Hệ lụy chết người từ việc Trung Quốc làm ngơ trước làn sóng bài Nhật

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China could have prevented 10-year-old boy’s stabbing death,” Nikkei Asia, 26/09/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một cơn sốt trên mạng xã hội Trung Quốc có liên quan một phần đến Fukushima đang khơi dậy tình cảm bài Nhật.

Vụ một bé trai 10 tuổi bị đâm chết trên đường đến ngôi trường Nhật Bản của em ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, vào ngày 18/09 đã gây chấn động không chỉ trong cộng đồng người Nhật ở Trung Quốc mà còn trong các cộng đồng ở cả hai nước.

Thảm kịch này, được cho là do một người đàn ông Trung Quốc 44 tuổi có tiền án gây ra, cũng đã phủ bóng đen lên quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng, khi ngày càng nhiều công ty Nhật Bản cho phép nhân viên của họ ở Trung Quốc tạm thời trở về nước cùng với gia đình để đảm bảo an toàn.

Vụ tấn công bằng dao gây chết người ở Thâm Quyến xảy ra sau một thảm kịch tương tự ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Vào tháng 6, Hồ Hữu Bình, một nhân viên xe buýt trường học 54 tuổi người Trung Quốc, đã bị đâm chết khi cố gắng ngăn chặn một kẻ tấn công tại trạm xe buýt của một trường học Nhật Bản. Một bà mẹ người Nhật và đứa con đang học mẫu giáo của cô đã bị thương trong vụ tấn công.

Động cơ đằng sau những vụ việc này vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhiều người nghi ngờ rằng các vụ tấn công này bị ảnh hưởng bởi tâm lý bài Nhật đang lan rộng trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là kể từ năm ngoái.

Những bó hoa tri ân Hồ Hữu Bình nằm gần trạm xe buýt được cho là hiện trường vụ đâm dao nhắm vào một bà mẹ người Nhật và con trai của cô ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, vào ngày 06/08. © Kyodo

Ngày 01/07/2023, luật chống gián điệp sửa đổi chính thức có hiệu lực ở Trung Quốc, mở rộng định nghĩa về gián điệp. Luật này, vốn là ưu tiên của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, không nêu rõ những hành động nào có thể bị xem là vi phạm.

Cùng thời gian đó, một chiến dịch lớn nhằm trấn áp các hoạt động gián điệp đã được phát động ở nhiều thành phố lớn, bao gồm cả Bắc Kinh. Chiến dịch kêu gọi người Trung Quốc theo dõi các “gián điệp nước ngoài” hoặc công dân Trung Quốc nào giúp đỡ các gián điệp này, và báo cáo ngay cho chính quyền nếu họ thấy có điều gì đáng ngờ.

Và thế là một cuộc “săn lùng gián điệp” đã bắt đầu trên toàn quốc.

Hoặc có thể nó đã bắt đầu sớm hơn. Hồi tháng 3/2023, một nam nhân viên người Nhật của công ty dược phẩm Astellas Pharma có trụ sở tại Tokyo đã bị bắt giữ ngay trước khi chuẩn bị trở về nhà sau thời gian dài làm việc tại Trung Quốc. Nhân viên này đã bị truy tố vào tháng 8 về tội gián điệp, nhưng chi tiết cụ thể của vụ việc vẫn chưa được công bố.

Vụ săn lùng gián điệp đã có tác động khủng khiếp, khiến các trường học Nhật Bản tại Trung Quốc rơi vào tầm ngắm. Nguyên nhân là do các tin đồn sai sự thật lan truyền trên internet, rằng chính phủ Nhật Bản sử dụng các trường học Nhật Bản trên khắp Trung Quốc để đào tạo gián điệp.

Các nhân viên bảo vệ đứng canh bên ngoài Trường Nhật Bản Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 20/09. © Kyodo

Một phần đáng kể những người tin vào tin đồn này nằm trong độ tuổi 30 và 40, nhóm tuổi đã được giáo dục về lòng yêu nước vào cuối những năm 1990 và 2000. Họ được dạy rằng người Nhật là những kẻ hai mặt và không biết hối lỗi về quá khứ chiến tranh của nước mình.

Những bài học này và việc giáo dục lòng yêu nước nói chung vẫn tiếp tục dưới thời Tập, dù có trọng tâm hơi khác là “một đất nước mạnh mẽ” và “tự tin.” Các thuật ngữ này cũng tạo thành cơ sở cho “ngoại giao chiến lang” cứng rắn của Bắc Kinh.

Có một sự khác biệt rõ ràng giữa những người Trung Quốc được giáo dục lòng yêu nước với những người Trung Quốc lớn tuổi, tức là ở độ tuổi 50 trở lên, những người đã đi học trong thời kỳ “cải cách và mở cửa” tương đối tự do của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980. Nhóm người Trung Quốc lớn tuổi này có trình độ nhất định về thông tin và hiểu biết về phương tiện truyền thông.

Việc các video và bài viết nhắm vào các trường học Nhật Bản nhanh chóng lan truyền trên mạng xuất phát từ một lý do hoàn toàn không liên quan, đó là sự chỉ trích dữ dội nhắm vào Nhật Bản sau khi nước này bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại vào tháng 8/2023.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc đang lợi dụng việc xả nước đã xử lý từ nhà máy để kích động tình cảm chống Nhật. © Kyodo

Trung Quốc ngay lập tức phản ứng bằng cách áp đặt lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với các sản phẩm hải sản của Nhật Bản, tuy nhiên, đây là một động thái chính trị. Ngay sau đó, các bài đăng trên mạng xã hội kêu gọi hành động chống Nhật tăng lên, với một loạt các cuộc gọi làm phiền các nhà hàng và doanh nghiệp ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản, nơi ba lò phản ứng bị tan chảy sau trận động đất và sóng thần lớn năm 2011.

Các cuộc gọi đến từ những số điện thoại bắt đầu bằng mã quốc gia của Trung Quốc.

Tiền là một lý do khiến các bài đăng chống Nhật Bản lan tràn trên mạng xã hội. Những người có ảnh hưởng (influencers) có thể kiếm được doanh thu quảng cáo khổng lồ nếu bài đăng của họ tạo ra đủ lượt xem.

Động cơ này đã thu hút nhiều người Trung Quốc tham gia vào “cuộc chiến chống Nhật” vì một số bài đăng đã lan truyền thông tin sai lệch, rằng ngay cả hải sản và muối từ vùng biển ven bờ Trung Quốc cũng nguy hiểm cho con người.

Một chuyên gia am hiểu xu hướng truyền thông xã hội Trung Quốc cho biết, “Kể từ mùa hè năm ngoái, các video và bài đăng liên quan đến hai chủ đề khác nhau đã tạo ra tương tác và được lan truyền nhanh chóng.” Nguồn tin này ám chỉ đến những bài đăng ác ý đối với các trường học Nhật Bản và những lời chỉ trích Nhật Bản về vấn đề mà chính phủ Trung Quốc gọi là “nguồn nước bị ô nhiễm hạt nhân.”

Lo ngại trước diễn biến bất ngờ này, chính phủ Nhật Bản, thông qua đại sứ quán tại Bắc Kinh, đã mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc xóa bỏ nội dung sai sự thật trên mạng xã hội về các trường học Nhật Bản.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã làm ngơ trước kêu gọi này.

Trong nhiều trường hợp, các bài đăng chứa thông tin hoàn toàn sai lệch về các trường học Nhật Bản cũng chứa đựng những lời chỉ trích về những hành động trong quá khứ của Quân đội Đế quốc Nhật tại Trung Quốc. Vì vậy, việc xóa bỏ chúng cũng giống như từ bỏ giáo dục lòng yêu nước.

Vì lý do tương tự – và do các chiến dịch tuyên truyền về việc xả nước thải từ Fukushima – việc chấp nhận yêu cầu của phía Nhật Bản không phải là một lựa chọn đối với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa yêu cầu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản tại Trung Quốc, tại New York vào ngày 23/09. (Ảnh từ trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản)

Động cơ của các vụ tấn công bằng dao gây chết người ở Tô Châu và Thâm Quyến hiện vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng nếu Trung Quốc chịu thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ công dân nước ngoài, thảm kịch có lẽ đã được ngăn chặn.

Sau vụ tấn công mới nhất, Kuaishou Technology, công ty điều hành ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc, đã tiết lộ vào ngày 21/09 rằng họ đã khóa các tài khoản phát tán tin đồn sai sự thật và thổi bùng căng thẳng Trung-Nhật. Biện pháp này được cho là để ứng phó với thảm kịch ở Thâm Quyến.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của tình hình, bằng chứng là khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị mô tả vụ tấn công bằng dao mới nhất là một “trường hợp riêng lẻ, ngẫu nhiên.”

Vương là thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời là ngoại trưởng nước này. Ông đã đưa ra lời nhận xét trên trong các cuộc hội đàm vào thứ Hai ngày 23/09 với người đồng cấp Yoko Kamikawa tại New York, nơi cả hai đang tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhận xét này là nhằm đáp lại yêu cầu của Kamikawa về việc Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản tại Trung Quốc, đồng thời chia sẻ thông tin chi tiết về vụ tấn công ở Thâm Quyến, và trấn áp các bài đăng chống Nhật trên mạng xã hội.

Tháp Thiên Tân thắp sáng vào ban đêm để tưởng nhớ Hồ Hữu Bình vào ngày 28/06 tại Thiên Tân. (Nguồn ảnh: VCG qua AP)

Vương đã nói với Kamikawa rằng Trung Quốc “sẽ luôn đảm bảo an toàn cho mọi công dân nước ngoài sinh sống tại nước này.”

Hiện vẫn chưa rõ liệu có biện pháp cụ thể nào được triển khai hay không.

Khái niệm “an ninh quốc gia” theo kiểu Trung Quốc đã đe dọa đến sự an toàn của tất cả công dân nước ngoài đang cư trú tại nước này. Nếu Bắc Kinh không cải thiện đáng kể tình hình, công dân nước ngoài sẽ không thể cảm thấy an toàn khi sinh sống tại đây.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể ngăn chặn làn sóng chỉ trích ác ý trên mạng xã hội dẫn đến những vụ việc thương tâm chỉ bằng cách thực hiện một bước nhỏ: Đưa ra cảnh báo rõ ràng về các cuộc tấn công nhắm vào công dân nước ngoài. Việc làm này cũng có thể giúp bảo vệ các công dân Trung Quốc như Hồ Hữu Bình.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.