào tối thứ Ba.

Ariane 6 được chế tạo cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu bởi Safran và Airbus, hai công ty hàng không vũ trụ. Bởi vì nó không có giai đoạn tái sử dụng và sẽ chỉ bay tám hoặc chín lần một năm, nó sẽ không thể cạnh tranh về giá cả hoặc sự tiện lợi với Falcon 9 của SpaceX. Tên lửa của công ty Mỹ đã bay tới mười sứ mệnh chỉ trong tháng trước. Nhưng châu Âu coi hệ thống phóng tên lửa nhà làm là một điều cần thiết về mặt chiến lược và sẵn sàng trợ cấp cho hệ thống này. Amazon, công ty đang xây dựng một chòm vệ tinh để cạnh tranh với Starlink của SpaceX, cũng muốn tránh phụ thuộc vào Falcon 9. Nhà bán lẻ trực tuyến đã đăng ký 18 lượt phóng Ariane 6.