04/08/1753: George Washington trở thành thành viên cấp cao của Hội Tam Điểm

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: George Washington becomes a Master Mason, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1753, George Washington, một nông dân trẻ tuổi ở Virginia, đã trở thành Bậc thầy (Master Mason), cấp bậc cơ bản cao nhất trong Hội Tam Điểm (Freemasonry). Buổi lễ được tổ chức tại Hội quán Tam điểm số 4 ở Fredericksburg, Virginia. Washington khi đó chỉ mới 21 tuổi và sẽ sớm chỉ huy chiến dịch quân sự đầu tiên của mình với tư cách là một thiếu tá trong lực lượng dân quân thuộc địa Virginia.

Hội Tam Điểm được phát triển dựa trên các hoạt động và nghi lễ của các hội thợ nề đá (stonemason) vào thời Trung cổ. Với sự suy tàn của các nhà thờ châu Âu, các “hội quán” (lodge) này đã quyết định kết nạp những người không phải thợ nề đá làm thành viên, và dần trở nên phổ biến ở châu Âu. Năm 1717, Đại Hội quán đầu tiên, một hiệp hội các hội quán, được thành lập tại Anh, và Hội Tam Điểm đã sớm được truyền bá khắp Đế quốc Anh. Hội quán đầu tiên ở Mỹ được thành lập tại Philadelphia vào năm 1730, và nhà lãnh đạo cách mạng tương lai Benjamin Franklin chính là một thành viên sáng lập.

Hội Tam Điểm không có cơ quan quản lý trung ương, mà được quản lý tại địa phương theo nhiều phong tục và nghi lễ của hội. Các thành viên cho rằng nguồn gốc của Hội Tam Điểm là từ khi xây dựng Đền thờ Vua Solomon vào thời Kinh Thánh và họ được kỳ vọng sẽ tin vào “Đấng Tối cao,” tuân theo các nghi lễ tôn giáo cụ thể và giữ lời thề giữ bí mật liên quan đến các nghi lễ của hội. Hội Tam Điểm ở thế kỷ 18 tuân thủ các nguyên tắc dân chủ tự do bao gồm khoan dung tôn giáo, lòng trung thành với chính quyền địa phương, và tầm quan trọng của lòng bác ái. Ngay từ khi thành lập, Hội Tam Điểm đã gặp phải sự phản đối đáng kể từ các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là từ Giáo hội Công giáo La Mã.

Đối với George Washington, việc gia nhập Hội Tam Điểm là một nghi lễ trưởng thành và thể hiện trách nhiệm công dân của ông. Sau khi trở thành một Bậc thầy, Washington có thể lựa chọn trải qua một loạt các nghi lễ bổ sung để đưa ông lên các “cấp bậc” cao hơn. Năm 1788, ngay trước khi trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ, Washington đã được bầu làm Bậc thầy Đáng kính (Worshipful Master) đầu tiên của Hội quán Alexandria số 22.

Nhiều nhà lãnh đạo khác của Cách mạng Mỹ, bao gồm Paul Revere, John Hancock, Hầu tước de Lafayette và những kẻ phá hoại Tiệc trà Boston, cũng là thành viên của Hội Tam Điểm, và các nghi lễ của hội đã xuất hiện tại các sự kiện như lễ nhậm chức tổng thống của Washington và lễ đặt viên đá góc tường của Điện Capitol tại Washington, D.C. – một thành phố được cho là được thiết kế theo biểu tượng của Hội Tam Điểm. Các biểu tượng của Hội Tam Điểm, được Washington chấp thuận trong thiết kế của Đại ấn của Mỹ, có thể được nhìn thấy trên tờ một đô la. Biểu tượng Thiên Nhãn (the All-Seeing Eye) nằm phía trên một kim tự tháp chưa hoàn thành chắc chắn là biểu tượng của Hội Tam Điểm, và cuộn giấy bên dưới, tuyên bố sự ra đời của “Trật tự Thế tục Mới” viết bằng tiếng Latin, là một trong những mục tiêu lâu dài của Hội Tam Điểm. Đại ấn xuất hiện trên tờ đô la trong thời kỳ tổng thống Franklin D. Roosevelt, cũng là một thành viên của Hội Tam Điểm.

Hội Tam Điểm vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Mỹ, và có ít nhất 15 tổng thống, 5 chánh án Tối cao Pháp viện, và nhiều thành viên của Quốc hội là thành viên Hội Tam Điểm. Các tổng thống được biết đến là thành viên Hội Tam Điểm bao gồm Washington, James Monroe, Andrew Jackson, James Polk, James Buchanan, Andrew Johnson, James Garfield, William McKinley, Theodore Roosevelt, William Howard Taft, Warren Harding, Franklin Roosevelt, Harry Truman, Lyndon Johnson, và Gerald Ford. Ngày nay, ước tính có khoảng hai triệu thành viên Hội Tam Điểm tại Mỹ.

Vai trò của Hội Tam Điểm trong lịch sử chính trị Mỹ