Nguồn: Shiu Sin-por (Thiệu Thiện Ba), 邵善波:谁当选美国总统对中国都一样?咱们还是不能大意, Guancha, 31/10/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thu hút sự chú ý của toàn cầu sẽ diễn ra vào thứ Ba tuần sau, ngày 5/11. Việc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở một số bang và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cử tri trên khắp nước Mỹ, với số người đi bỏ phiếu sớm lên đến hàng chục triệu người.
Cuộc cạnh tranh giữa hai ứng cử viên đang diễn ra vô cùng khốc liệt, phần lớn cử tri đều đã có quyết định của riêng mình vào giai đoạn cuối cùng này. Do vậy, cả hai bên đều đang tập trung khích lệ người ủng hộ đi bỏ phiếu, đồng thời dùng những nỗ lực cuối cùng để giành được sự ủng hộ của cử tri trung lập ở một số bang dao động. Kết quả bỏ phiếu ở 7 bang dao động này sẽ quyết định Trump hay Harris sẽ là người chiến thắng.
Nhìn chung, các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy mức độ ủng hộ giữa hai bên là rất sít sao. Uớc tính cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này sẽ rất cao. Mắt xích mang tính quyết định có khả năng sẽ nằm ở sự chênh lệch vài chục nghìn, thậm chí vài nghìn phiếu bầu của một bang.
Các học giả và giới nghiên cứu think tank Trung Quốc có những ý kiến rất khác nhau về việc ai sẽ giành chiến thắng. Nhưng có một quan điểm vô cùng phổ biến cho rằng, kết quả của cuộc bầu cử này, tức là dù Trump hay Harris đắc cử, đều sẽ không có sự khác biệt lớn về tác động đối với Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát nước ngoài cũng có quan điểm tương tự.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quan điểm này có chút sai lệch và về cơ bản là không chính xác. Nhận định như vậy có thể đúng ở một mức độ nào đó, nhưng trong một số vấn đề và phạm trù cụ thể, những kết quả khác nhau của cuộc bầu cử sẽ dẫn đến những hậu quả rất khác nhau, và những khác biệt này rất quan trọng đối với Trung Quốc. Ở đây, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích và đánh giá ở một số cấp độ và phạm trù khác nhau về những tác động mà kết quả của cuộc bầu cử sẽ mang lại cho Trung Quốc.
Giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, giữa Trump và Harris tồn tại những khác biệt trong cách họ nhìn nhận Trung Quốc, nhưng điểm chung giữa họ vẫn là khía cạnh chủ yếu. Cả hai bên có điểm chung là đều coi Trung Quốc là đối thủ số một, cần cố gắng hết sức để kiềm chế và làm chậm sự phát triển của Trung Quốc và không để Trung Quốc vượt qua Mỹ. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, giới lãnh đạo Mỹ phải nỗ lực kìm hãm đà phát triển của Trung Quốc trong khoảng 10 năm tới, đồng thời tận dụng khoảng thời gian này để củng cố sức mạnh của chính mình.
Điều này đã trở thành quan điểm tương đối nhất quán trong giới tinh anh và không ít người dân Mỹ. Vì vậy, dù ai được bầu làm tổng thống Mỹ thì Trung Quốc cũng sẽ không có những ngày tháng dễ dàng, đây là một quan điểm phổ biến. Tuy nhiên, giữa hai ứng cử viên tồn tại một số khác biệt đối với sự đồng thuận cơ bản này, bởi họ có quan điểm khác nhau về tình hình và vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế, khác biệt về cách thức và thái độ xử lý giữa họ thậm chí còn lớn hơn nữa.
Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hai bên là nếu Harris đắc cử, bà nhìn chung sẽ tiếp tục chiến lược Trung Quốc của chính quyền Biden, khả năng thay đổi là rất nhỏ. Ngay cả khi có sự điều chỉnh thì mức độ cũng sẽ hạn chế, cục diện và tình hình quan hệ Trung-Mỹ sẽ tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, nếu Trump đắc cử, dù phương hướng và mục tiêu của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi nhưng những chuyển biến về phương tiện và cường độ chính sách sẽ lớn hơn và khó dự đoán hơn.
Cả hai đảng đều coi Trung Quốc là địch thủ số một của mình. Tuy nhiên, ở bề ngoài, Đảng Dân chủ được thúc đẩy bởi hệ tư tưởng nhiều hơn, họ cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thách thức các giá trị của Mỹ và phương Tây, đồng thời làm lung lay sự lãnh đạo của Mỹ và trật tự quốc tế do Mỹ và phương Tây thiết lập. Do đó, họ cho rằng bản chất của cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu là sự cạnh tranh giữa hai chế độ, mô hình và giá trị quan.
Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, Biden đã xây dựng một loạt chiến lược dựa trên lối tư duy này, cũng như tập hợp các đồng minh của Mỹ dựa trên cơ sở này để ngăn Trung Quốc phát triển hơn nữa trong các lĩnh vực công nghệ cao, quân sự và liên kết kinh tế then chốt. Nếu đắc cử, Harris nhìn chung sẽ tiếp tục tiến lên theo hướng này.
Về phía Đảng Cộng hòa, chủ yếu đề cập đến Trump, thì dựa nhiều hơn vào lợi ích thực tế và cho rằng Trung Quốc đạt được sự phát triển bằng cách làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của Mỹ (cái gọi là “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ và các phương thức thương mại “không công bằng”) và về lâu dài sẽ làm lung lay vị thế lãnh đạo của Mỹ, vậy nên cần kiềm chế thế lực này và bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Nếu đắc cử, Trump sẽ tập trung vào các biện pháp tương đối thiết thực như kinh tế, thương mại và thuế quan, với mục tiêu là đưa một số ngành có tác động quan trọng đến tăng trưởng kinh tế, việc làm và thuế quan trở lại nước Mỹ. Trump đã thực hiện cách tiếp cận này trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của mình và chủ trương mà ông thúc đẩy trong cuộc bầu cử lần này về cơ bản cũng tương tự như vậy.
Mặc dù cả Trump và Harris đều coi Trung Quốc là kẻ địch số một, nhưng do hai bên có quan điểm và nguyên tắc làm việc khác nhau, nên đối với Trung Quốc, việc đối phó với Harris có lẽ sẽ dễ hơn so với Trump. Ở một góc độ khác, đối với Trung Quốc, khả năng tìm kiếm sự thỏa hiệp nơi Harris tương đối nhỏ, trong khi việc mặc cả ngã giá với Trump có khả năng lớn hơn, bởi Trump tự cho rằng bản thân là một doanh nhân rất thông minh và giỏi mua bán, chuyện gì cũng có thể thương lượng được. Nói cách khác, đối phó với Harris có lẽ sẽ khó khăn hơn đối phó với Trump. Đây là nhận định cơ bản của chúng tôi. Tất nhiên, chúng ta không nên bỏ qua tính cách hay thay đổi, nhẹ tính nguyên tắc và có xu hướng cực đoan của Trump. Rất khó dự đoán Trump sẽ tung ra những biện pháp cụ thể nào để kiềm chế Trung Quốc.
Nếu Trump đắc cử, yếu tố có lợi hơn cho Trung Quốc sẽ là những thay đổi có thể xảy ra trong cách thức xử lý quan hệ quốc tế của Mỹ. Những khẩu hiệu tranh cử của Trump như “Nước Mỹ trên hết” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” không có nhiều ý nghĩa khi hiểu theo nghĩa đen, xét cho cùng thì bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng sẽ đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu và lên trên mọi cân nhắc khác. Nhưng trên thực tế, ý nghĩa thực sự của những khẩu hiệu này là về sự thu hẹp và chủ nghĩa biệt lập. Điều Trump thực sự muốn làm là thu hẹp và giảm bớt gánh nặng cùng trách nhiệm toàn cầu của Mỹ, đồng thời dồn sự tập trung và trọng điểm chính sách vào nội bộ nước Mỹ.
Đồng thời, Trump cho rằng việc Mỹ can dự vào nhiều khu vực khác nhau trên thế giới là một món kinh doanh thua lỗ, Mỹ bị người ta lôi kéo, lợi dụng và đó là gánh nặng đối với nước này. Ông cho rằng quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh là không công bằng và làm tổn hại đến sự phát triển của chính nước Mỹ.
Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa Trump và Harris trong quan hệ quốc tế, dù có không ít người trong Đảng Cộng hòa không có chung quan điểm với Trump. Trên thực tế, Trump đã thừa nhận rằng sức mạnh quốc gia hiện tại của Mỹ còn hạn chế và đã cố gắng thu hẹp trách nhiệm toàn cầu và giảm bớt gánh nặng của Mỹ, đồng thời yêu cầu các đồng minh như NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường đầu tư quốc phòng và mang lại nhiều lợi ích hơn cho Mỹ để bù đắp những gì Mỹ đã bỏ ra.
Tuy nhiên, làm vậy sẽ gia tăng xung đột và khác biệt, đồng thời làm suy yếu sự đoàn kết và hợp tác giữa Mỹ và các nước đồng minh. EU đã thành lập một ủy ban đặc biệt để ứng phó với những thay đổi lớn có thể xảy ra này. Những nỗ lực của Biden trong việc lôi kéo các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc cũng sẽ vì thế mà thất bại, điều này sẽ giúp Trung Quốc có thêm cơ hội để cải thiện quan hệ với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việc Trump đắc cử sẽ gây ảnh hưởng tới các đồng minh và đối tác, trước hết là châu Âu, sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Điều đứng trước đầu sóng ngọn gió là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Trump đã nói rõ trong chiến dịch tranh cử rằng nếu đắc cử, ông sẽ kết thúc cuộc chiến càng sớm càng tốt. Với tư cách là nước ủng hộ lớn nhất cho cuộc chiến này, Mỹ hoàn toàn có khả năng đình chỉ nó. Động thái này sẽ tạo ra đả kích rất lớn đến Tây Âu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.
Đối với khu vực Trung Đông, do ảnh hưởng của các thế lực Do Thái ở Mỹ nên chính sách của Trump đối với Israel sẽ không có nhiều thay đổi. Dù Trump hay Harris đắc cử, đây sẽ là điểm khác biệt lớn nhất và quan trọng nhất trong sự tác động đến Trung Quốc. Bởi nếu mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh nói trên xấu đi, các nước này sẽ cần phải đánh giá lại mối quan hệ của mình với Mỹ cũng như vị thế của chính họ trong quan hệ quốc tế. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để Trung Quốc giải quyết và làm dịu nhiều vấn đề giữa mình với các nước này.
Nếu Trump đắc cử, cộng thêm mối quan hệ cá nhân với Putin mà ông từng khoe, quan hệ giữa Mỹ, Nga và Triều Tiên cũng sẽ thay đổi và hướng tới sự hòa hảo, thậm chí là chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn. Có thể sẽ xuất hiện những cải thiện mang tính căn bản trong quan hệ Mỹ – Nga. Còn nếu Harris đắc cử thì tình huống này tuyệt đối sẽ không thể xảy ra.
Một số người ở Mỹ, chẳng hạn như giáo sư Mearsheimer của Đại học Chicago, cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, Mỹ nên hợp lực với Nga để đối phó với Trung Quốc chứ không nên đối địch với Nga. Vì vậy, có ý kiến cho rằng nếu Trump đắc cử, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ có những thay đổi căn bản, Mỹ và Nga sẽ bắt tay nhau để đối phó với Trung Quốc.
Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra, bởi sau khi trải qua sự thất hứa và tiến trình mở rộng mạnh mẽ về phía Đông của NATO cùng cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã không còn gửi gắm hy vọng chân thành vào việc trở lại phương Tây, đặc biệt là trở lại vòng tay của Mỹ nữa. Cho dù Mỹ và Nga có bình thường hóa quan hệ thì xét cho cùng, quan hệ Trung-Nga sau sự phát triển trong mấy năm qua cũng sẽ không xảy ra bước thụt lùi quá lớn. Putin không ngốc đến vậy và ông cũng không phải kẻ thiển cận.
Đối với vấn đề Đài Loan – vấn đề mà chúng ta hết sức quan tâm, những khác biệt về quan điểm, chính sách giữa Harris và Trump ngày càng rõ ràng và có tác động lớn hơn đến chúng ta.
Chính quyền Biden rất coi trọng vai trò chiến lược của chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương, cũng như những tác động tiêu cực đối với vị thế địa chính trị và uy tín của Mỹ ở Đông Á nếu vị thế của Đài Loan thay đổi. Các nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng rất thích dùng Đài Loan để khiêu khích Trung Quốc. Nếu Harris đắc cử, những chính sách này sẽ được tiếp tục.
Tuy nhiên, Trump hoàn toàn không nhìn nhận sự việc theo cách đó. Trump từng phát biểu, Đài Loan không liên quan đến các lợi ích cơ bản của nước Mỹ và ông không coi trọng vai trò địa chính trị của Đài Loan, điều này phù hợp với quan điểm cá nhân của ông về quan hệ quốc tế. Trump thậm chí còn cho rằng, Đài Loan đã đánh cắp công nghệ chip của Mỹ mà vẫn cần đến sự bảo vệ của Mỹ, vậy thì Đài Loan phải trả thêm phí bảo vệ. Điều này phản ánh rằng, thái độ của Trump hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Đảng Dân chủ về chính sách Đài Loan.
Nếu đắc cử, Trump sẽ xuất phát từ những lợi ích thiết thực trước mắt và ngắn hạn, một mặt sẽ yêu cầu Đài Loan mua thêm vũ khí, mặt khác sẽ coi Đài Loan là một quân cờ để đàm phán với Trung Quốc. Vì vậy, những hành động khiêu khích trong vấn đề “Đài Loan độc lập” cũng sẽ bị kiềm chế phần nào. Những thay đổi tương tự sẽ xảy ra đối với Philippines và do đó, cục diện căng thẳng trên Biển Đông sẽ giảm bớt.
Ngoài ra, vì nhiều lý do khác nhau, bất kể ai chiếm giữ Nhà Trắng trong chính quyền tiếp theo của Mỹ, thì các quan chức và thuộc cấp chủ chốt của người đó cũng sẽ là những nhân tố quan trọng, thậm chí then chốt, trong việc ra quyết sách.
Đối với Trump, ông có những chủ kiến mạnh mẽ, nhưng nhiều trong số đó dựa trên nhận thức đơn giản và phản ứng cảm xúc, các đối sách cũng chủ yếu được đưa ra dựa trên trực giác, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự kiểm soát và can ngăn từ các thuộc cấp của ông. Dù là người chủ quan đến mấy thì Trump vẫn dành sự tôn trọng nhất định cho thuộc cấp của mình và sẽ tôn trọng ý kiến của họ trong nhiều vấn đề.
Đối với Harris, có thể thấy rõ từ chiến dịch tranh cử rằng bà là người thiếu nội hàm, thiếu chiều sâu và chỉ đưa ra một vài nguyên tắc, quan điểm “cánh tả trắng” (white left) về chính sách. Một Nhà Trắng dưới thời Harris trên thực tế sẽ là một Nhà Trắng nằm dưới ảnh hưởng của các quan chức và thuộc cấp của bà. Tất nhiên, Harris vẫn có quyền quyết định tuyệt đối về việc ai sẽ là thuộc cấp của mình.
Ở cấp độ các vấn đề cơ bản trong quan hệ Trung-Mỹ và bản chất của mâu thuẫn giữa hai bên, sẽ không có sự khác biệt quá lớn dù ai là người đắc cử. Nhưng đối với một số vấn đề cụ thể, dù là vấn đề khu vực, địa chính trị hay cục diện quan hệ quốc tế, đặc biệt là vấn đề Đài Loan mà chúng ta đặc biệt coi trọng, do hai bên có nguyên tắc làm việc cơ bản khác nhau nên sẽ có sự khác biệt lớn. Việc hiểu rõ những khác biệt này là điều vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Thế giới bên ngoài khó có thể tác động đến kết quả của cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng cần có sự chuẩn bị sớm để ứng phó với những tác động mà kết quả này có thể mang lại.