Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nga đã trả tự do cho hơn một chục công dân phương Tây bị giam giữ tại nước này trong khuôn khổ của một cuộc trao đổi tù nhân. Trong số những người được trả tự do có Evan Gershkovich, một nhà báo người Mỹ gần đây đã bị kết án 16 năm tù tại Nga vì tội gián điệp, và Paul Whelan, một cựu lính thủy đánh bộ. Vladimir Kara-Murza, một chính trị gia và nhà báo người Anh-Nga, cũng đã được trả tự do. Đổi lại, các chính phủ phương Tây đã trả tự do cho một số công dân Nga, bao gồm một cựu sĩ quan tình báo và sát thủ, Vadim Krasikov, người đang thụ án tù tại Đức.
Lực lượng vũ trang Israel xác nhận đã giết chết chỉ huy quân sự của Hamas, Muhammad Deif, trong một cuộc không kích vào Khan Younis ở miền nam Gaza. Ông Deif chịu trách nhiệm chỉ đạo các cuộc tấn công của nhóm chiến binh này khiến gần 1.200 người Israel thiệt mạng vào ngày 7 tháng 10. Thông báo được đưa ra một ngày sau vụ ám sát Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị của Hamas, tại Iran. Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố cái chết của ông Deif cho thấy Israel đang “đạt được các mục tiêu của cuộc chiến”.
Ngân hàng Anh đã hạ lãi suất chính xuống một phần tư điểm phần trăm, còn 5%. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này cắt giảm lãi suất kể từ năm 2020. Thống đốc Andrew Bailey cho biết lạm phát đã giảm đủ để có thể hạ lãi suất. Hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi mục tiêu 5,25-5,5%.
Cổ phiếu của Rolls-Royce tăng hơn 10% sau khi công ty này công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm. Tập đoành hàng không vũ trụ của Anh đã nâng dự báo lợi nhuận năm 2024 lên 2,3 tỷ bảng (2,95 đô la), cao hơn khoảng 300 triệu bảng Anh so với dự kiến. Công ty này cũng cho biết sẽ trả cổ tức cho các cổ đông lần đầu tiên kể từ năm 2020, khi các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch khiến nhu cầu động cơ máy bay sụt giảm.
Văn phòng Chống Gian lận Nghiêm trọng của Anh đã buộc tội một cựu giám đốc phụ trách giao dịch dầu mỏ tại Glencore về tội tham nhũng. Cùng với bốn đồng nghiệp cũ, Alex Beard bị cáo buộc âm mưu hối lộ các quan chức chính phủ ở Tây Phi trong khi làm việc cho gã khổng lồ giao dịch hàng hóa này. Các cáo buộc được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài năm năm của Văn phòng về mảng giao dịch dầu mỏ của Glencore. Các bị cáo sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 10 tháng 9.
M23, một lực lượng phiến quân do Rwanda hậu thuẫn, cho biết họ sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn được Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo ký vào ngày 30 tháng 7. Tuy nhiên, họ cảnh báo sẽ không “bị ràng buộc” bởi thỏa thuận. (Họ cáo buộc các lực lượng Congo tận dụng các lệnh ngừng bắn trước đó để tổ chức lại lực lượng.) M23 tuyên bố bảo vệ quyền của người Tutsi ở miền đông Congo.
Con số của ngày: 20 triệu, là số lượt du khách đến thăm London vào năm ngoái.
TIÊU ĐIỂM
Những khó khăn của giới dầu mỏ Mỹ và cuộc đua vào Nhà Trắng
Khi ExxonMobil và Chevron công bố kết quả kinh doanh quý vào thứ Sáu, các con số có lẽ sẽ đáng thất vọng. Năm ngoái, hai gã khổng lồ dầu mỏ đã công bố lợi nhuận ròng hàng năm lần lượt là 36 tỷ và 21 tỷ đô la. Những con số này xuất hiện ngay sau một năm mà các công ty dầu mỏ lớn công bố lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử. Nhưng biên lợi nhuận lọc dầu yếu và giá khí đốt tự nhiên thấp đã làm giảm lợi nhuận trong quý này.
Sẽ còn nhiều rắc rối hơn nữa. Hai công ty dầu mỏ lớn đã đấu khẩu về một hợp đồng nhượng quyền dầu mỏ béo bở ở Guyana. Cuộc tranh chấp pháp lý sẽ rất tốn kém, bất kể kết quả ra sao. Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ tỏ ra ủng hộ mạnh mẽ Donald Trump khi ông có vẻ như sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Ứng viên của Đảng Cộng hòa đã hứa hẹn các chính sách thân thiện với nhiên liệu hóa thạch để đổi lấy 1 tỷ đô la tiền đóng góp cho chiến dịch. Nhưng gió có thể đã đổi chiều. Một Kamala Harris đang nổi lên, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ với sự ủng hộ của các nhóm xanh, sẽ ít thông cảm hơn với những khó khăn của các công ty dầu mỏ lớn.
Làn sóng phản đối khách du lịch ở châu Âu
Vào thứ sáu, Tây Ban Nha, điểm đến du lịch lớn thứ hai thế giới (sau Pháp), sẽ báo cáo số lượng khách đến vào tháng 6. Các nhà phân tích dự kiến lượng khách tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước khi khách du lịch quay trở lại sau covid. Tình hình này đang gây ra phản ứng dữ dội: ví dụ, cư dân ở Barcelona đã tham gia biểu tình phản đối du lịch, một số người thậm chí đã bắn súng nước vào du khách. Và không chỉ có người Tây Ban Nha. Các nhà hoạt động ở Athens, Hy Lạp, đã tổ chức tang lễ cho những người dân đã khuất ở khu phố của họ. Còn chính quyền Nhật Bản đã dựng hàng rào để che một phần cảnh quan núi Phú Sĩ và ngăn cản khách du lịch tụ tập.
Tại những nơi như Barcelona, cư dân phàn nàn về đám đông, đường phố bẩn thỉu, và giá cả tăng cao. Để ứng phó, một số thành phố đang tìm cách hạn chế lượng khách du lịch; các chính sách mới bao gồm phí vào cửa, giới hạn số lượng bến tàu du lịch, và trấn áp các hợp đồng cho thuê ngắn hạn. Việc cân bằng lợi ích của du khách và người dân địa phương là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách. Doanh thu từ du lịch có thể được đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, như ở Ý và gần đây hơn là Mexico.
Liệu áp lực lạm phát ở Hàn Quốc đã giảm?
Mặc dù không đạt đến mức như ở Mỹ hay châu Âu, lạm phát vẫn là mối lo dai dẳng với người dân và các chính trị gia Hàn Quốc. Kể từ khi đạt đỉnh 6,3% hằng năm vào tháng 7 năm 2022, lạm phát giá tiêu dùng đã giảm. Trong tháng 6, giá hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Người tiêu dùng sẽ hy vọng rằng số liệu lạm phát tháng 7, được công bố vào thứ sáu, sẽ tiếp tục chậm lại.
Khi lạm phát hằng năm tiến gần đến mức mục tiêu 2%, ngân hàng trung ương có thể cân nhắc cắt giảm lãi suất. Họ đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5% kể từ tháng 1 năm 2023. Tăng trưởng GDP thấp, do chi tiêu của người tiêu dùng yếu, đã khiến việc nới lỏng tiền tệ có nhiều khả năng xảy ra hơn. Tuy vậy, thống đốc Rhee Chang-young đã dập tắt hy vọng về một đợt cắt giảm sắp tới. Hôm 11 tháng 7, ông đã ám chỉ rằng ngân hàng cuối cùng có thể “chuyển hướng” – nhưng chỉ vào “thời điểm thích hợp.”
Áp lực gia tăng lên Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) — cơ quan khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc — sẽ khép lại cuộc họp kéo dài một tuần tại Sofia, thủ đô của Bulgaria, vào thứ sáu. Mục tiêu của ủy ban là thống nhất về mốc thời gian cho công việc của ủy ban cho đến năm 2030.
Kể cả việc đó cũng không hề đơn giản. Cứ khoảng bảy năm một lần, cơ quan này lại công bố một báo cáo lớn về các nghiên cứu khoa học mới về biến đổi khí hậu. Những đánh giá này giúp cung cấp thông tin cho các vòng đàm phán khí hậu quốc tế. Áp lực đang gia tăng lên IPCC để công bố báo cáo tiếp theo vào năm 2028 — sớm hơn hai năm so với bình thường — đúng thời điểm để đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu quốc gia theo Thỏa thuận Paris. Nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Saudi, những nước lo ngại rằng khoa học mới sẽ được sử dụng để thúc giục họ hành động nhiều hơn về khí hậu, phản đối ý tưởng này.
IPCC cũng đang được yêu cầu phải làm nhiều hơn nữa. Trong chu kỳ này, họ sẽ đưa ra ba báo cáo bổ sung: về các thành phố, về các “tác nhân gây biến đổi khí hậu ngắn hạn” như mê-tan và khí dung, và về việc loại bỏ, thu giữ và lưu trữ carbon dioxide.