Nguồn: Katsuji Nakazawa, “How Trump expects Xi to help end war in Ukraine,” Nikkei Asia, 23/01/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Sự tham gia của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung trong kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Donald Trump, người vừa tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ vào thứ Hai ngày 20/01, đã nhiều lần trao đổi quan điểm một cách nghiêm túc trong hơn hai tháng rưỡi qua, kể cả ở đằng sau hậu trường.
Cuộc trao đổi đã diễn ra bất chấp niềm tin phổ biến rằng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ leo thang trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump.
Vào ngày 17/01, Trump đã có một cuộc điện đàm với Tập. Đây là cuộc điện đàm duy nhất của họ được công bố trong vòng hai tháng rưỡi kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 đến lễ tuyên thệ nhậm chức của Trump vào ngày 20/01.
Nhưng các nguồn tin thân cận với quan hệ Mỹ-Trung tiết lộ rằng Trump và Tập đã trao đổi quan điểm không chính thức không chỉ một lần, mà còn khá thường xuyên trong thời gian đó, với cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Đỉnh cao đầu tiên của những liên lạc giữa Trump và Tập diễn ra vào ngày 07/12/2024. Trump đã ở Paris vào ngày hôm đó và đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Cuộc họp ba bên được tổ chức tại Điện Elysee, nơi ở chính thức của Tổng thống Pháp.
Họ đã gặp nhau bên lề một buổi lễ được tổ chức để chào mừng việc Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng thế giới mở cửa trở lại.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump tuyên bố rằng nếu được bầu làm tổng thống Mỹ lần thứ hai, ông có thể đạt được lệnh ngừng bắn cho cuộc chiến Ukraine chỉ trong vòng một ngày sau khi nhậm chức.
Zelenskyy muốn cuộc xâm lược kéo dài của Nga vào Ukraine phải dừng lại càng sớm càng tốt, còn mối bận tâm trên hết của Macron là an ninh của toàn thể châu Âu.
“Trump đã cố gắng liên lạc với phía Trung Quốc khi tham dự cuộc họp ba bên,” một nguồn tin có liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung cho biết. Trump được cho là đã tìm cách trò chuyện với Tập.
Trong khi đó, Tập đã chứng minh “tuần trăng mật” Trung-Nga trên cả mặt trận quân sự lẫn kinh tế. Ông có lẽ là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất có thể gây ảnh hưởng chính trị lên Putin, một quan điểm được Trump và Macron chia sẻ.
Không thể xác định liệu Trump đã nói chuyện trực tiếp với Tập vào thời điểm đó hay chưa. Nhưng điều chắc chắn là Trump đã yêu cầu phía Trung Quốc thuyết phục Putin làm hòa.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, từ năm 2017 đến năm 2021, Trump đã nhiều lần gặp Tập. Và kết quả là các kênh liên lạc cá nhân cũng đã được thiết lập giữa họ.
Sau khi Trump thắng cử vào tháng 11 vừa qua, đại diện ngoại giao của ông cũng đã có chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh để thảo luận về nhiều dàn xếp khác nhau.
Việc Trump yêu cầu Tập hợp tác để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine đã được nhà lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng, nếu không muốn nói là trực tiếp, chuyển đến Putin. Điều này đã dẫn đến chuyến thăm không báo trước của cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới Bắc Kinh.
Vào ngày 12/12, một cuộc họp kỳ lạ đã diễn ra giữa Tập và Medvedev, người hiện đang giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là trợ lý thân cận của Putin. Vào thời điểm đó, không có vấn đề cấp bách nào giữa Trung Quốc và Nga. Vì vậy, có thể nói rằng Trung Quốc và Nga đã thảo luận về yêu cầu của Trump, đề nghị Tập giúp đỡ để chấm dứt chiến tranh Ukraine.
Chỉ vài ngày sau cuộc gặp Trump-Macron-Zelenskyy tại Paris, truyền thông Mỹ đưa tin Trump đã mời Tập đến dự lễ nhậm chức của ông tại Washington. Đây là động thái nhằm thúc giục Tập nghiêm túc thuyết phục Putin tham gia đàm phán hòa bình.
Nếu Trump có thể đạt được lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến Ukraine với sự giúp đỡ của Tập trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, ông cần phải đích thân cảm ơn nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trump đã nghĩ rằng lễ nhậm chức của mình sẽ mang đến cho ông cơ hội tốt để làm vậy. Điều đó có nghĩa là việc Trump yêu cầu sự giúp đỡ của Tập trong vấn đề Ukraine có liên quan chặt chẽ đến lời mời tham dự lễ nhậm chức mà ông gửi đến nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, lời mời của Trump dành cho Tập khiến Trung Quốc vô cùng lo ngại về ý định thực sự của Tổng thống Mỹ. Trung Quốc cảm thấy rằng nếu họ bị Trump dụ dỗ và bất cẩn tham gia sâu hơn vào chương trình nghị sự còn ẩn giấu của ông, thì cuối cùng họ sẽ phải trả giá đắt vì hành động đó.
Do đó, nhìn từ góc độ quản lý khủng hoảng, cũng dễ hiểu khi Trung Quốc từ chối lời mời của Trump. Sau cùng thì, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đã tham dự buổi lễ với tư cách là đại diện đặc biệt của Tập.
Là một chính trị gia kỳ cựu, Hàn được biết đến với khả năng điều phối tuyệt vời. Nhưng hiện tại ông thậm chí còn không phải thành viên của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản. Ông chỉ đóng vai trò nghi lễ trên trường quốc tế với tư cách là phó chủ tịch nước, vì vậy, về mặt chính trị trong nước, Hàn là một lựa chọn an toàn để Tập cử đến Mỹ
Hàn cũng đã gặp Phó Tổng thống Mỹ đắc cử J.D. Vance tại Washington vào Chủ Nhật ngày 19/01. Ông chỉ ra tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ giữa hai nước, nói rằng “Dù có những khác biệt và xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, hai bên vẫn chia sẻ những lợi ích chung to lớn và vẫn có không gian hợp tác.”
Không có gì ngạc nhiên khi Tập vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục Putin chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Putin đã nói rõ rằng Nga sẽ ngay lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine nếu họ được trao quyền kiểm soát bốn vùng tiền tuyến của Ukraine.
Rất khó để Kyiv và các nước phương Tây chấp nhận các điều kiện ngừng bắn do Putin đưa ra, bao gồm cả việc thừa nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bốn vùng tiền tuyến của Ukraine.
Gần ba năm sau khi Nga xâm lược Ukraine, giao tranh giữa lực lượng hai nước vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, và gần đây Kyiv vừa phải hứng chịu một cuộc tấn công bằng tên lửa chết người.
Nhưng đúng là Trung Quốc đã nỗ lực hướng tới hòa bình ở Ukraine. Trung Quốc muốn duy trì ổn định quan hệ có phần khó khăn với Mỹ dưới thời Trump và hoàn toàn hiểu rằng vấn đề Ukraine là bước đệm quan trọng hướng tới mục tiêu đó.
Theo một tuyên bố từ phía Trung Quốc, Ukraine là vấn đề chính trị quốc tế đầu tiên mà Tập nêu ra trong cuộc điện đàm với Trump vào ngày 17/01, qua đó cho thấy Tập rất quan tâm đến vấn đề này.
Trong bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình, Trump mô tả cuộc điện đàm của ông với Tập là “rất tốt” và còn nói thêm rằng, “Chúng tôi đã thảo luận về việc cân bằng thương mại, Fentanyl, TikTok, và nhiều chủ đề khác.”
Tuy nhiên, Trump không đề cập trực tiếp liệu ông có thảo luận vấn đề Ukraine với Tập trong cuộc điện đàm hay không và thảo luận như thế nào.
Số phận tại Mỹ của TikTok, một ứng dụng chia sẻ video phổ biến do Trung Quốc sở hữu, cũng là điều mà Trump có thể sử dụng làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán tương lai giữa hai nước.
TikTok đã tạm ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng Mỹ, nhưng đã nhanh chóng nối lại dịch vụ sau khi Trump can thiệp trước lễ nhậm chức của mình. Vào ngày nhậm chức, ông cũng đã ký một lệnh hành pháp hoãn lệnh cấm ứng dụng này trong 75 ngày.
Trump dường như đang cân nhắc việc biến TikTok thành một liên doanh giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Vì nghĩ rằng thời điểm chưa chín muồi cho một lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến Ukraine, Trump đã rút lại lời cam kết sẽ đạt được lệnh ngừng bắn trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức.
“Tôi hy vọng có sáu tháng. Không, tôi nghĩ là tôi hy vọng trước sáu tháng,” Trump nói vào ngày 08/01. Đáp lại, Putin cho biết vào thứ Hai rằng Nga “sẵn sàng đối thoại” với chính quyền Trump thứ hai về vấn đề cuộc chiến ở Ukraine.
Tập có thể khiến Trump cảm thấy mắc nợ mình bằng cách đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt chiến tranh Ukraine. Vấn đề Ukraine chính là chìa khóa để Tập có thể giành được nhượng bộ từ Trump, cũng như giảm áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc về thương mại và các vấn đề khác.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong các cuộc điện đàm, Tập và Trump đã “đồng ý thiết lập một kênh liên lạc chiến lược để giữ liên lạc thường xuyên về các vấn đề quan trọng mà hai bên cùng quan tâm.”
Thỏa thuận để thiết lập một khuôn khổ như vậy là kết quả của cuộc trao đổi quan điểm giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong hai tháng rưỡi qua.
Tờ Wall Street Journal cũng đưa tin rằng Trump đã bày tỏ mong muốn đến thăm Trung Quốc trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm. Nếu chuyến thăm Trung Quốc sớm của Trump trở thành hiện thực, đây hẳn là tin đáng mừng đối với Trung Quốc, đất nước đang phải vật lộn trong cảnh suy thoái kinh tế sâu rộng.
Nhưng cần nhớ rằng, dưới thời chính quyền Trump đầu tiên, một cuộc thương chiến Mỹ-Trung đã nổ ra sau khi Trump đến thăm Bắc Kinh vào tháng 11/2017.
Xét đến những diễn biến hậu trường liên quan đến Trump và Tập trong hai tháng rưỡi qua, những điều trái ngược với lẽ thường vẫn có thể xảy ra trong kỷ nguyên mới của quan hệ Mỹ-Trung.
Những nỗ lực vì hòa bình ở Ukraine, số phận của TikTok, và thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc là một số vấn đề sẽ được sử dụng làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán giữa hai nước hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh chính thức giữa Trump và Tập.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.