Trịnh Tùng dẹp tàn quân nhà Mạc, Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi đến Phú Yên

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Nhân Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê làm phản, Thái úy Nguyễn Hoàng giả vờ xin đem quân đuổi đánh, rồi trốn về Thuận Hoá; sự kiện manh nha đất nước chia đôi. Tại miền Bắc Tiết chế Trịnh Tùng dẹp xong loạn lớn, đuổi tàn dư nhà Mạc lên tận Cao Bằng, cuối đời bức Vua thắt cổ chết, lập con Vua lên thay. Tại miền Nam, Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi đến tận Phú Yên, lãnh thổ trù phú, cho xây chùa Thiên Mụ.

Vua Lê Kính Tông tên húy là Duy Tân, con thứ của Vua Thế Tông, lên ngôi vào ngày 27 tháng 8 năm Quang Hưng thứ 22 [15/10/1599], đổi niên hiệu là Thận Đức; ở ngôi 20 năm, thọ 32 tuổi.

Tháng 5 năm Thận Đức thứ nhất [11/6-9/7/1600] (từ tháng 11 trở về sau là năm Hoằng Định thứ 1; Minh Vạn Lịch năm thứ 28), Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản. Toàn Thư[1] chép rằng “Thái uý Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ngầm sai bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản”, nhưng trong thư Bình an vương Trịnh Tùng gửi cho Thái úy Nguyễn Hoàng [cũng chép trong Toàn Thư] không đề cập đến việc này, riêng các bộ sử Cương Mục, Đại Nam Thực Lục đều không đề cập đến, sự kiện này đáng nghi ngờ.

Khi ấy, bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê đem quân phụ trợ theo họ Mạc. Rồi Ngạn ngờ Văn Khuê có mưu khác, liền sai người bắn chết Văn Khuê ở giữa sông. Ngạn tự xưng là Tiết chế Sinh quốc công, Đình Nga tự xưng là Thái bảo Hoa quận công, em Ngạn tự xưng là Tiền bộ dinh Quỳnh quận công, dùng niên hiệu Càn Thống[2] của họ Mạc trong các bản yết thị. Vợ Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên báo thù cho chồng, đã giết được Phan Ngạn tại sông Hoàng Giang, tức hạ lưu sông Hồng. Việc giết Phan Ngạn, Toàn Thư ghi là giao tranh, nhưng Cương Mục chép thêm việc Thị Niên dùng mỹ nhân kế, vậy xin ghi cả hai nguồn để tham khảo:

Vợ Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên muốn báo thù cho chồng, khóc bảo quân lính của chồng rằng:

‘Người nào dốc sức đền ơn, giết được Ngạn sẽ có trọng thưởng’.

Ngạn nghe thế giận lắm. Tháng 6, ngày mồng 1 [10/7/1600], Ngạn đem quân đến Hoàng Giang [sông Hồng tại Nam Định] đánh nhau. Quân của vợ Văn Khuê bắn chết Ngạn ở giữa sông.” Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 18, trang 1b.

Nguyễn Thị: Tên tự là Niên, con gái thứ của Nguyễn Quyện, tướng nhà Mạc. Có một thuyết nói: Ngạn nghe biết Thị Niên sắc đẹp, sai người mối đi lại cùng thông tin tức ước hẹn kết duyên. Nguyễn Thị giả vờ nhận lời, bèn kén hơn mười người trẻ tuổi đẹp trai, ăn mặc giả làm con gái sung làm thị tỳ. Nguyễn Thị giao ước với bọn thị tỳ giả: Nếu ai giết được Phan Ngạn thì sẽ được trọng thưởng. Muốn để Ngạn khỏi nghi ngờ, Nguyễn Thị hẹn: Đêm hôm nào đó thị sẽ đi một chiếc thuyền lớn đến hội kiến. Ngạn hí hởn mừng. Đến kỳ hạn, Nguyễn Thị ăn mặc lộng lẫy, đi thuyền ngược dòng sông Hoàng Giang ra sông Nha Giang, Ngạn cho người thăm dò, thấy trong thuyền la liệt những gái đẹp, Ngạn yên tâm không nghi ngờ gì cả, bèn ra ám hiệu cho thuyền tuần tiễu nơi đi nhanh, khi thuyền tuần tiễu sắp đến gần chỗ thuyền Nguyễn Thị thì dừng chèo ở giữa dòng sông. Điều khiển đâu vào đấy rồi. Ngạn mừng rỡ cuống quýt, cũng dùng một chiếc thuyền lớn đến để cùng Nguyễn Thị hội hợp. Sau khi Ngạn đã sang thuyền Nguyễn Thị, liền vẫy cho thuyền mình rút lui. Lúc ấy thị tỳ đứng hai hàng rót rượu. Khi cuộc rượu đang nồng nàn, thị tỳ rút dao ở trong tay áo ra chặt lấy đầu Phan Ngạn, rồi nhân đêm nước thủy trào xuống, gió thổi mạnh quay chèo trở về như bay, quân lính của Ngạn vẫn chưa biết có chuyện ấy. Khi về, Nguyễn Thị đem đầu của Ngạn làm lễ tế ở bàn thờ chồng, rồi dặn hai con đến hành tại An Trường quy thuận với vua Lê. Còn thị thì tự gieo mình xuống sông.” Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, quyển 31, trang 4.

Khi loạn xảy ra, Bình An Vương cùng các quan đương bàn việc đánh dẹp, Thái úy Nguyễn Hoàng giả vờ xin đem quân đuổi đánh, rồi đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hoá, nhưng vẫn còn để lại tại miền bắc 3 người con. Bấy giờ trong nước loạn lạc, lòng người dao động, Bình an vương bèn hộ vệ Hoàng thượng trở về Tây Đô, để lo giữ đất căn bản.

Sau khi loạn dẹp xong, Bình an vương sai Thiêm đô ngự sử Gia Lộc tử Lê Nghĩa Trạch đem thư cho Thái uý Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ở Thuận Hóa. Thư viết:

Bậc đại thần, nghĩa phải cùng vui, cùng buồn với nước. Cậu đối với nước mà nói, thì là bề tôi huân cựu đời đời, đối với nhà mà nói, thì là tình nghĩa chí thân. Mới rồi, họ Mạc tiếm nghịch, vận nước gian truân, tiên tổ là Thái tể Hưng Quốc Chiêu Huân Tĩnh công (Hưng Quốc công Nguyễn Kim là ông ngoại của Bình An Vương, cho nên cũng gọi là tiên tổ) đầu tiên khởi xướng đại nghĩa, giúp Trang Tông Hoàng Đế trong lúc gian nan, sửa lại danh phận. Tiên tổ mất đi, tiên khảo là Minh Khang Thái Vương [Trịnh Kiểm] giữ trọng trách của nước, thấy cậu là người ruột thịt, trao cho hai xứ Thuận, Quảng. Cậu từ khi nhận được mệnh lệnh, vỗ yên dân địa phương, thực là có công. Tiên khảo chầu trời, cháu giữ binh quyền, vẫn để cậu giữ chức cũ. Nhiều lần gửi thư giục cậu dốc thu tiền thuế, vận tải lương thực để giúp việc chi dùng của nhà nước, cậu thường lấy cớ đường biển gian nan hiểm trở để từ chối. Đến khi Kinh thành đã lấy lại, thiên hạ đã yên cậu mới ung dung theo về. Triều đình ưu đãi, cho coi một phủ Hà Trung và bảy huyện miền trên trấn Sơn Nam, trao cho chức Hữu tướng, có ý mong cậu và tả tướng Vinh quốc công Hoàng Đình Ái giúp rập hai bên tả hữu để hoàn thành sự nghiệp trung hưng, để vỗ yên dân chúng nước Nam. Mới rồi, bọn nghịch thần Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga manh tâm phản bội, nổi quân làm loạn, cháu đương cùng với cậu trù tính việc binh, truy quét đảng nghịch, chẳng ngờ cậu không đợi mệnh, tự tiện bỏ về, làm dao động lòng dân địa phương. Không biết đó là bản ý của cậu, hay là nghe lầm gian kế của bọn phản nghịch. Nay Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn đánh lộn lẫn nhau, và đều đã bị giết cả. Thế mới biết đạo trời sáng rõ, tai họa không kịp trở gót, chắc cậu cũng biết cả rồi. Việc đã như thế, nếu cậu quả biết tỉnh ngộ ra, hối lại lỗi trước, nghĩ đến công nghiệp của tiên tổ, nên sai người mang thư đến hành tại lạy trình, rồi đốc nộp tiền thuế để cung việc chi dùng của nhà nước thì lấy công trừ lỗi, triều đình đã có pháp điển, mà công lao ngày trước của cậu lại được toàn vẹn, huân danh sự nghiệp bao đời, bền lâu mãi mãi. Nếu không thế, thì lấy thuận đánh nghịch, triều đình hưng binh đã có cớ rồi, danh tiết của cậu sẽ ra làm sao? Cậu trong việc quân thường vẫn lưu ý đến kinh sử, xin hãy nghĩ kỹ, đường để hối hận về sau“. Toàn Thư, Bản Kỷ Tục Biên, quyển 28, trang 2a.

Nghĩa Trạch vào Thuận Hóa, do biết Nguyễn Hoàng vốn là người đa mưu, liền bỏ chiếu thư vào ống, giấu ở bụi rậm ngoài đồng rồi sai xá nhân chuyển báo. Hoàng nghe tin Nghĩa Trạch tới, lập mưu cướp chiếu thư. Đêm sai dũng sĩ đến chỗ trọ cướp hết hòm xiểng đem về, thấy không có chiếu thư, lại sai tới đốt hết cả quán trọ. Hoàng cho là giấy tờ đều bị cháy hết trong đám lửa rồi. Hôm sau, Hoàng thân dẫn tướng tá chỉnh đốn voi ngựa, nghi vệ ra đón, trông thấy Nghĩa Trạch hai tay bưng thư đi đến, lấy làm kinh ngạc, bảo với tướng tá rằng:

– “Trời sinh chủ tướng, triều đình, có người giỏi“.

Từ đấy không có ý dòm ngó gì nữa. Sau đó vào tháng 10 [6/11-5/12/1600], Thái úy Nguyễn Hoàng gả con gái Ngọc Tú cho Trịnh Tráng, con cả Bình an vương Trịnh Tùng.

Bấy giờ người địa phương miền đông là nguỵ Uy Vũ hầu thống xuất 300 binh thuyền, tự xưng là Hải Dương đại tướng. Người họ Mạc là nguỵ Kỳ Huệ Vương chiêu mộ quân ở Sơn Nam, tự xưng là Nam thổ tiết chế, đưa mẹ Mạc Mậu Hợp vào chiếm cứ Đông Kinh. Mẹ Mạc Mậu Hợp xưng là Quốc mẫu, lên thay ngôi báu. Người tông thất họ Mạc và dư đảng khi trước tránh vào rừng núi, đến đây cùng với con trưởng của Mậu Hợp (không rõ tên) đều đến lạy chào. Mẹ Mậu Hợp sai người đi đón Kính Cung, tự ban ân thưởng, trên từ quan viên, dưới đến thứ dân, không kể công lao mới hay cũ, đều phong làm các chức Đô chỉ huy sứ, Đồng trị, Thiêm sự, Tả hữu hiệu điểm.

Tháng 7 [9/8-6/9/1600], Kính Cung khởi hành từ Trấn Nam Quan, đến Thị Cầu, bọn Ngô Đình Nga đều đem quân huyện mình ra đón, Kính Cung đều cho giữ chức cũ. Thế rồi, quan viên tướng sĩ cùng rước Kính Cung tới Kinh sư. Bấy giờ, vua ở Thanh Hóa, lưu Trấn quận công Trịnh Lân ở lại hộ giá, riêng Bình an vương lại đem quân ra ra bắc đánh dẹp.

Tháng 8 [7/9-6/10/1600], Bình an vương tiến quân ra phủ Trường Yên [Ninh Bình]. Thuyền ra cửa sông Hát [sông Đáy, Hà Tây], tiến thẳng đến Kinh, bắt được mẹ Mậu Hợp, quân Mạc thua to, chết đuối nhiều không kể xiết. Vài ngày sau, em Phan Ngạn là quận Quỳnh ra thú, cũng tha tội cho. Bấy giờ, tướng Tây đạo nguỵ là quận Nhai, quận Cao đóng quân ở mạn Nhật Chiêu [phường Nhật Tân, Hà Nội]. Ban đêm, đại quân bí mật tiến đến dinh Nhật Chiêu. Quận Nhai sợ chạy, thu được 40 chiếc thuyền và 7 con voi, đem dâng ở cửa dinh. Vương mừng lắm.

Tháng 9 [7/10-5/11/1600], bắt được Ngô Đình Nga ở sông Thiên Đức [sông Đuống, Bắc Ninh] dâng nộp, sai đem chém. Uy Vũ hầu và Nam Dương hầu bè đảng Mạc đem 200 chiếc thuyền đến xứ Ông Mạc, huyện Thanh Trì giao chiến với quan quân, thua to, Uy Vũ hầu chạy ra chiếm giữ cửa biển.

Tháng 10 [6/11-5/12/1600], Bình an vương sai Hải quận công Nguyễn Đình Luân đem quân đi đánh phương Nam. Thuyền đến cửa sông Hoàng Giang [sông Hồng miền Nam Định], giao chiến với Nam Dương hầu, bị thua chạy, bỏ lại hơn 40 chiếc thuyền, thu quân trở về Kinh sư. Bình an vương nổi giận, liền bãi chức của Luân.

Tháng 11 [6/12/1600-3/1/1601], đại xá, Vua Lê Kính Tông đổi niên hiệu là năm Hoằng Định thứ nhất. Bắc cầu phao qua sông Hồng ở bến Ông Mạc, huyện Thanh Trì.

Tháng 12 [4/1-2/2/1601], Mạc Kính Cung chạy đến huyện Kim Thành [Hải Dương], sai quận Nam giữ huyện Nam Xang [huyện Lý Nhân, Hà Nam], lập doanh trại thuỷ bộ, ngày đêm tuần hành phòng giữ.

Tháng Giêng năm Hoằng Định thứ 2 [3/2-4/3/1601], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 29, đại quân của Bình an vương tiến phát, giao chiến với đảng giặc là Nam Dương Nguyễn Nhiệm. Tiền phong của quan quân là Chấn quận công chết tại trận, nhưng giết được quận Nam và quận Nga của giặc. Quan quân đại thắng, thu được thuyền bè, trâu bò súc vật và tiền của kể hàng nghìn. Bêu hai thủ cấp của quận Nam và quận Nga ở Trường Yên [Ninh Bình] để thị uy. Sau lại bắt được em của quận Nam là quận Tào và quận Vị, đều chém cả.

Tháng 3 [3/4-1/5/1601], Bình an vương sai quân đi dẹp miền Hải Dương. Mạc Kính Cung nghe tin, bỏ cả binh mã mà chạy. Đại quân đến nơi, đốt hết doanh trại rồi về.

Tháng 5 [1/6-29/6/1601], sửa đắp đê và đường từ huyện Chương Đức [Hà Tây] đến huyện Mỹ Lương [huyện Mỹ Đức, Hà Tây] để chuẩn bị đón rước xa giá.

Tháng 6 [30/6-28/7/1601], Thái úy Nguyễn Hoàng bắt đầu cho dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ Thái úy dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở xã Hà Khê [huyện Hương Trà, ThừaThiên] giữa đồng bằng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông Hương, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng, tục truyền rằng xưa có người đêm thấy bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng :

– “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”.

Nói xong bà già biến mất. Bấy giờ nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Thái úy cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ.

Tháng 8 [28/8-25/9/1601], vua từ Thanh Hoa về Kinh sư, ngự chính điện.

Tháng 11 [25/11-23/12/1601], bắt đầu mở lại khoa thi Hương trong nước để chọn kẻ sĩ.

Tháng 2 năm Hoằng Định thứ 3 [22/2-23/3/1602], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 30, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Đăng 10 người. Đến khi thi Đình, vua ngự tại điện Kính Thiên, thân hành ra đầu đề văn sách. Cho bọn Nguyễn Đăng 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Cung 8 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 2 nhuận [24/3-21/4/1602], viên thổ tướng Đại Đồng [Tuyên Quang] là Thuần quận công về hàng.

Tháng 7 [17/8-15/9/1602], Thái úy Nguyễn Hoàng sai con thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân chỉ bằng quá nửa. Thái úy thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Thái úy khen rằng :

– “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”.

Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc, thuộc huyện Duy Xuyên [Quảng Nam], xây kho tàng, chứa lương thực. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn.

Bây giờ khám lý phủ Hoài Nhân [Bình Định] Trần Đức Hòa là con Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, phó tướng dinh Quảng Nam, đến yết kiến, Thái úy đãi rất hậu.

Năm này nước Chiêm Thành đến Thuận Hóa thông hiếu.

Ngày mồng 1 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 4 [11/5/1603], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 31, có nhật thực. Bấy giờ, Bình An Vương Trịnh Tùng ngờ Đăng quận công Nguyễn Khai mưu phản, sai nội giám Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm cùm trói lại, tra xét không có tang chứng, sau một năm thì tha.

Mùa xuân năm Hoằng Định thứ 5 [1604], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 32, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Đặng Duy Minh 7 người. Đến kỳ thi Đình, cho bọn Nguyễn Thế Tiêu 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Đặng Duy Minh 5 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tại phía nam, lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, cai quản 5 huyện: Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu, lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên.

Năm Hoằng Định thứ 6 [1605], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 33, viên thổ quan Lộc Châu [Lạng Sơn] Vi Đạt Lễ cấu kết với đầu mục Lục Hữu xâm phạm châu Tư Lăng [Quảng Tây]. Khi nhà Minh đòi hỏi An Nam can thiệp, Vi Đạt Lễ sợ hãi bèn hợp tác với nhà Minh, ngăn chặn bọn Lục Hữu:

Ngày 22 tháng 5 năm Vạn lịch thứ 33 [7/7/1605]. Di mục Lộc Châu nước An Nam Vi Đạt Lễ chuộc tội xin tự đổi mới, vẫn ra lệnh Đầu mục Trịnh Tùng ràng buộc thêm, không được tái xâm phạm. Trước đó Đạt Lễ nghe lời dụ dỗ của tên Đầu mục phản loạn Lục Hữu xâm phạm đất Tư Lăng, bắt Thổ quan Vi Thiệu Tăng đoạt lấy ấn. Đốc Phủ Đái Diệu, Dương Phương tuân theo mệnh Thiên tử đòi Đầu mục Trịnh Tùng bắt hiến Lục Hữu. Đạt Lễ sợ hãi lập tức trả lại ấn, khi quan binh đến đánh Lục Hữu, Đạt Lễ phụng mệnh giữ đường và quan ải, cùng bắt bọn gian tế Nùng Bổ 16 tên. Đốc Phủ thấy được sự hối lỗi và tuân mệnh, nên xin tha tội chết. Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 248.

Nhờ sự phối hợp với An Nam, quan quân nhà Minh bắt được Lục Hữu, rồi đem xử chém:

Ngày 21 tháng 2 năm Vạn Lịch thứ 34 [29/3/1606]. Chém bọn phản nghịch An Nam Lục Hữu gồm 4 người tại chợ. Những bọn a tòng khác bị đánh trượng, có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 249.

Vào tháng 10 năm Hoằng Định thứ 6 [11/11/1605], Vi quốc công Hoàng Đình Ái cho người giết Vi Đạt Lễ, sau đó nhà Lê cho mang thủ cấp đem hiến nhà Minh:

Ngày 24 tháng 7 năm Vạn Lịch thứ 34 [27/8/1606]. Quốc vương An Nam Lê Duy Tân giết Vi Đạt Lễ, đựng thủ cấp vào hộp đem hiến.” (Minh Thực Lục v. 115, tr. 8001, Thần Tông q. 423, tr. 6a )

Trong năm Hoằng Định thứ 6 [1605], triều đình sai chánh sứ Lê Bật Tứ, phó sứ Nguyễn Dụng và Nguyễn Khắc Khoan sang nhà Minh dâng lễ tạ ơn. Lại sai hai sứ bộ gồm bọn chánh sứ Ngô Trí Hoà và Nguyễn Thực, các phó sứ Phạm Hồng Nho, Nguyễn Danh Thế, Nguyễn Úc, Nguyễn Duy Thì dâng lễ cống hàng năm. Đến tháng 2 năm sau sứ bộ đến Bắc Kinh, trình bày trong nước loạn lạc, do đó Vương Lê Kính Tông [Lê Duy Tân] tuy lên ngôi đã 7 năm, đến nay mới sang cống:

Ngày 5 tháng 2 năm Vạn Lịch thứ 34 [13/3/1606]. Lê Duy Tân, con Đô thống sứ An Nam Lê Duy Đàm, cống sản vật địa phương, xin phong tước. Họ Lê từ Lê Lợi truyền 7 đời đến Huệ, bị quyền thần là Mạc Đăng Dung soán đoạt. Họ Mạc truyền được 50 năm. Con Huệ là Ninh kế tục nghiệp nhà Lê tại vùng sông Tất Mã [sông Mã, Thanh Hóa], truyền được 4 đời. Đến Duy Đàm cùng bề tôi là Trịnh Tùng hợp mưu khởi binh diệt họ Mạc, lấy hết đất đai cũ. Nhân tiến người vàng thay thân, xin triều đình chiếu mệnh, được phong Đô thống sứ và đúc ấn ban cấp, lúc này vào năm Vạn Lịch thứ 25 [1597-1598]. Hai năm sau Duy Đàm mất, con là Duy Tân không cáo ai, cũng không nạp cống. Gặp lúc viên quan nước này là Vi Đạt Lễ cấu kết với Đầu mục Lục Hữu xâm chiếm Tư Lăng, cướp ấn của quan chức. Triều đình bàn gửi văn thư trách nước này, đòi phải bắt Lục Hữu hiến nạp. Đạt Lễ hối hận, trả lại ấn, lại bắt 18 tên gian tế nạp để chuộc tội. Chiếu mệnh cho được tự sửa đổi, nên Duy Tân sai sứ giả là bọn Đỗ Văn Trinh gõ cửa quan xin cống, đây là năm thứ 7 sau khi giữ chức. Trần tình rằng y vốn thuộc dòng đích, lúc mới lên nắm chức thì trong nước chưa yên có tên nghịch tặc Phan Ngạn làm loạn, nên chưa kịp cáo ai và xin cống, rồi Vi Đạt Lễ làm loạn, nên lo sợ bị trách phạt. Riêng ấn đồng được cấp trước kia, Duy Tân sai Đầu mục Trịnh Tùng mang nạp để xin ban ấn bạc, không ngờ Phan Ngạn chặn đánh nên bị rơi xuống sông Thọ Xương, xin nguyện nạp 100 lạng vàng để bồi thường. Viên Phủ thần Quảng Tây Dương Phương trình việc này, chiếu ban xuống để bộ Binh bàn bạc rồi tâu lên.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 248.

Tiếp theo viên Tổng đốc Lưỡng Quảng tâu xin cho Vương An Nam được thế tập và nhận ấn bạc:

Ngày 17 tháng 3 năm Vạn Lịch thứ 35 [13/4/1607]. Tổng đốc Lưỡng Quảng đề nghị về việc thế tập tại Giao nam, bộ Lễ phúc tấu, được Thiên tử chấp thuận. Giao nam loạn do hai họ Lê, Mạc giao tranh, bỏ triều cống đến 20 năm. Vào sau năm Tân Tỵ thời Vạn Lịch [1581-1582], Mạc Mậu Hợp chết, người Giao lập Duy Bang[3] lên làm vua, Duy Bang chưa đến triều cống. Duy Bang chết, Duy Đàm kế lập, đuổi được họ Mạc, đến gõ cửa quan xin cống. Bèn phong cho Duy Đàm chức Đô thống sứ, cấp cho ấn bạc, sự việc xảy ra năm Bính Thân đời Vạn Lịch [1596-1597]. Nay Duy Đàm chết, Duy Tân đáng được nối dõi, bèn dâng biểu xin cấp ấn bạc. Trấn thần khám mấy lần, không có điều gì uẩn khúc, nên hứa đúc ấn mới ban cho. Bèn dâng biểu tạ ân, phụng triều cống như xưa. Nhưng từ họ Mạc đến nay, tuy xưng Đô thống sứ nhưng chế độ trong nước vẫn theo đế chế, triều đình tuy cấp ấn bạc nhưng không [sai sứ] đưa sách mệnh, lệnh đến gõ cửa quan ải lãnh. Từ đời Duy Đàm trở về sau khá cung kính, vậy nên ban cho Duy Tân. Kể từ khi họ Lê tái lập đến Duy Tân được 3 đời.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 249.

Sứ bộ nước ta sau khi hoàn thành nhiệm vụ, được hộ tống ra khỏi biên giới:

Ngày 22 tháng 5 năm Vạn Lịch thứ 35 [16/6/1607]. Sai Quang lộc tự thự thừa Phạm Quang Dụ hộ tống cống sứ An Nam về nước.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 250.

Tại trong nước, vào mùa xuân năm Hoằng Định thứ 8 [1607], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 35, thi Hội các sĩ nhân. Lấy đỗ bọn Ngô Nhân Triệt 5 người. Đến khi thi Đình cho Lưu Đình Chất đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Ngô Nhân Triệt đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Năm Hoằng Định thứ 9 [1608], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 36, trong nước bị đói, mùa thu, mùa đông từ Nghệ An ra Bắc bị đại hạn thóc gạo quá đắt, nhiều người chết đói. Trong khi đó tại miền Thuận Quảng được mùa to, mỗi đấu gạo giá 3 đồng tiền, nên nhiều dân xiêu dạt chạy vào nam.

Bấy giờ Tổng đốc Lưỡng Quảng Đái Diệu tâu về triều rằng quân cướp từ An Nam đột nhập cửa biển Long Môn, ngược dòng sông vây đánh châu Khâm:

Ngày 27 tháng 3 năm Vạn Lịch thứ 36 [11/5/1608]. Tổng đốc Lưỡng Quảng quân vụ Phó Ðô Ngự sử Ðái Diệu đề tấu:

‘Trong tháng 12 năm Vạn Lịch thứ 35 [1607], giặc Giao Chỉ hơn 700 tên từ cảng Long Môn[4] đột nhập vây châu Khâm,[5] cướp bóc rồi rút lui. Căn cứ vào tội lỗi của viên chức có trách nhiệm, pháp quan cần điều tra và mỗi viên chức phải viết bản tự trình bày về tội để thất thủ.”

Tờ tâu được đưa xuống bộ Binh.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 252.

Tháng 3 năm sau, viên Tổng đốc này lại tâu tiếp phía An Nam hiến đầu 3 tên giặc:

Ngày 28 tháng 3 năm Vạn Lịch thứ 37 [1/5/1609]. Tổng đốc Lưỡng Quảng Đái Diệu tâu về việc Di tặc xâm phạm. Đô thống sứ An Nam Lê Duy Tân [vua Kính Tông] hiến đầu bọn giặc Phù An, Xí Dương gồm 3 tên. Lời tâu được đưa xuống bộ Binh.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 253.

Sau đó lại tâu thêm về việc hành quân phối hợp giữa hai nước để bắt giặc, phía An Nam không đáp ứng một cách tích cực, e thực chất còn muốn che chở cho đồng đảng:

Ngày 18 tháng 4 năm Vạn Lịch thứ 37 [21/5/1609]. Nguyên Tổng đốc Lưỡng Quảng khám rồi tâu rằng:

“Về việc bọn ác tặc bị bắt trong chiến dịch tại châu Khâm. Đô thống sứ Lê Duy Tân cùng Đầu mục Trịnh Tùng giải đến hiến bọn đầu sỏ giặc Phù An gồm 3 người, thấy được sự cung thuận. Kế đó trưng dụng binh nước này, nhưng chưa thấy đến, khi quân ta đến nơi, mới thấy thủy binh họ gồm mấy chục chiếc thuyền đến trên biển, nhưng không thấy bắt hiến được ai. Sợ rằng giả làm bộ đáp ứng, nhưng thực chất là che chở cho đồng đảng, nên gửi văn thư cật vấn. Về tên chưa bắt được là Vũ Vĩnh Trinh, trước đây đã báo nhưng chưa đưa đến, nay tuy hiến bọn đồ đảng giặc 3 người cũng không đủ chuộc được lỗi. Vậy nên bắt nước này tiếp tục tập nã, còn về việc cư xử trước đây hoặc điều gì đã thành đạt được, xin để Tuần Án Ngự sử khám rõ rồi trình lên.”

Lời tâu được đưa xuống bộ Binh.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 254.

Tháng 3 năm Hoằng Định thứ 10 [4/4-3/5/1609], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 37, Bình an vương sai em là Trịnh Đỗ đi kinh lý vùng Thái Nguyên, Mạc Kính Cung chạy trốn. Trước kia, Kính Cung chiếm cứ vùng Lạng Sơn, dần dần tụ họp lại được quân lính, bèn xâm lấn quấy rối vùng Thái Nguyên, Tùng hạ lênh cho thái tể Trịnh Đỗ làm thống lãnh, Nguyễn Danh Thế làm đốc thị, đem quân đi đánh. Giặc chạy trốn tan vỡ, kinh lý được một tháng. Trịnh Đỗ dẫn quân về.

Mùa xuân năm Hoằng Định thứ 11 [1610], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 38, thi Hội các nhân sĩ trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Tiến Dụng 7 người. Đến khi thi Đình, cho Nguyễn Văn Khuê đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Tiến Dụng 6 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 10 [15/11-14/12/1610], Tả thị lang bộ hộ Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ đề xuất với Bình an vương về việc lập Thế tử, dự bị trao binh quyền để cố kết lòng người, và cách xử trí với phiên trấn mạnh, để thống nhất chế độ.

Ngày 16 tháng 10 năm Hoằng Định thứ 12 [20/11/1611], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 39, núi Tản Viên bị lở đến hơn 12 trượng.

Phủ Chiết Giang tâu lên triều Minh rằng có một số thuyền thuộc phủ Thăng Hoa, Quảng Nam bị gió bão trôi đạt vào xứ này, xin theo lệ cũ, đưa đến Quảng Đông, để cho trở về nước:

Ngày 13 Tháng 11 năm Vạn Lịch thứ 39 [16/12/1611]. Phủ Án Chiết Giang Cao Cử, Trịnh Kế Phương báo về việc bắt những người Di phạm vào lãnh thổ xứ Ôn. Lần thứ nhất bọn Bùi Phúc Ninh gồm 73 người, dân tại huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, bị sai đi tế thần linh Hoàng Cát rồi bị gió bão phiêu dạt đến. Lần thứ hai gồm bọn Trần Danh Khoa 25 người, cũng người huyện Hà Đông. Lần thứ ba, bọn Hà Ngọc Bảng 42 người, dân tại huyện Duy Xuyên phủ Thăng Hoa. Tất cả đều do gió bão phiêu bạt đến, không phải tội phạm cướp bóc, nếu giết đi không phải là vũ dõng, nuôi dưỡng họ cũng bất tiện. Xét theo lệ cũ xin gửi đến cửa quân Tổng đốc Lưỡng Quảng, trả lại cho nước họ để an sáp xử trí, biểu thị chính sách nhu viễn của thiên triều.

 Mệnh gửi tấu chương xuống ty liên hệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 257.

Tại miền nam bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới, Thái úy Nguyễn Hoàng sai chủ sự là Văn Phong đem quân đi đánh lấy được đất này, bèn đặt thành một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Cho Văn Phong làm lưu thủ.

Tháng 10 năm Hoằng Định thứ 13 [24/10-22/11/1612], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 40, người xã Bất Đoạt, huyện Kim Bảng [Hà Nam] nổi dậy xưng là Tiêu quốc công. Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng đánh bắt được tại núi Thiên Kiện [huyện Thanh Liêm, Hà Nam].

Mùa xuân năm Hoằng Định thứ 14 [1613], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 41, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Bùi Tất Thắng 7 người. Đến kỳ thi Đình, cho bọn Nguyễn Tuấn 7 người đều đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 4 [20/4-17/6/1613], sai hai sứ bộ gồm chánh sứ Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng, cùng phó sứ Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chính, Nguyễn Sư Khanh sang cống nhà Minh.

Năm sau sứ bộ đến Bắc Kinh, được ban yến và thưởng các loại lụa:

Ngày 6 tháng 5 năm Vạn Lịch thứ 42 [12/6/1614]. Đô thống sứ An Nam Lê Duy Tân sai bọn quan Lưu Đình Chất gồm 38 người tiến cống biểu văn, sản vật địa phương, và cống bù cho năm Vạn Lịch thứ 33. Cấp hai lần thưởng lụa quyên, lụa sa, và mang đưa về tặng Đô thống sứ 10 tấm lụa.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 258.

Ngày 5 tháng 9 năm Vạn Lịch thứ 42 [7/10/1614]. Ban yến Bồi thần nước An Nam.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 258.

Tháng 9 [14/10-11/11/1613], Thượng thư bộ Hộ Mai quận công Phùng Khắc Khoan mất. Khắc Khoan tính cương nghị, tinh anh, có tài tổng hợp chọn lựa, văn chương thanh cao, có thi tập lưu hành, thọ 86 tuổi, tặng Thái phó.

Ngày Mậu ngọ tháng 5 [18/6/1613], Thái úy Nguyễn Hoàng tại Thuận Hóa không được khỏe, triệu người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam vào hầu.

Ngày Canh dần tháng 6 [20/7/1613], Thái úy yếu mệt, cầm tay Phúc Nguyên dặn bảo rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em trước hết phải thân yêu nhau. Mày mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”. Lại nói : “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn, Phú Yên] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”.

Vua Lê nhận được tin Thái úy Nguyễn Hoàng mất, bèn phong Nguyễn Phúc Nguyên chức Thái bảo, vẫn thay cha trấn giữ vùng Thuận Hóa.

Tháng 6 năm Hoằng Định thứ 15 [7/7-4/8/1514], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 42, sắc phong các con cháu họ Trịnh là Trịnh Trượng làm Liêm quận công, Trịnh Tạc làm Vinh quận công, Trịnh Đồ làm Hương quận công, Trịnh Bảng làm Hội quận công, Trịnh Trân là Phổ quận công, Trịnh Liêm làm Lãng quận công, Trịnh Thức làm Luân quận công, Trịnh Lệ làm Hoà quận công.

Trong khi đó tại miền nam Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên ngầm cho đặt tam ty. Ở trong Chính dinh thì ba ty là ty Xá sai, coi việc văn thư kiện tụng, do Đô tri và Ký lục coi sóc, ty Tướng thần lại, coi việc trưng thu tiền thóc, phát lương cho quân các đạo, do Cai bạ coi, ty Lệnh sử, coi việc tế tự, lễ tiết và chi cấp lương hướng cho quân đội Chính dinh, do Nha úy coi. Những thuộc viên thì mỗi ty có 3 câu kê, 7 cai hợp, 10 thủ hợp, 40 ty lại. Các dinh ở ngoài, có nơi chỉ đặt một ty Lệnh sử, có nơi đặt 2 ty Xá sai và Tướng thần lại, có nơi kiêm đặt ty Xá sai và Lệnh sử để coi việc từ tụng của quân dân, sổ sách đinh điền và trưng thu thuế ruộng sở tại, số nhân viên thì tùy theo công việc ít nhiều mà thêm bớt.

Tháng 8 nhuận năm Hoằng Định thứ 16 [23/9-21/10/1615], sai bọn Thái uý Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên cùng với Hình bộ thượng thư kiêm Đông các học sĩ Mỹ Khê hầu Nguyễn Lễ đón tiếp sứ bộ Lưu Đình Chất trở về nước.

Ngày 26 tháng Giêng năm Hoằng Định thứ 17 [13/3/1616], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 44, có nguyệt thực.

Trong tháng giêng mở thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Vũ Miễn 4 người. Đến khi thi Đình, cho bọn Lê Trí Dụng đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 3, Phủ thần Quảng Tây, tâu trình việc người An Nam đánh phá châu Tư Minh tại biên giới, xin triều đình điều viên Tổng trấn đến tăng cường:

Ngày 18 tháng 3 năm Vạn Lịch thứ 44 [3/5/1616]. Người dân Giao Nam xâm phạm châu Tư Minh. Tham tướng Tư Ân là Triệu Ðình đến cứu viện, bọn Di giải vây trốn. Phủ thần Quảng Tây dâng lời bàn:

‘Nơi trọng yếu nên đề phòng, việc quân nên châm chước bàn bạc, cần thuyên chuyển Tổng trấn đến. Ðó là việc làm cần thiết cấp thời.’

Lời tâu chưa được đáp ứng.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 259.

Ngày rằm tháng Giêng năm Hoằng Định thứ 18 [20/2/1617], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 45, có nguyệt thực.

Cũng vào tháng Giêng, tại Thuận Hóa Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên đặt Nhà đồ tức nhà chứa cất đồ vật, nhắm thu trữ các hàng hóa, giao cho Nội lệnh sử ty giữ. Bấy giờ nguồn Phù ẩu và núi đất ở xã Nam Phố Hạ huyện Phú Vang [Thừa Thiên], là đất có vàng, hằng năm sai dân lấy để nộp. Những núi ở Quảng Nam càng sản nhiều vàng. Các hộ đãi vàng gọi là liêm hộ, người trong hộ mỗi năm nộp 3 hay 2 đồng cân vàng sống. Lại nguồn Lỗ Đông mỗi năm nộp 70 lạng, nguồn Thu Bồn [Quảng Nam] mỗi năm nộp 38 lạng 3 đồng 1 phân. Đầm An Xuân huyện Quảng Điền [Thừa Thiên] mỗi năm nộp 80 lạng bạc. Những nguồn ở phủ Quảng Ngãi mỗi năm nộp 180 lạng. Xã Phú Bài huyện Phú Vang, trang Phước Điển châu Bố Chính [Quảng Bình], núi sản nhiều sắt, mỗi năm nộp 2.000 khối hoặc 500 khối, mỗi khối nặng 25 cân. Còn ngoài ra như dầu hương, sáp ong, ngà voi, chiếu mây, sơn, mật ong, trầm hương, sơn dầu, nhựa trám, nơi nào sản xuất thì nộp. Xứ Thuận Quảng duy không có mỏ đồng, mỗi khi những thuyền buôn Phúc Kiến, Quảng Đông hay Nhật Bản, chở đồng đỏ đến bán thì nhà nước thu mua, cứ 100 cân thì trả giá 40 hay 50 quan tiền. Lại xã Mậu Tài, huyện Phú Vang làm được dây thau, dây thép. Cứ 100 cân đồng đỏ pha vào 40 cân kẽm thì làm được 90 cân dây thau, cứ 25 cân sắt thì làm được 1 cân dây thép. Ty thợ mạ vàng thì cứ 10 lạng vàng dát mỏng được 9 vạn lá vàng quỳ. Tất cả đều do các kho của nhà đồ thu trữ

Ngày rằm tháng Giêng năm Hoằng Định thứ 19 [9/2/1618], tức Minh Vạn Lịch năm thứ 46, có nguyệt thực.

Tháng 2 [25/2-25/3/1618], Bình an vương Trịnh Tùng sai Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng đem thuộc tướng là bọn Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Lễ quận công Nguyễn Văn Giao, Bạt quận công, Hữu quận công Tạ Thế Phúc, Đặng quận công Nguyễn Khải, Phụ quận công Nguyễn Hắc cùng với Đốc thị Lễ bộ tả thị lang Phương lan hầu Nguyễn Thực. Lại sai Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân đem thuộc tướng là bọn Cống quận công Hoàng Đình Phùng, Luân quận công Trịnh Thúc, Phổ quận công Trịnh Trân, Lãng quận công Trịnh Liêm cùng với Đốc thị là Phó đô ngự sử Phương tuyền bá Nguyễn Duy Thì, chia thành hai đạo tiến quân hợp đánh Khánh Vương Mạc Kinh Khoan. Đảng Mạc nghe tin, đều trốn xa.

Tháng 3 [26/3-24/4/1618], sai Thái bảo Trấn quận công Trịnh Lâm đem bọn thuộc tướng là bọn Lộc quận công, Hội quận công Trịnh Bảng đi đánh ở Vũ Nhai [Thái Nguyên], đảng giặc đều tan vỡ.

Mùa hạ, tháng 4 [25/4-23/5/1618], bấy giờ lúa rất tốt, bèn sai bồi đắp đê điều các xứ, để phòng nạn lụt.

Tháng 4 nhuận [24/5-21/6//6/1618], Bình an vương sai 2 con là Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng và Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân đốc lĩnh voi ngựa, quân lính đi đánh bè đảng Hào quận công ở vùng Yên Dũng [Bắc Giang]. Các quân bị lam chướng phải trở về, người ngựa tổn hại nhiều.

Giờ Mùi [13-15 giờ] ngày 16 tháng Giêng năm Hoằng Định thứ 20 [1/3/1619], (Từ tháng 6 trở đi là Thần Tông Vĩnh Tộ năm thứ 1, Minh Vạn Lịch năm thứ 47), cháy lớn tại kinh đô, bắt đầu từ cửa Vương phủ, sau lan ra phố phường hai bên, cháy vào đến lầu cửa Đoan Môn, các nhà trực hai bên tả hữu, đều cháy hết sạch.

Tháng 2 [16/3-13/4/1619], thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Trần Hữu Lễ 7 người. Đến kỳ thi Đình, cho Nguyễn Lại đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Bùi Cầu 6 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 3 [14/4-13/5/1619], Bình an vương Trịnh Tùng đến lầu ở bến Đông kinh thành xem đua thuyền. Khi về đến chỗ ngã ba, chợt có người ẩn nấp bắn súng vào voi của Vương. Bắt được người bắn, tống giam, tra khảo mới biết Vua và con Vương, Trịnh Xuân, ngầm mưu giết Vương.

Ngày 12 tháng 5 [23/6/1619], bức Vua thắt cổ chết, sau truy tôn là Huệ Hoàng Đế, miếu hiệu là Kính Tông. Còn Xuân thì đem giam ở nội phủ, sau lại tha ra.

Tháng 6, hoàng tử Lê Duy Kỳ, con trưởng của Kính Tông lên ngôi ở điện Cần Chính, đổi niên hiệu là Vĩnh Tộ năm thứ 1. Tuyên bố đại xá.

——————-

[1] Sự việc chép tại Toàn Thư, Bản Kỷ Tục Biên, quyển 28, trang 1a.

[2] Càn Thống (1593 – 1625) là niên hiệu của Mạc Kính Cung.

[3] Đoạn này không đúng với sử nước ta, Lê Duy Bang tức vua Anh Tông lên làm vua năm 1556, riêng Mạc Mậu Hợp bị giết vào năm 1592, hai thời điểm không trùng hợp.

[4] Long Môn: cửa biển Trung Quốc, cách Mông Cái, tỉnh Quảng Ninh nước ta khoảng 70 km.

[5] Châu Khâm, Trung Quốc: vị trí giáp với tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.