Trump không thể bắt nạt toàn thế giới

Nguồn: Stephen M. Walt, “Trump Can’t Bully the Entire World,” Foreign Policy, 30/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Lớn tiếng đe dọa không phải là chính sách đối ngoại.

Trong sách vở và phim ảnh, rất dễ để dự đoán điều gì sẽ xảy ra với một kẻ bắt nạt. Hắn sẽ hành hạ người anh hùng trong một thời gian, nhưng cuối cùng, sẽ có người đứng lên chống lại hắn, phơi bày điểm yếu của hắn, và trừng phạt hắn. Bạn đã thấy điều đó nhiều lần: Harry Potter hạ nhục Draco Malfoy và đánh bại Voldemort; Marty McFly đánh bại Biff không chỉ một mà là ba lần; Lọ Lem có được Hoàng tử đẹp trai trong khi hai chị gái độc ác của nàng chẳng được gì; Tom Brown chiến thắng Flashman; Elizabeth Bennet thách thức Phu nhân Catherine de Bourgh và giành được tình yêu của Ngài Darcy. Cốt truyện quen thuộc này là lời nhắc nhở an ủi chúng ta rằng cái thiện cuối cùng sẽ chiến thắng cái ác.

Nhưng vấn đề là, cuộc sống thực không phải là một cuốn sách hay một bộ phim Hollywood. Thật vậy, năm 2024 là một năm tuyệt vời cho những kẻ bắt nạt. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang giành chiến thắng ở Ukraine, bất chấp việc phải trả giá rất đắt. Chủ nghĩa dân túy phi tự do của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang lan rộng ở châu Âu. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn nắm quyền ở Israel, dù đã khiến đất nước của mình gánh chịu cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10/2023; hiện tại, ông còn giám sát một chiến dịch diệt chủng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người Palestine vô tội, đồng thời phải đối mặt với lệnh bắt giữ từ Tòa án Hình sự Quốc tế. Và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị quay trở lại Nhà Trắng, với kẻ bắt nạt giàu nhất thế giới – Elon Musk – ở bên cạnh (chí ít là trong lúc này).

Trump, Musk, và tay sai của họ dường như tin rằng mình có thể bắt nạt cả thế giới. Trump thậm chí còn chưa tuyên thệ nhậm chức, nhưng ông đã đe dọa các nước khác bằng thuế quan và các lệnh trừng phạt nếu họ không đáp ứng những gì ông yêu cầu. Ông đe dọa sẽ kiện các tờ báo chỉ trích mình và trừng phạt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không vâng lời. Người được Trump đề cử làm giám đốc FBI, cùng với một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa thì tỏ vẻ háo hức truy đuổi các đối thủ chính trị của Tổng thống. Cách tiếp cận này vượt xa chủ nghĩa giao dịch có qua có lại; đó là một nỗ lực trắng trợn nhằm tống tiền, bắt nạt, và đe dọa để buộc người khác phải nhượng bộ trước, dựa trên nỗi sợ hãi của họ về những gì Trump có thể làm để gây tổn hại cho họ.

Không có gì ngạc nhiên khi Trump nghĩ cách tiếp cận này sẽ hiệu quả. Đảng Cộng hòa mà tôi từng thuộc về đã bị vạch trần là một tập hợp đáng thương của những kẻ cơ hội, vô nguyên tắc, với xương sống tập thể chỉ như một bát thạch dẻo. Các lãnh đạo doanh nghiệp giàu có đang vội vã lấy lòng Trump, các phương tiện tin tức từng được tôn trọng như ABCLos Angeles Times đang giương cờ trắng, và các nhà bình luận hèn nhát, như cây ngả theo chiều gió, đang dần trở thành đồng phạm. Tôi cho rằng các trường đại học và các tổ chức tư duy độc lập khác cũng sẽ bắt đầu thu hẹp hoạt động và điều chỉnh hướng đi.

Tình hình thế giới dường như đang tạo thuận lợi cho Trump. Châu Âu đã rơi vào trì trệ kinh tế và chia rẽ chính trị. Chính phủ Trudeau ở Canada đang hấp hối. Nga thì bị vắt kiệt sức. Còn kinh tế Trung Quốc đang bên bờ vực giảm phát và dễ bị tổn thương. Trục kháng chiến ở Trung Đông đang rơi vào hỗn loạn, với việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ là đòn giáng mới nhất vào những nỗ lực của trục này nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ-Israel. Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Mỹ sắp tới cho rằng bây giờ là lúc Mỹ phải gây áp lực tối đa lên tất cả những ai không chịu trao cho Trump những gì ông muốn. Và dường như, cách tiếp cận này có vẻ hiệu quả: Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có một chuyến đi đến Mar-a-Lago; các thành viên NATO hiện đang nói về mục tiêu chi tiêu quốc phòng là 3% GDP; và Tổng thống Iran liên tục nói rằng ông muốn giảm căng thẳng với thế giới bên ngoài. Mỹ – và theo hàm ý, là Trump – dường như đang trên đà thắng thế.

Liệu Mỹ có thể sắp xếp lại chính trị thế giới theo ý thích của Trump hay Musk? Chúng ta có đang chứng kiến sự trở lại của thời điểm đơn cực, không còn chủ nghĩa lý tưởng tự do ngây thơ đã khiến Mỹ rơi vào rắc rối hay không? Trump có thực sự có thể bắt nạt cả thế giới không?

Tôi nghi ngờ điều đó.

Một lý do khiến tôi hoài nghi là tôi đã từng xem “bộ phim” này trước đây. Quay trở lại những năm 1990, các chính trị gia và chuyên gia ở Mỹ cho rằng lịch sử đang diễn ra như ý muốn của Mỹ, và rằng từng quốc gia sẽ cúi đầu trước sức mạnh to lớn của quyền lực Mỹ và sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do. Những kẻ duy nhất chống cự sẽ là một số ít các “quốc gia bất hảo,” với những nhà lãnh đạo không biết nắm bắt tình hình, nhưng họ sẽ bị kiềm chế và cuối cùng buộc phải khuất phục. Nếu điều đó không hiệu quả, thì vẫn luôn có lựa chọn thay đổi chế độ. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như những người lạc quan dự đoán, và đó là một trong những lý do khiến chúng ta lại kết thúc với một nhà lãnh đạo như Trump.

Thứ hai, quyền lực không được kiểm soát sẽ khiến người ta lo lắng, và hành vi bắt nạt công khai sẽ khiến mọi người tức giận và phẫn nộ. Phản ứng điển hình là cân bằng với áp lực của Mỹ, hoặc công khai (như Nga, Trung Quốc, và Iran đã làm), hoặc bằng cách “cân bằng mềm” như các đồng minh của Mỹ đã làm trong thời khắc đơn cực cuối cùng. Các nhà lãnh đạo liên tục quỳ gối sẽ phải đối mặt với áp lực trong nước kêu gọi phản kháng, và đặc biệt là nếu việc chấp nhận các yêu cầu của Trump khiến công chúng trong nước phải trả giá đắt.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do cách tiếp cận chính trị thuần túy mang tính giao dịch của Trump. Người Mỹ thường xuyên sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để gây sức ép buộc các đồng minh làm những gì họ muốn, nhưng họ đồng thời cũng nhấn mạnh một loạt các giá trị chung và khẳng định rằng Mỹ không chỉ hành động vì lợi ích của riêng mình, mà còn vì lợi ích của cộng đồng rộng lớn hơn gồm những quốc gia có cùng chí hướng. Nắm đấm sắt đã ở đó, nhưng găng tay nhung cũng vậy. Việc Mỹ sẵn sàng hoạt động trong một loạt các thể chế đa phương vốn đặt ra một số giới hạn nhất định đối với quyền lực của nước này đã khiến vị thế tối cao của họ ít có tính đe dọa hơn và sự lãnh đạo của họ được những nước khác chấp nhận hơn. Nhưng Trump không quan tâm đến bất kỳ điều nào trong số những điều này, và ngay cả các đối tác lâu năm của Mỹ cũng sẽ cảnh giác không tuân thủ quá dễ dàng và do đó sẽ xuất hiện những đòi hỏi mới.

Hơn nữa, dù việc đưa ra những lời đe dọa khoa trương không khiến Trump mất gì trong ngắn hạn, nhưng việc thực sự thực hiện chúng sẽ gây tổn hại. Bởi vì Mỹ lớn hơn và mạnh hơn tất cả những nước khác, việc áp đặt thuế quan hoặc các biện pháp trừng phạt khác có thể gây tổn hại cho nước khác nhiều hơn là gây tổn hại cho Mỹ. Nhưng việc áp đặt thuế quan hoặc các biện pháp cưỡng chế khác không phải là không có cái giá đi kèm, đặc biệt là khi đối phó với các nước lớn như Trung Quốc, hoặc các quốc gia mà ngành công nghiệp Mỹ phụ thuộc vào các đầu vào hoặc hàng hóa quan trọng. Và đôi khi, ngay cả các quốc gia yếu hơn nhiều cũng sẵn sàng trả giá đắt khi lợi ích sống còn của họ bị đe dọa, như Serbia đã làm đối với Kosovo và như Iran đã làm suốt nhiều thập kỷ qua. Tóm lại, những điều mà Trump có thể yêu cầu người khác làm là có giới hạn.

Thứ tư, một kẻ bắt nạt như Trump thường muốn giải quyết từng mục tiêu một, vì điều đó sẽ tối đa hóa đòn bẩy của ông ta. Ông sẽ không muốn đối đầu trực tiếp với Liên minh châu Âu (mà ông từng mô tả là một trong những “kẻ thù” của Mỹ); ông muốn giải quyết trực tiếp với các quốc gia châu Âu riêng biệt và đạt được thỏa thuận với từng nước một cách độc lập. Nhưng cách tiếp cận đó không hiệu quả và tốn thời gian, và tôi dự đoán rằng rất nhiều trong số những thỏa thuận mới này sẽ không được thực hiện.

Thứ năm, các quốc gia đối mặt với kẻ bắt nạt có nhiều cách để giả vờ đồng ý mà không thực sự khuất phục. Như chúng ta đã thấy, một số nhà lãnh đạo nước ngoài khôn ngoan sẽ nịnh nọt Trump và nói rằng họ sẵn sàng thảo luận bất cứ điều gì ông muốn, nhưng thực sự chỉ đưa ra những nhượng bộ nhỏ hoặc hoàn toàn mang tính biểu tượng. Canada tuyên bố rằng họ sẵn sàng thắt chặt biên giới và kiểm soát các lô hàng tiền chất fentanyl vào Mỹ, nhưng đây là một lời cam kết vô nghĩa vì Canada không phải là nguồn nhập cư bất hợp pháp hoặc nguồn cung cấp tiền chất fentanyl chính. Các quốc gia khác sẽ áp dụng một cách tiếp cận tương tự: nói với Trump rằng họ sẽ làm những gì ông muốn và sau đó tìm cách câu giờ, như Trung Quốc đã làm thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Đây là một hạn chế khác của phương pháp tiếp cận giao dịch đơn thuần và chủ yếu song phương: Khi bạn phải đối phó với từng thực thể trên toàn cầu, thì việc giám sát thực hiện cam kết và phát hiện các hành vi trốn tránh trở thành một nhiệm vụ phức tạp và tốn kém.

Thứ sáu, hãy nhớ rằng Trump quan tâm đến vẻ bề ngoài hơn là những thành tựu thực tế. Ông cho rằng những cuộc họp thượng đỉnh kiểu chương trình truyền hình thực tế với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một thành công lớn: Cả thế giới phải dõi theo và tỷ suất người xem thì cực khủng. Tuy nhiên, chẳng có gì xảy ra sau tất cả những ồn ào đó, và Kim, chứ không phải Trump, mới là người chiến thắng lớn. Ông nhận được uy tín và tính chính danh tích lũy được từ một cuộc gặp trực tiếp với một tổng thống Mỹ, còn Trump thì ra về tay trắng.

Mỹ cũng không phải là một quốc gia toàn năng. Chẳng hạn, thị trường trái phiếu có lý trí riêng, và Trump có thể nhận ra sức mạnh của nó nếu thâm hụt của Mỹ bùng nổ hoặc lạm phát quay trở lại theo cách mạnh mẽ. Quyền kiểm soát chính trị trong nước của Trump không hề vững chắc: Thế đa số của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện rất mong manh, và chiến thắng bầu cử của ông không hề vang dội như ông tuyên bố. Chỉ cần một vài lần vấp ngã, và mọi thành viên của Quốc hội tái tranh cử vào năm 2026 sẽ bắt đầu tìm cách tách mình ra. Việc hàng chục đảng viên Cộng hòa sẵn sàng thách thức Trump về dự luật tài trợ của chính phủ gần đây là một dấu hiệu khác cho thấy những hạn chế mà ông sẽ phải đối mặt. Và tất cả những lời khoác lác và phô trương trên mạng xã hội cũng không thể thay đổi được các định luật vật lý, hóa học, và sinh học: Môi trường không quan tâm đến bất cứ điều gì Trump nói trên Truth Social, và virus vẫn sẽ tiếp tục tiến hóa bất kể Robert F. Kennedy Jr. – ứng viên mà Trump đề cử cho chức bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh – tin tưởng điều gì, hoặc những phóng viên trên Fox News nói gì.

Cuối cùng, mọi tổng thống Mỹ đều phải đối mặt với một vài điều bất ngờ khó chịu – những vấn đề hoặc khủng hoảng mà họ không mong đợi hoặc lên kế hoạch đối phó. Đối với George W. Bush, đó là sự kiện ngày 11 tháng 9; đối với Barack Obama, đó là Mùa xuân Ả Rập và việc Nga chiếm Crimea; đối với Joe Biden, đó là cuộc xâm lược Ukraine của Nga và cuộc tàn sát ở Gaza, Lebanon, và Bờ Tây. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, đó là đại dịch COVID-19, và việc ông xử lý sai cuộc khủng hoảng bất ngờ đó là một trong những lý do chính khiến ông thua cuộc bầu cử năm 2020. Sau khi tập hợp một chính phủ toàn những tên hề, với những kẻ lập dị bất tài nắm quyền ở một số lĩnh vực quan trọng, Trump 2.0 có lẽ vẫn chưa chuẩn bị tốt cho bất kỳ vấn đề bất ngờ nào được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống.

Xin nói rõ: Tôi không nói Trump không thể vung cây gậy lớn và khiến một số quốc gia trao cho ông một số thứ mà ông muốn. Nếu bạn đe dọa đủ nhiều người, thì một số mục tiêu của bạn chắc chắn sẽ khuất phục. Trump sẽ nhận toàn bộ công lao bất cứ khi nào điều này xảy ra (ngay cả khi lợi ích thực tế rất khiêm tốn) và hy vọng rằng mọi người sẽ bỏ qua những lời đe dọa phản tác dụng hoặc thất bại. Với khả năng đã được chứng minh của Trump trong việc thuyết phục mọi người tin vào những điều đơn giản là không đúng sự thật, và việc các phương tiện truyền thông của chúng ta không có khả năng buộc ông phải chịu trách nhiệm, cách tiếp cận này thậm chí có thể khiến người Mỹ nghĩ rằng Trump đang làm rất tốt. Nhưng điều mà nó sẽ không làm được là tạo ra một loạt các thành tựu chính sách đối ngoại thực sự. Nó thậm chí có thể dẫn đến loại trừng phạt mà các tiểu thuyết gia và biên kịch yêu thích. Và đó mới là bộ phim mà tôi muốn xem.

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.