Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Phó tổng thư ký Hezbollah, Naim Qassem, đã tuyên bố một “trận chiến tính sổ không hồi kết” với Israel trong lễ tang của viên chỉ huy Hezbollah bị Israel không kích giết chết hôm thứ Sáu. Nhóm này đã bắn hơn một trăm quả tên lửa vào sâu trong miền bắc Israel, với một số rơi gần thành phố Haifa. Căng thẳng giữa Hezbollah và Israel đã leo thang kể từ khi các thiết bị điện tử của hàng nghìn thành viên nhóm dân quân phát nổ cùng lúc vào ngày 17 tháng 9.
Anura Kumara Dissanayake, một nghị sĩ theo chủ nghĩa Marx, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka sau vòng kiểm phiếu thứ hai. Ông đã đánh bại cả Sajith Premadasa, lãnh đạo phe đối lập, và Ranil Wickremesinghe, người đương nhiệm. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức tại nước này kể từ năm 2022, khi các cuộc biểu tình rầm rộ phế truất Gotabaya Rajapksa.
Thăm dò ý kiến cử tri sau cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở Brandenburg, miền đông nước Đức, cho thấy đảng Dân chủ Xã hội trung tả đang dẫn đầu, với đảng cực hữu Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức (AfD) ngay sau. Thăm dò trước bỏ phiếu dự đoán AfD có thể giành chiến thắng như ở Thuringia hồi đầu tháng. Nhưng ngay cả khi chiến thắng, AfD cũng có rất ít cơ hội nắm quyền vì không đảng nào khác sẵn sàng hợp tác với họ.
Israel đã đột kích vào các văn phòng ở Bờ Tây của Al Jazeera, một hãng tin có trụ sở tại Qatar, và ra lệnh đóng cửa trong thời gian ban đầu là 45 ngày. Hồi tháng 5, Israel cũng đột kích các văn phòng của Al Jazeera ở Nazareth và Đông Jerusalem, nói rằng tổ chức này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Walid al-Omari, trưởng văn phòng Bờ Tây của Al Jazeera, cáo buộc Israel cố gắng “xóa bỏ sự thật.”
Thủ tướng Pháp Michel Barnier công bố chính phủ mới. Ông Barnier, người được tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm hôm 5 tháng 9, đã chọn một số đồng minh của ông Macron cho các vai trò bộ trưởng. Bruno Retailleau, một thượng nghị sĩ bảo thủ, sẽ giữ chức bộ trưởng nội vụ. Ông Barnier sẽ điều hành một chính phủ thiểu số, dễ bị tổn thương trước bất kỳ động thái bất tín nhiệm nào mà phe đối lập có thể đưa ra.
Theo truyền thông nhà nước Iran, ít nhất 31 người đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương do một vụ nổ mỏ than tại tỉnh Nam Khorasan. Nguyên nhân được cho là do rò rỉ khí mê-tan. Tổng thống Masoud Pezeshkian đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Liên đoàn Cờ vua Quốc tế đã bỏ phiếu duy trì lệnh cấm các đội tuyển quốc gia Nga và Belarus tham gia thi đấu. Hai nước này bị trừng phạt từ năm 2022 sau cuộc xâm lược Ukraine. Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin, và Sergei Shoigu, cho đến gần đây là bộ trưởng quốc phòng Nga, đều nằm trong ban quản lý của liên đoàn cờ vua quốc gia Nga.
Con số trong ngày: 14, là số luật được thông qua tại các bang của Mỹ trong năm vừa rồi nhằm hạn chế các sáng kiến về đa dạng, công bằng, và hòa nhập trong môi trường học thuật.
TIÊU ĐIỂM
Tình hình kinh tế vĩ mô của châu Âu
Triển vọng của nền kinh tế châu Âu đang không thực sự tươi sáng. Ngân hàng Trung ương châu Âu gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 0,8% cho năm 2024 và 1,3% cho năm 2025. Điều này cho thấy phục hồi – nếu có – sẽ diễn ra chậm. Việc công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng được theo dõi rộng rãi vào thứ Hai sẽ cho thấy nền kinh tế đã hoạt động ra sao trong tháng 9, cũng như tâm lý kinh doanh.
Dù dịch vụ có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng, sản xuất sẽ giảm. Hồi tháng 8, số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp do nhu cầu đối với hàng công nghiệp giảm, từ cả châu Âu và phần còn lại của thế giới. Thị trường lao động đang trì trệ, một phần là do lực lượng lao động trong ngành sản xuất giảm và lượng đơn đặt hàng tồn đọng đang giảm dần. Tâm lý thị trường cũng giảm xuống mức thấp nhất năm 2024 trong tháng 8. Nếu triển vọng trở nên u ám hơn, ECB có thể phải tiếp tục giảm dự báo – và cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 10.
Đảng đối lập Nhật Bản bầu lãnh đạo
Giới truyền thông Nhật Bản đang dồn phần lớn sự chú ý vào cuộc đua giành quyền lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, bên sẽ quyết định thủ tướng tiếp theo sau khi Kishida Fumio tuyên bố từ chức hồi tháng 8. Nhưng một cuộc bầu cử lớn khác cũng đang diễn ra: vào thứ Hai, Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP), phe đối lập trung tả chính, sẽ bầu lãnh đạo mới. CDP đã không thể thách thức sự thống trị của LDP kể từ lần cuối nắm quyền vào năm 2012. Họ sẽ cố gắng xây dựng lại động lực trước cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra vào cuối năm nay.
Có bốn ứng viên cạnh tranh cho vị trí cao nhất. Họ bao gồm đương kim lãnh đạo Izumi Kenta 50 tuổi nổi tiếng là nhanh nhạy. Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy cựu thủ tướng Noda Yoshihiko có thể sẽ trở lại. Ông Noda là một chính trị gia kỳ cựu, điều khiến ông trở nên nổi bật trong một đảng mà cử tri coi là ngây thơ và thiếu kinh nghiệm. Song ông lãnh đạo đảng vào năm 2012, khi phe bảo thủ do Abe Shinzo lãnh đạo đánh bại CDP một cách áp đảo.
Chính phủ mới của Pháp hình thành
Sau hơn hai tháng chính phủ lâm thời, Pháp cuối cùng cũng có chính phủ mới. Chính phủ mới sẽ họp phiên họp nội các đầu tiên vào thứ Hai. Michel Barnier, thủ tướng bảo thủ và cựu nhà đàm phán Brexit, đã công bố đội ngũ mới của ông hôm 21 tháng 9. Đây là liên minh thiểu số giữa những người trung dung trung thành với tổng thống Emmanuel Macron và những người bảo thủ từ đảng Cộng hòa cũng như các đồng minh của đảng này.
Chính phủ mới đánh dấu sự chuyển dịch rõ rệt sang cánh hữu, dù cánh tả đã giành chiến thắng (nhưng không giành được đa số) trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 7. Mặc cho mọi nỗ lực, ông Barnier chỉ tuyển được một nhân vật cánh tả (Didier Migaud tại bộ tư pháp). Ngoại giao và an ninh vẫn nằm trong tay những người trung thành với Macron. Tài chính công của Pháp hiện do một bộ trưởng tài chính trung dung 33 tuổi chưa được thử thách, Antoine Armand, kiểm soát. Pháp cần gấp rút hoàn thiện ngân sách để giải quyết tình hình tài chính công đang căng thẳng của mình. Song chính phủ mới sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ cả cánh tả và cánh hữu cực đoan, những người mà sự sống còn của chính phủ hiện nằm trong tay họ.
Pennsylvania: bang chiến trường quan trọng nhất trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay
Donald Trump sẽ tổ chức một buổi vận động tranh cử tại Indiana, Pennsylvania, vào thứ Hai, cách Pittsburgh khoảng một giờ lái xe. Ông có thể sẽ chỉ truyền tải thông điệp giống như những quảng cáo của ông tại đây: mô tả bà Harris là một người cánh tả xa rời dân chúng và chịu trách nhiệm cho lạm phát cũng như tội phạm nhập cư. Trong khi đó, các quảng cáo trên đài phát thanh và YouTube của bà Harris lại có giọng điệu lạc quan hơn. Một số cảnh báo về tác động của ông Trump đối với nền kinh tế, quyền sinh sản, và nền dân chủ.
Cả hai chiến dịch đều coi Pennsylvania là trọng tâm của cuộc bầu cử. Mô hình dự đoán của The Economist cho thấy bang này là điểm then chốt trong 27% mô phỏng được cập nhật của mô hình, nghĩa là Pennsylvania có khả năng quyết định cuộc bầu cử hơn bất kỳ bang nào khác. Do đó, không có tiểu bang nào thu hút được nhiều tiền hơn. Trong số 840 triệu đô la mà chiến dịch của Harris và các tổ chức đồng minh đã chi hoặc cam kết chi cho quảng cáo, 164 triệu đô la đã được chuyển cho Pennsylvania. Trong khi đó chiến dịch của Trump chi 136 triệu đô la trên tổng số 459 triệu. Nhưng bất chấp tất cả số tiền đổ vào, thăm dò cho thấy bang này vẫn đang bất phân thắng bại giữa hai bên.