Nguồn: James Palmer, “China Can’t Boost Consumer Confidence,” Foreign Policy, 15/10/2024
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Chỉ các biện pháp kích thích kinh tế là chưa đủ nếu mức chi tiêu hộ gia đình vẫn không tăng.
Tiêu điểm tuần này: Trung Quốc công bố thêm các gói kích thích kinh tế mới nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc vực dậy niềm tin của người tiêu dùng; Vườn thú Quốc gia Washington chào đón cặp gấu trúc mới được Bắc Kinh “cho mượn”; Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan gây xôn xao trên mạng.
Bắc Kinh công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế
Các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế hồi cuối tuần qua, hứa hẹn – dù với những thông tin khá mơ hồ – rằng sẽ triển khai thêm nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các chính quyền địa phương đang chìm trong nợ nần và giúp họ mua lại đất đai cũng như tài sản từ các nhà phát triển dự án giữa bối cảnh khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc. Tin tức về các gói kích thích mới không có nhiều tác động giúp thúc đẩy thị trường, dù thông điệp chính thức cho rằng chính phủ trung ương đang rất tự tin và kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, một bài viết của báo Caixin được công bố rộng rãi với nội dung cho rằng Bắc Kinh có thể phát hành 6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 850 tỷ USD) trái phiếu trong ba năm tới đã thổi bùng niềm tin cho các nhà đầu tư. Thông tin này đủ để Goldman Sachs điều chỉnh tăng dự báo về mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay lên một chút – mặc dù ngân hàng đầu tư này vẫn dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.
Nhiều nhà đầu tư vẫn đang hy vọng vào các biện pháp kích thích có quy mô tương tự như những gì chính phủ Trung Quốc đã thực hiện từ năm 2008 đến 2009, trong đó chính phủ hứa hẹn một khoản đầu tư mỗi năm lên đến 586 tỉ USD, tương đương khoảng 7% GDP Trung Quốc. Ngày nay, khoản này sẽ tương đương 1,2 nghìn tỷ USD/ năm. Dù khả thi, nhưng sẽ rất khó để một người không ưa thích chính sách phúc lợi như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận sự cấp thiết của chính sách này.
Nhưng ngay cả khi gói kích thích trên có được áp dụng đi chăng nữa, chỉ mỗi các biện pháp kích thích kinh tế thôi vẫn là chưa đủ. Khi nhu cầu tín dụng đang sụt giảm, Trung Quốc cần tăng mức chi tiêu hộ gia đình nhiều hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.
Mặc dù tiêu dùng của Trung Quốc tăng khoảng 8% mỗi năm cho đến năm 2022, nhưng so với ngưỡng tiêu chuẩn toàn cầu thì vẫn còn thấp. Một số ước tính về mức tiêu dùng hộ gia đình Trung Quốc ngay cả khi cao hơn thực tế thì con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là mức 63% GDP. Hiện nay, mặc dù chính phủ đã kêu gọi chuyển đổi sang mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng, nhưng tăng trưởng hầu như vẫn không đáng kể.
Vào năm 2008, chỉ có các công ty nước ngoài ở Bắc Kinh mới cảm nhận rõ tác động tức thì của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nên họ nhanh chóng cắt giảm chi tiêu. Phần đông công chúng Trung Quốc hầu như không nhận thấy được điều này ở trong nước – và tại sao họ phải lo lắng? Tăng trưởng GPD của Trung Quốc năm đó là 9,6%, tuy giảm nhưng nếu so với GDP năm trước đó là 13%, mức đó vẫn tính là tăng trưởng mạnh. Các chuyên gia kinh tế làm việc cho chính phủ hết sức lo lắng – dẫn đến quyết định tung ra các gói kích thích quy mô lớn – nhưng công chúng thì không mấy bận tâm.
Thời điểm đó, Bắc Kinh chỉ cần giữ cho “bữa tiệc kinh tế” tiếp tục sôi động. Nhưng bây giờ “đã 3 giờ sáng, tiệc tan”, mọi người rút êm. Những con số về niềm tin tiêu dùng đang tiết lộ nhiều điều. Giống như nhiều cuộc thăm dò khác ở Trung Quốc, xu hướng của dữ liệu quan trọng hơn con số tuyệt đối, do tỷ lệ người tham gia không phản hồi và áp lực để đưa ra câu trả lời tích cực. Nhưng vào năm 2008, niềm tin tiêu dùng giảm 12 điểm. Đến tháng 4 năm 2022, khi lệnh phong tỏa COVID-19 ở Thượng Hải bắt đầu, niềm tin tiêu dùng giảm 45 điểm.
Niềm tin tiêu dùng vẫn ở quanh mức cũ kể từ đó đến nay. Điều này phản ánh sự kết hợp lạ lùng giữa cảm xúc chính trị và hiện thực vật chất (material reality) trong môi trường kinh tế Trung Quốc, và phản ánh lý do tại sao chính phủ có thể gặp khó khăn trong việc khôi phục niềm tin tiêu dùng, bất kể chính phủ có ném bao nhiêu tiền vào vấn đề này.
Vào đầu năm 2022, niềm tin tiêu dùng ở Trung Quốc đang ở mức cao mặc dù gặp nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra. Tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,2%, và khoản hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho các hộ gia đình thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây, nhưng người dân vẫn giữ niềm tin vào tương lai. Công chúng tin rằng, Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch trong khi phần còn lại của thế giới lại thất bại.
Các lệnh phong toả liên tục trong năm đó, cùng với việc từ bỏ chính sách zero-COVID và làn sóng tử vong kéo theo sau đã gây ra một sự vỡ mộng vẫn còn đọng lại cho đến giờ. Dù khó có thể hỏi trực tiếp người dân về niềm tin của họ vào ông Tập và sự lãnh đạo của Đảng, song có vẻ như niềm tin này đã giảm sút cùng với niềm tin tiêu dùng. (Một dấu hiệu cho thấy sự hoài nghi về một tương lai thịnh vượng là tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc đã giảm từ 1,5 con/phụ nữ vào năm 2019 xuống chỉ còn 1,0 con/phụ nữ vào năm 2023.
Chỉ tiền bạc thôi không giải quyết được vấn đề; có lẽ một sự thay đổi trong lãnh đạo chính trị mới đem lại giải pháp.
Chủ đề đang được quan tâm
Gấu trúc quay trở lại Washington. Sự dần hồi phục của quan hệ Mỹ – Trung về trạng thái “bán bình thường” đã đưa những chú gấu trúc quay trở lại Vườn thú Quốc gia ở Washington, D.C. vào hôm thứ Ba, sau khi một cặp gấu trúc đã rời đi vào năm ngoái. Tất cả gấu trúc khổng lồ ở các vườn thú nước ngoài về mặt lý thuyết đều do Trung Quốc cho mượn như một phần của các nỗ lực trong chiến lược ngoại giao lâu dài khởi đầu từ những năm 1950. Việc rút gấu trúc khỏi Washington, dù thoả thuận cho mượn đã được gia hạn hơn một thập kỷ, là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi đến mức nào.
Nhưng tờ New York Times cũng đưa ra một góc nhìn khác. Chương trình nhân giống gấu trúc của Trung Quốc có sử dụng những phương pháp mà nhiều sở thú trên thế giới coi là ngược đãi động vật; hơn nữa, những nỗ lực nhằm tái thả động vật về lại môi trường tự nhiên phần lớn là thất bại. Điều này thật trái ngược với những chương trình bảo tồn thành công các loài động vật biểu tượng quốc gia khác, chẳng hạn như sói xám hoặc đại bàng hói ở Mỹ, hoặc khỉ vàng sư tử Tamarin ở Brazil.
Đài Loan phản ứng trước các cuộc tập trận của Trung Quốc. Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan sau lễ kỷ niệm Quốc khánh Đài Loan vào ngày 10 tháng 10, như đã được dự đoán. Bình luận của Bắc Kinh về ngày này thường mang tính công kích, nhưng các cuộc diễn tập năm nay tương đối ngắn so với năm ngoái, dù số lượng máy bay được triển khai đạt kỷ lục.
Một đoạn tuyên truyền kỳ quặc mô tả lộ trình của các cuộc tập trận là như thể đang vẽ một hình trái tim quanh Đài Loan và tuyên bố đó là “dáng hình của yêu thương”, sau đó đã nhận về những phản hồi khinh bỉ từ người dân Đài Loan – người dân Đài Loan so sánh điều này với hành động của một kẻ quấy rối (stalker). Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc nhắm vào công chúng Đài Loan thường là sự kết hợp giữa vừa đe doạ vừa làm thân, mà phần lớn là không hiệu quả.
Công nghệ và Kinh doanh
Nạn tham nhũng rừng. Một tập đoàn chế biến gỗ quốc doanh lớn của Trung Quốc đang bị điều tra, bị cho là có liên quan đến hành vi tham nhũng tràn lan và đang trên bờ vực sụp đổ tài chính. Công ty TNHH Tập đoàn Lâm nghiệp Trung Quốc (China Forestry – CFCG), được thành lập vào năm 1984 thông qua việc sáp nhập chín công ty quản lý rừng nhà nước, đã bị một tập đoàn quốc doanh khác tiếp quản vào năm 2023 sau khi gánh khoản nợ lên tới 156 tỷ nhân dân tệ (21,9 tỷ USD). Cựu chủ tịch CFCG hiện đang đối mặt với các cáo buộc hối lộ.
Một công ty tư nhân có tên tương tự, China Forestry, đã bị cáo buộc gian lận tại Hồng Kông vào năm 2018. Kể từ năm 1949, Trung Quốc đã trải qua tình trạng phá rừng nghiêm trọng, vốn được Đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến khích như một phần của nỗ lực hiện đại hóa đất nước. Mặc dù gần đây đã có những nỗ lực trồng rừng trở lại, diện tích rừng của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm, với khoảng 7% diện tích cây che phủ bị mất kể từ năm 2000.
Các công ty khai thác gỗ của Trung Quốc cũng có dính líu đến thị trường chợ đen toàn cầu, và Trung Quốc hiện là thị trường khai thác gỗ trái phép lớn nhất thế giới, theo Cơ quan Điều tra Môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh. Thất thoát do nạn tham nhũng trong ngành gỗ toàn cầu ước tính lên đến khoảng 29 tỷ USD mỗi năm.
Trung Quốc công bố kế hoạch khoa học vũ trụ. Vào thứ Ba, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã công bố kế hoạch về một chương trình không gian đầy tham vọng, mục tiêu trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực khoa học vũ trụ. Đề xuất này, ban đầu được phác thảo trong một bài báo được công bố vào tháng 9, tập trung vào khoa học thực tiễn (practical science), ví dụ như các thí nghiệm sinh học trong không gian, cũng như tập trung vào việc giải câu hỏi hóc búa trong vật lý lý thuyết, là hai mảng mà Trung Quốc đang tìm cách trở thành quốc gia tiên phong.