Vì sao Campuchia rút khỏi tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam?

Nguồn: Văn Thiếu Khanh, 柬埔寨“退群”,想要摆脱越南的控制?, Huxiu, 09/10/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Việc Việt Nam coi Lào và Campuchia nằm trong “phạm vi ảnh hưởng” của mình vốn không phải điều gì bí mật. Dưới ảnh hưởng phức tạp của bối cảnh lịch sử, tình cảm dân tộc, môi trường trong và ngoài khu vực, tham vọng địa chính trị của Hà Nội lại một lần nữa gây sóng gió trên bán đảo Đông Dương trong thời gian gần đây.

Ngày 20/9, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã công bố quyết định về việc Campuchia sẽ rút khỏi khuôn khổ hợp tác “Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam” (CLV-DTA, sau đây gọi tắt là thỏa thuận Tam giác), đồng thời đã gửi thông báo chính thức tới Việt Nam và Lào.

Bên cạnh việc ca ngợi thỏa thuận này đã “đạt được nhiều thành tựu”, Hun Manet chỉ ra rằng, “những phần tử cực đoan” đang sử dụng thỏa thuận này như một thứ “vũ khí chính trị” chống lại Đảng Nhân dân Campuchia hiện đang cầm quyền, cũng như cho rằng nó có thể dẫn đến những thiệt hại về đất đai và chủ quyền của Campuchia. “Trước những lo ngại của công chúng về vấn đề lãnh thổ… chúng tôi quyết định rằng Campuchia sẽ ngừng tham gia hợp tác trong thỏa thuận Tam giác kể từ ngày 20/09/2024.” Ông nhấn mạnh thêm tầm quan trọng chính trị của việc tước bỏ vũ khí của những “phần tử cực đoan” này, nhằm tránh việc họ tiếp tục sử dụng thỏa thuận Tam giác để lừa gạt người dân Campuchia.

Trước đó, phe đối lập ở Campuchia từng chỉ trích rằng sự hợp tác này nhiều khả năng mang lại lợi ích không bình đẳng theo hướng có lợi cho Lào và Việt Nam, đồng thời lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia. Trong gần một tháng qua, một số người Campuchia sống ở nước ngoài đã nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối thỏa thuận hợp tác này. Thậm chí, một số người ủng hộ phe đối lập còn xúi giục biểu tình trong nước, với ý đồ bắt chước cuộc chính biến gần đây ở Bangladesh, nhằm lật đổ chính phủ hiện thời.

Vậy Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam chính xác là gì? Liệu nó có thực sự đề cập đến việc “nhượng lại lãnh thổ”? Nếu không, tại sao nó lại gây ra nhiều tranh cãi đến vậy? Đối với Việt Nam, Lào và Campuchia, thỏa thuận Tam giác nói riêng và sự hợp tác kinh tế ở tầng bậc rộng lớn hơn giữa ba nước nói chung có ý nghĩa như thế nào?

Cáo buộc “thông đồng với Việt Nam” suýt gây ra cách mạng màu

Khái niệm Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam bắt nguồn từ một cuộc hội nghị không chính thức được tổ chức tại Viêng Chăn vào ngày 20/10/1999. Những người tham gia lúc đó gồm Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam là Hun Sen, Sisavath Keobounphanh và Phan Văn Khải. Cùng năm đó, ba nước ký kết thỏa thuận Tam giác, nó chính thức có hiệu lực từ năm 2004. Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế và thương mại tại 10 tỉnh biên giới giữa ba nước (4 tỉnh ở Việt Nam, 3 tỉnh ở Campuchia và 3 tỉnh ở Lào), cho phép người dân các tỉnh này được tự do đi lại ở hai nước còn lại để tham gia các hoạt động giao thương và đầu tư. Có thể coi đây là một thỏa thuận thương mại tự do đặc biệt.

Kể từ ngày thiết lập, Campuchia, Lào và Việt Nam đều tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng mỗi năm một lần và hội nghị thượng đỉnh cấp thủ tướng hai năm một lần, nhằm thông qua việc cải thiện mạng lưới giao thông, thúc đẩy tăng trưởng thương mại, chống khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp và tội phạm xuyên biên giới, tăng cường hợp tác giữa ba nước, tăng cường ổn định và an ninh khu vực, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới.

Năm 2009, ba nước đồng ý thêm một tỉnh của mỗi nước vào thỏa thuận Tam giác, mở rộng phạm vi lên 13 tỉnh. Vào tháng 3/2018, tại cuộc hội nghị tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt Nam đã cùng phê duyệt Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030, trong đó có kế hoạch từng bước mở rộng phạm vi của thỏa thuận Tam giác và cuối cùng thực hiện sự nhất thể hóa kinh tế toàn bộ ở cả ba nước. Hội nghị này cũng là một khâu quan trọng của Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10. Trong cuộc gặp mặt vào tháng 9/2023, lãnh đạo ba nước đã nhắc lại rằng hội nhập kinh tế sẽ tiếp tục là nghị đề ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc phòng, an ninh và các mối liên hệ xã hội.

Tính đến thời điểm này, Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được coi là một trường hợp thành công về hợp tác kinh tế khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên vào tháng 7 năm nay, cũng là kỷ niệm 25 năm ký kết thỏa thuận hợp tác Tam giác, nó bất ngờ bị gắn mác là “thỏa thuận bán nước”.

Vào đầu tháng 7, những cuộc thảo luận về thỏa thuận Tam giác nhanh chóng nóng lên trên mạng xã hội Campuchia. Một số người gọi đây là dự án “do Việt Nam đề xuất” và bày tỏ nỗi lo ngại rằng nó có thể dẫn đến việc “đánh mất lãnh thổ”. Thậm chí còn có người ám chỉ rằng, 4 tỉnh miền Đông Campuchia nằm trong thỏa thuận Tam giác có thể sẽ bị “nhượng cho Việt Nam”. Mặc dù người phát ngôn của chính phủ đã nhanh chóng bác bỏ những tuyên bố này, nhưng vẫn không thể ngăn được sự lan truyền trong dư luận.

Ngày 23/7, Hun Sen đích thân tuyên bố trên Facebook rằng đã bắt giữ 3 người vì tội phát tán thông tin sai lệch về thỏa thuận Tam giác. Động thái này đã gây ra làn sóng phản đối trên quy mô lớn ở cả trực tuyến và ngoại tuyến. Vào ngày 11/8, hàng nghìn người Campuchia đã phát động các buổi tụ tập phản đối thỏa thuận Tam giác tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc và Mỹ. Ở Campuchia, phe đối lập cũng tập hợp trên các nền tảng xã hội như Telegram và lên kế hoạch tổ chức một “cuộc biểu tình lớn” trước Cung điện Hoàng gia vào ngày 18/8.

Khẩu hiệu của họ cũng là sách lược đã được phe đối lập ở Campuchia thử nghiệm trong nhiều năm qua – “thông đồng với Việt Nam”. Trong một thông cáo đưa ra vào ngày 13/8, Phong trào Dân chủ Khmer có trụ sở tại Mỹ tuyên bố, thỏa thuận Tam giác có thể “che đậy nạn phá rừng bất hợp pháp, trục xuất cư dân địa phương và phát triển tài nguyên cho lợi ích nước ngoài.” Tổ chức này cũng bày tỏ lo ngại về việc “người Việt nhập cư bất hợp pháp vào 4 tỉnh của Campuchia”, điều mà họ tin rằng có thể dẫn đến việc các khu vực này trở thành “vùng phụ thuộc nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam”. Từ lâu, phe đối lập đã cáo buộc chính phủ Hun Sen “bán đứng lợi ích quốc gia” và giờ đây cáo buộc tương tự bắt đầu nhắm vào Hun Manet.

Trước kịch bản “cách mạng màu” điển hình này, chính phủ Campuchia đã thực hiện các biện pháp cứng rắn và bắt giữ gần một trăm người, trong đó có các quan chức của Đảng Ánh nến đối lập, thành viên của tổ chức xã hội “Hiệp hội liên minh trí tuệ sinh viên Khmer”, bao gồm cả trẻ vị thành niên, thậm chí có cả một công chức. Vào đầu tháng 9, Hun Manet chỉ ra rằng, những người này đã gây hiểu nhầm cho một bộ phận công dân bằng cách truyền bá “những lời dối trá vô tận”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia cũng thẳng thắn bày bỏ quan điểm của mình: “Một nhóm nhỏ đang sử dụng thông tin giả với ý đồ gây bất ổn cho đất nước và lật đổ chính phủ hợp pháp.”

Tuy nhiên, những người này đã chạm đến những dây thần kinh nhạy cảm và cảm xúc nhất của người dân Campuchia. Những lo ngại về Việt Nam, đặc biệt là nỗi sợ về khả năng Việt Nam xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia và ảnh hưởng của việc người Việt Nam nhập cư không hạn chế vào các khu vực biên giới, đã ăn sâu vào tâm lý của người dân kể từ khi chủ nghĩa dân tộc Campuchia trỗi dậy vào nửa đầu thế kỷ 20.

Năm 1979, sự can thiệp quân sự và hỗ trợ của Việt Nam cho việc Đảng Nhân dân Campuchia lên nắm quyền, tuy thúc đẩy mối quan hệ mật thiết giữa hai nước, nhưng cũng làm trầm trọng thêm mối bất an sâu sắc này. Bất kỳ ý kiến ​​nào ám chỉ rằng “Campuchia đang đánh mất lãnh thổ hoặc chủ quyền” đều có thể nhanh chóng gây ra phản ứng chính trị trên quy mô lớn. Niềm tự hào dân tộc dấy lên từ dự án kênh đào Phù Nam Techo, có lẽ ở một mức độ nào đó cũng đã góp phần khiến nỗi lo lắng này trỗi dậy.

“Nếu bất kỳ nhóm nào có ý đồ lợi dụng tình hình hiện tại và lợi dụng tình cảm dân tộc chủ nghĩa sâu sắc của người dân Campuchia để phát động bất kỳ hình thức phản đối hoặc biểu tình nào xung quanh vấn đề thỏa thuận Tam giác, qua đó tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội Campuchia, điều này sẽ gây ra mối đe dọa cực kỳ lớn cho Campuchia.” Chủ tịch Viện Dân chủ Campuchia Pa Chanroeun cảnh báo.

Chính vì nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng này, chính phủ Campuchia đã đưa ra một nhượng bộ hiếm hoi và bất ngờ đối với những người chỉ trích. Chhengpoor Aun, nhà nghiên cứu tại Future Forum Cambodia, phân tích: “Theo quan điểm của giới lãnh đạo Campuchia, những rủi ro chính trị trong nước mà thỏa thuận Tam giác gây ra có thể vượt quá lợi ích kinh tế và ngoại giao xuyên quốc gia mà nó hứa hẹn mang lại.”

Việt Nam là nước dẫn dắt trong thực tế

Khách quan mà nói, Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam quả thực đã mang lại lợi ích kinh tế và ngoại giao đáng kể cho Campuchia, điều này được thể hiện rõ qua sự ủng hộ vững chắc của chính phủ Campuchia nói chung, cũng như của Hun Sen và Hun Manet nói riêng đối với dự án. Suy cho cùng, Hun Sen chính là một trong những người đã khởi xướng thỏa thuận này.

“Mối quan tâm chính của thỏa thuận Tam giác là thúc đẩy quan hệ kinh tế và các hoạt động thương mại. Nó sẽ biến những khu vực biệt lập, xa xôi thành những vùng thịnh vượng với cơ sở hạ tầng tốt và sự chung sống hài hòa của cộng đồng.” Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Cham Nimol đã phát biểu như vậy vào tháng 8 năm nay.

Kể từ khi thỏa thuận Tam giác được thiết lập, Campuchia, Lào và Việt Nam đều đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Campuchia duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức khoảng 7%, Việt Nam đã vươn lên từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nền kinh tế giàu có nhất khu vực. Lào thì được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Mặc dù lý do tăng trưởng ở mỗi nước là khác nhau nhưng thỏa thuận Tam giác chắc chắn đã phát huy một vai trò nào đó.

Thông qua khuôn khổ này, Việt Nam đã đầu tư 113 dự án tại các tỉnh biên giới của Lào và Campuchia với tổng giá trị khoảng 3,6 tỷ USD (trong đó có 65 dự án tại Lào và 48 dự án tại Campuchia). Việt Nam cũng hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ, Việt Nam đã cung cấp khoản vay ưu đãi trị giá 26 triệu USD cho Campuchia để xây dựng tuyến đường dài 70 km nối Banlung với Ou Ya Dav. Bản thân Việt Nam cũng được hưởng lợi rất nhiều từ thỏa thuận Tam giác: Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, 5 tỉnh của Việt Nam thuộc thỏa thuận Tam giác đã thu hút 233 dự án từ các nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia và khu vực, với tổng vốn đăng ký là 2,3 tỷ USD.

Chắc chắn rằng, thỏa thuận Tam giác còn đảm nhận các chức năng địa chính trị quan trọng, đặc biệt là đối với Việt Nam. Với vị thế chính trị và nền kinh tế tương đối phát triển, Việt Nam đã trở thành nước dẫn dắt trên thực tế trong Tam giác. Lập luận cho rằng “thỏa thuận này mang lại lợi ích không bình đẳng theo hướng có lợi cho Việt Nam” mà phe phản đối ở Campuchia đưa ra có lẽ có phần đúng, bởi các nhà nghiên cứu độc lập từ lâu đã chỉ ra rằng, phần lớn lợi ích mà thỏa thuận mang lại đều chảy về phía Việt Nam.

Song song với đó, Hà Nội đang sử dụng thỏa thuận này để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực. Nếu thực hiện theo kế hoạch năm 2018, thỏa thuận Tam giác cuối cùng sẽ mở rộng từ 13 tỉnh hiện tại ra toàn bộ lãnh thổ 3 nước, điều này chắc chắn sẽ củng cố hơn nữa vị thế của Việt Nam trong khu vực. Điều này cũng giải thích lý do vì sao Việt Nam tỏ ra kinh ngạc và bất an đến vậy khi nhận tin Campuchia “rời nhóm”.

Vì sao Campuchia và Lào quan trọng đối với Việt Nam

Xét về vị trí địa lý và lịch sử chung của ba nước, Việt Nam luôn coi Campuchia và Lào là một phần quan trọng trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ 21, khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở hạ lưu sông Mê Kông liên tục gia tăng, vị thế này đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn, các khoản vay ưu đãi và hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc, Bắc Kinh đã vượt qua Hà Nội để trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại chính ở Lào và Campuchia. Điều này không chỉ làm suy yếu vị thế kinh tế và ảnh hưởng của Hà Nội đối với giới hoạch định chính sách ở Phnom Penh và Viêng Chăn, mà còn dẫn đến những lo ngại nghiêm trọng về an ninh cho Việt Nam, đồng thời tác động tiêu cực đến chương trình nghị sự khu vực của nước này, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Việt Nam không chỉ coi Lào và Campuchia là các nước láng giềng mà còn là các “nước anh em”. Hai nước này chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và được định vị là “đối tác đặc biệt”. Năm 1979, quân đội Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc lật đổ chế độ Khmer Đỏ, mở đường cho Hun Sen lên nắm quyền và chấp chính lâu dài; Lào là đồng minh quân sự duy nhất của Việt Nam thời hậu Chiến tranh Lạnh, lực lượng an ninh của Việt Nam đã hỗ trợ chính phủ Lào trong các sự kiện như cuộc bạo loạn ở Viêng Chăn năm 2000, cuộc nổi dậy ở tỉnh Houaphanh năm 2003 và tình trạng hỗn loạn ở tỉnh Bokeo năm 2007.

Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử chỉ là một mặt của vấn đề. Hà Nội hiểu rõ rằng, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Lào và Campuchia có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế của nước mình. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào ở hai nước này đều có thể trực tiếp gây tác động tiêu cực đến Việt Nam và ngược lại.

Từ góc độ địa chính trị, điều này rất trực quan: vì Lào và Campuchia chiếm khoảng 2/3 đường biên giới đất liền của Việt Nam nên Việt Nam đương nhiên muốn đảm bảo thái độ “hữu nghị” với các nước láng giềng. Nhu cầu này cũng nhất quán với nỗi lo của Việt Nam đối với người láng giềng phương Bắc.

Mối quan ngại của Việt Nam không chỉ giới hạn ở lĩnh vực an ninh: Lào và Campuchia không chỉ là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam giao lưu với các nước Đông Nam Á lục địa như Thái Lan và Myanmar, mà còn là tiền tuyến để Việt Nam phòng chống cái gọi là “bẫy đòn bẩy cơ sở hạ tầng”. Hà Nội lo ngại rằng một khi các dự án kết nối do Trung Quốc hậu thuẫn được triển khai đầy đủ, Việt Nam sẽ thấy mình bị gạt ra ngoài lề trong chuỗi cung ứng sản xuất sơ cấp và mạng lưới thương mại khu vực.

Lào và Campuchia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người Việt Nam đã phải đổ máu và hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập của hai quốc gia này. Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam phát hành năm 2019, Quân đội Nhân dân Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh sự ủng hộ của nước này đối với Lào và Campuchia, đồng thời dẫn lời cố lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là giúp chính mình.” Ngoài ra, Việt Nam và Lào còn có chung lợi ích trong việc kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Lào và Campuchia có thể thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Việt Nam đều sẽ thu hút sự chú ý cao độ của công chúng và giới học thuật, đồng thời làm tổn hại đến tính chính danh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong thập kỷ qua, vai trò của Việt Nam trong các vấn đề kinh tế và chính trị của Lào và Campuchia đã trải qua nhiều thử thách. Một mặt, Trung Quốc đã thay thế Việt Nam trở thành đối tác kinh tế lớn nhất ở Lào và Campuchia. Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia và tình hình cũng tương tự ở Lào. Lợi thế kinh tế này nghiễm nhiên chuyển thành ảnh hưởng chính trị, khiến các đồng minh truyền thống này của Việt Nam giữ khoảng cách nhất định với Hà Nội, điều này thể hiện đặc biệt rõ ràng ở việc họ không sẵn lòng can dự vào các tranh chấp ở Biển Đông. Ví dụ năm 2012, lần đầu tiên trong 45 năm, Campuchia đã ngăn ASEAN ban hành thông cáo chung vì nước này không sẵn lòng đề cập đến tranh chấp Biển Đông trong văn kiện. Tương tự, khi Lào làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016, lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông đã ôn hòa hơn đáng kể.

Mặt khác, Việt Nam cũng gặp phải những thách thức đáng kể trong quan hệ song phương với Lào và Campuchia. Những vấn đề này thường xuất phát từ những gì lịch sử để lại và sự cạnh tranh lợi ích kinh tế.

Về phía Campuchia, các tranh chấp bao gồm quyền công dân của người dân tộc thiểu số, vấn đề phân định biên giới chưa được giải quyết và căn cứ hải quân Ream gần Việt Nam. Ngoài ra, việc cá nhân Hun Sen đôi khi bộc lộ tâm lý chống Việt Nam cũng làm gia tăng cục diện căng thẳng giữa hai nước.

Về phía Lào, Việt Nam chủ yếu lo ngại về kế hoạch phát triển thủy điện ở Viêng Chăn và cho rằng điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái ở lưu vực sông Mê Kông và đồng bằng sông Cửu Long. Điều đáng chú ý là trong số 60 con đập lớn mà Lào xây dựng trên các nhánh sông Mê Kông và 2 con đập trên dòng chính, thì có đến một nửa là nhận được nguồn tài trợ trực tiếp từ Trung Quốc.

Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối chậm và điều này đã hạn chế khả năng của nước này trong việc thực hiện cam kết về cơ sở hạ tầng với các nước láng giềng. Để so sánh, Trung Quốc đã hoàn thành dự án đường sắt Trung Quốc-Lào chỉ trong 3 năm, trong khi dự án đường sắt nối Viêng Chăn với cảng Vũng Áng mà Việt Nam hứa hẹn vẫn chưa khởi công xây dựng. Ngoài ra cho đến nay, thỏa thuận xây dựng đường cao tốc TP.HCM-Phnom Penh mà hai bên đạt được vào năm 2017 mới chỉ đạt được tiến triển đáng kể từ phía Campuchia, bởi Việt Nam vẫn đang nỗ lực huy động 700 triệu USD vốn cần thiết để xây dựng đoạn đường mà mình phụ trách.

Việt Nam hy vọng tạo dựng “liên minh ba bên”

Giới lãnh đạo Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế trong việc định hình mối quan hệ giữa ba nước. Dù thua kém Trung Quốc về nguồn lực kinh tế và tài chính nhưng Hà Nội đã khéo léo tận dụng lợi thế gần gũi về mặt địa lý để tăng cường quan hệ kinh tế với Lào và Campuchia.

Thứ nhất, tuy Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn (như đường sắt Trung Quốc-Lào), nhưng Việt Nam có thể thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia lục địa như Lào trên phương diện vận tải đường bộ và đường biển. Do dự án đường sắt Viêng Chăn-Vũng Áng bị chậm tiến độ nhiều năm, một số cảng biển lớn ở miền Trung Việt Nam như Vũng Áng, Cửa Lò, Chu Lai, Đà Nẵng đã trở thành cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa quan trọng của Lào. Việt Nam cũng có thể giúp Campuchia đa dạng hóa thương mại và đầu tư bằng cách tận dụng mạng lưới đường bộ rộng khắp của mình. Trên thực tế, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối một số ngành công nghiệp của Campuchia với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, dù Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong thương mại và đầu tư do nhà nước chủ đạo, nhưng Việt Nam được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế sâu sắc và phức tạp với Lào và Campuchia, đặc biệt là giữa các thực thể ngoài quốc doanh. Điều đáng chú ý là Việt Nam có 10 cửa khẩu quốc tế với Lào, 11 cửa khẩu với Campuchia và chỉ có 5 cửa khẩu với Trung Quốc, dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Điều này phản ánh tần suất thường xuyên của các hoạt động kinh tế xuyên biên giới giữa ba quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông cũng như quyết tâm của Hà Nội trong việc nhất thể hóa ba nền kinh tế.

Tại một số khu vực biên giới trọng điểm, Việt Nam đã thiết lập hoặc đang xây dựng các đặc khu kinh tế nhằm tăng cường quan hệ kinh tế theo kế hoạch do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra vào năm 2010. Lào và Campuchia lần lượt là các nước nhận đầu tư trực tiếp ra nước ngoài nhiều thứ nhất và thứ hai của Việt Nam. Quan hệ song phương Campuchia-Việt Nam và Lào-Việt Nam không chỉ có sự thúc đẩy ở cấp cao mà còn có sự tham gia tích cực của cấp cơ sở. Trung Quốc khó có thể sao chép mối quan hệ sâu sắc này trong thời gian ngắn.

Ở tầng bậc chính trị, Việt Nam đã tăng cường đáng kể quan hệ song phương và ba bên với Lào và Campuchia qua 4 kênh chính: liên đảng, liên chính phủ, liên nghị viện và liên nhân dân. Mặc dù các kênh này đã tồn tại từ lâu, nhưng kể từ đầu những năm 2010, các hoạt động chính trị mới có sự phục hồi rõ rệt. Ba nước duy trì trao đổi thường xuyên và chặt chẽ ở mọi cấp độ. Họ không sử dụng mô hình tương tác này với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc.

Trong các cuộc đàm phán song phương và ba bên, giới quan chức Việt Nam thường nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhất thể hóa khu vực, ẩn ý đằng sau điều này là nhằm giảm bớt mức độ phụ thuộc của ba nước vào Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam gửi gắm nhiều kỳ vọng vào Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA). Năm 2018, chính Việt Nam đã đề xuất ý tưởng mở rộng thỏa thuận từ 13 tỉnh ban đầu ra toàn bộ lãnh thổ ba nước và từng bước mở rộng từ nhất thể hóa kinh tế sang các lĩnh vực khác như an ninh, ngoại giao, xã hội, môi trường…

Rõ ràng, mục tiêu chiến lược của Việt Nam là từng bước nâng Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA) thành nhóm ba bên Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), ngay cả khi nó tồn tại dưới hình thức không chính thức. Với khuôn khổ hợp tác hiện có, tần suất tổ chức các hội nghị cấp cao và các cam kết chung, nhóm này có thể được coi là một mạng lưới liên minh mềm, có phần giống với “Liên bang Đông Dương” phiên bản Việt Nam ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đối với hai nước còn lại, đặc biệt là với Campuchia, việc nhắc đến “Liên bang Đông Dương” sẽ chỉ gợi lên những ký ức lịch sử đen tối, đau thương và tủi nhục. Trong cuốn Lịch sử Campuchia, David Chandler mô tả rằng bắt đầu từ năm 1833, giữa Việt Nam và Xiêm La đã nổ ra cuộc chiến kéo dài 14 năm để giành quyền kiểm soát Campuchia. Đây được coi là “thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Campuchia trước khi Khmer Đỏ trỗi dậy”. Người Campuchia bị những kẻ chinh phạt Việt Nam chôn sống, chỉ để lộ phần đầu, sau đó người Việt đun trà trên đầu họ. Đến nay, cảnh tượng này vẫn in sâu trong ký ức tập thể của người dân Campuchia. Trong thời Pháp thuộc, phần lớn nguồn lực dùng để “văn minh hóa” đều được phân bổ cho Việt Nam, trong khi Campuchia buộc phải nhượng tỉnh Kampuchea Krom cho nước láng giềng phía Đông.

Những vết sẹo lịch sử này vẫn còn sống động. “Do sự cai trị của thực dân Pháp, chúng ta đã để mất miền Nam Khmer, điều này không phải do vị vua Khmer nào đó đã nhượng lại mà bởi lúc đó chúng ta đang nằm dưới sự kiểm soát của họ”, Hun Sen chỉ ra trong bài phát biểu ngày 12/8. “Chúng tôi sẽ không tiến hành phát triển chung vì chính phủ không có quyền trao đất đai Khmer cho bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng tôi không có ý định sáp nhập một số khu vực của Campuchia, Lào và Việt Nam thành một thực thể để thành lập một khu tự trị.” Những lời này thể hiện rõ sự nhạy cảm của Campuchia đối với vết thương lịch sử và thái độ của nước này đối với sự hợp tác trong tương lai.

Quan hệ Campuchia-Việt Nam đang trở lại mức bình thường lịch sử

Việc Campuchia rút khỏi thỏa thuận Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam không chỉ là biện pháp tạm thời nhằm xoa dịu tình hình trong nước, mà còn dựa trên những cân nhắc sâu sắc về mặt lịch sử và chiến lược. Thông qua động thái này, Campuchia có thể kiên định hơn trong việc theo đuổi sự độc lập và quyền tự quyết lớn hơn trong mối quan hệ với Việt Nam, giống như quyết tâm mà nước này đã thể hiện trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo.

Quan hệ Campuchia-Việt Nam hiện đang trải qua những chuyển biến lớn và có thể sẽ trở lại mức bình thường lịch sử, bởi vị thế của Trung Quốc ở Campuchia đã vượt qua Việt Nam. Trên thực tế, mối quan hệ hữu nghị hiện nay giữa Campuchia và Việt Nam là tương đối hiếm thấy trong lịch sử lâu đời của hai nước. Mối quan hệ này được hình thành vào những năm 1980, khi Trung Quốc ở thế đối đầu với Liên Xô – nước ủng hộ chính cho Việt Nam và nước phụ thuộc của nó là Campuchia.

Hơn 40 năm sau, cục diện địa chính trị ngày nay đã sớm đổi thay: Trung Quốc hiện đã trở thành thế lực có tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị chủ chốt ở Campuchia. Điều này tạo điều kiện để Phnom Penh duy trì khoảng cách nhất định với Việt Nam, giúp nước này thoát khỏi hình ảnh tiêu cực “nhảy theo vũ điệu của Hà Nội” vốn tồn tại lâu nay. Đồng thời, khi các thế hệ quan chức lớn tuổi nghỉ hưu, nhiều mối liên hệ cá nhân duy trì quan hệ Việt Nam-Campuchia cũng dần suy yếu.

Tất nhiên, ít nhất là trong ngắn hạn, quan hệ Việt Nam-Campuchia sẽ không xấu đi nghiêm trọng; giữa hai bên vẫn có đủ lợi ích chung để duy trì sự ổn định cơ bản của quan hệ hai nước. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng “mối quan hệ đặc biệt” giữa Hà Nội và Phnom Penh không còn là một sự tồn tại hiển nhiên. Động thái “rời nhóm” của Campuchia giống như một hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy giấc mơ thiết lập “nhóm ba bên” của Hà Nội có lẽ sẽ chỉ là một viễn cảnh đẹp đẽ.