Thế giới hôm nay: 05/11/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Donald TrumpKamala Harris ráo riết đi vận động ở các bang chiến địa vào đêm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Phát biểu tại một cuộc vận động ở North Carolina, ông Trump đe dọa áp thuế 25% lên tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico nếu nước này không ngăn chặn cái mà ông gọi là “sự tràn ngập tội phạm” vượt biên vào miền nam nước Mỹ. Bà Harris đến thăm Pennsylvania, nơi mô hình dự báo của The Economist cho rằng có 34% khả năng sẽ là bang quyết định cuộc bầu cử.

Trong khi đó, đồng đô la Mỹ suy yếu sau một đợt tăng giá trước bầu cử. Việc đồng đô la tăng gần đây có thể được coi là dấu hiệu thị trường đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Một số nhà giao dịch dự đoán các chính sách của ứng viên Đảng Cộng hòa sẽ thúc đẩy lạm phát, giữ lãi suất cao, và làm tăng giá đồng đô la. Ở chiều ngược lại, việc đồng đô la giảm cho thấy có những người đang đặt cược vào khả năng chiến thắng của bà Harris.

Quân đội Ukraine lần đầu tiên tấn công binh lính Triều Tiên chiến đấu cho Nga, theo các quan chức Ukraine. Hai bên đã chạm mặt ở Kursk, một khu vực biên giới của Nga mà Ukraine kiểm soát một phần sau cuộc tấn công bất ngờ hồi mùa hè. Trước đó, uỷ viên phụ trách ngoại giao của EU, Josep Borrell, đã ra tuyên bố chung với ngoại trưởng Hàn Quốc lên án “sự hợp tác quân sự bất hợp pháp” của Triều Tiên với Nga.

IndonesiaNga bắt đầu một cuộc tập trận hải quân kéo dài năm ngày gần đảo Java. Đây là lần đầu tiên hai nước tổ chức tập trận song phương, mặc dù Indonesia đã tham gia các cuộc tập trận quân sự với Nga cùng các nước châu Á khác. Tân tổng thống Prabowo Subianto đã hứa sẽ tăng cường hợp tác với Nga trong khi vẫn duy trì quan hệ với Mỹ.

Robert Habeck cho rằng những bất định về kết quả bầu cử Mỹ khiến đây là “thời điểm tồi tệ nhất” cho một cuộc sụp đổ của chính phủ Đức. Bộ trưởng kinh tế và phó thủ tướng Đức đã đưa ra nhượng bộ cho các đối tác trong liên minh của ông, với đề xuất 7 tỷ euro ($7,6 tỷ) dành cho trợ cấp có thể được dùng để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Những bất đồng về ngân sách đã khiến quan hệ giữa các đối tác trong liên minh của Đức xấu đi nghiêm trọng trong những ngày qua.

Tám người đã bị đưa ra xét xử ở Pháp liên quan đến vụ sát hại Samuel Paty, một giáo viên bị chặt đầu vào năm 2020 bởi Abdoullakh Anzorov, một phần tử cực đoan Hồi giáo. Các bị cáo bị buộc tội thúc đẩy một chiến dịch trực tuyến chống lại Paty hoặc khuyến khích Anzorov, người sau đó đã bị cảnh sát bắn hạ. Anzorov nhắm mục tiêu vào Paty vì ông này cho học sinh xem tranh biếm họa về Nhà tiên tri Muhammad trong một tiết học về quyền tự do ngôn luận.

TIÊU ĐIỂM

Bầu cử tổng thống Mỹ bước vào màn cuối

Khi ngày bầu cử ở Mỹ bắt đầu vào thứ Ba, mô hình dự báo của The Economist cho thấy cuộc đua tổng thống đang không thể nào sít sao hơn. Kamala Harris và Donald Trump mỗi người đều có cơ hội thắng 50%. Chỉ cần thăm dò sai một chút, một trong hai người sẽ giành chiến thắng cách biệt trong cử tri đoàn.

Kết quả được công bố sớm hay muộn sẽ phụ thuộc một phần vào biên độ chiến thắng của ứng viên dẫn đầu. Các bang biết kết quả đầu tiên sẽ là những nơi có một ứng viên dẫn trước tuyệt đối. Có một cách khác tốt hơn để dự đoán kết quả cuối cùng: thay đổi trong số phiếu cấp quận kể từ năm 2020, thông tin sẽ được cập nhật trực tiếp trên trang kết quả của The Economist trong suốt đêm bầu cử. Cuộc đua sẽ được quyết định bởi bảy bang chiến địa. Trong số này, Georgia và Michigan có thể là những bang đếm phiếu nhanh nhất; còn Pennsylvania, bang nhiều khả năng mang tính quyết định, sẽ đếm phiếu chậm hơn. Bang này không bắt đầu xử lý phiếu bầu gửi qua thư cho đến sáng thứ Ba.

Ai sẽ kiểm soát hai viện của Quốc hội Mỹ?

Nhiều khả năng sẽ có một Quốc hội Mỹ chia rẽ — và đi kèm với đó là việc trì hoãn phần lớn chương trình nghị sự của tổng thống kế nhiệm. Mô hình dự báo của The Economist cho thấy đảng Cộng hòa có 71% cơ hội chiếm được Thượng viện. Để duy trì quyền kiểm soát, đảng Dân chủ không thể để mất các bang Arizona, Michigan, Montana, Nevada, Ohio, Pennsylvania hoặc Wisconsin. Song ứng viên của họ ở những bang đỏ như Ohio và Montana đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ có thể bù đắp cho mất mát đó nếu giành được ghế ở nơi khác, và một số khảo sát gần đây cho thấy những ứng viên thách thức các thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Florida và Texas đang thu hẹp cách biệt. Dù vậy, mô hình của Economist cho đảng Dân chủ chỉ có 20% khả năng lật được ghế ở một trong hai bang này.

Trong khi đó, cuộc đua giành Hạ viện là một trận chiến ngang ngửa. California là một chiến trường quan trọng. Nếu đảng Dân chủ có thể lật được năm khu vực do đảng Cộng hòa nắm giữ trong bang xanh này, họ sẽ chiếm được hạ viện. Những gay cấn này càng làm tăng thêm sự bất định của ngày bầu cử.

Trung Quốc tổ chức triển lãm hàng nhập khẩu

Chính phủ Trung Quốc tổ chức vô số diễn đàn, hội nghị, và triển lãm mỗi năm. Nhưng Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng Cộng sản cầm quyền. Đóng góp kinh tế của Trung Quốc cho thế giới chủ yếu là dưới dạng xuất khẩu. Do đó, triển lãm nhập khẩu này — nơi hàng ngàn công ty nước ngoài quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước — là nhằm thể hiện Trung Quốc không chỉ là một nhà máy khổng lồ. Họ còn là một quốc gia với người tiêu dùng ngày càng giàu có.

Khai mạc vào thứ Ba, triển lãm sẽ thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia với hy vọng chiếm được một phần nhỏ thị trường Trung Quốc. Nhưng nhu cầu trong nước mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất muốn thể hiện lại đang suy yếu. Nhập khẩu chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái tính theo đô la Mỹ trong tháng 9. Điều này ảnh hưởng xấu đến các thương hiệu quốc tế. Tập đoàn hàng xa xỉ LVMH gần đây cho biết kết quả quý vừa qua của họ kém là do “xu hướng tiêu dùng xấu đi từ khách hàng Trung Quốc.” Có lẽ chỉ các triển lãm thôi là không đủ để cải thiện tâm lý tiêu dùng trong nước.

Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng quyền lực ở Trung Á

Vào thứ Ba, tổng thống Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan sẽ thảo luận về triển vọng hội nhập kinh tế tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức các Quốc gia Thổ ngữ (OTS) ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Từng là một diễn đàn trao đổi, OTS đang dần trở thành phương tiện thúc đẩy hợp tác khu vực. Chiến tranh ở Ukraine đã làm giảm lòng tin của các quốc gia Trung Á đối với Nga. Nhiều thành viên của tổ chức này coi OTS là một cách để giảm phụ thuộc vào Kremlin.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước lớn nhất trong các nước OTS, đã chú ý đến điều này. Các nhà phát triển Thổ Nhĩ Kỳ đã ký nhiều hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô la trên khắp Trung Á. Các công ty vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất bận rộn trong khu vực. Azerbaijan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan (quan sát viên của OTS) đã mua máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Kazakhstan đang đàm phán để sản xuất loại này. Nga vẫn giữ quyền lực kinh tế và chính trị lớn trong khu vực. Nhưng các quan chức Trung Á hiện đang nói về việc theo đuổi chính sách đối ngoại “đa hướng” và tin rằng thời gian đứng về phía họ.