Mối đe dọa từ Trump đối với ngành tình báo Mỹ

Nguồn: Peter Schroeder, “Trump’s Threat to U.S. Intelligence,” Foreign Affairs, 17/01/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự gián đoạn và yêu cầu lòng trung thành sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia.

Vào ngày 21/01/2017, một ngày sau lễ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến thăm Trụ sở Cục Tình báo Trung ương (CIA) tại Langley, Virginia. Đây là một trong những sự kiện chính thức đầu tiên của ông trong tư cách là tổng thống và cũng là cơ hội để thiết lập lại quan hệ với cộng đồng tình báo. Chỉ mười ngày trước đó, ông đã cáo buộc các cơ quan tình báo làm rò rỉ một báo cáo tuyên bố rằng các điệp viên Nga có thông tin cá nhân và tài chính của ông.

Nhưng Trump đã nhanh chóng đi chệch hướng và làm thay đổi hoàn toàn quan hệ của ông với cộng đồng tình báo trong suốt phần còn lại của nhiệm kỳ đầu tiên. Đứng trước Bức tường Tưởng niệm CIA – địa điểm quan trọng và trang nghiêm nhất của cơ quan này – Trump đã đưa ra những phát biểu giống như một sự kiện vận động tranh cử, nói lan man từ chủ đề ngẫu nhiên này sang chủ đề ngẫu nhiên khác, bao gồm cả việc đám đông lớn như thế nào tại lễ nhậm chức của ông. Sự đối lập giữa những lời phàn nàn của Trump về giới truyền thông với những hàng ngôi sao đại diện cho các đặc vụ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ khiến nhiều sĩ quan cảm thấy ghê tởm. Đó là một bàn phản lưới nhà đã gây ra sự ngờ vực và thiếu lòng tin trong bốn năm tiếp theo.

Trong lúc Trump chuẩn bị cho lễ nhậm chức lần thứ hai của mình, cộng đồng tình báo có thể lại một lần nữa cảm thấy bất an. Với một đội ngũ quản lý có tổ chức và ổn định hơn, tổng thống đắc cử có thể đặt mục tiêu khai thác cộng đồng tình báo để bảo vệ quê hương và lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Nhưng cho đến nay, các đề cử của ông cho vị trí Giám đốc CIA, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI), và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) cho thấy ông đang ưu tiên lòng trung thành hơn là chuyên môn. Bị thúc đẩy bởi lòng hận thù chính trị, Trump có thể sẽ phát động một cuộc tấn công toàn diện vào cái mà ông gọi là “nhà nước ngầm”: một nhóm quan chức chính phủ bí mật hợp tác để cản trở chương trình nghị sự của Trump, bao gồm các nhân viên đang theo dõi người Mỹ một cách bất hợp pháp và rò rỉ thông tin cho giới truyền thông.

Các viên chức tình báo nên cố gắng để không bị cuốn vào những lời lẽ khoa trương của Trump. Lịch sử cho thấy cộng đồng tình báo thường có thể thành công, ngay cả khi có quan hệ khó khăn với tổng thống. Và bất chấp những thất bại trong nhiệm kỳ đầu của Trump, ông đã giám sát những thành tựu tình báo quan trọng, chẳng hạn như vụ tiêu diệt thủ lĩnh và người sáng lập Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi.

Tuy nhiên, cộng đồng tình báo có thể sẽ phải đối mặt với một loạt rủi ro trong nhiệm kỳ tiếp theo của Trump, bao gồm cả các vấn đề nhân sự và tổ chức, việc thu thập và sử dụng thông tin, các cơ quan chức năng và phái bộ, cũng như các quan hệ đối tác nước ngoài. Cộng đồng tình báo sẽ phải vượt qua các cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn và tránh mọi thiệt hại dài hạn có thể xảy ra cho các thể chế và năng lực của cộng đồng. Và họ có thể làm như vậy, phần lớn, bằng cách tập trung vào mục tiêu cốt lõi của mình: khám phá các thông tin giúp bảo vệ đất nước và do đó chứng minh tính thiết yếu của họ. Nhưng cộng đồng tình báo sẽ phải nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng căng thẳng với Trump vẫn chỉ là những cuộc đấu đá nhỏ nhặt trong bộ máy, chứ không phải những cuộc ẩu đả không có giới hạn làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.

“THOÁT NƯỚC ĐẦM LẦY[1]

Mối đe dọa từ Trump đối với cộng đồng tình báo bắt đầu từ nguồn lực cơ bản nhất của họ: con người. Ý định của tổng thống đắc cử – hạn chế ảnh hưởng của các cơ quan an ninh quốc gia và thu hẹp quy mô chính phủ liên bang – có thể làm cạn kiệt nguồn nhân lực của cộng đồng tình báo, và do đó, làm giảm hiệu quả chung của cộng đồng này. Elon Musk và Vivek Ramaswamy, những người được Trump lựa chọn để lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ mới, đã lập luận kêu gọi cắt giảm lực lượng lao động liên bang trên diện rộng, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nhân viên tình báo. Bản thân Trump đã hứa sẽ sa thải những người mà ông gọi là “những nhân tố tham nhũng” trong bộ máy an ninh quốc gia.

Vẫn chưa rõ liệu việc cắt giảm lực lượng lao động liên bang có được áp dụng cho cộng đồng tình báo hay không và áp dụng như thế nào. Nhưng nếu Nhà Trắng của Trump cắt giảm quá sâu, hoặc cắt giảm ở những lĩnh vực quan trọng, thì điều đó sẽ làm suy yếu năng lực của cộng đồng tình báo. Ví dụ, việc cắt giảm nhân sự có thể làm suy yếu các kỹ năng mà cộng đồng tình báo đang cố gắng phát triển để giải quyết các mối đe dọa trong tương lai từ các tác nhân như Trung Quốc, hoặc trong các lĩnh vực như công nghệ tiên tiến. Ngay cả khi Trump không cắt giảm gì cả, thì lời lẽ thù địch của ông vẫn có thể làm suy yếu chức năng của cộng đồng tình báo. Giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, các nhân viên tình báo cấp trung tài năng có thể sẽ rời đi thay vì làm việc cho một tổng thống đòi hỏi lòng trung thành, một xu hướng sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn do áp lực đè nặng lên vai các công chức.

Rất khó để thay thế nhân sự trong ngành tình báo bởi vì bản chất đặc biệt của công việc này, đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức, và chuyên môn riêng. Ví dụ, vào tháng 10/1977, Giám đốc CIA khi đó là Stansfield Turner đã đột ngột sa thải khoảng 800 nhân viên tác chiến tình báo, làm sụt giảm tinh thần tại cơ quan và gây ra bước thụt lùi cho các hoạt động tình báo con người suốt nhiều năm sau đó. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhân sự của cộng đồng tình báo đã bị cắt giảm 25%, ngân sách của CIA giảm 18%, và cơ quan này đã áp dụng lệnh đóng băng tuyển dụng đối với các nhà phân tích, nhân viên tác chiến, và chuyên gia công nghệ. Tác động của những đợt cắt giảm này kéo dài đến cuối những năm 1990 và những năm 2000, cản trở khả năng của cộng đồng tình báo trong việc đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Ngày nay, việc thay thế những nhân viên đã ra đi có thể còn khó khăn hơn nữa. Vào tháng 10/2021, Giám đốc CIA William Burns lưu ý rằng CIA mất trung bình hơn 600 ngày để xử lý và tuyển dụng các nhân viên mới. Trump cũng có thể ngăn các ứng viên đủ tiêu chuẩn quyết định nộp đơn ngay từ đầu. Rốt cuộc thì, hiếm có ai thấy vui khi làm việc cho một vị tổng thống coi thường công việc của họ.

Ngay cả khi Trump không cắt giảm quy mô của cộng đồng tình báo, thì các cải cách của ông vẫn có thể làm suy yếu nguồn nhân lực của cơ quan này. Dự án 2025, bản kế hoạch của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) cho quá trình chuyển giao quyền lực của tổng thống, lập luận rằng Trump nên chỉ thị cho giám đốc CIA của mình thay thế người đứng đầu các trung tâm và ban quản lý phái bộ –những cơ quan giám sát công việc của cộng đồng tình báo ở các lĩnh vực khác nhau – để đảm bảo rằng các hoạt động của CIA phù hợp với chương trình nghị sự của tổng thống. Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, nhiều nhà quản lý tài năng có thể sẽ bị thay thế bằng các nhân viên được giám đốc cho là trung thành hơn hoặc phù hợp với đảng phái hơn. Dự án 2025 cũng kêu gọi di dời vĩnh viễn các bộ phận của CIA ra khỏi khu vực Washington, D.C. để giảm bớt ảnh hưởng của cơ quan này – một hành động có thể một lần nữa đẩy những người tài năng ra đi và phá vỡ liên hệ cộng sinh giữa tình báo và chính sách. Viện Chính sách Nước Mỹ Trên Hết, một viện do các cựu quan chức của Trump thành lập vào năm 2020, cũng đề xuất các quy tắc ứng xử yêu cầu các nhân viên tình báo phải ký một thỏa thuận không “lạm dụng thông tin xác thực về an ninh quốc gia của họ cho mục đích chính trị,” ngay cả sau khi rời khỏi cơ quan chính phủ. Các tiêu chuẩn không rõ ràng và có tính mở như vậy có thể gây ra nỗi sợ rủi ro trong hoạt động và phân tích của các nhân viên cộng đồng tình báo.

Chí ít thì, những nỗ lực của chính quyền Trump có thể sẽ gây xáo trộn khiến cộng đồng tình báo mất tập trung khỏi các nhiệm vụ chính của mình. Ngay cả những cải cách có thể hữu ích, chẳng hạn như trao cho giám đốc tình báo quốc gia quyền hạn lớn hơn đối với ngân sách của cộng đồng, cũng sẽ tạo ra những cuộc chiến tranh giành địa bàn giữa 18 cơ quan trong cộng đồng tình báo. Những nhà lãnh đạo tập trung vào việc bảo vệ nguồn lực và ngân sách của mình – cũng như công việc của chính họ – ít có khả năng làm việc hiệu quả cùng nhau.

GIÁN ĐOẠN DÒNG CHẢY THÔNG TIN

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump đã thể hiện sự coi thường đối với kết quả công việc của cộng đồng tình báo. Ông đăng một hình ảnh vệ tinh mật lên Twitter. Ông công khai nói với những người đứng đầu các cơ quan tình báo rằng họ nên “quay lại trường học” sau khi ông không đồng ý với lời chứng hàng năm của họ trước Quốc hội về mối đe đọa từ Iran. Trong những ngày cuối cùng của chính quyền đầu tiên, ông đã trốn đến Mar-a-Lago với các tài liệu tình báo được xếp loại tối mật.

Những xu hướng này đã gây báo động trong giới chuyên gia tình báo. Và thật không may, có khả năng rất cao là chúng sẽ quay trở lại. Ví dụ, những người được Trump đề cử vào các cơ quan tình báo chính cũng chia sẻ sự coi thường của tổng thống đối với công việc của cộng đồng và coi trọng lòng trung thành chính trị. Người được đề cử làm Giám đốc DNI Tulsi Gabbard là người chỉ trích lâu năm đối với các phát hiện của tình báo Mỹ. Người được đề cử làm Giám đốc FBI Kash Patel đã lập ra một danh sách những kẻ thù “nhà nước ngầm” cần phải thanh trừng. Ngay cả người được đề cử làm Giám đốc CIA John Ratcliffe, người ít gây tranh cãi nhất trong ba người, cũng có hồ sơ mang tính đảng phái. Ratcliffe là cựu Giám đốc DNI của Trump, và vào đầu tháng 01/2021, thanh tra phân tích cộng đồng tình báo đã báo cáo rằng các quan chức tình báo do Trump bổ nhiệm, bao gồm cả Ratcliffe, đã chính trị hóa các phân tích về sự can thiệp của Trung Quốc và Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Tuần này, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã thay thế Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Turner làm Chủ tịch Ủy ban Chọn lọc Thường trực của Hạ viện về Tình báo, mà Turner nói rằng là do “những quan ngại từ Mar-a-Lago.” Turner đã bỏ phiếu phê chuẩn kết quả bầu cử của Biden vào năm 2020 và là người ủng hộ sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine. Một thành viên trong đội ngũ chuyển giao của Trump tập trung vào CIA, Robert Greenway, đã lập luận rằng những cuộc họp tình báo hàng ngày hiện tại của tổng thống, trong đó các cơ quan tình báo cung cấp các đánh giá phối hợp trực tiếp cho tổng thống, nên được thay thế bằng một hệ thống để chuyển thông tin đến những nhân vật được bổ nhiệm chính trị cấp thấp hơn của Nhà Trắng. Một hệ thống như vậy sẽ làm tăng khả năng Trump chỉ nghe những gì ông muốn nghe, thay vì những gì ông cần nghe.

Nếu Trump và đội ngũ của ông tiếp tục hành xử với thái độ khinh thường như vậy, thì thái độ của họ đối với cộng đồng tình báo có thể làm suy yếu việc chia sẻ thông tin, khi các cơ quan tình báo hạn chế dòng chảy thông tin vì sợ rằng thông tin có thể bị sử dụng sai mục đích. Các viên chức tình báo phải chịu trách nhiệm về mạng sống của các đặc vụ, cũng như các nền tảng thu thập dữ liệu đắt tiền và không thể thay thế; do đó, họ có thể lo ngại rằng việc làm xói mòn các biện pháp bảo vệ thông tin của các cơ quan của họ sẽ khiến mạng sống và tài sản của họ gặp rủi ro. Kết quả là, việc kết nối các manh mối về những thách thức an ninh quốc gia sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Và hậu quả có thể rất thảm khốc. Ví dụ, báo cáo của Ủy ban 11/9, được công bố vào năm 2004, phát hiện ra rằng những thất bại trong việc chia sẻ thông tin (đặc biệt là giữa CIA và FBI) là một yếu tố chính góp phần khiến cộng đồng tình báo không phát hiện và ngăn chặn được các cuộc tấn công khủng bố.

Ngay cả nhận thức về chính trị hóa cũng sẽ làm tăng nguy cơ tự kiểm duyệt. Các nhân viên tình báo có thể trở nên do dự khi đưa ra thông tin không phù hợp với chương trình nghị sự của tổng thống. Ngoài ra, họ có thể cố bám chặt lấy các phân tích ban đầu của mình, và xem những đánh giá khác là nhằm phục vụ lợi ích chính trị của chính quyền thay vì đánh giá khách quan dựa trên thông tin có sẵn. Theo báo cáo tháng 01/2021 của thanh tra phân tích cộng đồng tình báo, động lực này thực sự hiện diện trong phân tích về sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Theo thanh tra, các nhà quản lý CIA đã cố chấp tin vào phán đoán của họ, rằng Trung Quốc không cố gắng làm suy yếu Trump trong cuộc bầu cử năm 2020, và cố gắng ngăn chặn các đánh giá thay thế. Cũng giống như nhận thức về xung đột lợi ích, nhận thức về tình báo bị chính trị hóa có thể bóp méo quá trình phân tích, làm suy yếu các cuộc tranh luận cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn.

VƯỢT QUA GIỚI HẠN

Việc chính trị hóa cộng đồng tình báo sẽ đi kèm với những rủi ro vượt ra ngoài việc để mất nhân viên và thúc đẩy các cuộc chiến nội bộ. Các quan chức tình báo có thể lo ngại về tác động lâu dài mà các chính sách của Trump sẽ gây ra cho vai trò và thẩm quyền của các cơ quan của họ, dẫn đến sự thận trọng và do dự vốn có thể gây tổn hại đến hiệu quả hoạt động. Riêng CIA có lẽ sẽ không quên những chiến dịch do Nhà Trắng thúc đẩy nhưng cuối cùng lại gây hậu quả nghiêm trọng cho chính cơ quan này, chẳng hạn như vụ Iran-Contra vào những năm 1980 và việc sử dụng tra tấn trong “cuộc chiến chống khủng bố.” Cả hai đều dẫn đến nhiều năm điều tra và gây tổn hại đến danh tiếng của CIA. Xét đến quá khứ theo đuổi các chính sách vì lợi ích cá nhân của Trump – cuộc luận tội đầu tiên của ông diễn ra sau khi ông yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra Joe và Hunter Biden – các nhân viên tình báo nhiều khả năng sẽ xem xét kỹ lưỡng sự tham gia hoặc chỉ đạo của ông đối với các chiến dịch của họ, lo ngại rằng động cơ chính trị hoặc việc vượt quá quyền hạn có thể khiến họ phải ra trước Quốc hội. Thái độ miễn cưỡng này đã xuất hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Theo Wired, Trump đã cố gắng yêu cầu CIA lật đổ nhà độc tài Venezuela Nicolás Maduro, nhưng chỉ nhận được sự ủng hộ hờ hững và việc triển khai chiến dịch không mấy nhiệt tình từ các quan chức lo lắng về một phản ứng dữ dội.

Quan điểm chính sách đối ngoại phi truyền thống của Trump và sự sẵn sàng chống lại các đồng minh cũng có thể tạo ra những thách thức cho việc chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác nước ngoài. Dự án 2025 khuyến nghị rằng Nhà Trắng nên tìm cách kiểm soát và giám sát nhiều hơn các quan hệ đối tác tình báo nước ngoài, thay vì để chúng nằm dưới sự kiểm soát của các cơ quan tình báo. Việc Trump đề cử Gabbard đã làm dấy lên quan ngại trong số các đồng minh của Mỹ, vì cách tiếp cận tương đối thân thiện của bà đối với Nga và cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad (người mà bà đã gặp vào năm 2017). Vào tháng 07/2024, một số quan chức nước ngoài nói với Politico rằng các cố vấn của Trump đã thông báo với họ rằng cựu tổng thống và tổng thống tương lai đang cân nhắc việc giảm chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác NATO như một phần của kế hoạch cắt giảm hỗ trợ cho liên minh. Vào tháng 05/2017, tờ New York Times đưa tin rằng Trump thậm chí đã chuyển thông tin tình báo có nguồn gốc từ Israel cho Ngoại trưởng Nga trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục.

Các quan hệ đối tác tình báo lành mạnh là có lợi cho cộng đồng tình báo. Các chính phủ nước ngoài có thể thu thập và chuyển giao những hiểu biết và thông tin mà các cơ quan của Mỹ không thể tiếp cận hoặc không có nguồn lực để thu thập. Nhưng nếu các đối tác lo ngại rằng Tổng thống Mỹ hoặc Giám đốc Tình báo Quốc gia sẽ không bảo vệ những gì họ chia sẻ, hoặc thông tin đó sẽ được sử dụng để hỗ trợ các chính sách có hại, thì các đối tác này có thể dừng lại. Nếu vậy, không chỉ cộng đồng tình báo phải chịu thiệt hại lớn. Các quan hệ đối tác tình báo căng thẳng và việc giảm chia sẻ thông tin sẽ khiến toàn bộ chính quyền khó sử dụng tình báo Mỹ như một công cụ hoạch định chính sách, chẳng hạn bằng cách cung cấp thông tin cho các chính phủ đồng minh để hỗ trợ các sáng kiến. Ví dụ, Washington đã cảnh báo về cuộc xâm lược Ukraine của Nga từ rất lâu trước khi nó xảy ra vào tháng 02/2022, giúp tạo động lực cho các lệnh trừng phạt quốc tế mạnh mẽ.

LÀM HÒA

Nhiều nhân viên tình báo chắc chắn đang chờ đợi nhiệm kỳ thứ hai của Trump trong lo lắng, nhớ lại những điểm nhấn trong bốn năm tại nhiệm đầu tiên của ông – chuyến thăm CIA đầu tiên của ông và cuộc nổi loạn ở Điện Capitol. Nhưng các nhân viên tình báo có quan điểm chính trị khác nhau, và khi nói đến công việc của họ, hầu hết đều phi chính trị. Thay vào đó, họ muốn tập trung vào sứ mệnh của mình: đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân Mỹ.

Nếu Trump muốn, ông có thể khai thác sự tập trung và năng lượng đó để bảo vệ Mỹ ở cả trong và ngoài nước. Và với quá trình chuyển giao ít hỗn loạn hơn, và nhiều kinh nghiệm hơn, Trump đã được chuẩn bị tốt hơn để làm việc với cộng đồng tình báo trong nhiệm kỳ này so với nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tuy nhiên, Trump vẫn giữ thái độ khinh thường đối với các viên chức liên bang và vẫn ôm mối hận thù dai dẳng về cuộc điều tra do cộng đồng tình báo dẫn đầu về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Và con đường mà ông đang ẩn ý, thông qua các phát biểu và các cuộc bổ nhiệm của mình, là có tính đối đầu.

Nếu cuối cùng Trump lựa chọn thái độ đối kháng, thì các cơ quan tình báo Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày và tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi của họ. Nhưng các chuyên gia tình báo vẫn có công việc phải làm, và có lẽ cách phòng thủ tốt nhất của họ là làm cho tốt công việc đó. Năm 1961, thất bại của cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn do CIA chỉ huy ở Cuba gần như đã phá hỏng quan hệ của cơ quan này với Tổng thống mới nhậm chức John F. Kennedy. Nhưng chỉ một năm sau, cộng đồng tình báo đã lấy lại được một phần lòng tin của Kennedy khi cung cấp thông tin rằng Liên Xô đang chuyển giao tên lửa hạt nhân cho Cuba. Ngay cả những vị tổng thống hay hoài nghi, đối kháng cũng thường thay đổi thái độ khi nhận ra rằng họ cần đến sự hiểu biết hoặc năng lực của cộng đồng tình báo.

Cộng đồng tình báo cũng có nhiều cơ chế giám sát mà họ có thể sử dụng để khiến đội ngũ của Trump khó sử dụng thông tin tình báo sai mục đích – theo những cách vượt ra ngoài việc thúc đẩy các mục tiêu chính sách. Chúng là những cơ chế đã phát triển song song với các vai trò và thẩm quyền độc đáo của họ. Bộ máy bí mật, lan rộng của họ không thích hợp với kiểu quản lý vi mô của Nhà Trắng, nhất là khi Trump không phải người chịu tập trung và kiên trì. Phần lớn công việc của cộng đồng tình báo sẽ tiếp tục trong bóng tối, bất kể Trump theo đuổi chính sách nào.

Và cuối cùng, nhiệm kỳ tổng thống của Trump chỉ kéo dài bốn năm. Ông nói năng rất hùng hồn, nhưng thực ra lại không làm được gì nhiều. Chìa khóa cho các viên chức tình báo sẽ là tránh bị sao nhãng và tìm cách tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi. Bằng cách đó, họ có thể đảm bảo rằng sự gián đoạn của Trump chỉ là tạm thời, chứ không phải là bước thay đổi lớn đối với cộng đồng.

Peter Schroeder là nghiên cứu viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ Mới. Ông là nhà phân tích và thành viên của Cơ quan Phân tích Cấp cao tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ và từ năm 2018 đến năm 2022 giữ chức Phó Giám đốc Tình báo Quốc gia phụ trách Nga và Âu Á tại Hội đồng Tình báo Quốc gia.

———————

[1] Một cụm từ thường được các chính trị gia Mỹ sử dụng để nói về việc cắt giảm ảnh hưởng của các nhóm lợi ích