Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria

Nguồn: James Palmer, “China Needs a New Approach in Syria,”  Foreign Policy, 10/12/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Bắc Kinh nhìn nhận lại ván cược thất bại của mình với chế độ Assad.

Tiêu điểm tuần này: Trung Quốc cân nhắc lại cách tiếp cận vấn đề sau khi chính phủ Syria sụp đổ; Giới chức Trung Quốc thận trọng và lặng lẽ theo dõi khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc; TikTok thất bại trong việc kháng cáo một đạo luật của Mỹ có thể khiến ứng dụng này bị cấm.

Trung Quốc phản ứng trước sự sụp đổ của chế độ Assad tại Syria

Sau sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Syria vào hôm Chủ nhật, Trung Quốc có vẻ sẽ ngẫm lại về nước cờ thua của mình khi đã đặt cược vào chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng khi tình hình lắng xuống, các nhà lãnh đạo mới ở Damascus có lẽ cũng sẽ tìm kiếm cho mình những đồng minh đáng tin cậy.

Trung Quốc đã ủng hộ Assad từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 – chủ yếu thông qua mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Iran, hai nước hậu thuẫn nhà lãnh đạo Syria. Tại Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh thường bỏ phiếu đồng thuận với Moscow, ngăn chặn các chỉ trích lên án nhắm vào Assad cũng như ngăn viện trợ xuyên biên giới. Dù đã giảm đáng kể sự hiện diện của mình tại Syria trong thời gian xảy ra xung đột nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào Syria.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Assad tại Hàng Châu trước thềm Đại hội Thể thao châu Á năm ngoái. Ở thời điểm đó, Trung Quốc tin rằng chính phủ Syria đang tiến gần đến một chiến thắng gần như chắc chắn trong cuộc nội chiến. Hai nước đã nâng tầm quan hệ lên thành “đối tác chiến lược,” tuy nhiên, các khoản đầu tư sau đó lại tiến triển khá chậm chạp. (Syria gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai bất kỳ dự án nào.)

Cũng như những nơi khác trên thế giới, Trung Quốc bị bất ngờ trước tốc độ tiến công của lực lượng chống chính quyền ở Syria kể từ cuối tháng trước, lực lượng này dẫn đầu bởi tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Hồi tuần trước, các chuyên gia Trung Quốc về Trung Đông vẫn còn dự đoán về một cuộc chiến kéo dài và phức tạp ở Syria – dự án ChinaMed đã cung cấp một số thông tin hữu ích.

Diễn ngôn của Trung Quốc về cuộc nội chiến Syria trước đây có phần tự mãn. Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh ủng hộ Assad là hợp lí, bởi lúc đó chế độ Assad gần như đã giành chiến thắng; đồng thời, sau khi Trung Quốc thành công trong việc tổ chức đàm phán hòa giải Ả Rập Saudi với Iran hồi năm ngoái, “làn sóng hòa giải” –  từ ưa thích của truyền thông nhà nước Trung Quốc –  theo đó đã tràn ngập khắp Trung Đông và được ngợi ca.

Các chuyên gia và quan chức liên quan giờ đây sẽ phải tìm lời giải thích cho sự yếu kém của chế độ Assad và thành công của lực lượng chống chính quyền. Dù có những chuyên gia thực sự am hiểu Trung Đông trong giới học thuật Trung Quốc, nhưng giới chức Trung Quốc lại thường vội đi đến kết luận, chẳng hạn như việc họ đổ lỗi cho CIA đứng sau các cuộc “cách mạng màu.”

Mối bận tâm trước mắt là an nguy của công dân Trung Quốc tại Syria, những người mà Bắc Kinh đã khuyến khích rời khỏi Syria. Không rõ có bao nhiêu công dân Trung Quốc ở Syria, do Trung Quốc vốn thận trọng trong các khoản đầu tư tại đây.

Vào năm 2011, Trung Quốc sơ tán 35,000 công dân khỏi Libya khi xung đột xảy ra. Một chiến dịch tương tự ở Syria có thể xảy ra nhưng sẽ rất khó, trừ khi tình hình xấu đi nhanh chóng hoặc Tập Cận Bình quyết định rằng chiến dịch này có thể mang lại một cơ hội tuyên truyền. (Nhiều bộ phim Trung Quốc nhằm ca ngợi quân đội đã lấy chiến dịch tại Libya làm chủ đề, nổi bật nhất là bộ phim bom tấn Chiến lang 2.)

Một mối bận tâm quan trọng khác của Bắc Kinh là sự hiện diện của các chiến binh Duy Ngô Nhĩ trong lực lượng chống chính quyền ở Syria. Ước tính số lượng dao động từ hàng trăm đến hàng nghìn người. Trung Quốc sẽ ưu tiên gây áp lực lên các nhà lãnh đạo mới ở Syria để loại bỏ những chiến binh này khỏi bất kỳ vai trò nào trong chính quyền, và lý tưởng nhất là trục xuất họ về Trung Quốc. Nhưng việc này có thể gặp khó khăn vì các chiến binh Duy Ngô Nhĩ có mối quan hệ hợp tác với HTS.

Tuy nhiên, bất kỳ chính quyền mới nào ở Damascus có lẽ cũng muốn xây dựng quan hệ với Bắc Kinh. Syria đã mất 85% GDP trong suốt cuộc chiến. Bước đầu tiên để củng cố các mối quan hệ có lẽ là bảo vệ tài sản của Trung Quốc; có khả năng các chiến binh Duy Ngô Nhĩ sẽ có kết cục như những con tốt thí.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể tiếp cận HTS qua Thổ Nhĩ Kỳ, một nước có nhiều mối quan hệ với nhóm vũ trang HTS. Nhưng về mặt tư tưởng, Bắc Kinh đủ linh hoạt để chấp nhận gần như bất kỳ chính phủ mới nào đứng lên từ đống tro tàn ở Damascus.

Tin tức đang được quan tâm

Khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc. Dù Syria đang hỗn loạn nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cũng đang chú ý không kém đến những biến động diễn ra ở phạm vi gần Trung Quốc hơn: Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol – đôi khi được xem là người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc – có vẻ sẽ sớm bị thay thế sau khi ban bố một thiết quân luật kỳ quặc để rồi nhanh chóng bị hủy bỏ ngay sau đó. Sự việc diễn ra vào tuần trước.

Yoon đã vượt qua cuộc bỏ phiếu luận tội tại Quốc hội vào cuối tuần qua, nhưng lãnh đạo đảng của Yoon đã yêu cầu tổng thống từ chức. Trung Quốc vẫn giữ im lặng về vấn đề này, duy trì lập trường “không bình luận về vấn đề nội bộ của các nước khác” khi được hỏi; phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin khá trung lập.

Điều này có thể vì các quan chức Trung Quốc một mặt không chắc chắn điều gì sẽ xảy đến tiếp theo tại Hàn Quốc, mặt khác vì Yoon không phải là lựa chọn tồi nhất đối với Trung Quốc. Mặc dù Yoon được Washington yêu thích vì những việc mà ông ta đã làm nhằm tăng cường mối quan hệ với Mỹ, nhưng khi xử lý các vấn đề với Bắc Kinh, Yoon vẫn có thể tỏ ra khéo léo đến bất ngờ.

Công chúng Hàn Quốc đã thẳng thừng quay lưng với Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh gây sức ép đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Mỹ tại Seoul. Tuy nhiên, Yoon sẵn sàng tiếp xúc với các đối thủ nước ngoài, Yoon đã có cuộc gặp với Tập Cận Bình vào tháng 11 gần đây. Nếu những báo cáo về việc Yoon sẵn sàng mạo hiểm chiến tranh với Triều Tiên để duy trì quyền lực là đúng, Bắc Kinh có lẽ sẽ đặc biệt vui mừng khi thấy thấy Yoon ra đi.

Nỗi lo về giảm phát. Dữ liệu đáng lo ngại về lạm phát ở Trung Quốc – hay chính xác hơn là thiếu hụt lạm phát – đã khiến thị trường châu Á chao đảo. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc vẫn đứng bên bờ vực giảm phát, và giá xuất xưởng cũng đang bị mắc kẹt trong vòng xoáy giảm phát. Với việc các nhà sản xuất chịu áp lực từ tình trạng sản xuất dư thừa và cuộc chiến giá cả trong ngành xe điện và thương mại điện tử, xu hướng này đã kéo dài hơn hai năm.

Chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” sau một cuộc họp kinh tế quan trọng hàng đầu trong tuần này, trong đó họ sử dụng lại ngôn từ mà lần cuối mọi người được nghe là thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Những tham chiếu về “các biện pháp nghịch chu kỳ đặc biệt” có thể ám chỉ rằng Tập Cận Bình cuối cùng đã sẵn sàng cho phép kích thích kinh tế được diễn ra mạnh mẽ vào năm 2025.

Công nghệ và Kinh doanh

Đồng hồ điểm những giây cuối cùng cho TikTok. Tuần trước, TikTok đã thất bại trong một kháng cáo quan trọng đối với một đạo luật của Mỹ được thông qua vào tháng 4, trong đó yêu cầu công ty mẹ ByteDance phải chuyển nhượng ứng dụng mạng xã hội này cho một đối tác tại Mỹ trước ngày 19 tháng 1 năm 2025, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm hoạt động tại Mỹ. Một chiến dịch quan hệ công chúng rầm rộ của TikTok vào tháng 3 gần như phản tác dụng và khiến các nhà lập pháp Mỹ tin rằng ứng dụng này thực sự có sức mạnh ảnh hưởng đến dư luận theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Dù ByteDance không có quyền năng để có thể kháng cự chính quyền Trung Quốc nhưng theo nhận xét của tòa án, những bằng chứng về việc Bắc Kinh có sử dụng TikTok để thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng là khá hạn chế. Tuy nhiên, các nghiên cứu học thuật cũng đã chỉ ra một số thiên hướng ủng hộ quan điểm của chính phủ Trung Quốc trên nền tảng này. TikTok hiện đang thử một cách tiếp cận khéo léo hơn, bằng cách lập luận rằng các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ sẽ mất 1,3 tỷ USD ngay trong tháng đầu tiên của lệnh cấm.

Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của chiến dịch vận động hành lang của TikTok là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump – Sau khi nhà tài trợ đảng Cộng hòa và nhà đầu tư TikTok Jeff Yass vận động hành lang, Trump đã đột ngột thay đổi lập trường về lệnh cấm, dù trước đó chính quyền của Trump đã cố gắng thực thi chính sách này. Mặc dù đạo luật này của Mỹ sẽ có hiệu lực ngay trước khi Trump nhậm chức, nhưng Trump vẫn còn một số lựa chọn khác, chẳng hạn như gây sức ép lên Bộ Tư pháp để họ không thi hành lệnh cấm.

Hình ảnh gắn liền với Trump là một bậc thầy đàm phán nên một kịch bản khả dĩ hơn có thể là Trump sẽ tìm được một người mua mà ByteDance tương đối chấp nhận được.

Cuộc điều tra về Nvidia. Trung Quốc đang tăng cường chuẩn bị cho một cuộc đối đầu sắp tới với Mỹ về thuế và các biện pháp trừng phạt, mở đầu bằng cuộc điều tra chống độc quyền vừa mới được công bố đối với gã khổng lồ chip Mỹ Nvidia. Tuy nhiên, Nvidia và các nhà sản xuất bán dẫn khác thường xuyên vận động hành lang chống lại các lệnh trừng phạt chip ở Washington, chính vì điều này nên họ cũng có thể trở nên hữu dụng với Bắc Kinh.

Trung Quốc dường như đã quyết định đẩy Nvidia về tay các ông lớn trong nước như Huawei. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của Mỹ vẫn giữ lợi thế công nghệ trong mảng chip chất lượng cao. Một đợt vận động mới từ các “cố vấn” của Trump ở Thung lũng Silicon cũng có thể làm tăng nhu cầu về chip cao cấp, nhất là loại chip dùng trong khai thác tiền điện tử.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang cắt đứt nguồn cung linh kiện máy bay không người lái và cố gắng siết chặt chuỗi cung ứng của Mỹ. Cuộc xung đột công nghệ Mỹ – Trung đã bắt đầu nóng lên; tùy thuộc vào hành động của Trump khi ông nhậm chức, tình hình cũng có thể trở nên cực kỳ căng thẳng. Với thuế quan, các biện pháp trừng phạt và nhu cầu, giá thiết bị điện tử có thể tăng mạnh trong năm tới.