Tại sao Trung Quốc sẽ không từ bỏ mô hình kinh tế nhiều vấn đề của mình?

Nguồn: Zongyuan Zoe Liu, “Why China Won’t Give Up on a Failing Economic Model,” Foreign Affairs, 31/10/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Gói kích thích mới của Bắc Kinh có thể giúp đạt được các mục tiêu ngắn hạn của Tập Cận Bình, nhưng triển vọng dài hạn vẫn chưa chắc chắn.

Cuối tháng 9, sau nhiều tháng không đạt được mục tiêu tăng trưởng hậu đại dịch, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai một loạt các biện pháp kích thích kinh tế. Cho đến nay, các biện pháp này bao gồm hỗ trợ thị trường chứng khoán, nới lỏng chính sách tiền tệ, tái cấp vốn cho các ngân hàng nhà nước lớn, và một số biện pháp kích thích tài khóa hạn chế. Tổng số tiền và thông tin chi tiết của các biện pháp kích thích tài khóa sẽ được tiết lộ sau kỳ bầu cử ở Mỹ, sau cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) vào đầu tháng 11, nhưng Thứ trưởng Tài chính Liêu Mẫn đã mô tả rằng chúng có “quy mô khá lớn.” Bằng cách công bố các biện pháp này, Bắc Kinh cuối cùng cũng thừa nhận điều mà người dân Trung Quốc và thế giới đã biết từ lâu: nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rắc rối lớn. “Trung Hoa mộng” – tầm nhìn của Tập về việc tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035 và đạt được sự thịnh vượng trên diện rộng – đang dần tan biến. Nhưng liệu các biện pháp kích thích mới này có hiệu quả hay không?

Thách thức kinh tế ngắn hạn cấp bách nhất của Trung Quốc là cầu trong nước yếu, do người tiêu dùng thiếu niềm tin. Khi người tiêu dùng Trung Quốc từ chối chi tiêu, họ sẽ tích trữ tiền mặt, tạo ra tình trạng dư thừa tiền tiết kiệm, cùng với việc chính phủ đầu tư quá mức vào các ngành công nghiệp được chính trị ủng hộ, làm trầm trọng thêm vấn đề cấu trúc dài hạn nghiêm trọng nhất của Trung Quốc: tình trạng dư thừa công suất công nghiệp. Như tôi đã lập luận trên Foreign Affairs hồi tháng 8, cầu trong nước giảm kết hợp với dư thừa công suất công nghiệp đã tạo thành một vòng lặp diệt vong kinh tế mà Trung Quốc phải thoát ra để tránh rơi vào trì trệ. Giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố gói kích thích mới nhất là nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, bằng cách loại trừ gần như hoàn toàn các hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình trong các kế hoạch kích thích, chính phủ đã chứng minh rằng họ vẫn đang bám vào sách lược kinh tế cũ, là đầu tư do nhà nước chỉ đạo.

Vấn đề cốt lõi của cầu tại Trung Quốc là khủng hoảng niềm tin, bắt nguồn từ nỗi lo của người dân Trung Quốc về hoàn cảnh kinh tế và tương lai của họ. Năm 2017, thời điểm Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai và thắt chặt quyền kiểm soát nền kinh tế, các hộ gia đình thành thị đang được tận hưởng thành quả của nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, với thu nhập khả dụng tăng gấp đôi sau mỗi tám năm. Giờ đây, đối với các gia đình trẻ, những ngày tháng tươi đẹp đó đã qua rồi. Tính đến năm 2024, thu nhập khả dụng trung bình chỉ tăng 50% kể từ năm 2017 – nghĩa là tăng chậm hơn đáng kể so với kỷ nguyên trước – và mốc thời gian để thu nhập tăng gấp đôi đã lên đến 15 năm. Sự suy giảm này báo hiệu sự thay đổi từ một kỳ vọng vững chắc về cơ hội kinh tế sang một thực tế mới được đánh dấu bằng tăng trưởng bị kiểm soát và áp lực chồng chất. Việc đảo ngược quỹ đạo hiện tại của Trung Quốc sẽ đòi hỏi người ta phải tạo ra được một cỗ máy thời gian, và các kế hoạch kích thích đang được thảo luận vẫn không cung cấp loại hỗ trợ tài chính cấp hộ gia đình cần thiết để khôi phục niềm tin vào tương lai của Trung Quốc.

NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Các biện pháp kích thích gần đây của Bắc Kinh dường như chủ yếu nhằm khôi phục lòng tin trong giới tinh hoa kinh doanh của đất nước. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang áp dụng một chiến lược tương tự như cách tiếp cận nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tập trung vào giá tài sản tài chính với hy vọng tạo ra hiệu ứng tài sản lan tỏa khắp nền kinh tế nói chung. PBOC đã thiết lập hai cơ chế, cả hai đều được thiết kế để bơm thanh khoản vào thị trường và trợ giá cho các tài sản tài chính rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, và quỹ giao dịch trên sàn. Cơ chế đầu tiên là chương trình trị giá 70 tỷ đô la do chính phủ điều hành, trong đó cho phép các nhà đầu tư tổ chức – chủ yếu là các công ty môi giới và bảo hiểm nhà nước, thường được gọi là “đội tuyển quốc gia” – mua các tài sản tài chính rủi ro và sau đó đổi chúng lấy trái phiếu chính phủ chất lượng cao. Kế đến, những trái phiếu này có thể được thế chấp lại làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng; về cơ bản, đây là việc cấp cho đội tuyển quốc gia quyền tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ của ngân hàng trung ương để mua tài sản và trợ giá. PBOC từng triển khai một chương trình tương tự vào năm 2015 nhằm ổn định thị trường chứng khoán sau khi giá giảm hơn 40% chỉ trong vài tháng.

Cơ chế thứ hai là một chương trình tái cấp vốn trị giá 42 tỷ đô la được thiết kế để mở rộng các khoản vay cho các công ty niêm yết công khai, theo đó cho phép họ sử dụng số tiền thu được để mua lại cổ phiếu của chính mình trên thị trường chứng khoán – về cơ bản, nó hoạt động như một khoản cổ tức giúp tăng lợi nhuận cho các cổ đông. Các quan chức Trung Quốc hy vọng rằng điều này sẽ thúc đẩy một đợt tăng giá mới trên thị trường chứng khoán; kể từ giữa tháng 9, giá cổ phiếu đã tăng khoảng 25%.

Bất chấp những nỗ lực này, việc nới lỏng định lượng theo kiểu Trung Quốc của PBOC khó có thể giải quyết được những khó khăn kinh tế lớn hơn của đất nước, vì nó không có tác dụng nhiều trong việc kích cầu thực tế của người tiêu dùng. Một số các biện pháp hỗ trợ trực tiếp hạn chế dành cho hộ gia đình bao gồm các quy định mới cho phép người vay tái cấp vốn khoản thế chấp, giúp họ tận dụng mức giảm nửa phần trăm gần đây trong lãi suất cho vay thế chấp chuẩn. Sự thay đổi này dự kiến sẽ giúp khoảng 50 triệu hộ gia đình tiết kiệm được tổng cộng khoảng 21 tỷ đô la mỗi năm nhờ vào các khoản thanh toán lãi suất thấp hơn.

Ngoài ra, chính quyền địa phương đã giảm khoản thanh toán ban đầu cần thiết để mua ngôi nhà thứ hai, như một phần trong nỗ lực loại bỏ lượng nhà tồn khỏi thị trường và hỗ trợ phần nào cho giá nhà. Xét đến việc nhà ở chiếm khoảng 70% tài sản của các gia đình Trung Quốc và thế chấp chiếm khoảng 75% nợ hộ gia đình, bất kỳ biện pháp nào nhằm ổn định giá nhà và giảm chi phí tài chính đều có khả năng củng cố bảng cân đối kế toán của hộ gia đình. Thiết lập mức sàn cho giá nhà là bước đầu tiên quan trọng trong việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vào triển vọng tài chính dài hạn của họ.

Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc vẫn còn do dự khi thảo luận về việc chuyển tiền mặt trực tiếp cho người tiêu dùng bình thường. Nguyên nhân có thể là do kinh nghiệm chính sách hạn chế của chính phủ trong lĩnh vực này, và sự thận trọng của các quan chức kinh tế ở Bắc Kinh khi ra hiệu về bất kỳ thay đổi chính sách nào mà không có chỉ đạo rõ ràng từ Tập. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tài chính của Trung Quốc đã được chuẩn bị tốt để hỗ trợ cho một biện pháp kích thích hộ gia đình trực tiếp. Hầu hết các khoản tiền lương và phúc lợi an sinh xã hội đã được liên kết với các tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước, giúp việc chuyển tiền vào tài khoản trở nên đơn giản hơn nhiều.

CON ĐƯỜNG CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO TỐI CAO

Tập không phản đối việc đảo ngược chính sách đột ngột, như thể hiện qua việc ông đột ngột từ bỏ chính sách “zero COVID” vào cuối năm 2022, cũng như các sáng kiến kinh tế thường xuyên thay đổi của ông trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, điều không đổi trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông là việc ông không thích phân phát tiền mặt, bởi ông cho rằng nó có thể tạo ra một nhà nước phúc lợi. Ông đã cảnh báo các đảng viên không nên “rơi vào cái bẫy của ‘chủ nghĩa phúc lợi’, chuyên nuôi dưỡng những kẻ lười biếng.” Không nên hiểu sai lời của Tập là ủng hộ một hệ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân thô bạo ở Trung Quốc. Thay vào đó, cách tiếp cận quản trị từ trên xuống của ông ưu tiên sự thống nhất về ý thức hệ hơn là các nhượng bộ theo chủ nghĩa dân túy, và ủng hộ đầu tư do nhà nước lãnh đạo hơn là hỗ trợ tài chính cho cá nhân.

Tập đã nói rõ rằng ưu tiên hàng đầu của ông là biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu tự lực cánh sinh. Ông muốn trở thành nhà lãnh đạo sẽ để lại “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc – ám chỉ thời kỳ dài mà Trung Quốc bị cho là phải phục tùng các cường quốc phương Tây – lại phía sau. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP hiện tại của chính phủ là khoảng 5% và gói kích thích mà họ vừa công bố chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu đó mà thôi. Ngược lại, một gói kích thích trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình cá nhân sẽ chuyển sức mua từ chính phủ sang người tiêu dùng, theo đó để lại ít nguồn lực hơn cho tham vọng lớn của Tập – và khiến ông không còn nhiều quyền kiểm soát đối với định hướng chung của đất nước.

Các thông báo của chính phủ liên quan đến gói kích thích đã cố tình nhấn mạnh vào lời lẽ hoa mỹ, hơn là vào những thay đổi chính sách đáng kể nhằm tăng tiêu dùng. Cách tiếp cận này phù hợp với mục tiêu của Tập là thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế mà không chuyển hướng nguồn lực khỏi việc theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp của Trung Quốc. Lượng vốn được bơm vào hệ thống tài chính để hỗ trợ giá cổ phiếu và ổn định các ngân hàng nhiều khả năng sẽ lại được chuyển hướng sang các ngành công nghiệp chiến lược mà Trung Quốc cho là sẽ giúp họ vượt qua Mỹ về công nghệ và năng lực quân sự.

Hệ thống “toàn quốc” dành cho đầu tư công nghệ đảm bảo rằng tất cả các nguồn vốn lớn sẽ được huy động để đạt được những đột phá trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, và động cơ máy bay. Trái ngược với một gói kích thích thúc đẩy tiêu dùng thực sự, các biện pháp hiện tại dường như có một động cơ thầm kín: tăng cường khả năng cạnh tranh của Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự với phương Tây. Hiện tại, định hướng chính sách được nêu trong nội dung chi tiết của gói kích thích vẫn không cho các chính phủ phương Tây lý do nào để xem xét lại các rào cản thương mại hoặc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc.

Quy mô tiềm năng của việc phân phát tiền mặt cho các hộ gia đình bị hạn chế bởi tình hình tài chính khó khăn của chính quyền địa phương Trung Quốc. Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ bằng cách cung cấp các khoản hoán đổi nợ, để tái cấp vốn cho những khoản nợ ngắn hạn nhưng chi phí cao đang đè nặng lên nhiều chính quyền địa phương. Ngân sách địa phương đã trở nên eo hẹp do doanh thu từ việc bán đất giảm vì thị trường bất động sản suy thoái, chi phí y tế công liên quan đến hậu quả đại dịch, và chi phí phúc lợi xã hội tăng cao liên quan đến tình trạng dân số già hóa. Đối với nhiều quan chức địa phương, việc đạt được tiến bộ trong công nghiệp và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng vẫn được ưu tiên hơn việc kích thích chi tiêu của người tiêu dùng.

Nếu Bắc Kinh theo đuổi việc thanh toán tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình, họ sẽ phải đối mặt với thách thức là bỏ qua chính quyền địa phương, những người có thể chuyển một phần tiền sang hướng khác. Việc chuyển tiền trực tiếp từ chính quyền trung ương sang các kho bạc địa phương có rủi ro là tiền bị phân bổ sai, hoặc thậm chí là bị biển thủ trắng trợn, do đó hạn chế hiệu quả thực tế của việc chuyển tiền đến các hộ gia đình như một biện pháp kích thích. Nếu không có sự giám sát sát sao, các khoản thanh toán này có lẽ chỉ đến được các hộ gia đình như nước nhỏ giọt từ vòi nước bị rỉ.

MỘT TRÒ CHƠI KHÁC

Gói kích thích gần đây thực sự có thể đạt được các mục tiêu ngắn hạn của Bắc Kinh: thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, thị trường nhà ở ổn định, niềm tin của người tiêu dùng tạm thời được nâng cao, và GDP tăng trưởng 5% vào năm 2024. Tuy nhiên, nó không giải quyết được các vấn đề cấu trúc sâu xa hơn của Trung Quốc và không có khả năng khiến các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn trong dài hạn. Chính phủ dường như không muốn thực hiện các bước đi táo bạo cần thiết – chẳng hạn như hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho các hộ gia đình – vốn có thể thúc đẩy một sự tái cân bằng kinh tế có ý nghĩa. Thay vào đó, phần lớn các biện pháp kích thích mới nhất dường như chỉ củng cố các điểm yếu nhất của nền kinh tế, đủ để báo hiệu rằng đảng vẫn chưa từ bỏ vai trò là người quản lý tốt nền kinh tế và vẫn cam kết thực hiện đúng khế ước xã hội của Trung Quốc.

Nếu không có mức tăng trưởng thu nhập mạnh hơn, các hộ gia đình Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tiết kiệm ở mức cao đáng kể. Ngay cả khi các biện pháp kích thích gần đây đạt hiệu quả đáng ngạc nhiên, thì sự suy giảm dân số của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng với phương Tây cho thấy triển vọng kinh tế dài hạn của nước này là không chắc chắn. Kể từ giai đoạn phong tỏa đại dịch đến nay, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đã trải qua tình trạng bất ổn kinh tế dai dẳng – một nhận thức sẽ mất nhiều năm để thay đổi.

Trong bốn thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc có lẽ đã trải qua giai đoạn tăng trưởng phi thường nhất trong lịch sử loài người. Năm 1981, hơn 90% dân số Trung Quốc sống trong cảnh nghèo đói nghiêm trọng như ở các khu vực kém phát triển nhất thế giới. Ngày nay, hơn một nửa dân số thuộc về tầng lớp trung lưu, với mức sống tương đương nhiều quốc gia phát triển. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chưa bao giờ cảm thấy nghèo hơn lúc này. Cảm giác chất lượng cuộc sống của bản thân tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa ngày càng lớn, và cơ hội để con cái họ trở nên giàu có và được đi du học ngày càng xa vời hơn.

Lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc cải cách kinh tế, nhiều hộ gia đình lo sợ rằng ngày mai có thể không tốt hơn hôm nay – không phải vì lý do thất bại cá nhân, mà vì những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Những người trẻ mới bước vào lực lượng lao động đang cảm thấy bất lực, và ngày càng nhiều người trong số họ tin rằng mình không thể bắt đầu một sự nghiệp thịnh vượng, với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vượt quá 17%. Các gia đình trẻ phải đối mặt với áp lực không ngừng chỉ để duy trì mức sống của họ. Các chuyến viếng thăm đền chùa đã tăng vọt hơn 300% vào năm ngoái, cho thấy ngày càng có nhiều người tìm đến các biện pháp mê tín để cầu may cho tương lai của mình. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc đặt niềm tin vào lễ vật hoặc bùa hộ mệnh của nhà chùa, hơn là vào lời đảm bảo của đảng về thịnh vượng chung.

Chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc đang vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm lại, một tầng lớp trung lưu bất an, và một nhà lãnh đạo tập trung vào cam kết xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới hơn là một xã hội thịnh vượng. Tình hình phức tạp này đòi hỏi một chiến lược Trung Quốc trong đó đánh giá năng lực và hạn chế của Tập sát với thực tế – chứ không chỉ đánh giá mỗi tham vọng của ông. Dù người dân Trung Quốc chỉ có quyền tự quyết hạn chế, nhưng khi là một tập thể, họ vẫn có thể gây áp lực kinh tế lên Bắc Kinh. Bằng cách thắt chặt hầu bao và ưu tiên tiết kiệm, họ thực sự đã tạo ra một lá phiếu bất tín nhiệm âm thầm nhưng mạnh mẽ nhắm vào định hướng của đất nước. Nếu tình hình kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi, Tập có thể đột ngột xoay trục, hy vọng xoa dịu sự thù địch của mình đối với phương Tây. Trong lúc theo dõi các biện pháp kích thích của Trung Quốc phát huy tác dụng và chứng kiến Bắc Kinh không thể khắc phục những rắc rối kinh tế tiềm ẩn của mình, Washington cần tránh trở nên quá ám ảnh với mối đe dọa từ Trung Quốc mà bỏ lỡ các cơ hội tiềm năng để tái định nghĩa quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.

Zongyuan Zoe Liu là nghiên cứu viên về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn sách “Sovereign Funds: How the Communist Party of China Finances Its Global Ambitions.”

Đâu mới là cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự của Trung Quốc?