Nga đang cố gắng đầu độc nguồn nước của Phần Lan?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Elisabeth Braw, “Is Russia Trying to Poison Finland’s Water?,” Foreign Policy, 26/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Những vụ đột nhập tại các nhà máy xử lý nước là một ví dụ điển hình của chiến dịch vùng xám. Người Phần Lan có thể không bao giờ biết ai đã làm điều đó, nhưng họ phải biết chống lại nỗi sợ.

Mùa hè này, những kẻ xâm nhập bí ẩn đã đột nhập vào các tháp nước và nhà máy xử lý nước của Phần Lan. Chúng không lấy đi bất cứ thứ gì, nhưng điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì sẽ không có gì để trộm cả. Tuy nhiên, vẫn có những lý do khác khiến người ta muốn đột nhập vào các nhà máy xử lý nước: để do thám cho các cuộc tấn công trong tương lai – hoặc khiến công chúng lo lắng về độ an toàn của nước trong vòi của họ. Bằng cách vô hiệu hóa quá trình xử lý nước hoặc thêm chất gây ô nhiễm, kẻ xâm nhập có thể biến chất lỏng mang lại sự sống thành nguồn gieo rắc bệnh tật.

Cho đến nay, nhà chức trách Phần Lan vẫn chưa bắt giữ bất kỳ nghi phạm nào. Tuy nhiên, chiến dịch đột nhập là một ví dụ điển hình về sự xâm lược phi quân sự mà người Nga đã thành thạo. Một sự kiện tương tự là vụ phá hoại có phối hợp nhằm đánh sập các tuyến đường sắt của Pháp ngay trước khi Thế vận hội bắt đầu và chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Pháp bắt giữ một công dân Nga vì nghi ngờ có âm mưu gây “bất ổn” trong Thế vận hội.

Các cuộc tấn công vào nguồn nước ở Phần Lan bắt đầu ở Porvoo, một thị trấn trên bờ biển phía nam, nơi các nhà chức trách báo cáo rằng một người đã cố gắng đột nhập vào tháp nước của thị trấn hai lần. Sau đó, Sipoo, gần Helsinki, cũng trên bờ biển phía nam Phần Lan, cũng báo cáo về các vụ đột nhập vào nhà máy nước của họ. Như ở Porvoo, những kẻ tấn công đã nhắm mục tiêu vào nhà máy hai đêm liên tiếp. Bờ biển phía nam của Phần Lan thường khá yên tĩnh, nhưng gần đó là Vịnh Phần Lan, tuyến đường cho các tàu biển đi và đến St. Petersburg. Người ta không bao giờ có thể thực sự chắc chắn ai đã đi ngang qua đó.

Tính đến giữa tháng 7, đã có 11 vụ đột nhập vào các tháp nước và nhà máy xử lý nước của Phần Lan. “Các vụ đột nhập được báo cáo cho đến nay không nghiêm trọng và không nhắm vào các địa điểm quan trọng nhất, vốn được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, nhưng điều đáng lo ngại là số lượng vụ đột nhập đã tăng lên vào thời điểm này,” theo lời Thiếu tướng về hưu Arto Raty, người từng giám sát Khóa học Quốc phòng Quốc gia nổi tiếng của Phần Lan, nơi các nhà lãnh đạo từ mọi tầng lớp xã hội tìm hiểu về các mối đe dọa đối với đất nước. (Raty hiện đang làm việc trong khu vực tư nhân.)

Những kẻ xâm nhập chưa tiếp cận được bất kỳ bộ phận nhạy cảm nào trong các nhà máy và tháp nước. Nhưng với một loạt các cuộc tấn công đáng chú ý như vậy diễn ra chỉ trong vòng vài tuần, chính quyền Phần Lan phải chuẩn bị nhiều hơn nữa. Một số hội đồng thành phố đã quyết định tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở cấp nước của họ, bắt đầu bằng việc bổ sung thêm hàng rào và tăng cường camera giám sát.

Nhà chức trách cũng đang đặt câu hỏi: Ai sẽ có lợi khi đột nhập vào các nhà máy nước của Phần Lan? Cho đến nay, họ chưa bắt được ai hoặc công khai danh tính của nghi phạm. Tuy nhiên, những kẻ xâm nhập không thể là tội phạm bình thường. “Đây không phải là loại đột nhập mà tội phạm bình thường sẽ thực hiện,” Thiếu tướng về hưu Pekka Toveri, cựu giám đốc tình báo quân sự Phần Lan, hiện là thành viên của Nghị viện châu Âu, cho biết.

Thật vậy, những tên trộm biết rằng rất khó để tiếp cận các bộ phận nhạy cảm của các cơ sở cấp nước, và dù sao đi nữa, sẽ dễ hơn nếu chúng đánh cắp các công nghệ đắt tiền ở những nơi khác. Người ta có thể nghi ngờ những nhà hoạt động vì môi trường cực đoan – nhưng nhóm này tổ chức các cuộc biểu tình rất công khai, chứ không phải đột nhập dưới màn đêm, và ngay cả những nhà môi trường cực đoan nhất cũng không nghĩ rằng tấn công nguồn nước là một ý tưởng hay. Những kẻ khủng bố cũng thường gây ra các cuộc tấn công với sự công khai tối đa, và không có nhóm khủng bố nào được biết đến có mâu thuẫn với các nhà điều hành cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Phần Lan.

Tuy nhiên, có một nhóm người quan tâm đến việc khiến người Phần Lan sợ hãi: Điện Kremlin. Toveri nói “Các công ty xử lý nước đã tuyên bố rằng các vụ đột nhập không phải là tình huống bình thường và điều đó khiến mọi người lo lắng. Và một mục tiêu của các chiến dịch vùng xám của Nga là tạo ra nỗi sợ hãi.” Raty bổ sung “Chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy ai đứng sau những hành động này, nhưng theo suy đoán tự nhiên thì mọi thứ đang chỉ về hướng đông.”

Nga rõ ràng có lợi ích trong việc làm tổn hại cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Phần Lan – theo đó ngầm nói với công chúng Phần Lan rằng cơ sở hạ tầng của nước này không an toàn. Trước khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Điện Kremlin đã phản ứng với mọi đề xuất về việc gia nhập NATO bằng cách đe dọa những hậu quả không xác định. Cuối cùng, khi hai nước này trở thành thành viên NATO, lực lượng vũ trang của Nga đã sa lầy ở Ukraine đến mức không có cái gọi là “hậu quả” xảy ra.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người Nga đã không làm gì. Ngay từ trước khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Điện Kremlin đã bận rộn gây hại cho họ và các nước phương Tây khác bằng những cách thức phi quân sự. Các cuộc tấn công mạng do Điện Kremlin tiến hành hoặc dung túng đã gây ảnh hưởng đến các tài xế người Mỹ, các bệnh viện của Anh và vô số người khác.

Mùa thu năm ngoái, Nga đã bắt đầu đưa rất nhiều người di cư đến biên giới Phần Lan – với mục đích gây áp lực lên chính quyền Phần Lan – đến nỗi Helsinki phải đóng cửa hoàn toàn các cửa khẩu. Nga dường như cũng tham gia vào vụ phá hoại bí ẩn hai tuyến cáp ngầm và một đường ống ở vùng biển Thụy Điển, Phần Lan, và Estonia vào mùa thu năm ngoái: Nghi phạm là một tàu container Trung Quốc vốn thường xuyên làm việc với chính quyền Nga và thường xuyên đến và đi từ các cảng biển Baltic của Nga trước và sau sự cố.

Trên thực tế, Nga có thể tiếp tục thực hiện các hình thức xâm lược mới trong vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình, vì nước này sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào cho các hành động như vậy. Các nước phương Tây đơn giản là không thể trả đũa tương xứng. Hãy tưởng tượng nếu chính phủ của các nền dân chủ tự do vây bắt những người xin tị nạn và gửi họ đến biên giới Nga hoặc cho phép các băng nhóm tội phạm mạng có trụ sở tại phương Tây tê liệt các bệnh viện Nga.

Quả thật, Nga có thể tiếp tục “sáng tạo” trong vùng xám bằng cách sử dụng không chỉ nhân sự của chính phủ mà còn cả những người làm việc tự do. Vụ phá hoại phối hợp các tuyến đường sắt cao tốc của Pháp là một ví dụ khác về hành vi xâm lược vùng xám, vì mức độ tinh vi của cuộc tấn công cho thấy phải có sự tham gia của một tác nhân nhà nước, nhưng chúng ta có lẽ không bao giờ biết ai đã thực hiện việc đó.

Các chính phủ phương Tây có thể nghi ngờ mối liên hệ giữa những thủ phạm độc lập này và Điện Kremlin, nhưng việc chứng minh mối liên hệ đó hầu như là không thể. “Người Nga có thể chỉ đơn giản trả tiền cho một nhóm tội phạm để chúng đột nhập vào các nhà máy nước – chúng tôi không biết,” Toveri nói. “Nhưng những gì chúng tôi biết là các vụ đột nhập đang làm tiêu tốn nguồn lực của chính quyền và tạo ra nỗi sợ trong người dân.”

Phần Lan không phải là nước đầu tiên bị nhắm mục tiêu vào nguồn cung  nước. Tháng 5 năm nay, Janet McCabe, Phó giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), cảnh báo rằng Trung Quốc, Nga và Iran đang “tích cực tìm kiếm khả năng vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, bao gồm cả cấp nước và xử lý nước thải.” Ví dụ, năm ngoái, nhóm hacker Cyber Avengers có liên hệ với Iran đã chiếm quyền kiểm soát một số chức năng cấp nước ở thị trấn Aliquippa của Pennsylvania, buộc cơ quan cấp nước phải chuyển sang vận hành thủ công.

Theo báo cáo của CBS News, trong năm nay, một kẻ được cho là tin tặc liên kết với Nga đã cố gắng can thiệp vào hoạt động cấp nước ở một số thị trấn Texas. Volt Typhoon, nhóm tấn công mạng do nhà nước Trung Quốc tài trợ, đã nhắm mục tiêu vào các cơ sở nước và các dịch vụ quan trọng khác của Mỹ.

“Hệ thống nước uống và nước thải là mục tiêu hấp dẫn cho các cuộc tấn công mạng vì chúng là lĩnh vực cơ sở hạ tầng tối quan trọng nhưng thường thiếu nguồn lực và năng lực kỹ thuật để áp dụng các biện pháp an ninh mạng nghiêm ngặt,” Giám đốc EPA Michael Regan và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cảnh báo trong một bức thư hồi tháng 3. Thật vậy, cơ quan quản lý nước của Aliquippa (dân số: 9.000) khó có thể sánh ngang với chính phủ Iran. Tương tự, thị trấn Sipoo của Phần Lan (dân số: 22.500 người) cũng không thể là đối thủ của Điện Kremlin.

Sẽ cần nhiều công sức để khơi dậy nỗi sợ hãi trong người dân Phần Lan, những người đã chứng kiến rất nhiều lần xâm lược công khai và bí mật của Nga. Nhưng viễn cảnh nguồn cung nước bị tổn hại chắc chắn sẽ gây ra lo lắng. Suy cho cùng, ngay cả một cuộc xâm lược cũng không nguy hiểm bằng việc đầu độc nước uống trên diện rộng. Bất kể người Nga có liên quan đến vụ đột nhập vào các nhà máy nước của Phần Lan hay không, nỗi lo nảy sinh từ đó chắc chắn sẽ làm hài lòng Điện Kremlin. Trong khi đó, những người còn lại trong chúng ta cũng nên làm phần việc của mình – không hoảng loạn và trữ một ít nước đóng chai ở nhà.

Elisabeth Braw, chuyên gia bình luận của Foreign Policy và nghiên cứu viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương, là tác giả của cuốn sách “Goodbye Globalization.”