Trung Quốc, công nghệ năng lượng sạch và an ninh quốc gia

Nguồn:  Joshua Busby, Morgan Bazilian, và Emily Holland, “China, Clean Technologies, and National Security”, War on the Rock, 02/10/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Vào tháng 5 năm nay, chính quyền Biden đã công bố mức thuế quan nhập khẩu 100% đối với xe điện Trung Quốc cũng như pin và khoáng sản dùng để sản xuất chúng. Các mức thuế này được công bố vào thời điểm rất ít xe hơi Trung Quốc lưu hành trên đường phố Mỹ. Chỉ vài năm trước, cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là điều không tưởng, nhưng Trung Quốc đã thống trị chuỗi cung ứng khoáng sản và pin và bắt đầu sản xuất những chiếc xe điện giá cả phải chăng, hấp dẫn bởi các thương hiệu mới nổi như BYD, Geely và Nio.

Mối đe dọa từ xe điện Trung Quốc đã khiến giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, tuyên bố vào tháng 1 năm nay, “Thành thật mà nói, tôi nghĩ, nếu không có rào cản thương mại nào được thiết lập, họ [các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc] sẽ gần như đánh bại hầu hết các công ty khác trên thế giới.” Khi nhắc đến thuế quan, giám đốc điều hành Ford, Jim Farley, ra hiệu rằng chúng có thể mang lại cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ một sự trì hoãn tạm thời: “Và nếu chúng ta không sản xuất [xe điện] có lãi trong vòng 5 năm tới, thì tương lai sẽ ra sao? Chúng ta sẽ chỉ có chôn chân ở Bắc Mỹ.”

Điều đáng chú ý là những động thái áp đặt thuế quan và các hạn chế khác đối với xe điện, khoáng sản và pin của Trung Quốc này được biện minh vì lý do an ninh quốc gia. Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, pin và xe hơi có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ như thế nào?

Với sự trỗi dậy của xe điện, năng lượng tái tạo và lưu trữ pin, hệ thống năng lượng và giao thông đang thay đổi cơ bản và thúc đẩy sự chuyển đổi trong các nền kinh tế trên khắp thế giới. Các nguồn lực cần thiết cho nền kinh tế thế kỷ 21 bao gồm một loạt các khoáng sản như lithium, than chì, đồng, niken và mangan. Trong khi các khoáng sản và sản phẩm tinh chế này được khai thác từ nhiều quốc gia khác nhau, Trung Quốc lại chiếm ưu thế trong việc gia công chúng và các giai đoạn khác trong chuỗi cung ứng. Gần đây, Trung Quốc đã nhắm đến mục tiêu thống trị thị trường xe điện giống như cách họ đã thống trị thị trường quang điện mặt trời.

Các nhà lập pháp của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều cho rằng sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kim loại và vật liệu là một rủi ro an ninh quốc gia. Nhưng ý của họ khi viện dẫn an ninh quốc gia không phải lúc nào cũng rõ ràng – các giải pháp cũng gặp tình trạng tương tự. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã xác định bốn rủi ro an ninh quốc gia khác nhau liên quan đến sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng này. Trong số này, chúng tôi nhấn mạnh những rủi ro liên quan tới những đỉnh cao chỉ huy (commanding heights), một lĩnh vực chiến lược cốt lõi của nền kinh tế có thể trở thành nguồn của cải lớn cho Mỹ trong thế kỷ này.

Mặc dù những nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là đáng hoan nghênh và quan trọng, nhưng những rủi ro khác nhau này có khả năng dẫn đến phản ứng thái quá của Mỹ chống lại sự tham gia của Trung Quốc vào nền kinh tế của mình. Mỹ đã tụt hậu về các công nghệ pin quan trọng và có thể tự tước đi cơ hội học hỏi từ những tiến bộ sản xuất gần đây của Trung Quốc và tụt hậu hơn nữa. Những nỗ lực có mục tiêu cho phép một số công ty Trung Quốc hợp tác với các công ty Mỹ có thể giúp Mỹ bắt kịp nhưng sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế hơn những gì chúng ta đã chứng kiến gần đây.

Công nghệ năng lượng sạch và an ninh quốc gia

Các nhà hoạch định chính sách đã nêu bật bốn khía cạnh an ninh quốc gia liên quan đến sự thống trị của Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng này. Mỗi khía cạnh đòi hỏi các phản ứng riêng biệt về chính sách, an ninh và đầu tư.

Thứ nhất liên quan đến các công nghệ lưỡng dụng, có ứng dụng cho cả dân sự và quân sự. Mối lo ngại là trong trường hợp xảy ra xung đột, Mỹ sẽ không có quyền tiếp cận các vật liệu quan trọng cần thiết để duy trì nền kinh tế và sản xuất vũ khí. Các giải pháp khả thi cho vấn đề này bao gồm việc sử dụng nhiều hơn dự trữ khoáng sản.

Thứ hai liên quan đến rủi ro bị ép buộc bởi những bên nắm giữ tài nguyên. Nga đã nhiều lần cố gắng tận dụng vị thế siêu cường năng lượng của mình để giành được các nhượng bộ chính trị, bao gồm cả trong giai đoạn chuẩn bị và sau cuộc xâm lược Ukraine. Trong một tranh chấp với Nhật Bản vào những năm 2010, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu các khoáng sản đất hiếm với nhiều ứng dụng công nghiệp và quân sự. Một mối lo ngại là Trung Quốc có thể cố gắng sử dụng sự thống trị khoáng sản quan trọng của mình như một đòn bẩy, những lo ngại này phần nào được chứng minh bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Trung Quốc đã áp đặt đối với germanium, gali, than chì và antimon trong năm qua.

Điều thứ ba đề cập đến rủi ro an ninh mạng. Xe điện và pin mặt trời được kết nối với mạng, và các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng dữ liệu thu được từ các thiết bị này có thể bị sử dụng cho mục đích bất chính, hoặc có thể có các cửa hậu để điều khiển từ xa các thiết bị này. Nỗi sợ hãi này đã thúc đẩy chính quyền Biden vào tháng 2 năm 2024 yêu cầu Bộ Thương mại nghiên cứu các rủi ro an ninh quốc gia liên quan tới xe điện Trung Quốc. Tuần trước, Bộ Thương mại đã khuyến nghị Mỹ nên cấm phần mềm và phần cứng của Trung Quốc trên các loại xe điện được kết nối internet.

Thứ tư đề cập đến những rủi ro đối với vị thế then chốt của nền kinh tế thông qua sự thống trị của một đối thủ cạnh tranh ngang hàng. Điều cuối cùng này có khả năng là quan trọng nhất, nhưng ít được thảo luận nhất. Lý luận chung của lập luận về đỉnh cao chỉ huy là nền tảng vật chất của sức mạnh nhà nước một phần là quân sự và một phần là kinh tế. Vì sức mạnh kinh tế có thể được chuyển đổi thành khả năng quân sự, nên các quốc gia có lợi ích trong việc nuôi dưỡng các lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược có thể tạo ra của cải để tài trợ cho quân đội của họ. Công nghệ sạch là một trong số ít các lĩnh vực tăng trưởng mà chính quyền Biden đã xác định là trọng tâm cho tương lai của đất nước.

Những đỉnh cao chỉ huy

Logic an ninh rủi ro liên quan tới “đỉnh cao chỉ huy” có lẽ là cơ sở chính cho các biện pháp mà chính quyền Biden đã thực hiện để phát triển chuỗi cung ứng kim loại và vật liệu trong nước cho xe điện và pin, cũng như các động thái gần đây để bảo vệ ngành ô tô. Lập luận này không khác với lý do cho Đạo luật CHIPS và Khoa học, với pin, xe điện và các công nghệ sạch khác được thiết lập để trở nên phổ biến như chất bán dẫn trong những thập kỷ tới.

Khái niệm “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế, của các lĩnh vực quan trọng mang tầm chiến lược mà các quốc gia muốn duy trì, đã từng bị chế giễu là di tích của một thời đại đã qua với sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào các nền kinh tế phương Tây và các chính sách thất bại của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô. Tuy nhiên, thành công và khả năng thay đổi nguồn lợi thế so sánh của Trung Quốc thông qua các mô hình trợ cấp và đầu tư của nhà nước để thống trị toàn bộ các ngành công nghiệp đã thay đổi cuộc chơi, đặc biệt là trong thời đại mà chỉ riêng các lực lượng thị trường sẽ không mang lại quá trình chuyển đổi năng lượng sạch nhanh chóng như yêu cầu.

Chính sách công nghiệp, những nỗ lực có chủ ý của các quốc gia để hỗ trợ một số ngành công nghiệp và không khuyến khích những ngành khác, đã trở thành một phần không thể thiếu trong các nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Cùng với sự thay đổi đó là nhận thức trong thời kỳ COVID rằng toàn cầu hóa đã tạo ra những lỗ hổng chuỗi cung ứng không mong muốn mà chỉ có thể được giải quyết bằng cách tăng cường sản xuất trong nước. Các quốc gia hiện đang tìm cách giành lại vai trò rõ ràng hơn trong việc định hướng thu hút và hỗ trợ các ngành công nghiệp, tạo ra thuế để trả cho các dịch vụ, cung cấp việc làm tốt hơn và hỗ trợ các mục tiêu công khác như đảm bảo phát triển bền vững môi trường.

Đối với chính quyền Biden, “chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu” này là hiện thân của vai trò hồi sinh của chính phủ liên bang với Đạo luật Cơ sở Hạ tầng Lưỡng đảng, Đạo luật Cắt giảm Lạm phát và Đạo luật CHIPS. Quan điểm cho rằng một số lĩnh vực quan trọng hơn về mặt chiến lược so với những lĩnh vực khác cần phải được chứng minh rõ hơn, để không khéo thì lập luận đó sẽ trở thành một tấm “kim bài miễn tử” để biện minh cho việc bảo hộ các ngành công nghiệp quốc gia với cái giá phải trả là cạnh tranh ở nước ngoài. Những động thái như vậy cuối cùng có thể phản tác dụng nếu một quốc gia, ngay cả với các khoản trợ cấp và bảo hộ mạnh mẽ, không thể tạo ra một ngành công nghiệp khả thi.

Các ngành công nghiệp sản xuất các linh kiện và đầu vào vốn có thể tạo ra khả năng quân sự, chẳng hạn như hàng không và đóng tàu, có tầm quan trọng chiến lược. Lập luận này là một yếu tố chính trong sự ủng hộ của Quốc hội và chính quyền Biden đối với Đạo luật CHIPS, với các chip bán dẫn có rất nhiều ứng dụng quân sự. Việc tập trung sản xuất chip cao cấp vào một công ty duy nhất ở Đài Loan hoặc công nghệ in thạch bản tiên tiến từ một nhà cung cấp duy nhất từ ​​Hà Lan được coi là một lỗ hổng chiến lược, đủ để đảm bảo khoản đầu tư 53 tỷ USD của chính phủ.

Không rõ liệu các chuỗi cung ứng pin có sở hữu mức độ tập trung công nghiệp hướng tới một nhà cung cấp duy nhất như vậy hay không, mặc dù các công ty Trung Quốc là CATL (37%) và BYD (16%) có thị phần vượt trội trong sản xuất pin toàn cầu. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn là rõ ràng. Sự thống trị của Trung Quốc về pin và công nghệ năng lượng mặt trời là tương đối gần đây và được thúc đẩy bởi hành động của nhà nước. Hơn nữa, quy mô hiện tại của những ngành công nghiệp đó chỉ là một phần nhỏ so với quy mô cuối cùng mà chúng có thể đạt được. Ví dụ, vào năm 2023, thị trường pin lithium-ion được định giá 56,8 tỷ USD nhưng theo một ước tính, dự kiến ​​sẽ tăng lên gần 187,1 tỷ USD vào năm 2032. Tương tự, thị trường tấm pin quang điện mặt trời toàn cầu gần 184,9 tỷ USD vào năm 2021 và được ước tính sẽ tăng lên gần 300 tỷ USD vào năm 2028.

Nếu nhiều lĩnh vực của nền kinh tế (bắt đầu là lĩnh vực điện lực và giao thông vận tải) tiến hành điện khí hóa, thì pin sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế thế kỷ 21 theo cách mà chip đã làm được trong thế kỷ 20. Mặc dù có thể có các ngành công nghiệp khác nổi lên và đóng vai trò như các lĩnh vực kinh tế cốt lõi và là nguồn tạo ra năng suất, nhưng sản xuất pin và xe điện chắc chắn sẽ nằm trong số đó. Nhượng lại hầu hết các thị trường này cho các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ doanh thu từ một ngành công nghiệp tăng trưởng chính. Khi các ngành công nghiệp này trở nên phổ biến như chip, Mỹ có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro mang tính hệ thống hơn trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Quan trọng nhất, Mỹ sẽ nghèo hơn so với những gì đáng lẽ  sẽ xảy ra, mặc dù điều đó có thể khó định lượng với bất kỳ độ chính xác mang tính kinh tế nào, vì các lĩnh vực khác như AI cũng có thể tạo ra tăng trưởng và lợi nhuận.

Từ góc độ quan hệ quốc tế, sự thống trị của Trung Quốc về năng lượng mặt trời, pin và ô tô sẽ mang lại lợi thế tương đối lớn mà cùng với đó Trung Quốc có thể tài trợ cho chi tiêu quân sự. Từ góc độ cạnh tranh địa chiến lược, điều đó sẽ cho phép Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về năng lực quân sự với Mỹ và có lẽ góp phần tạo ra thời điểm chuyển giao quyền lực thậm chí còn nguy hiểm hơn. Và, trong thời chiến, các công ty sản xuất hàng hóa cho nền kinh tế dân sự có thể được tái tổ chức lại. Đây là một lý do chính khác khiến Mỹ phải duy trì năng lực sản xuất trong nước.

Hàm ý chính sách

Tuy nhiên, hàm ý của những quan sát này đối với chính sách là không rõ ràng. Việc tách rời nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc là điều không thực tế cũng như không mong muốn. Các cuộc thảo luận ở Washington hiện đang tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng để bao gồm nhiều hơn “on-shoring” (sản xuất trong nước) và “ally-shoring” (nguồn cung ứng từ các nước đồng minh). Tuy nhiên, Mỹ đã gặp khó khăn trong việc xác định các lĩnh vực mà sự tham gia của Trung Quốc vào nền kinh tế Mỹ vẫn có thể được chấp nhận.

Nhiều năm trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đề xuất rằng cách tiếp cận an ninh quốc gia đối với các đối thủ tiềm năng nên là “sân nhỏ, hàng rào cao” qua đó chỉ một số ít lĩnh vực quan trọng phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu. Các nhà phân tích đã áp dụng khái niệm đó cho Trung Quốc, không những là kiểm soát xuất khẩu mà còn trong việc suy nghĩ về những lĩnh vực công nghệ nào có thể bị giới hạn đối với nhập khẩu và đầu tư của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, số lượng các sản phẩm có khả năng bị loại trừ đã lớn hơn, vượt ra ngoài các lĩnh vực như hệ thống vũ khí, bao gồm cả thông tin di động và chất bán dẫn cao cấp cho đến pin, thiết bị cảng và xe điện.

Các nhà phê bình lo ngại rằng việc lạm dụng quá mức các hạn chế vì lý do an ninh quốc gia có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách làm tăng chi phí. Hơn nữa, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể hoạt động như một bức tường lửa hạn chế sự sẵn sàng gây chiến của một trong hai bên. Đối với các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, có những chi phí tiềm ẩn rất lớn cho cả hai bên khi quan hệ của họ bị rạn nứt hơn nữa.

Mỹ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản và pin thông qua các chính sách như tín dụng thuế xe điện theo Đạo luật Cắt giảm Lạm phát. Khoản tín dụng thuế xe 7.500 USD được thiết kế để khuyến khích sản xuất xe điện ở Mỹ/Bắc Mỹ và với các đối tác thương mại thân thiết của Mỹ. Đạo luật này đã thúc đẩy các khoản đầu tư lớn vào sản xuất pin ở Mỹ và chính quyền Biden đã hỗ trợ chuỗi cung ứng pin thông qua các công cụ khác như Văn phòng Chương trình Cho vay của Bộ Năng lượng và Đạo luật Sản xuất Quốc phòng. Đã có khoảng 95 tỷ USD đầu tư được công bố để hỗ trợ khai thác các khoáng sản liên quan đến pin, sản xuất pin và sản xuất xe điện.

Mặc dù những thông báo đó được hoan nghênh, nhưng đã có một số dấu hiệu cảnh báo. Trước tình trạng dư thừa công suất và cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc, giá khoáng sản và pin đã giảm mạnh trong năm qua. Điều này đã khiến chính quyền Biden xem xét mức giá sàn cho các khoáng sản sản xuất trong nước. Hơn nữa, các nhà sản xuất pin phương Tây có thể không cạnh tranh được với các nhà sản xuất Trung Quốc khi các cơ sở đó đi vào hoạt động. Trong những tháng gần đây, một số dự án pin phương Tây đã gặp phải những trở ngại, bao gồm cả công ty khởi nghiệp pin Northvolt của Thụy Điển đã bị BMW hủy một đơn đặt hàng lớn.

Cũng không rõ liệu các công ty phương Tây trong lĩnh vực pin và xe điện có thể bắt kịp mà không có sự tham gia của Trung Quốc hay không. Trung Quốc hiện đang ở vị trí tiên phong về công nghệ sản xuất pin tiên tiến. Trong năm qua, một loại hóa học liên quan tới pin khác, lithium iron phosphate, đã trở thành tiêu chuẩn thống trị so với nickel manganese cobalt. Pin lithium iron phosphate không yêu cầu niken hoặc coban và vừa rẻ hơn để sản xuất vừa bền hơn pin nickel manganese cobalt, nhưng mật độ năng lượng thấp hơn và do đó có khả năng có phạm vi hoạt động ngắn hơn. Chỉ có các công ty Trung Quốc mới tìm ra cách chế tạo pin lithium iron phosphate có phạm vi hoạt động rộng hơn.

Các công ty Mỹ đã nhận ra rằng họ đang tụt hậu so với các nhà sản xuất pin Trung Quốc và đã tìm cách hợp tác với họ. Vào tháng 2 năm 2023, Ford và nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận cấp phép để sản xuất pin lithium iron phosphate ở Michigan tại một nhà máy mới trị giá 3,5 tỷ USD. Thỏa thuận đó đã bị chỉ trích vì có sự tham gia của Trung Quốc. Vào tháng 11 năm 2023, trước tình hình chi phí tăng cao và nhu cầu về xe điện giảm, Ford cho biết họ sẽ tiếp tục dự án nhưng giảm quy mô đầu tư xuống còn 2 tỷ USD.

Nhưng ngay cả thỏa thuận thu nhỏ đó cũng có thể dễ bị tổn thương. Vào tháng 6 năm 2024, Ủy ban Đặc biệt về Đảng Cộng sản Trung Quốc của Hạ viện đã viết một bức thư cáo buộc rằng các nhà cung cấp cho CATL sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu cho pin của họ. Trong một bức thư riêng biệt, họ cũng cáo buộc rằng nhà sản xuất pin Gotion của Trung Quốc, cũng có các cơ sở ở Mỹ và đang nhắm mục tiêu xây dựng một nhà máy mới ở Michigan, có những vấn đề lao động tương tự. Ủy ban Hạ viện đã yêu cầu Bộ An ninh Nội địa, cơ quan quản lý Danh sách Thực thể của Đạo luật Phòng ngừa Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, đưa cả hai công ty vào danh sách đen cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Vẫn còn những trở ngại tiềm ẩn khác đối với sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực pin của Mỹ. Vào tháng 5 năm 2024, Bộ Năng lượng đã ban hành quy định về các thực thể nước ngoài đáng quan ngại đối với Đạo luật Cắt giảm Lạm phát, trong đó cấm các công ty do chính phủ từ các quốc gia cụ thể, bao gồm cả Trung Quốc, được hưởng các khoản tín dụng thuế theo Đạo luật Cắt giảm Lạm phát. Trong khi các công ty nhà nước Trung Quốc sẽ không đủ điều kiện để nhận tín dụng thuế, thì một công ty tư nhân có ít hơn 25% quyền sở hữu, cổ phiếu hoặc ghế hội đồng quản trị của Trung Quốc có khả năng đủ điều kiện theo hướng dẫn về thực thể nước ngoài đáng quan ngại. Điều đó tạo ra một con đường hẹp cho một số nhà sản xuất Trung Quốc hợp tác với các công ty Mỹ, nhưng các công ty Trung Quốc có thể lo ngại rằng những trở ngại mới có thể được tạo ra.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang lo ngại về xe điện Trung Quốc. Công ty BYD của Trung Quốc và các nhà sản xuất ô tô khác hiện đang sản xuất những chiếc xe điện hấp dẫn và có giá cả phải chăng hơn nhiều so với những chiếc xe do các công ty xe hơi Mỹ sản xuất. Trong khi xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 2% lượng xe nhập khẩu trong năm 2023, thì sự xuất hiện của xe điện Trung Quốc giá rẻ và công suất dư thừa trong nước ở thị trường nội địa Trung Quốc đặt ra rủi ro cho năng lực sản xuất của các quốc gia khác khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tìm cách tìm kiếm thị trường nước ngoài.

Vào tháng 5 năm 2024, Mỹ đã thông báo tăng thuế đối với một loạt sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm xe điện, pin mặt trời, pin xe điện, pin lithium-ion không dành cho xe điện, than chì tự nhiên, cũng như các sản phẩm khác. Các hành động này nhắm mục tiêu tới khoảng 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và diễn ra sau một loạt các tranh chấp thương mại trên diện rộng trước đó dưới thời chính quyền Trump.

Trái ngược với Mỹ, châu Âu đang đồng thời bảo vệ ngành công nghiệp xe điện của mình khỏi hàng nhập khẩu của Trung Quốc và khuyến khích đầu tư của Trung Quốc để tạo việc làm ở châu Âu và học hỏi từ các công ty Trung Quốc. Mặc dù có thể có những lo ngại hoặc câu hỏi chính đáng đối với các dự án cụ thể, nhưng Mỹ nên tránh phân loại bất kỳ sự tham gia nào của Trung Quốc vào lĩnh vực pin hoặc xe điện là không phù hợp với lợi ích của Mỹ. CATL có chuyên môn trong việc chế tạo pin lithium iron phosphate, còn Ford thì không. Do đó, một nguyên tắc cho sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án phải là liệu các nhà sản xuất Mỹ có thể thu được kiến thức quý giá hay không, giống như cách Trung Quốc sử dụng các quy tắc về hàm lượng nội địa với các công ty nước ngoài để có được chuyên môn.

Có thể có một số sự mềm mỏng trong việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẵn sàng cho phép đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Ví dụ, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ ủng hộ việc sản xuất ô tô Trung Quốc tại Mỹ. Bất kể kết quả của cuộc bầu cử năm 2024 là gì, Mỹ nên học hỏi từ Trung Quốc trong những năm 1990 khi nước này khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc để đổi lấy các quy tắc về hàm lượng nội địa và chuyển giao công nghệ mạnh mẽ. Mỹ cũng có thể học hỏi từ quá khứ của chính mình khi lo ngại về xuất khẩu ô tô của Nhật Bản trong những năm 1980. Chính quyền Reagan đã đàm phán một thỏa thuận hạn chế xuất khẩu tự nguyện đối với xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Mỹ, điều này đã thúc đẩy đầu tư của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vào Mỹ.

Chiến lược về công nghệ sạch đòi hỏi phải suy nghĩ sáng suốt về cách hỗ trợ và xây dựng năng lực trong nước ở Mỹ. Công nghệ sạch là một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng mà Mỹ đã tụt hậu so với Trung Quốc. Để trở lại cuộc chơi, Mỹ có thể cho phép các lĩnh vực thương mại và đầu tư cụ thể với Trung Quốc để cung cấp cho các công ty Mỹ khả năng học hỏi tốt hơn từ kinh nghiệm sản xuất gần đây của Trung Quốc – đồng thời củng cố chuỗi cung ứng trên toàn cầu và đảm bảo các khoản đầu tư gần đây vào sản xuất và chế biến trong nước đi đúng hướng.

Joshua Busby là giáo sư tại Trường Quan hệ Công chúng LBJ thuộc Đại học Texas–Austin. Từ năm 2021 đến năm 2023, ông giữ chức cố vấn cấp cao về khí hậu tại Bộ Quốc phòng Mỹ.

Morgan Bazilian là giáo sư tại Trường Mỏ Colorado. Trước đây ông là chuyên gia trưởng về năng lượng tại World Bank.

Emily Holland là phó cố vấn chính trị về cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển tại Bộ Tư lệnh Hàng hải Đồng minh NATO và là trợ lý giáo sư tại Đại học Hải Chiến Mỹ.