Cuộc chiến mà Ukraine có thể thắng (P2)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Gideon Rose, “Ukraine’s Winnable War”, Foreign Affairs, 13/06/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1

CUỘC CHƠI CUỐI CÙNG

“Đây không phải là trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến này,” quan chức quân sự cấp cao của Ukraine nói. “Nga sẽ phải tổn thất hơn nhiều nữa trước khi họ chịu thừa nhận thất bại. Và chiến tranh sẽ không kết thúc ngay cả khi chúng tôi giành được toàn bộ lãnh thổ năm 1991. Bởi vì chúng tôi vẫn sẽ có một kẻ thù ở ngay bên mình. Mục đích của cuộc chiến này không chỉ là đẩy lùi quân Nga và giành lại lãnh thổ của chúng tôi, mà còn là để thuyết phục người Nga đừng nghĩ đến việc thử lại một lần nữa trong vài năm tới. Chúng tôi không có ý định để lại cuộc chiến này cho con cháu mình.”

Điều mà một năm rưỡi trước chỉ giống như mong ước viển vông giờ đã trở thành một kế hoạch chiến lược hợp lý. Khi đợt phản công này kết thúc, Ukraine có thể sẽ phá vỡ các phòng tuyến của Nga, giành lại những phần lãnh thổ quan trọng, và về lâu dài sẽ có vị trí thuận lợi để đe dọa các khu vực còn lại đang do Nga nắm giữ, bao gồm cả Crimea. Do đó, những người bạn của Kyiv nên chuẩn bị giúp nước này khởi động các cuộc tấn công trong tương lai nhằm giành lại toàn bộ lãnh thổ được quốc tế công nhận. Tuỳ vào thời điểm Nga quyết định cắt giảm tổn thất, ba kịch bản có thể xảy ra bao gồm “Ai Cập 1973”, “Triều Tiên 1951” và “Triều Tiên 1953”.

Trong Chiến tranh Yom Kippur, Mỹ đã giúp Israel chiếm thế thượng phong trước Ai Cập và Syria, sau đó sử dụng mối đe dọa đó để làm đòn bẩy ngoại giao. Như Kissinger đã nói với Nixon, “Chiến lược ngoại giao bây giờ là đạt được một lệnh ngừng bắn và tìm cách liên kết nó, một cách lỏng lẻo, với một giải pháp lâu dài. Để gây áp lực, chúng ta sẽ bắt đầu hỗ trợ trên quy mô lớn và chỉ dừng lại khi đạt được lệnh ngừng bắn.” Khi quân Israel tiến đến Kênh đào Suez và bao vây các lực lượng Ai Cập ở đó, Washington đã làm trung gian cho một thỏa thuận giúp hai bên ngừng giao tranh, cho phép lực lượng Ai Cập rút lui, và chuyển sang các cuộc đàm phán hòa bình có nội dung rộng lớn hơn, cuối cùng tạo ra một thoả thuận mà đến nay vẫn là nền tảng của an ninh khu vực.

Giống như ở Ai Cập năm 1973, một chính phủ lý trí ở Moscow ngày nay có thể phản ứng trước viễn cảnh thảm họa quân sự bằng cách chấp nhận thực tế và đồng ý đàm phán nghiêm túc, đặt ra hồi kết cho cuộc chiến, công nhận những lợi ích của Ukraine và những lo ngại về an ninh trong tương lai, để đổi lấy, chẳng hạn như, một Hiệp ước Hữu nghị Nga-Ukraine mới, cho phép Moscow tiếp tục đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen ở Crimea. Có lẽ chế độ Nga hiện tại sẽ không chấp nhận một thỏa thuận như vậy, nhưng không có nghĩa là không thể.

Tuy nhiên, ngay cả mối đe dọa khả tín rằng Ukraine sẽ chiếm lại toàn bộ lãnh thổ cũng có thể là chưa đủ để gây ra thay đổi thực sự ở Moscow. Trong trường hợp đó, cần phải hiện thực hoá lời đe dọa, với Washington và các đối tác tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi họ giành lại được biên giới năm 1991. Điều này sẽ kích hoạt hai kịch bản liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên năm 1951 và 1953, cả hai đều bắt đầu bằng việc khôi phục nguyên trạng lãnh thổ trước đây.

Khi Triều Tiên tiến quân qua vĩ tuyến 38 vào tháng 6/1950, Mỹ đã ủng hộ Hàn Quốc và lãnh đạo một chiến dịch của Liên Hiệp Quốc “nhằm đẩy lùi cuộc tấn công vũ trang, khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực.” Trong những tháng sau đó, hai bên đã thay phiên nhau chiếm thế thượng phong, nhưng đến đầu mùa hè năm 1951, tiền tuyến đã bắt đầu ổn định xung quanh vị trí ban đầu của các bên, và chính quyền Truman quyết định rằng đó sẽ là vị trí hợp lý để kết thúc xung đột. Theo lời Ngoại trưởng Dean Acheson vào tháng 6, quan điểm của Mỹ là “Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn cuộc tấn công, chấm dứt hành động gây hấn…, khôi phục hòa bình, chống lại sự hồi sinh ý định xâm lược. Theo tôi hiểu, đó là những mục đích quân sự mà vì chúng quân đội Liên Hiệp Quốc đang chiến đấu.” Ngày 23/6, đại sứ Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc, Jacob Malik, đề xuất trong một bài phát biểu trên đài phát thanh rằng cả hai bên đồng ý đình chiến ở vĩ tuyến 38, và đàm phán ngừng bắn trực tiếp giữa các bên tham chiến đã bắt đầu hai tuần sau đó. Thêm hai năm chiến đấu và cuối cùng một hiệp định đình chiến đã được ký kết, để đóng băng cuộc chiến theo đúng đường chiến tuyến ban đầu.

Ở Ukraine, kịch bản Triều Tiên 1951 sẽ liên quan đến việc Kyiv chiếm lại toàn bộ lãnh thổ của mình, và giữ vững nó trước các cuộc tấn công mới của kẻ thù, chiến đấu trong một cuộc chiến mở để đảm bảo lợi ích của mình, nhưng vẫn sẵn sàng dừng lại bất cứ khi nào người Nga chịu dừng lại. Dần dần, kịch bản đó có thể phát triển thành Triều Tiên 1953, khi tất cả các bên đồng ý rằng “thế là đủ rồi” và tiến tới hợp pháp hóa kết quả trong một thoả thuận thương lượng nhằm đảm bảo nguyên trạng lãnh thổ trước đó. Vào lúc ấy, những người bạn của Ukraine có thể giúp nước này tồn tại và phát triển lâu dài, mở ra con đường trở thành thành viên của cả EU và NATO, đồng thời khóa chặt Ukraine với châu Âu, một lần và mãi mãi.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến là do Nga từ chối chấp nhận sự tan rã của Liên Xô và luôn sẵn lòng giành lại đế chế cũ của mình bằng vũ lực. Vấn đề sẽ chỉ được giải quyết hoàn toàn khi Moscow chấp nhận rằng đế chế của họ đã biến mất vĩnh viễn, và chịu sống như một quốc gia bình thường chứ không phải là một “kẻ săn mồi” quốc tế. Cho đến ngày đó, một hiệp định đình chiến kiểu Triều Tiên không phải là một hình mẫu quá tệ đối với Ukraine, như nhà khoa học chính trị Samuel Charap gần đây đã chỉ ra, “Trong gần 70 năm kể từ khi ký kết hiệp định, không có một cuộc chiến nào khác bùng phát trên bán đảo. Trong khi đó, Hàn Quốc đã nổi lên từ đống trò tàn của những năm 1950 để trở thành một cường quốc kinh tế và cuối cùng là một nền dân chủ thịnh vượng. Một Ukraine thời hậu chiến thịnh vượng và dân chủ, với phương Tây cam kết mạnh mẽ nhằm đảm bảo an ninh cho nước này, sẽ đại diện cho một chiến thắng chiến lược thực sự”.

Tuy nhiên, điều mà Charap bỏ sót là đề xuất trên không có nghĩa rằng cần tưởng thưởng cho hành động xâm lược, cho phép Moscow giành được những lợi ích đáng kể về lãnh thổ ở Ukraine, bởi vì Triều Tiên đã không được phép giữ lại những phần lãnh thổ của Hàn Quốc. Phép so sánh với Triều Tiên không củng cố lập trường kêu gọi đàm phán ngay lập tức, ngược lại, nó củng cố lập trường đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi biên giới thời kỳ trước khi bắt đầu chiến tranh, chiến đấu với họ cho đến khi họ chấp nhận một kết quả hòa, và sau đó bảo vệ biên giới để họ không vượt qua nó một lần nữa.

Nói đơn giản, cuộc chiến phải tiếp tục cho đến khi Moscow chấp nhận rằng họ không thể giành được lãnh thổ bằng vũ lực. Cho đến khi đạt được bước ngoặt tâm lý đó, Ukraine và những người ủng hộ nước này gần như không có lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục đối đầu quân sự với Nga. Khi Nga sẵn sàng chấp nhận thoả hiệp, các biện pháp trừng phạt và các hạn chế khác có thể được dỡ bỏ. Nhưng trước đó, họ sẽ tự làm mình kiệt sức trong vô vọng và sẽ đứng bên lề quốc tế, bị bao vây bởi một tuyến phòng thủ vững chắc chạy từ Biển Baltic đến Biển Đen – một bức màn sắt mới sẽ được dựng lên, không phải để bao vây các nước bị chiếm đóng, mà để giúp bảo vệ các nước khỏi bị chiếm đóng.

Phải đến khi thất bại trong cả hai cuộc thế chiến, người Đức mới hiểu được rằng xâm lược sẽ không mang lại kết quả. Vì thế, có thể phải cần đến thất bại không chỉ ở Ukraine, mà còn trong Chiến tranh Lạnh lần thứ hai, thì người Nga mới rút ra được bài học tương tự. Cho đến lúc đó, bức màn sắt phải được bảo vệ. Giống như trong quá khứ. Sẽ cần nhiều năm để đạt được kết quả xứng đáng, và chi phí đối với Ukraine và các đối tác phương Tây sẽ rất cao. Nhưng cái giá phải trả nếu không làm vậy sẽ còn cao hơn, và không chỉ ở Ukraine, mà còn trên khắp châu Âu và trên toàn thế giới.

CUỘC CHIẾN THỜI HẬU CHIẾN

Để cuộc xung đột tổng thể có thể kết thúc, Nga sẽ phải tiếp tục phát triển. Ukraine cũng vậy. Dân chủ hóa trong nước là mặt trận thứ hai của cuộc chiến, và cuộc đấu tranh trên mặt trận đó sẽ còn tiếp tục rất lâu sau khi không còn tiếng súng nào ở miền đông và nam Ukraine. Các nhà cung cấp viện trợ nước ngoài đã đúng khi quan tâm đến tham nhũng và trách nhiệm giải trình. Người Ukraine cũng vậy. Tháng 11/2013, nhà báo người Ukraine Mustafa Nayyem đã viết một bài đăng trên Facebook kêu gọi mọi người cùng ông xuống đường phản đối việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ bỏ quan hệ đối tác mới nổi với châu Âu. Sự kiện này châm ngòi cho Cách mạng Maidan, cuộc nổi dậy của quần chúng mà sau đó đã lật đổ chế độ Yanukovych. Một thập niên sau, Nayyem, hiện là thành viên quốc hội, người đứng đầu Cơ quan Phục hồi và Phát triển Cơ sở hạ tầng Ukraine, và là một trong những nhân vật chủ chốt quản lý công cuộc tái thiết đất nước. Ông nói, “Cuộc chiến này là phản ứng cuối cùng của Nga đối với Euromaidan. Đó là sự tiếp nối và là đỉnh cao của cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của Ukraine. Chúng tôi đang thoát khỏi quá khứ của mình, và tham nhũng là một phần của quá khứ đó. Cải cách cũng rất quan trọng, chứ không chỉ tái thiết. Nếu những lời hứa trong nước không được thực hiện, thì sau khi giành chiến thắng trong chiến tranh, sẽ lại có một Maidan khác.”

Klitschko đồng ý. “Xây dựng lại các tòa nhà là không đủ. Điều quan trọng là phải xây dựng nhà nước pháp quyền và các thể chế dân chủ. Chúng tôi cần cải cách tư pháp, cải cách quân đội, cải cách mua sắm công. Mọi người mong đợi một đất nước mới và tốt đẹp hơn sau chiến tranh.”

Trên mặt trận này, chính quyền Biden và các chính phủ phương Tây khác nên chấp nhận những người hoài nghi chiến tranh và mối quan tâm của họ, kết hợp viện trợ hào phóng với các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để đảm bảo chúng được sử dụng đúng cách. Rất hiếm khi chúng ta nghe những người nhận viện trợ nước ngoài cầu xin điều kiện đi kèm, nhưng đó chính là những gì Ukraine đang làm. Hãy là những người bạn tốt thực sự, họ nói; hãy hỗ trợ chúng tôi nhưng cũng buộc chúng tôi tuân theo các tiêu chuẩn cao.

HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC

Quan điểm cho rằng cuộc chiến này khiến người ta phân tâm khỏi các quan ngại an ninh quốc gia khác, cấp bách hơn và quan trọng hơn, của phương Tây, là một quan điểm sai lầm. Nhờ cuộc xung đột Ukraine, NATO đang làm hao mòn sức mạnh của kẻ thù, và học được những bài học vô giá về bản chất của chiến tranh thời hiện đại – từ số lượng trang thiết bị cần thiết, đến tầm quan trọng của việc kết hợp công nghệ thương mại và quân sự với nhu cầu đổi mới liên tục và phát triển vũ khí linh hoạt.

Thành công trên chiến trường là cách quảng cáo hiệu quả nhất cho bất kỳ hệ thống vũ khí nào, và những chiến tích của Ukraine cho thấy rằng nhu cầu về pháo, xe thiết giáp, và thiết bị phòng không tiên tiến của phương Tây sẽ chỉ tăng thêm. Chiến tranh đã bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của phương Tây, nhưng chiến tranh cũng giúp khắc phục thiếu sót đó một cách kịp thời, trước khi tình hình trở nên thực sự nguy cấp đối với an ninh của phương Tây. Những người phàn nàn rằng không có đủ đạn dược để đồng thời bảo vệ Ukraine, Đài Loan, và Mỹ đã đúng. Nhưng giải pháp cho vấn đề không phải là ngừng viện trợ đạn cho Ukraine, mà là sản xuất nhiều đạn hơn. Điều đó đòi hỏi phải cải cách các thể chế hành chính cứng nhắc và các thói quen mua sắm vũ khí không hiệu quả, lần này là ở Washington chứ không phải ở Kyiv. Bộ Quốc phòng sẽ phải đánh giá lại cuộc xung đột ở Ukraine và rút ra bài học cần thiết. Đó không phải là một phiền toái mà là một cảnh báo. Trong khi đó, những người ủng hộ chiến tranh ở cả chính phủ và Quốc hội sẽ phải đảm bảo đủ nguồn tài trợ dài hạn để khôi phục các dây chuyền sản xuất trong nước đối với các vũ khí quan trọng, từ súng đến xe tăng, đạn pháo đến máy bay không người lái, tên lửa đến máy bay. Cuộc chiến này là vấn đề cấp bách và quan trọng nhất trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia, và các chính phủ phương Tây cần đối xử với nó đúng như vậy.

Người Đài Loan, giống như người Ukraine, hiểu rằng an ninh của họ sẽ được đảm bảo tốt nhất bằng cách buộc Nga quay trở lại nguyên trạng, bất kể giá nào. Tiêu Mỹ Cầm, đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Mỹ, gần đây đã chia sẻ với báo chí, “Tôi nghĩ chống lại hành động xâm lược là thông điệp chính sẽ giúp ngăn chặn bất kỳ ý định hoặc tính toán sai lầm nào cho rằng một cuộc xâm lược có thể được tiến hành nhanh chóng mà không bị trừng phạt, không phải trả giá. Chúng ta phải đảm bảo rằng bất kỳ ai có toan tính xâm lược đều hiểu rõ điều đó, và đó là lý do tại sao thành công của Ukraine trong việc chống xâm lược cũng rất quan trọng đối với Đài Loan.” Phe diều hâu chống Trung Quốc ở Washington nên đồng ý với lập luận đó, thay vì miêu tả xung đột Ukraine là một cuộc chiến sai lầm, sai địa điểm, sai thời điểm, và sai kẻ thù.

Dù có thế nào thì điều bắt đầu như một thách thức đối với hệ thống toàn cầu do Mỹ bảo trợ đang giúp cho hệ thống này hồi sinh, và chiến thắng sẽ giúp Ukraine báo thù. Tại Ukraine, Mỹ không đơn phương áp đặt ý muốn của mình lên các quốc gia khác, mà đang lãnh đạo một liên minh rộng lớn nhằm khôi phục trật tự quốc tế. Họ không phạm tội ác chiến tranh mà đang ngăn chặn chúng. Họ không đóng vai trò là cảnh sát thế giới hay kẻ bắt nạt toàn cầu, mà là kho vũ khí của nền dân chủ. Họ đã và đang làm tất cả những điều này một cách hiệu quả mà không cần phải nổ một phát súng hay mất một người lính nào. Nỗ lực đó cho đến nay là một hình mẫu cho cách kết hợp sức mạnh cứng và mềm trong một chiến lược duy nhất. Bây giờ là lúc để hoàn thành công việc này.

Gideon Rose là nghiên cứu viên về Chính sách Đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn “How Wars End: Why We Always Fight the Last Battle.”