Nguồn: Anchal Vohra, “Ukraine Is Still Too Corrupt to Join the West,” Foreign Policy, 29/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chiến lược giành chiến thắng trong cuộc chiến bằng cách gia nhập các tổ chức phương Tây đang gặp phải một trở ngại lớn trong nước.
Chiến lược của Ukraine nhằm đánh bại Nga bằng cách gia nhập cộng đồng chính trị và các thể chế an ninh của phương Tây đã bị cản trở bởi cuộc đấu tranh kéo dài với nạn tham nhũng, một vấn đề vẫn vượt xa các tiêu chuẩn phương Tây. Và vấn đề này mở rộng đến tận trung tâm của nhà nước Ukraine. Nhiều thẩm phán, chính trị gia, và quan chức hàng đầu đã phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, trong khi Bộ Quốc phòng trở thành trung tâm của nhiều vụ bê bối tham nhũng, chẳng hạn như việc mua trứng và áo khoác mùa đông với giá quá cao, mua 100.000 quả đạn súng cối không bao giờ được giao, hoặc nhận hối lộ từ những người đàn ông muốn trốn nghĩa vụ quân sự.
Vào năm 2023, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp Ukraine ở vị trí 104 trên 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, tệ hơn nhiều so với các thành viên của Liên minh Châu Âu, tổ chức mà Ukraine đang mong muốn gia nhập. Đan Mạch được xếp hạng là quốc gia ít tham nhũng nhất, Đức ở vị trí thứ 9, Estonia ở vị trí thứ 12, và Pháp ở vị trí thứ 20.
Trong thập niên vừa qua, Ukraine đã đạt được một số tiến bộ trong việc khắc phục vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên, theo các cuộc trò chuyện của Foreign Policy với các quan chức chủ chốt của Ukraine, Mỹ, và châu Âu, Ukraine còn rất nhiều việc phải làm trước khi có thể hoàn toàn hòa nhập vào cộng đồng phương Tây và nhận được sự hỗ trợ mà họ mong muốn.
EU đã hỗ trợ Ukraine thực hiện những cải cách thiết yếu kể từ năm 2014, khi người Ukraine tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại một tổng thống thân Nga. Năm đó, người Ukraine đã mạnh mẽ bày tỏ mong muốn được gắn kết hoàn toàn với châu Âu và ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu dưới thời Tổng thống lúc bấy giờ là Petro Poroshenko, lựa chọn “theo đuổi các cải cách kinh tế, tư pháp, và tài chính.”
NATO vẫn đang hỗ trợ Ukraine cải cách các lực lượng vũ trang và thể chế quốc phòng. Kể từ năm 2016, liên minh này đã hệ thống hóa việc hỗ trợ thông qua Gói Hỗ trợ Toàn diện, bao gồm một loạt các chương trình xây dựng năng lực nhằm giúp “Ukraine chuyển đổi từ thời kỳ Xô-viết sang các tiêu chuẩn của NATO.”
Tuy nhiên, một số người trong giới cầm quyền Ukraine cho rằng cải cách chỉ là “cái cớ” để che giấu sự dè dặt chính trị ở một số quốc gia thành viên liên minh, những người lo sợ sẽ trở thành một bên trong cuộc chiến. Alina Frolova, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, nói với Foreign Policy qua điện thoại từ Kyiv: “Vấn đề ngăn cản Ukraine gia nhập NATO không phải là thiếu vắng cải cách, mà là nỗi lo sợ ở Mỹ và Đức về cái gọi là sự leo thang của Nga.”
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã trả lời phỏng vấn của Foreign Policy với điều kiện giấu tên và thừa nhận rằng những cân nhắc chính trị là một yếu tố tác động, nhưng ông nói thêm rằng tham nhũng, thiếu giám sát dân sự đối với các lực lượng vũ trang và tính minh bạch hạn chế trong các tổ chức chính phủ cũng là một trở ngại lớn.
Quan chức này cho biết “Đã có một số quan ngại xung quanh việc mua sắm quốc phòng. Chúng tôi đã phát hiện những trường hợp mà hợp đồng được trao cho những người thân cận với một số nhà lãnh đạo nhất định.”
Chương trình Quốc gia Thường niên Năm 2024 của Ukraine là tài liệu quan trọng kêu gọi cải cách quốc phòng, hành pháp, và quản trị. Một trong những mục tiêu hàng đầu của kế hoạch này là cải cách hệ thống mua sắm quốc phòng của Ukraine phù hợp với các thủ tục và thông lệ châu Âu-Đại Tây Dương. Nhiều vụ bê bối trong lĩnh vực quốc phòng đã làm lung lay niềm tin không chỉ của người dân Ukraine, những người đang đấu tranh cho đất nước họ, mà cả của những người ủng hộ phương Tây và đặc biệt là các đồng minh NATO, những người đã gửi 99% tổng viện trợ quân sự cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Foreign Policy được biết rằng các chuyên gia NATO đã giúp Ukraine thiết lập các công cụ thể chế để kiểm soát tham nhũng trong mua sắm quốc phòng trong khi nước này còn đang chống lại Nga. Ukraine đã thành lập hai cơ quan mua sắm mới – Cục Điều hành Hậu cần Nhà nước (hoặc DOT) và Cơ quan Mua sắm Quốc phòng (hoặc DPA) – với kỳ vọng sẽ làm giảm nạn tham nhũng. Trong khi DOT tập trung vào các mặt hàng phi sát thương, chẳng hạn như thực phẩm, chăn, giày, và các hàng hóa lặt vặt khác theo yêu cầu của lực lượng vũ trang, thì DPA sẽ mua sắm vũ khí.
Việc thành lập hai cơ quan riêng biệt là do tính bí mật liên quan đến các thông tin về việc mua bán vũ khí trong thời chiến, vốn là loại thông tin nếu được công khai sẽ có thể hỗ trợ kẻ thù vạch ra kế hoạch tác chiến. NATO kỳ vọng rằng hai cơ quan này sẽ được sáp nhập sau khi chiến tranh kết thúc.
Yaroslav Yurchyshyn, một thành viên quốc hội Ukraine và là phó chủ tịch ủy ban chống tham nhũng của quốc hội, nhấn mạnh rằng các cơ quan này sẽ hạn chế quyền lực của Bộ Quốc phòng, nơi cho đến gần đây vẫn thực hiện tất cả các chức năng vừa được chuyển giao cho các cơ quan mới.
“Trước đây, Bộ chịu trách nhiệm thiết lập các quy tắc mua sắm, tính toán chi phí gần đúng của những thứ cần mua theo yêu cầu của bộ tổng tham mưu, và tổ chức đấu giá. Giờ đây, những nhiệm vụ này đã được chia sẻ,” ông nói với Foreign Policy. “Điều này trước hết sẽ cho phép Bộ tránh được rủi ro tham nhũng.”
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, người được bổ nhiệm vào tháng 9/2023 để thay thế Oleksii Reznikov, cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng 12 rằng: hệ thống mới “được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc của NATO, với sự phối hợp của các đối tác quốc tế của chúng tôi.”
Yurchyshyn tuyên bố Ukraine đã khôi phục nghĩa vụ kê khai tài sản của công chức và công khai thông tin đó. (Yêu cầu này từng bị đình chỉ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2/2022.) Tuy nhiên, biện pháp đó không bao gồm tất cả các thành viên của lực lượng vũ trang, loại trừ những người “làm việc ở các thành phố ít nhiều yên bình,” Yurchyshyn nói thêm.
Phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Ukraine đã số hóa giao diện giữa chính phủ và người dân. Diia – một ứng dụng chính phủ điện tử và nền tảng kỹ thuật số – “cho phép người dân Ukraine tương tác trực tuyến với chính phủ của họ theo chính sách một cửa,” với các dịch vụ như nộp đơn xin trợ cấp, nộp thuế, đăng ký và điều hành doanh nghiệp, cũng như tiếp cận viện trợ cho người Ukraine di tản vì chiến tranh. USAID mô tả Diia là “tiêu chuẩn vàng trong chính phủ điện tử” và lưu ý rằng Ukraine đang nỗ lực chia sẻ công nghệ với các quốc gia khác.
Dù những thay đổi nêu trên là đáng chú ý, nhưng chúng chỉ được xem là những bước đi nhỏ trong hành trình dài của Ukraine để một ngày nào đó gia nhập EU và NATO. Chương trình Quốc gia Thường niên cũng kêu gọi tăng cường kiểm soát dân chủ, đồng thời giám sát chặt chẽ các lực lượng vũ trang, và rộng hơn là các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Danylo Mokryk, một nhà báo của tờ Kyiv Independent, nói rằng tổng thống có quyền giám sát chính trị đối với Bộ Quốc phòng, trong khi một trong bốn cơ quan chống tham nhũng lớn trong nước – Cục Chống Tham nhũng Quốc gia – có quyền giám sát pháp lý. Nhưng Mokryk lập luận rằng điều đó cũng chưa đủ.
“Sự giám sát chính trị của tổng thống khá nhẹ nhàng, còn sự giám sát pháp lý của Cục Chống Tham nhũng, theo tôi là còn hạn chế,” ông nói với Foreign Policy qua điện thoại. “Chẳng hạn, các thủ tục tố tụng đã được triển khai để chống lại các cựu thứ trưởng và các công ty thu mua, nhưng những nhân vật cấp cao hơn chỉ bị yêu cầu từ chức – không có thủ tục tố tụng hình sự nào chống lại cựu bộ trưởng quốc phòng,” ông nói khi đề cập đến Reznikov, người đã từ chức sau khi Bộ Quốc phòng bị phát hiện là trung tâm của nhiều vụ bê bối tham nhũng lớn.
Hiện tại, bốn cơ quan ở Ukraine đang điều tra tình trạng tham nhũng trong các cơ quan chính quyền trung ương, bao gồm cả trong lực lượng vũ trang. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng họ quan ngại về tính độc lập của ít nhất hai cơ quan trong số đó. Ví dụ, “người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng dường như khá trung thành với chính phủ,” Mokryk bổ sung.
Ngay cả khi nhắc đến việc cải cách các cơ quan hành pháp nội bộ, chính phủ Ukraine cũng đang tiến triển chậm hơn so với mong đợi của EU hoặc thậm chí là của người dân Ukraine. Nội các của nước này vẫn chưa phê duyệt kế hoạch hành động để cải cách các cơ quan hành pháp do các quan chức Ukraine và các đại diện của Phái đoàn Cố vấn Liên minh Châu Âu soạn thảo.
Yurchyshyn tiết lộ “Kế hoạch hành động vẫn đang chờ Nội các Bộ trưởng Ukraine phê duyệt. Bộ Nội vụ phải trình văn bản này lên Nội các Bộ trưởng Ukraine để phê duyệt. Việc triển khai kế hoạch sẽ bắt đầu sau khi nó được phê duyệt nên hiện tại vẫn chưa thực hiện được bước nào.”
Một tiêu chí quan trọng khác để gia nhập EU là cơ quan tư pháp độc lập. Tháng 5 năm ngoái, các công tố viên Ukraine đã bắt giữ người đứng đầu Tòa án Tối cao nước này vì cáo buộc nhận hối lộ trị giá gần 3 triệu USD. Hồi năm 2022, tòa án hành chính quận Kyiv, nơi có thẩm quyền xem xét các vụ kiện chống lại chính quyền trung ương, đã bị giải thể sau khi các thẩm phán bị phát hiện lạm dụng quyền lực.
Một tòa án mới để giải quyết các vụ việc chống lại các cơ quan chính quyền trung ương vẫn chưa được thành lập, Olena Halushka, giám đốc quan hệ quốc tế tại một tổ chức phi chính phủ có tên là Trung tâm Hành động Chống tham nhũng Kyiv, nói với Foreign Policy. Hơn nữa, một nhà hoạt động khác tiết lộ rằng nhiều người trong cơ quan tư pháp đang phản đối các thủ tục kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn.
Trong những phát hiện quan trọng trong báo cáo năm 2023 của Ủy ban Châu Âu về Ukraine, ủy ban đã lưu ý rằng “ cần phải thành lập một tòa án hành chính mới để xử lý các vụ việc liên quan đến các cơ quan chính phủ trung ương và có các thẩm phán được kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng.”
Các chuyên gia cũng tin rằng trong lĩnh vực quốc phòng, Ukraine có thể làm được nhiều hơn thế. Một trong những vấn đề trong hoạt động mua sắm quốc phòng của Ukraine là cầu cạnh tranh về cùng một nguồn cung – sát thương hoặc phi sát thương – từ các cơ quan khác nhau của Ukraine, điều mà các chuyên gia tin rằng sẽ cho phép các nhà cung cấp tăng giá. NATO đã đề nghị Ukraine lập cơ quan đăng kiểm các nhà cung cấp được phê duyệt để tránh bị lôi kéo vào các thỏa thuận có khả năng tham nhũng hoặc có khả năng không được thực hiện.
Vị quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “Ukraine đang ở trong một quỹ đạo đi lên,” nhưng “nước này sẽ không thể trở thành thành viên của NATO nếu không thực hiện nghiêm túc những cải cách này.”
Anchal Vohra là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, hiện đang sinh sống tại Brussels và chuyên viết về Châu Âu, Trung Đông, và Nam Á. Bà đã từng đưa tin về Trung Đông cho tờ Times of London và làm phóng viên truyền hình cho Al Jazeera English và Deutsche Welle. Trước đây bà làm việc tại Beirut và Delhi và đã đưa tin về xung đột và chính trị ở hơn 20 quốc gia.