Bầu cử Mỹ có ý nghĩa như thế nào đối với Ukraine?

Nguồn:  Alexander Vindman, “What the U.S. Election Means for Ukraine”, Foreign Affairs, 25/09/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến thắng của Trump sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng cho Kyiv – nhưng không có nghĩa Ukraine sẽ chắc chắn thua.

Có một chiến lược – một học thuyết chiến thắng – là điều cần thiết để giành chiến thắng trong chiến tranh. Vào năm 2022, kế hoạch ban đầu của Nga nhằm chiếm Kyiv và loại bỏ giới lãnh đạo Ukraine đã thất bại, và cách tiếp cận hiện tại của họ là làm suy yếu sức kháng cự của Ukraine thông qua chiến tranh tiêu hao cũng không có khả năng thành công. Trong khi đó, Ukraine đã khéo léo triển khai các chiến thuật phòng thủ để đẩy lùi quân Nga khỏi các khu vực Kyiv và Kharkiv, cũng như phần lớn Kherson, vào năm 2022. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Ukraine vào năm 2023 thiếu binh sĩ, tài nguyên và chiến thuật cần thiết để giành chiến thắng quyết định trên chiến trường trước Nga, và mặc dù cuộc tấn công thọc sâu của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga vào mùa hè này đã khiến lực lượng Moscow rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhưng điều đó sẽ không dẫn Kyiv đến chiến thắng.

Chiến thuật không phải là chiến lược, và phòng ngự, trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ là một con đường chậm chạp đầy mệt mỏi để giành chiến thắng. Để kết thúc chiến tranh sớm và theo các điều khoản có lợi cho Kyiv, Ukraine sẽ cần phải tiếp tục tấn công một lần nữa vào năm 2025. Sau thất bại của cuộc tấn công năm 2023, Ukraine sẽ cần phải thuyết phục các nhà tài trợ phương Tây đang do dự bằng cách đưa ra một chiến lược quân sự thực tế—một chiến lược bao gồm các mục tiêu rõ ràng, các hành động hỗ trợ các mục tiêu đó, và một sự hiểu biết về các nguồn lực cần thiết. Để ngăn chặn khả năng Nga giành chiến thắng cuối cùng bằng cách tiêu hao lực lượng Ukraine, chiến lược của Ukraine nên nhằm mục đích duy trì phòng thủ, gây ra tổn thất chiến trường ổn định, và mở rộng kiểm soát lãnh thổ ít nhất theo một hướng nhất định. Nếu được triển khai thành công, một chiến dịch như vậy có thể buộc Moscow phải đàm phán vào cuối mùa hè năm 2025.

Để bất kỳ điều nào trong số này có thể xảy ra, Ukraine cần sự hỗ trợ từ phương Tây. Khả năng và sự sẵn lòng giúp đỡ của phương Tây sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng, chính quyền của bà ít nhất sẽ duy trì sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với Ukraine, với lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ là thấy Nga bị đánh bại và không thể tiến hành các hoạt động gân hấn đối với châu Âu. Trong kịch bản này, Washington và một NATO ngày càng mạnh mẽ sẽ hỗ trợ một cuộc tấn công mới của Ukraine vào năm 2025. Trong hai năm rưỡi qua, Mỹ đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực quốc phòng. Châu Âu cũng đã tăng cường quốc phòng: 23 trong số 32 quốc gia thành viên NATO đã cam kết chi tiêu cho quốc phòng hai phần trăm GDP, và châu Âu đã mở rộng sản xuất vũ khí. Đánh giá tình hình chiến tranh sau ba năm, chính quyền Harris mới có thể xác định rằng cần hỗ trợ đầy đủ hơn cho nỗ lực quân sự của Ukraine để gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và chấm dứt xung đột. Để đảm bảo sự hỗ trợ đó, Kyiv sẽ cần phải giành được những chiến thắng quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa với các nguồn lực hiện có, cung cấp bằng chứng về khái niệm cho một chiến lược cho năm 2025.

Một kết quả khác trong cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ sẽ cực kỳ nguy hiểm cho Ukraine. Cựu Tổng thống Donald Trump và người bạn đồng hành của ông, Thượng nghị sĩ Ohio J. D. Vance, sẽ lãnh đạo một chính quyền theo chủ nghĩa biệt lập, chấm dứt mọi hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine, ngừng can dự vào an ninh châu Âu và có những động thái thân thiện với Nga và các quốc gia độc tài khác trong khi thể hiện sự thù địch đối với NATO và các đồng minh truyền thống khác. Trong hoàn cảnh này, những đối tác còn lại của Kyiv chỉ có thể cung cấp vừa đủ hỗ trợ để duy trì hệ thống phòng thủ của đất nước, buộc lực lượng Nga phải chấp nhận những bước tiến chậm và nhỏ giọt. Tệ nhất, việc Mỹ quay lưng lại với Ukraine và châu Âu có thể khiến chiến tranh trở thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Kyiv và các đối tác châu Âu của mình cần bắt đầu lên kế hoạch ngay từ bây giờ cho việc tăng cường hợp tác an ninh, điều cần thiết trong trường hợp Mỹ rút lui. Mặc dù triển vọng về một thành công quân sự mang tính quyết định của Ukraine sẽ giảm đi trong trường hợp Trump thắng, nhưng các bước mà Brussels và Kyiv thực hiện ngày hôm nay có thể sẽ giảm bớt tác động bất lợi.

Học thuyết chiến thắng

Ukraine sẽ rất may mắn nếu Harris chiến thắng vào tháng 11. Nhưng chỉ kết quả này thôi không đảm bảo thắng lợi. Để tăng cơ hội thành công, Kyiv cần áp dụng một chiến lược để giành chiến thắng. Trong vài tháng tới, Ukraine phải tập trung vào việc làm suy yếu các cuộc tấn công của Nga đồng thời xây dựng năng lực quân sự cho một cuộc tấn công vào năm 2025. Cách tiếp cận “giữ, xây và tấn công” này sẽ đòi hỏi sự gia tăng nhanh chóng hỗ trợ từ phương Tây để thành công – và Ukraine sẽ cần các nguồn lực ngay bây giờ cho một chiến dịch mới trong vòng chưa đầy một năm.

Ukraine đã thực hiện một số biện pháp để xây dựng năng lực cho một cuộc tấn công. Kyiv đã đầu tư mạnh vào sản xuất drone, loại vũ khí đã chứng minh khả năng định hình kết quả quân sự khi chúng tấn công các tài sản của Nga. Drone hải quân của Ukraine đã khiến nhiều tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga ngừng hoạt động và nối lại thương mại hàng hải ở Biển Đen. Drone tấn công được sản xuất trong nước của Ukraine đã trừng phạt lực lượng Nga ở tiền tuyến, và drone tấn công tầm xa đã phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự và hỗ trợ của Nga. Kyiv hiện cần mở rộng hơn nữa khả năng chiến đấu bằng drone và tăng cường sản xuất trong nước các loại tên lửa hành trình, pháo binh, xe bọc thép và các thiết bị quân sự khác. Với sự hỗ trợ tài chính đầy đủ từ phương Tây, Ukraine sẽ có thể huy động đúng cách cơ sở công nghiệp quân sự của mình cho chiến tranh.

Huy động thêm quân đội cũng quan trọng như đảm bảo viện trợ vật chất.   Ukraine hoàn toàn có thể tuyển mộ khoảng 300.000 nam giới trong độ tuổi quân sự họ cần mà không làm suy giảm nghiêm trọng nền kinh tế của đất nước. Các tân binh sẽ cần thiết để lấp đầy các đơn vị bị hao hụt do tổn thất trên chiến trường và để thành lập các đơn vị mới, điều này cũng sẽ cho phép luân chuyển những quân lính đã kiệt sức khỏi tiền tuyến. Nếu Ukraine bắt đầu một chiến dịch tuyển binh ngay hôm nay, các lực lượng mới sẽ được đào tạo đầy đủ để giảm bớt áp lực cho các đơn vị tiền tuyến trong vòng sáu tháng. Một số đơn vị mới của Ukraine sẽ cần thêm sáu đến chín tháng đào tạo và tích lũy một số kinh nghiệm chiến trường để chuẩn bị làm quân xung kích và lực lượng tấn công cho cuộc tấn công năm 2025. Với thời gian eo hẹp, các nỗ lực tuyển dụng phải bắt đầu bây giờ.

Các nước phương Tây cũng có vai trò quan trọng. Chính quyền Biden và nhóm an ninh quốc gia của Harris phải cam kết hỗ trợ cho chiến lược quân sự của Ukraine trong năm 2025 và bắt đầu phát triển một chính sách và phối hợp nỗ lực của họ để đảm bảo tính liên tục trong giai đoạn chuyển tiếp trong trường hợp Harris thắng cử. Đồng thời, Ukraine nên thể hiện cam kết của chính mình trong việc phát động một cuộc tấn công khác vào mùa hè năm 2025 bằng cách huy động nhân lực và cơ sở công nghiệp của mình. Nếu Ukraine làm được như vậy, việc hỗ trợ vật chất bổ sung có thể trở nên dễ dàng hơn về mặt chính trị ở Mỹ.

Để thực hiện chiến lược của Kyiv, sự hỗ trợ của phương Tây phải mở rộng về quy mô và phạm vi. Ngoài việc cung cấp đầy đủ đạn dược, pháo binh, tên lửa và rốc két, chiến dịch của Ukraine sẽ cần được tăng cường xe tăng, xe bọc thép, hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật, các hệ thống pháo binh, hệ thống tên lửa phóng loạt, hệ thống phòng không và hệ thống tác chiến điện tử của phương Tây để trang bị cho ít nhất 12 lữ đoàn mới (khoảng 60.000 quân). Một chương trình cho vay-cho thuê của Mỹ được tái cấp phép có thể tạo điều kiện cho việc chuyển giao thiết bị. Một số trang thiết bị có thể được lấy từ kho dự trữ của Mỹ ở châu Âu, hoặc thậm chí trực tiếp từ các đơn vị triển khai ở nước ngoài. Các kho dự trữ sẽ cần được bổ sung trong vài năm tới. Mặc dù việc rút bớt nguồn cung của Mỹ là một rủi ro đã được tính toán, nhưng đó là một rủi ro đáng để thực hiện – tốt hơn là cung cấp cho Ukraine các nguồn lực cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến này hơn là giữ các thiết bị quan trọng trong kho dự phòng trong trường hợp có sự kiện bất ngờ từ xa.

Một phần của giải pháp là sửa chữa các thiết bị vũ khí phương Tây mà Ukraine đã nhận được. Ukraine cần có khả năng sửa chữa thiết bị do phương Tây sản xuất bị hư hỏng trong nước thay vì phụ thuộc vào các cơ sở sửa chữa ở châu Âu. Phần lớn thiết bị chỉ cần các dịch vụ cơ bản và phụ tùng thay thế, tuy nhiên Washington vẫn ngoan cố chống lại việc ký hợp đồng với các công ty quốc phòng Mỹ để tiến hành sửa chữa tại Ukraine. Điều này một phần xuất phát từ lo ngại rằng chính phủ Nga sẽ coi sự hiện diện của nhân sự Mỹ ở Ukraine là một sự leo thang, và một phần xuất phát từ lo ngại về sự an toàn của những cá nhân này trong vùng xung đột. Lệnh cấm của Washington phải ngay lập tức được gỡ bỏ. Hiện tại, ước tính có khoảng 30 đến 40 phần trăm thiết bị của Ukraine vẫn đang có thể hoạt động. Nếu Mỹ dỡ bỏ các hạn chế, tỷ lệ đó có thể tăng lên 90 phần trăm, tăng gấp ba lần số thiết bị có sẵn cho một chiến dịch tiếp theo của Ukraine.

Lực lượng Ukraine cũng cần được đào tạo về tác chiến binh chủng hợp thành nếu muốn cuộc tấn công mới thành công. Một chương trình như vậy có thể được tổ chức tại Ukraine với các cựu quân nhân dày dạn kinh nghiệm từ Mỹ, Vương quốc Anh và các nước NATO khác, dạy cho quân đội Ukraine quy trình lập kế hoạch và ra quyết định quân sự của phương Tây. Các quân nhân Ukraine có thể theo dõi các giảng viên nước ngoài và cuối cùng học cách tự mình lãnh đạo các chương trình đào tạo, đảm bảo rằng nội dung đào tạo có thể tiếp cận toàn bộ quân đội Ukraine.

Mục đích của khóa đào tạo không phải là dạy quân đội Ukraine cách chiến đấu với người Nga; họ đã làm như vậy trong hai năm rưỡi. Thay vào đó, trọng tâm của nó sẽ là lập kế hoạch cho một cuộc tấn công quy mô lớn mới. Lực lượng Ukraine phải được đào tạo chiến thuật tốt hơn, bao gồm cả chiến đấu ban đêm, cũng như được đào tạo từ các cựu thành viên quân đội NATO về cách dàn dựng các chiến dịch tấn công phức tạp – đặc biệt là cách vượt qua hàng phòng thủ dày đặc. Nhiều lữ đoàn cần phải làm việc liền mạch và đồng bộ để ứng phó hiệu quả với những thay đổi không thể tránh khỏi trên chiến trường.

Một lữ đoàn đầy đủ, từ lãnh đạo cho đến các thành viên trung đội, có thể hoàn thành khóa đào tạo này trong vòng tám tuần. Nhiều lữ đoàn có thể được đào tạo cùng một lúc khi chương trình mở rộng, với nhiều chuyên gia huấn luyện tham gia hơn và các đơn vị mới có sẵn để luân chuyển lực lượng ra khỏi tiền tuyến. Trong chín tháng, một số lữ đoàn có thể sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn. Không có khoản đầu tư vũ khí đơn lẻ nào hoặc một công nghệ nào quan trọng đối với thành công của Ukraine bằng việc đào tạo tốt binh lính, và quá trình này phải bắt đầu ngay lập tức.

Chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky nên thúc đẩy Washington ưu tiên sáng kiến đào tạo này. Việc hướng dẫn về tác chiến binh chủng hợp thành cho nhân sự Ukraine trên quy mô lớn được đánh giá là còn thiếu vắng trong suốt cuộc chiến. Kyiv nên bắt đầu thông báo cho chính quyền Biden ngay hôm nay, nhưng họ cũng nên xem xét việc hỗ trợ của Mỹ cho các giai đoạn sau của chương trình đào tạo mở rộng như một chính sách đặc trưng mà chính quyền Harris sắp tới có thể tuyên bố.

Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Việc bắt đầu các kế hoạch cho cuộc tấn công năm 2025 hiện nay có thể giảm bớt một số mối đe dọa mà chiến thắng tiềm tàng của Trump vào tháng 11 đặt ra cho Ukraine, nhưng Kyiv chỉ có thể làm được đến thế để phòng ngừa khả năng đó. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, chính quyền của ông đã dao động giữa năng lực lạnh lùng của “những  bộ óc sáng suốt”, những người đã ban hành chính sách an ninh quốc gia bảo thủ truyền thống và sự hỗn loạn của Trump trong việc tìm kiếm lợi ích tối đa từ các giao dịch với chính phủ nước ngoài trong khi không hiểu được hậu quả nguy hiểm của hành động của mình. Trong trường hợp của Ukraine, cách tiếp cận thất thường của Trump đã chuyển thành nỗ lực vào năm 2019 nhằm ép Tổng thống Zelensky đưa ra một cuộc điều tra bịa đặt về Biden, đối thủ chính của Trump trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020. Tôi đã báo cáo và vạch trần kế hoạch đó, trở thành cơ sở cho cuộc luận tội đầu tiên của Trump, khi đang phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Sau đó, Trump đã làm suy yếu Kyiv bằng cách lặp lại các luận điểm của Nga về Ukraine và gia đình Biden trong suốt chiến dịch năm 2020. Ông thúc đẩy nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014, ví dụ như đề xuất Nga được phép quay trở lại G-7. Cựu tổng thống Mỹ duy trì lập trường ủng hộ Moscow vì có cảm tình với những lãnh đạo cứng rắn và mong muốn chống lại tầng lớp thống trị nền chính trị Mỹ, đồng thời ông cũng nuôi mối thù hằn với Kyiv sau khi Zelensky không khuất phục trước những nỗ lực gây sức ép của mình. Trump thậm chí còn gọi Putin là “thiên tài” trong những ngày đầu cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga. Những lời nói của Trump đã khuyến khích các chính trị gia Đảng Cộng hòa khác áp dụng giọng điệu ủng hộ Nga, khuyến khích Putin tin rằng cuộc tấn công vào Ukraine của ông ta sẽ phải trả giá rất ít.

Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ đi theo mô hình tương tự như nhiệm kỳ đầu tiên. Một lần nữa, các quyết định của Trump sẽ bị chi phối bởi sự ích kỷ, cảm giác bất bình đối với những người mà ông cảm thấy đang coi thường ông và tập trung thiển cận vào lợi ích ngắn hạn hơn là hệ quả lâu dài. Tuy nhiên, lần này, Trump sẽ tiếp cận chính sách đối ngoại với niềm tin mạnh mẽ hơn vào khả năng miễn trừ trách nhiệm của chính mình. Đội ngũ của ông sẽ không bao gồm các cố vấn giàu kinh nghiệm, độc lập mà là những người trung thành mù quáng, nhiều người trong số họ tận tâm thực hiện các kế hoạch trong Dự án 2025 nhằm phá hủy bộ máy an ninh quốc gia, bao gồm cả quân đội, để đảm bảo sự phục tùng tuyệt đối của họ đối với vị giám đốc điều hành.

Nói cách khác, sẽ không còn ai để chống lại các lựa chọn chính sách sai lầm của Trump. Đối với Ukraine, đây là một viễn cảnh đáng lo ngại. Trump đã báo hiệu rằng ông sẽ chấm dứt viện trợ của Mỹ cho Ukraine và gây sức ép buộc Kyiv phải nhượng bộ Moscow để chấm dứt chiến tranh. Cả tuyên bố gần đây của Vance và một bài báo trên The Hill của Donald Trump Jr. và Robert F. Kennedy Jr. (hiện là thành viên nhóm chuyển tiếp của Trump) đều gợi ý rằng, với tư cách là tổng thống, Trump sẽ tán thành một kế hoạch hòa bình, theo đó Ukraine sẽ nhượng vùng Donbas cho Nga và từ bỏ triển vọng trở thành thành viên EU và NATO để đổi lấy lệnh ngừng bắn và một “bảo đảm an ninh” mơ hồ, điều mà Kyiv có thể coi là vô nghĩa sau khi những đảm bảo tương tự không duy trì được toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine vào năm 2014. Do đó, chính quyền Trump-Vance có thể tìm cách hợp pháp hóa cuộc chinh phạt của Nga trong khi không mang lại cho Ukraine gì hơn ngoài việc khôi phục vị thế không liên kết đã từng khiến nước này gặp khó khăn trong quá khứ. Ngay cả khi Trump có cách tiếp cận mang tính không can thiệp trực tiếp bằng cách thực hiện các đe dọa cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine và rút Mỹ khỏi NATO, thì chiến dịch của phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraine và gây sức ép với Nga vẫn sẽ bị suy yếu đáng kể.

Bất kỳ chiến lược nào nhằm giúp Ukraine chấm dứt chiến tranh với các điều khoản thỏa đáng sẽ khó khăn hơn đáng kể trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Một khả năng là Ukraine sẽ bị thiếu trang bị và không thể tiến công, nhưng không đủ yếu để đầu hàng, dẫn đến việc Nga dần dần giành được thế thượng phong. Tệ hơn nữa, nếu Trump chuyển hướng mạnh mẽ khỏi Ukraine và hướng tới Nga, thì chiến tranh có thể lan sang các khu vực khác ở châu Âu. Putin có thể quyết định hành động theo lời mời gọi của Trump đối với Nga, rằng Nga có thể làm “bất cứ điều gì họ muốn” đối với các thành viên NATO không đáp ứng các mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh, diễn giải những lời của Trump như một tín hiệu cho thấy chính quyền của ông sẽ từ chối đáp trả trước hành động xâm lược hơn nữa của Nga chống lại Châu Âu.

Trong kịch bản này, số phận của Kyiv sẽ phụ thuộc vào các đối tác châu Âu của mình hơn bao giờ hết. Sau khi mất sự bảo vệ của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể quyết định mở rộng hỗ trợ vật chất và triển khai quân đội tới Ukraine, tính toán rằng tốt hơn là chiến đấu với Nga trên lãnh thổ Ukraine hơn là ở Ba Lan, Romania hoặc các quốc gia Baltic. Họ có thể dự đoán rằng một bước đi như vậy sẽ kích hoạt sự trả đũa của Nga, nhưng theo quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu, việc Mỹ vắng mặt sẽ mời gọi sự xâm lược của Nga bằng cách làm xói mòn khả năng phòng thủ tập thể của NATO. Vào năm 2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai suy nghĩ về triển vọng quân đội châu Âu hoạt động ở Ukraine, cho thấy một số nhà lãnh đạo châu Âu đã suy nghĩ theo hướng này. Liệu các nước châu Âu có thể tự mình kiềm chế Nga hay không lại là một câu hỏi khác; Putin có thể coi giai đoạn Mỹ vắng mặt là cơ hội để phá vỡ liên minh NATO mãi mãi.

Khi lập kế hoạch với các đối tác châu Âu, Kyiv đang nhắm vào lợi ích của châu Âu và coi chiến thắng của Ukraine là cách chắc chắn nhất để đảm bảo hòa bình lâu dài trên lục địa này. Nhưng nó cũng cần một kế hoạch để quản lý hậu quả nếu những nỗ lực viện trợ Ukraine trở thành nguồn gốc chia rẽ giữa Brussels và Washington dưới thời chính quyền Trump. Các nhà hoạch định chính sách Ukraine nên bắt đầu bằng cách tương tác song phương với các thành viên ở sườn phía đông NATO, nhằm mục đích tạo ra một liên minh các đối tác sẵn sàng cung cấp hỗ trợ bất kể lập trường của Mỹ.

Giai đoạn kế tiếp

Chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ không phải là một lựa chọn. Nếu Ukraine có bất kỳ cơ hội nào để tiến hành một cuộc tấn công vào năm 2025, Mỹ và các đối tác khác của Kyiv cần bắt đầu thực hiện một chiến lược mới ngay hôm nay. Tăng cường cung cấp và đào tạo nguồn lực cần thiết có thể làm dịu bớt cú sốc từ chiến thắng của Trump bằng cách cho NATO thời gian để điều chỉnh. Liên minh đã thực hiện các bước để chuẩn bị cho thảm họa tiềm tàng, bao gồm thông báo vào mùa hè về một bộ chỉ huy quân sự mới ở Đức để giám sát việc cung cấp thiết bị và đào tạo cho Ukraine, có thể hoạt động trong trường hợp Mỹ rút khỏi NATO dưới thời chính quyền Trump.

Ngay cả khi Trump thắng và cắt đứt sự hỗ trợ của Mỹ trước khi một cuộc tấn công có thể bắt đầu, thì việc tiếp tục phát triển cơ sở công nghiệp và cơ sở sản xuất drone của Ukraine, cải thiện khả năng bảo trì vũ khí và thiết bị do phương Tây cung cấp, cũng như huấn luyện và trang bị cho lực lượng Ukraine để thực hiện các hoạt động tác chiến binh chủng hợp thành hiệu quả trong những tháng tới sẽ giúp Ukraine làm suy yếu chiến lược quân sự của Nga. Các thành viên khác của NATO có khả năng duy trì hỗ trợ cho Ukraine trong vài năm và cùng nhau họ sở hữu sức mạnh kinh tế, hoặc ít nhất là ý chí, để vượt qua sản lượng quốc phòng của Nga. Kyiv vẫn sẽ cần tiến hành một cuộc tấn công khiêm tốn vào năm 2025, sử dụng kho thiết bị nhỏ hơn của châu Âu và tận dụng tối đa vật liệu sản xuất trong nước. Để ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng ra ngoài khu vực hiện tại, châu Âu có thể sẽ cần triển khai quân đội tới Ukraine để giữ chân lực lượng Nga ở miền đông đất nước. Kyiv và các đối tác châu Âu cũng sẽ cần phối hợp các nỗ lực rộng lớn hơn để ngăn chặn một nước Nga đang ngày càng được củng cố.

Trong trường hợp nhiệm kỳ thứ hai của Trump và Mỹ chuyển sang chủ nghĩa biệt lập, các bước mà Kyiv thực hiện hiện nay để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa hè ít nhất có thể giúp quân đội Ukraine duy trì khả năng phòng thủ và tiếp tục làm suy yếu Nga trong năm tới. Nhưng nếu Harris thắng và duy trì hoặc thậm chí mở rộng sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine có thể đặt mục tiêu đạt được những lợi ích quân sự đáng kể vào cuối năm 2025. Việc chuẩn bị mà Kyiv và các đối tác của mình phải thực hiện trong vài tháng tới là rõ ràng. Liệu giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch quân sự của Ukraine có dẫn đến một vị thế mạnh mẽ trên bàn đàm phán với Putin hay một cuộc chiến bị mắc kẹt trong sự tiêu hao mệt mỏi—hay thậm chí leo thang nguy hiểm—cuối cùng có thể phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri Mỹ vào tháng 11.

ALEXANDER VINDMAN là Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia, có bằng tiến sĩ về các vấn đề quốc tế và là giám đốc của Institute for Informed American Leadership tại Quỹ VetVoice.