Tại sao NATO nên tránh xa châu Á?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mathieu Droin, Kelly A. Grieco, và Happymon Jacob, “Why NATO Should Stay Out of Asia,” Foreign Affairs, 08/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự hiện diện của liên minh sẽ chỉ khiến khu vực này trở nên kém an toàn hơn, chứ không phải an toàn hơn.

Cách đây vài tuần, khi viết trên tạp chí Foreign Affairs, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, đã nhắm vào Bắc Kinh, lên án sự ủng hộ của nước này đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine và tuyên bố rằng NATO đã bước vào một kỷ nguyên mới của “cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc.” Tình hình này “cho thấy rằng trong thế giới ngày nay, an ninh không phải là vấn đề khu vực mà là vấn đề toàn cầu,” ông viết, đồng thời cho biết thêm rằng “an ninh của châu Âu ảnh hưởng đến châu Á và an ninh của châu Á ảnh hưởng đến châu Âu.” Thật ra đây không phải là một ý kiến mới. Stoltenberg từ lâu đã ủng hộ một vai trò lớn hơn của NATO trong việc chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. “Mọi thứ đều đan xen vào nhau,” ông nói vào tháng 6, đề cập đến an ninh châu Âu và châu Á tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, “và do đó, chúng ta cần cùng nhau giải quyết những thách thức này.”

Tuyên bố của Stoltenberg đã lặp lại một trụ cột quan trọng trong tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc chống lại Trung Quốc và Nga, như được nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia tháng 10/2022 của chính quyền ông: “Chúng tôi đặt ưu tiên phát triển các liên kết – về công nghệ, thương mại, và an ninh – giữa đất nước chúng ta với các đồng minh và đối tác dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như Châu Âu.” Nhờ sự hậu thuẫn của Washington, NATO đã đạt được một số tiến bộ hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác với các đối tác chủ chốt ở châu Á. Năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử liên minh, NATO đã chính thức xác định Trung Quốc là một thách thức an ninh. Tổ chức này hiện đang tăng cường đối thoại chính trị và hợp tác thực tế với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm phòng thủ mạng, công nghệ mới, không gian, và an ninh hàng hải.

Liên minh cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực. Trong một cột mốc đầu tiên khác của tổ chức, vào năm 2022, các quan sát viên NATO đã tham dự các cuộc tập trận quân sự khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tùy theo năng lực quốc gia của mình, các đồng minh NATO như Pháp, Đức, Ý và Anh đang dần tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với các đối tác châu Á và đã điều động nhiều tàu hải quân tới các vùng biển quan trọng, bao gồm cả Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 6, một vị tướng cấp cao của Trung Quốc đã cáo buộc Washington đang cố gắng xây dựng một “phiên bản châu Á-Thái Bình Dương của NATO.” Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh, bắt đầu vào ngày 9/7, cũng đưa ra một lời nhắc nhở rất công khai về sự tập trung của NATO vào châu Á. Và năm thứ ba liên tiếp, các nhà lãnh đạo hoặc đại diện của bốn quốc gia không thuộc NATO – Australia, Nhật Bản, New Zealand, và Hàn Quốc, thường được gọi là Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IP4) – sẽ bước lên sân khấu hội nghị thượng đỉnh NATO.

Rõ ràng là NATO và các đối tác châu Á đang tăng cường hợp tác. Nhưng điều chưa rõ ràng là liệu sự hợp tác này có mang lại lợi ích chiến lược tốt nhất cho cả hai bên. Thái độ hung hăng của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức phức tạp, và an ninh xuyên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mối liên hệ với nhau theo những cách quan trọng, đặc biệt là do sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Bắc Kinh và Moscow. Tuy nhiên, NATO không phải là diễn đàn phù hợp để thúc đẩy hợp tác xuyên khu vực nhằm chống lại Trung Quốc. Việc kéo liên minh này vào châu Á sẽ chỉ củng cố câu chuyện của Bắc Kinh về cuộc đối đầu giữa các khối toàn cầu do Mỹ khởi xướng, và có nguy cơ khiến các nước châu Á xa lánh nhưng cuối cùng lại không giúp củng cố an ninh hoặc răn đe khu vực.

Dù vậy, NATO vẫn có thể đóng góp gián tiếp cho an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách ưu tiên giải quyết mối đe dọa từ Nga – và bằng cách xây dựng năng lực quân sự của châu Âu để cho phép Mỹ xoay trục sang châu Á. Đồng thời, liên minh nên giảm bớt sự hiện diện ở châu Á để tránh khơi dậy thói hoang tưởng của Trung Quốc, và thay vào đó, nhấn mạnh sự hợp tác thực tế và kín đáo với khu vực. Thay vì kéo NATO vào châu Á, các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao đáng kể của Liên minh châu Âu để xây dựng sự hợp tác xuyên khu vực giữa các quốc gia châu Á, châu Âu, và Bắc Mỹ, sử dụng mạng lưới các đối tác linh hoạt và chồng chéo cũng như các liên minh dựa trên vấn đề cụ thể. Chỉ thông qua một mạng lưới quan hệ chặt chẽ như vậy, Mỹ và các đối tác của mình mới có thể chống lại các mối đe dọa trên toàn cầu một cách hiệu quả, nhưng nếu để NATO dẫn đầu, nỗ lực đó cuối cùng sẽ phản tác dụng, khiến cả châu Á và châu Âu trở nên kém an toàn hơn chứ không phải an toàn hơn.

SỰ HỢP TÁC GƯỢNG ÉP

Việc tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của NATO có thể là một diễn biến đáng hoan nghênh đối với các đối tác IP4 – đặc biệt là Nhật Bản, quốc gia đã theo đuổi sự hợp tác chặt chẽ với liên minh này từ trước khi Trung Quốc và Nga bắt đầu hành động khiêu khích. Tuy nhiên, Hàn Quốc và New Zealand lại thận trọng hơn khi tham gia tổ chức, do mối quan hệ thương mại sâu rộng của họ với Trung Quốc, cũng như mong muốn của Seoul để đảm bảo sự hợp tác của Bắc Kinh về Triều Tiên và truyền thống độc lập về chính sách đối ngoại lâu đời của Wellington. Trong khi đó, sự nhiệt tình của Australia thay đổi theo thời gian, phản ánh những thay đổi trong chính trị trong nước, liên quan đến việc ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Nhưng NATO có một vấn đề sâu sắc hơn: sự can dự của họ ở châu Á không tương thích với các động lực chính trị khu vực rộng lớn hơn, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á, nơi nhiều quốc gia lo ngại sự can dự của NATO sẽ ảnh hưởng đến cân bằng mong manh mà họ đang cố gắng duy trì trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh.

Dù những lo ngại về thái độ hung hăng và thiếu tôn trọng của Trung Quốc đối với các chuẩn mực quốc tế trên các đấu trường như Biển Đông đang ngày càng tăng cao, hầu hết các nước châu Á vẫn có xu hướng không xem Bắc Kinh là một mối đe dọa sống còn, và do đó họ không sẵn lòng chọn phe trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Tùy thuộc vào vấn đề được thảo luận, các nước châu Á có thể tìm cách hợp tác với Trung Quốc, với Mỹ, hoặc không, hoặc cả hai. Chẳng hạn, tân tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã tuyên bố vào tháng 6 rằng đất nước ông sẽ “tiếp tục hợp tác mạnh mẽ với Trung Quốc” nhưng “đồng thời, chúng tôi sẽ nỗ lực mở rộng và tăng cường quan hệ đối tác chặt chẽ với Mỹ và phương Tây.”

Nhiều nhà lãnh đạo khu vực châu Á – và một số nhà lãnh đạo châu Âu – đã bày tỏ lo ngại rằng sự can dự ngày càng sâu rộng của NATO không chỉ có thể buộc họ phải chọn phe, mà còn chia rẽ châu Á thành các khối đối địch. Ví dụ, Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos, Jr. của Philippines đã kêu gọi khu vực từ bỏ “tư duy Chiến tranh Lạnh.” Các nhà hoạch định chính sách trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lo lắng rằng việc NATO thâm nhập châu Á có thể tạo thành một bước nữa trong nỗ lực của Washington nhằm xây dựng một khối an ninh khu vực do Mỹ lãnh đạo để chống lại Trung Quốc. Những nỗi sợ này đã được nuôi dưỡng bởi di sản của chủ nghĩa thực dân châu Âu và sự can thiệp của phương Tây vào khu vực, cũng như bởi sự bất an trước cách tiếp cận quân sự của NATO. Ví dụ, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc Kishore Mahbubani đã cảnh báo rằng “mối nguy hiểm lớn nhất” từ sự chuyển dịch sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của NATO là liên minh này “có thể xuất khẩu nền văn hóa quân phiệt tai hại” sang Đông Á.

NATO không phù hợp với một khu vực với các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia, vốn có truyền thống lâu đời là không liên kết với các liên minh quân sự. Và các nhà lãnh đạo ở các thủ đô quan trọng đã phản đối ý tưởng về một “NATO phiên bản châu Á.” Ví dụ, vào năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã gọi việc sử dụng thuật ngữ này là một “trò đấu trí” và khẳng định rằng Ấn Độ chưa bao giờ có “tâm lý NATO.” Ông tuyên bố quyền quyết định con đường riêng là “sự lựa chọn của đất nước tôi.”

NATO đã cố gắng xoa dịu những lo ngại này bằng cách nhiều lần đảm bảo rằng tổ chức này sẽ không tiến vào Biển Đông cũng như không tiếp nhận các thành viên châu Á. Tuy nhiên, những người hoài nghi và phản đối NATO ở châu Á vẫn không bị thuyết phục về ý định của liên minh, nhất là khi NATO thường xuyên mời các quan chức hàng đầu từ các nước IP4 tới dự các hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp cấp bộ trưởng. Liên minh cũng đã thúc đẩy việc mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản. Và cũng không ích gì cho thông điệp của tổ chức khi những nhân vật có ảnh hưởng như James Stavridis, cựu chỉ huy đồng minh tối cao của NATO, đề xuất ý tưởng mở rộng liên minh để bao gồm các nền dân chủ châu Á. Nếu NATO tiếp tục can thiệp vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhiều khả năng một số nước sẽ xem liên minh này, chứ không phải Trung Quốc, là mối nguy đối với các động lực an ninh khu vực – dẫn đến sự xa lánh của chính các quốc gia mà Mỹ và Châu Âu đang rất cần để cân bằng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

ĐIỀU TỆ NHẤT TRONG MỌI THẾ GIỚI

Những người ủng hộ việc can dự với châu Á, cả trong liên minh và giữa các đối tác châu Á của NATO, tin rằng những quan hệ đối tác này có thể tăng cường khả năng răn đe trong khu vực. Xét cho cùng, NATO là một liên minh quân sự, nên một số nhà quan sát đã ám chỉ rằng tổ chức này có thể đóng một vai trò quân sự lớn hơn ở châu Á. Theo lập luận này, ở mức tối thiểu, liên minh có thể cung cấp hỗ trợ gián tiếp như vũ khí, hậu cần, và chia sẻ thông tin tình báo cho các đối tác châu Á, cũng như cho các quốc gia thành viên NATO lựa chọn can thiệp quân sự dưới lá cờ quốc gia của họ trong trường hợp xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ loại hình răn đe này sẽ hoạt động như thế nào trên thực tế – và vai trò tích cực hơn của NATO trong an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn có thể phản tác dụng.

Thay vì tăng cường an ninh khu vực, sự can dự ngày càng tăng của liên minh với châu Á có thể gây ra tình trạng bất an và bất ổn. Các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tận mắt chứng kiến những hành động gần đây của NATO khiến Trung Quốc hoang tưởng như thế nào, và họ lo lắng về việc bị mắc kẹt giữa hai làn đạn nếu xung đột nổ ra. Bắc Kinh thường xuyên cáo buộc Washington sử dụng liên minh này như một “công cụ tiện lợi” để thống nhất các đồng minh châu Âu và châu Á thành một “NATO châu Á-Thái Bình Dương” được thiết kế để “bao vây” và “kiềm chế” Trung Quốc. Dù những tuyên bố này có thể bị xem là tuyên truyền của Trung Quốc, nhưng nhiều quốc gia trong khu vực thực sự lo ngại rằng Bắc Kinh có thể phản kháng nếu họ cảm thấy bị dồn vào chân tường. Tình thế lưỡng nan an ninh này sẽ dễ xảy ra hơn với sự hiện diện lớn hơn của NATO trong khu vực – và sự can dự quân sự nửa vời cũng như những đảm bảo an ninh kém hoàn hảo của liên minh này sẽ không đủ để bảo vệ các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thật vậy, có nhiều lý do chính đáng để nghi ngờ rằng NATO có ý chí chính trị hoặc khả năng quân sự để có những đóng góp có ý nghĩa cho an ninh và răn đe ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhiều đồng minh châu Âu có lẽ không sẵn lòng hỗ trợ một sứ mệnh của NATO nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc ở một chiến trường xa xôi, hoặc bởi vì họ đang bận đối phó với Nga; hoặc bởi vì mối quan hệ kinh tế sâu rộng của họ với Bắc Kinh; hoặc bởi vì châu Á đơn giản không phải là mối quan tâm sống còn của các nước châu Âu.

Phần lớn sự hợp tác được tăng cường của NATO sẽ bao gồm các quan hệ đối tác được thiết kế riêng dành cho các quốc gia IP4, chứ không phải là các cam kết an ninh kiểu “bọc sắt,” nghĩa là chúng giống như những lời nói suông hơn là những tín hiệu đáng tin cậy về ý định. Kết quả là, các quốc gia hoàn toàn nhận thức được rằng việc liên minh chính trị với NATO mà không có cam kết an ninh rõ ràng có thể làm tăng nguy cơ họ trở thành mục tiêu tấn công. Hậu quả của cuộc xâm lược Gruzia năm 2008 của Nga – và các cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2014 và 2022 – đã cho thấy rõ rằng liên minh sẽ không can thiệp trực tiếp để bảo vệ các đối tác đơn thuần. Phòng thủ tập thể của NATO, thông qua Điều 5 của hiệp ước thành lập tổ chức, chỉ được áp dụng cho các thành viên chính thức và bị giới hạn về mặt địa lý thông qua Điều 6 đối với các cuộc tấn công xảy ra trên lãnh thổ hoặc tài sản của họ ở “Biển Địa Trung Hải hoặc khu vực Bắc Đại Tây Dương nằm ở phía bắc của Chí tuyến Bắc.” Trong trường hợp một đối tác trong khu vực bị rơi vào xung đột – chẳng hạn như việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan – NATO sẽ không có nghĩa vụ phải can thiệp, và với tư cách là một tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận, thì nhiều khả năng tổ chức này sẽ đứng ngoài cuộc.

Ngay cả khi tất cả các thành viên NATO đều muốn can thiệp vào châu Á, thì liên minh cũng chỉ có rất ít hoặc không có khả năng dự phòng cho các hoạt động cách xa họ hàng ngàn dặm. Ngân sách quốc phòng của châu Âu đã tăng lên sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng số tiền đó sẽ được sử dụng chủ yếu để bổ sung vũ khí gửi đến Ukraine và giải quyết những thiếu hụt khẩn cấp trong hàng phòng thủ tập thể chống lại Nga. Hơn nữa, loại khí tài quân sự mà các nước NATO ở châu Âu cần để răn đe và phòng thủ trên lục địa – như pháo hạng nặng, vũ khí chống tăng, và máy bay không người lái chiến thuật – hoàn toàn khác với các vũ khí trên biển và trên không cần thiết để triển khai sức mạnh quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. NATO đơn giản là không được trang bị để đối phó với các tình huống bất ngờ ở châu Á.

Nói tóm lại, đề xuất châu Á của NATO là điều tồi tệ nhất trong mọi thế giới: nó gây ra quan ngại về ý định của liên minh và chọc giận Bắc Kinh mà không cung cấp cho các đối tác châu Á phương tiện để ngăn chặn Trung Quốc. Các biện pháp nửa vời nhằm chống lại Trung Quốc có thể sẽ châm ngòi cho chính cuộc xung đột mà liên minh đang tìm cách xoa dịu.

NATO HAY KHÔNG GÌ CẢ?

Tuy nhiên, ngay cả khi NATO tránh can dự sâu hơn vào châu Á, thì sự tham gia lớn hơn của châu Âu vào châu Á vẫn đóng vai trò quan trọng nhằm chống lại sức mạnh và thái độ hung hăng đang gia tăng của Trung Quốc. Sự đóng góp của châu Âu cho an ninh châu Á sẽ được tiến hành theo nhiều hướng. Thứ nhất, thay vì cố gắng triển khai sức mạnh quân sự sang châu Á, các thành viên châu Âu của NATO nên ưu tiên tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe thông thường trên lãnh thổ của mình, tự nâng cao năng lực quân sự để cho phép Mỹ chuyển nhiều nguồn lực hơn sang châu Á. Theo cách tiếp cận gián tiếp này đối với an ninh châu Á, NATO nên đồng thời hạ thấp sự hiện diện công khai của mình trong khu vực, nhấn mạnh các hợp tác kỹ thuật phù hợp, riêng biệt và hữu ích với IP4 trong các lĩnh vực như đe dọa tình báo, tiêu chuẩn hóa thiết bị, an ninh mạng, và an ninh hàng hải, hơn là tập trung vào các cuộc tập trận quân sự cấp cao và các hoạt động chụp ảnh ngoại giao.

Hợp tác xuyên khu vực cũng nên tận dụng những lợi thế của châu Âu – sức mạnh ngoại giao và các nguồn lực kinh tế, tài chính, và công nghệ – để chống lại Bắc Kinh. Châu Âu, Mỹ, và các đối tác châu Á có cùng chí hướng nên hợp tác để thúc đẩy quản trị tốt, đặc biệt là tại Liên Hiệp Quốc, nơi Trung Quốc đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong những năm gần đây và sử dụng những cơ hội đó để thúc đẩy các quy tắc và chính sách chuyên chế của Bắc Kinh. Các thành viên NATO phải tham gia hợp tác ngoại giao với các đồng minh châu Á, bao gồm cả việc cùng bầu các ứng viên vào các vị trí hàng đầu của Liên Hiệp Quốc, để đẩy lùi những nỗ lực của Bắc Kinh một cách hiệu quả. Châu Âu cũng nên tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để mở rộng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài với các đối tác châu Á, tạo ra đối trọng kinh tế với Trung Quốc. Liên minh Châu Âu nên bắt đầu bằng việc hoàn tất các hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ, Indonesia, và Philippines, đồng thời thực hiện lời hứa đầu tư 10 tỷ euro vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng bền vững và kết nối kỹ thuật số ở Đông Nam Á thông qua sáng kiến Cổng toàn cầu (Global Gateway) trong vài năm tới. Hầu hết các nước châu Á đang tìm kiếm nhiều thứ hơn là hỗ trợ quân sự đơn thuần; họ muốn được giúp đỡ để nhanh chóng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ và ổn định khu vực.

EU ít gây tranh cãi về mặt chính trị hơn nhiều so với NATO và được trang bị tốt hơn nhiều để giải quyết những mối lo ngại này. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên tận dụng tối đa các công cụ an ninh và quốc phòng của EU vốn đã chứng minh được giá trị của chúng trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và đưa ra một con đường thay thế để xây dựng hợp tác Á-Âu mà không cần có NATO. Những công cụ này bao gồm Cơ chế Hòa bình Châu Âu (EPF), cơ quan điều phối việc cung cấp thiết bị quân sự cho các đối tác và các phái đoàn huấn luyện của EU cho các nước đối tác; và dự án Các tuyến đường Hàng hải Quan trọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (CRIMARIO) nhằm tăng cường an ninh hàng hải và xây dựng năng lực với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các chương trình này của EU cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả cho hình thức hợp tác quốc phòng mà NATO tuyên bố rằng liên minh này có thể cung cấp. Hơn nữa, hợp tác thông qua EU cũng sẽ mở ra cơ hội giải quyết một loạt các vấn đề liên quan đến an ninh nằm ngoài thẩm quyền của NATO, như bảo vệ cơ sở các hạ tầng quan trọng, điều tiết đầu tư nước ngoài, và xây dựng khả năng bảo vệ xã hội trước các thông tin sai lệch và các mối đe dọa lai. Trong khi trọng tâm quân sự cứng rắn của NATO có thể gây ra phản ứng dữ dội trong khu vực, thì cách tiếp cận toàn diện của EU có thể sẽ thu hút được nhiều sự ủng hộ hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cuối cùng, các quốc gia châu Âu nên nỗ lực hội nhập sâu hơn vào cấu trúc an ninh của khu vực. Không có giải pháp nào có thể giải quyết tất cả các thách thức an ninh mà Bắc Kinh đặt ra; các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang xây dựng nhiều chiến lược khác nhau để giải quyết các vấn đề Trung Quốc của riêng họ. Châu Âu nên dựa vào sự kết hợp giữa các thỏa thuận song phương và đa phương của khu vực, bao gồm cả sự hợp tác mạnh mẽ hơn với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á về các vấn đề bao gồm an ninh mạng, năng lượng sạch bền vững, và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Cũng nên đào sâu và mở rộng các sáng kiến tiểu đa phương với khu vực, chẳng hạn như sáng kiến ba bên giữa Pháp, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tập trung vào các dự án đổi mới quốc phòng, công nghệ, và khí hậu, hoặc các nỗ lực chung của Đức và Anh để giải quyết mối đe dọa mà Quần đảo Thái Bình Dương gặp phải khi mực nước biển dâng cao thông qua Sáng kiến Thái Bình Dương Xanh.

Nếu mục tiêu là chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á, thì các nền tảng quân sự hóa của phương Tây không phải là câu trả lời tốt nhất. Thay vào đó, các nước châu Á và châu Âu phải cùng nhau tạo ra những cách tiếp cận tinh tế và hiệu chỉnh hơn để không gây thêm xung đột – hoặc đặt khu vực vào tình thế có khả năng bị hủy hoại.

Mathieu Droin là nghiên cứu viên thuộc Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Kelly A. Grieco là nghiên cứu viên cấp cao thuộc Chương trình Tái hình dung Đại chiến lược Mỹ tại Trung tâm Stimson và là giáo sư tại Đại học Georgetown.

Happymon Jacob là giáo sư về Ngoại giao và Giải trừ Quân bị tại Đại học Jawaharlal Nehru và là người sáng lập Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng.