Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã cắt ngắn chuyến thăm Mỹ để tham dự cuộc họp nội các hôm Chủ Nhật sau vụ tấn công tên lửa khiến 12 thanh niên thiệt mạng trên một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan. Phản ứng đầu tiên của Israel đối với cuộc tấn công đẫm máu nhất vào một khu vực do Israel kiểm soát kể từ khi giao tranh Israel-Hezbollah nổ ra là tiến hành không kích vào Lebanon ngay trong đêm. Ông Netanyahu cho biết Hezbollah, một nhóm chiến binh Lebanon do Iran hậu thuẫn, sẽ “phải trả giá đắt.” Hezbollah phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào thị trấn này.
Chiến dịch tranh cử tổng thống của Kamala Harris đã huy động được 200 triệu đô la kể từ khi bà tuyên bố ra tranh cử vào tuần trước. Hầu hết các khoản quyên góp đến từ những người chưa đóng góp cho Joe Biden trong chu kỳ bầu cử này. Bà cũng nhận được ủng hộ của một số tỷ phú, bao gồm Reed Hastings, đồng sáng lập Netflix, người được cho là đã quyên góp 7 triệu đô la cho một siêu Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) ủng hộ Harris.
Trong cuộc gặp với thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã hứa sẽ “tái khởi động… hợp tác song phương” với Trung Quốc. Hai quan chức đã ký một kế hoạch hành động ba năm để cải thiện quan hệ giữa hai nước. Bà Meloni cũng sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến đi kéo dài năm ngày. Bà Meloni đã rút Ý khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vào năm ngoái.
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã gây ra hỏa hoạn tại các kho chứa dầu ở tỉnh Kursk của Nga, theo thống đốc của khu vực. Alexei Smirnov cho biết đám cháy ở một số bồn chứa đã nhanh chóng được dập tắt. Không có ai bị thương. Trong khi đó, Nga cho biết lực lượng của họ đã kiểm soát được Lozuvatske, một khu định cư ở khu vực Donetsk của Ukraine. Lực lượng Nga đang gây sức ép mạnh mẽ ở miền đông Ukraine.
Chính phủ Bangladesh cho biết họ sẽ chấm dứt lệnh cấm internet vào Chủ Nhật. Lệnh cấm được áp dụng từ ngày 18 tháng 7 sau khi sinh viên đại học xuống đường phản đối hạn ngạch việc làm trong cơ quan công quyền. Chính phủ đã điều quân đội vũ trang và áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, với lệnh bắn chết nếu vi phạm. Hàng trăm người đã chết và hàng nghìn người bị thương.
Một đám cháy rừng ở miền bắc California, được cho là do một vụ đốt phá hôm thứ Tư, đã thiêu rụi hơn 350.000 mẫu Anh (142.000 ha). Đây là đám cháy lớn nhất trong tiểu bang trong năm nay. Một đám cháy khác ở Oregon cũng đã thiêu rụi gần 290.000 mẫu Anh tính đến thứ Sáu. Các đám cháy rừng ở tỉnh Alberta của Canada tuần này đã thiêu rụi Jasper, một thị trấn du lịch.
TIÊU ĐIỂM
Israel và Hezbollah có nguy cơ leo thang giao tranh
Kể từ tháng 10 năm ngoái, Israel và Hezbollah đã tuân thủ các quy tắc bất thành văn trong cuộc chiến cường độ thấp của họ. Nhưng những quy tắc đó bị phá vỡ vào thứ Bảy khi một quả tên lửa bắn vào một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan, giết chết 12 thanh niên Do Thái. Hezbollah nhanh chóng phủ nhận việc bắn tên lửa, nhưng gần như chắc chắn là họ đã làm vậy.
Cuộc tấn công đã làm tăng thêm áp lực buộc thủ tướng Binyamin Netanyahu phải mạnh tay với Hezbollah. Nhưng các nhà hoạch định quân sự vẫn lo lắng không muốn bị kéo vào một cuộc chiến toàn diện. Israel đang xem xét các lựa chọn để không dẫn đến tình huống đó, nhưng ngay cả như vậy cũng có thể kích động Hezbollah dùng tên lửa tầm xa tấn công các trung tâm dân cư ở Israel. Mối đe dọa leo thang có thể là tốt nếu nó khuyến khích Israel đồng ý tạm dừng cuộc chiến thảm khốc ở Gaza. Một lệnh ngừng bắn có thể thúc đẩy Hezbollah đình chỉ các cuộc tấn công vào Israel. Đó có thể là cách duy nhất để Israel tránh một cuộc chiến trên nhiều mặt trận.
Uỷ viên đối ngoại EU thăm Việt Nam
Vào thứ Hai, Josep Borrell, uỷ viên phụ trách đối ngoại của EU, sẽ đến thăm Hà Nội lần thứ hai chỉ trong vòng hai tuần. Thứ Năm tuần trước ông đã tham dự tang lễ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo Việt Nam kể từ năm 2011. EU có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Hàn Quốc.
Ông Borrell sẽ tập trung vào các vấn đề về khí hậu và an ninh. Một gói viện trợ và cho vay từ G7 để giúp Việt Nam chuyển hướng khỏi than và hướng tới năng lượng tái tạo, được công bố vào tháng 10 năm ngoái, vẫn chưa có nhiều tác dụng. Việt Nam đã phớt lờ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhà cung cấp vũ khí truyền thống của họ; và đích thân Vladimir Putin đã đến thăm vào tháng 6. Ông Borrell sẽ tái khẳng định rằng EU phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Điều đó có thể làm hài lòng nhà lãnh đạo tạm quyền của Việt Nam, Tô Lâm, người có thể sẽ kế nhiệm ông Trọng. Nhưng ông Lâm, một cựu bộ trưởng công an, khó có thể đưa đất nước xích lại gần phương Tây hơn.
Ai Cập có thể vượt qua khủng hoảng nhờ viện trợ nước ngoài
Vào tháng 2, UAE đã cam kết 35 tỷ đô la để phát triển một phần bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập, cứu đất nước khỏi sụp đổ kinh tế. Khoản đầu tư đó đã tạo ra một làn sóng tài trợ cho đất nước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổ chức sẽ xem xét tiến độ của Ai Cập vào thứ Hai, đã hứa cấp thêm 5 tỷ đô la. EU đã cam kết một gói viện trợ trị giá 7,4 tỷ euro (8 tỷ đô la), còn Ngân hàng Thế giới tài trợ 6 tỷ đô la.
Kể từ đó, chính phủ Ai Cập đã thay đổi chính sách kinh tế của mình. Vào tháng 3, cuối cùng họ đã để đồng bảng đang gặp khó khăn của mình giảm xuống còn 50 bảng đổi một đô la. Để kiềm chế lạm phát, họ đã tăng lãi suất chính lên 27,25%. Hồi tháng 7, chính phủ của tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi đã bổ nhiệm Ahmed Kouchouk, cựu chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới, làm bộ trưởng tài chính. Sau khi đã cứu trợ chính phủ bốn lần vào tháng 2, IMF cho biết Ai Cập đang đạt được tiến bộ. Nhưng ông Sisi có thành tích là không muốn cải cách nghiêm túc. Chỉ thời gian mới có thể trả lời được liệu lần này có khác không.