“Cuộc đua thành tích chính trị” ở Mỹ đang dẫn thế giới đến một thảm họa?

Nguồn: Trình Á Văn, 程亚文:这群人看起来极有良心和正义感,却将世界引向又一次灾难, Guancha, 03/02/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Sự trở lại của Trump, dù là tuyên bố phải giành lại Kênh đào Panama hay lời hứa xây dựng một đội quân hùng mạnh, đều cho thấy quyết tâm của nhà lãnh đạo mới trong việc đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Lịch sử từng mang đến cho nước Mỹ rất nhiều cơ hội như vậy. Bản thân Trump cũng từng có một cơ hội, nhưng liệu nước Mỹ đã vĩ đại trở lại chưa? Hay đang trên bước đường suy tàn?

Vào tháng 3/1991, sau khi chiến dịch Lá chắn sa mạc (Desert Shield) kết thúc và Iraq chấp nhận thất bại, Tổng thống Mỹ khi đó là George H. W. Bush đã quyết định rút 540.000 quân Mỹ khỏi Vịnh Ba Tư. Tại sao quân đội Mỹ, vốn có ưu thế tuyệt đối, lại không thuận thế lật đổ chính quyền Saddam Hussein?

Ngược lại, vào tháng 3/2003, với lý do Iraq đang che giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt và bí mật hỗ trợ khủng bố, chính quyền George W. Bush đã bỏ qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đơn phương tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iraq mà không có bằng chứng rõ ràng nào. Kết quả, Saddam Hussein đã bị đưa lên giá treo cổ. Hai cha con ngài tổng thống đã đưa ra những quyết sách rất khác nhau đối với cùng một quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn. Rốt cuộc thì ai đúng, ai sai?

“Sự chừng mực” của Bush cha và sự liều lĩnh của những người kế nhiệm

Trong hai thập kỷ qua, một số Tổng thống Mỹ đã có các hoạt động ngoại giao tương đối cấp tiến. So sánh với đó, George H. W. Bush bảo thủ hơn nhiều trong nhiệm kỳ của mình và đại diện cho một dạng chủ nghĩa hiện thực thận trọng.

Sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 12/1991 được giới tinh anh chính trị Mỹ coi là chiến thắng của quyết sách chiến lược và hệ thống dân chủ tự do của nước Mỹ. Sự xuất hiện sau đó của chủ nghĩa tân bảo thủ cho rằng, nước Mỹ nên tận dụng vị thế đơn cực như một “đế chế La Mã mới” của mình để thúc đẩy dân chủ ra bên ngoài, áp chế các quốc gia không nghe lời, đồng thời mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Tuy nhiên, dựa theo một số thông tin được tiết lộ trong ba thập kỷ qua, Bush cha muốn thấy Liên Xô suy yếu, nhưng không vui khi nó tan rã. Vào tháng 8/1991, khi đến thăm Liên Xô, Bush cha đã có bài phát biểu tại Kiev và nói một câu như sau: “Mỹ ủng hộ tự do, nhưng tự do không giống với độc lập. Người Mỹ sẽ không ủng hộ những kẻ tìm kiếm độc lập nhằm thay chế độ bạo quyền xa xôi bằng chế độ chuyên chế địa phương, và người Mỹ sẽ không giúp đỡ những kẻ ủng hộ chủ nghĩa dân tộc tự sát dựa trên lòng hận thù sắc tộc.”

Đối với chủ nghĩa ly khai xuất hiện ở Ukraine, ba nước vùng Baltic và những nơi khác trong Liên Xô vào thời điểm đó, Bush cha đều không bày tỏ sự ủng hộ. Trong việc giải quyết cuộc xâm lược Kuwait của Iraq, chính quyền George H. W. Bush cũng rất chừng mực và chỉ gửi quân để “dạy” cho chính quyền Saddam một bài học, chứ không nhằm mục đích thay đổi chế độ này.

James Baker, người từng giữ chức Ngoại trưởng trong chính quyền Bush cha, cũng giữ một thái độ thận trọng về chiến lược. Baker vốn là một “lão thần” của gia tộc Bush, vậy mà khi Chiến tranh Iraq bùng nổ, ông lại bày tỏ sự phản đối đối với chính sách thay đổi chế độ ở nước ngoài của chính quyền Bush con. Trong Báo cáo Baker được đưa ra năm 2001, Baker đã sử dụng ngôn từ khéo léo để chỉ ra rằng, cuộc chiến đã thất bại và quân đội Mỹ nên rút khỏi Iraq càng sớm càng tốt. Trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev vào ngày 09/02/1990, Baker đã trực tiếp hứa hẹn rằng: NATO sẽ không mở rộng về phía Đông nếu Nga chấp nhận sự thống nhất của nước Đức.

Vậy đâu là điều khiến Bush cha và Baker lo ngại? Nếu Liên Xô tan rã, kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của họ sẽ bị phân tán giữa các quốc gia mới và hậu quả sẽ cực kỳ khó lường. Nếu không còn kẻ thù chung là Liên Xô, liệu các nước phương Tây vốn nằm trong hệ thống liên minh với Mỹ có còn lắng nghe Mỹ không? Liệu những nước vừa và nhỏ vốn bị Liên Xô kiềm chế và vẫn luôn rục rịch trỗi dậy có hành động tùy tiện không? Ngoài ra, sự tan rã của một cường quốc thường gây ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị, liệu Mỹ có thể kiểm soát được không?

Về vấn đề Iraq, Bush cha và Baker cũng có thể lo ngại rằng nếu chính quyền Saddam sụp đổ và Iraq sẽ do người Shia vốn chiếm đa số cai trị, vậy thì liệu hai nước vốn đối địch là Iran và Iraq có thể cân bằng lẫn nhau và từ đó duy trì sự cân bằng quyền lực trên khắp Trung Đông hay không? Dường như Bush cha và Baker quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì sự cân bằng quyền lực hiện có trong thế giới thực, cũng như muốn ngăn chặn việc sự cân bằng này bị phá vỡ và gây hỗn loạn trên thế giới.

Tuy nhiên, dường như những vấn đề mà George H. W. Bush và Baker thấy lại không phải là vấn đề trong con mắt các nhà lãnh đạo nước Mỹ sau thời Bush cha. Bất chấp những cảnh báo liên tục từ phía nước kế nhiệm Liên Xô là Nga, NATO đã bắt đầu mở rộng về phía Đông kể từ chính quyền Clinton và đến nay đã bao gồm hầu hết các quốc gia thành viên cũ của Khối Hiệp ước Warsaw, trừ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS). Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, nó đã mở rộng xúc tu của mình ra ngoài phạm vi địa lý của cái tên “Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương” (North Atlantic Treaty Organization, NATO) và thiết lập quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ với một số quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cái gọi là “NATO phiên bản châu Á-Thái Bình Dương” đang dần hình thành.

“Hiệu ứng” mà nó tạo ra là điều có thể thấy bằng mắt thường. Nước Nga, với không gian chiến lược dần bị thu hẹp, cuối cùng đã không còn kiêng nể và chọn cách đáp trả bằng vũ lực. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bầu không khí căng thẳng được tạo ra bởi cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đang khiến ngày càng nhiều người ngửi thấy mùi thuốc súng.

Tại sao lại có sự khác biệt rõ ràng giữa George H. W. Bush và các nhà lãnh đạo Mỹ sau này trong việc sử dụng quyền lực của Mỹ và theo đuổi các mục tiêu chiến lược đối ngoại? Một sự khác biệt đáng kể có lẽ nằm ở việc Bush cha từng tham gia Thế chiến thứ hai với tư cách một phi công không quân và còn suýt tử trận trong một nhiệm vụ chiến đấu. Ông đã có kinh nghiệm trực tiếp về chiến tranh, biết được sự tàn khốc của chiến tranh, không chỉ hiểu tại sao chiến tranh nổ ra trong quá khứ, mà còn biết nên làm thế nào để tránh chiến tranh bằng mọi khả năng.

Sau Bush cha, dù là Clinton, Bush con, Obama, Trump hay Biden, tất cả đều trưởng thành sau chiến tranh và không có kinh nghiệm tòng quân. Họ không có kinh nghiệm về sự tàn phá và tính bất định của chiến tranh, nhiều khả năng không có hiểu biết rõ ràng về nguồn gốc của thảm họa mang tính toàn cầu, và do đó, thiếu ước tính chuẩn xác về hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do sự liều lĩnh về mặt chiến lược mang lại.

Hai cuộc chiến do George W. Bush tiến hành không chỉ làm tiêu hao nghiêm trọng sức mạnh quốc gia của Mỹ và trở thành chủ đề bàn tán về “sự suy tàn của nước Mỹ” trong những năm gần đây, mà còn làm thế cân bằng chiến lược ban đầu ở Trung Đông bị phá vỡ, khiến Trung Đông vốn đã đầy rẫy mâu thuẫn lại càng thêm xung đột. Sự bành trướng về phía Đông của NATO đã liên tục làm tăng thêm cảm giác mất an toàn của Nga và việc xây dựng “NATO phiên bản châu Á-Thái Bình Dương” cũng khiến Trung Quốc phải chú ý nhiều hơn đến các vấn đề an ninh. Điều mà nó làm tổn hại là niềm tin vốn mong manh giữa các cường quốc.

“Kế lâu dài” nhường chỗ cho “kế nhất thời”

Việc các chính trị gia thường xuyêm bị mắc kẹt trong tầm nhìn ngắn hạn, thiếu ý chí hay khả năng lập kế hoạch hiện tại với tầm nhìn hướng đến tương lai dài hạn, là một món quà hắc ám đi kèm với nền hòa bình trong hơn 70 năm sau chiến tranh. Hòa bình là mong muốn của phần lớn mọi người, nhưng nó cũng có thể làm nảy sinh thái độ tự mãn đối với hiện thực.

Năm 1919, nhà kinh tế học John Maynard Keynes, người tham dự Hội nghị Hòa bình Paris với tư cách là đại diện chính của Bộ Tài chính Anh và cố vấn cho Thủ tướng Anh David Lloyd George, dường như đã chứng kiến ​​toàn bộ quá trình của hội nghị này. Ông đã vô cùng thất vọng với các điều khoản bồi thường khắc nghiệt mà phe Hiệp Ước áp đặt lên nước Đức và sự thiển cận của lãnh đạo các nước chiến thắng, đồng thời cho rằng điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến khác ở châu Âu.

Khi hội nghị còn chưa kết thúc, Keynes đã viết cuốn sách Hậu quả kinh tế của hòa bình (The Economic Consequences of the Peace). Với ngôn từ sắc bén, cuốn sách đã miêu tả một cách sinh động biểu hiện trong cuộc hội nghị của lãnh đạo các nước chiến thắng vào thời điểm đó, bao gồm Thủ tướng Anh David Lloyd George, Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau và Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, đồng thời đề xuất một kế hoạch mới về cách thoát khỏi tình trạng khó khăn của châu Âu.

Sự bùng nổ của Thế chiến thứ hai cùng sự thành lập sau đó của nhiều tổ chức và cơ chế quốc tế đã chứng minh Keynes có tầm nhìn xa hơn những nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ vào thời điểm đó. Giới lãnh đạo châu Âu lúc đó, tiêu biểu là David Lloyd George và Georges Clemenceau, sinh ra trong thời kỳ hòa bình lâu dài ở châu Âu mà được cấu thành bởi “Hệ thống Vienna” ở thế kỷ 19. Dường như họ thiếu nhạy cảm với những thay đổi trên thế giới mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai mang lại, không biết nên xây dựng loại hình quản trị toàn cầu nào trong kỷ nguyên của cuộc “Đại chuyển đổi” (lời của Polanyi), và các quyết sách được đưa ra cũng dựa trên quá khứ, thay vì hiện tại và tương lai.

Trong Thế chiến thứ hai đã xuất hiện một lượng lớn những nhân vật mà hiện được gọi là chính trị gia và được mọi người ca ngợi. Thực ra họ là một món lợi bất ngờ của Thế chiến thứ nhất. Những người từng chứng kiến ​​sự tàn khốc của thế giới hiện thực này đã chuyển sang lựa chọn xem xét triển vọng của quốc gia và thế giới theo tầm nhìn mang tính toàn cầu và dài hạn. Nhờ những nỗ lực của họ, thế chiến đã kết thúc, các tổ chức, hệ thống và cơ chế quốc tế mới được thành lập và gần 80 năm hòa bình dài lâu đã được mang tới cho nhân loại.

Tuy nhiên, ngày nay, các nhà lãnh đạo đương nhiệm của nhiều quốc gia đang lặp lại những kinh nghiệm của David Lloyd George và Georges Clemenceau. Đối với nguyên do, tương lai và giải pháp ứng phó cho những thay đổi lớn trong thế giới đương đại, các nhà lãnh đạo này chưa chắc đã có tầm nhìn xa trông rộng hơn người bình thường. Điều này hoàn toàn không tốt cho một thế giới đang dần bước đến sự sụp đổ về trật tự.

Về vấn đề ngăn chặn chiến tranh, không chỉ khó lòng tin tưởng các chính khách (mà không phải chính trị gia) và giới tinh anh xã hội hoạt động sôi nổi trên sân khấu, mà nhận thức phổ biến của quần chúng – những “đa số im lặng” – cũng không đáng tin cậy. Sau khi trải qua thời kỳ hòa bình dài lâu trên toàn thế giới kể từ sau thế chiến, phần lớn mọi người đều coi hòa bình là điều hiển nhiên và trở nên thờ ơ với những nghĩa vụ và đóng góp cần thiết để duy trì hòa bình.

Sau khi Mỹ trải qua cuộc Đại khủng hoảng năm 1929, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin Roosevelt đã đề xuất thúc đẩy “Bốn quyền tự do”, một trong số đó là tự do khỏi túng thiếu. Nhưng “túng thiếu” là gì? Nó có tiêu chuẩn đo lường tương đối cố định không? Trong thời kỳ hòa bình dài lâu sau chiến tranh, quyền chính trị đã tiến triển vượt bậc và quyền công dân cũng tiến bộ đáng kể. Đây là mặt tích cực, nhưng mặt tiêu cực là cảm giác túng thiếu của người dân vẫn không hề suy giảm dù thu nhập thực tế đã tăng lên. Ngược lại trong vài thập kỷ qua, ở mọi quốc gia bất kể giàu hay nghèo, sự phẫn nộ hướng tới chính phủ nước khác, nước mình hay những người khác đã tăng lên rõ rệt. Hiện tượng phân cực chính trị và sự nổi lên của nhiều hình thức bài ngoại khác nhau là biểu hiện của điều này.

So với trước kia, giới tinh anh và quần chúng hiện nay quan tâm nhiều hơn đến lợi ích ngắn hạn, chỉ muốn nhận lấy mà không muốn cho đi. Người giàu tin rằng chính phủ càng nhỏ thì càng tốt, quốc gia nên giảm bớt kiểm soát, đánh ít thuế hơn hoặc tốt nhất là không đánh thuế đối với khối tài sản khổng lồ của họ. Những người chưa đạt được tự do tài chính thì cho rằng, chính phủ nên chịu nhiều trách nhiệm hơn và quốc gia nên tạo ra nhiều phúc lợi hơn cho họ…

Ít ai hiểu rằng, những yêu cầu trông có vẻ đối lập này đang hủy hoại đạo đức cộng đồng và đời sống cộng đồng theo nhiều hướng khác nhau. Những đức tính của sự thấu hiểu, nhường nhịn lẫn nhau và sự tiết kiệm trở nên hiếm hoi trong thời đại này. Khi bàn đến quyền lợi, dù là cá nhân đối với quốc gia, hay quốc gia này đối với quốc gia khác, tất cả đều giữ một thái độ hùng hồn khí thế, cho rằng mình luôn đúng, còn cái sai nằm ở người khác và thế giới bên ngoài.

“Đa số im lặng” trong quá khứ thực ra đã không còn “im lặng” nữa. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ thông tin, cùng sự mở rộng chưa từng có của các nền tảng xã hội có khả năng kết nối tức thời, đã tạo ra cho họ một không gian để bày tỏ ý kiến ​​của mình bất cứ lúc nào và qua đó gây ảnh hưởng đến quyết sách của các quốc gia. Khi “sự túng thiếu” liên tục sinh sôi, ai nấy đều cho rằng thế giới bên ngoài nợ mình điều gì đó và mọi người có thể nổi giận với bất kỳ ai, dù các hệ thống và cơ chế trong thế giới thực có được thiết kế tốt đến đâu thì cũng không thể ứng phó được với sự thù địch ngày càng gia tăng. Và sự sụp đổ của chúng có thể dẫn đến kết quả là bạo lực, thậm chí cả chiến tranh.

“Cuộc đua thành tích chính trị”

Trong thời đại mà tầm nhìn ngắn hạn trở nên thịnh hành, nếu đặt câu hỏi về những yếu tố gây ra chiến tranh quy mô lớn, thì nhìn từ góc độ chủ quan, trước tiên có thể kể đến những người chưa từng trải qua chiến tranh và không biết thảm họa xảy ra như thế nào, nhưng nay lại cao giọng bàn về chiến tranh hoặc để mặc cho chứng hoang tưởng chính trị thúc đẩy các mục tiêu và chính sách gây hại cho người khác và cũng chẳng mang lại lợi ích thực tế cho bản thân, hay thậm chí sử dụng “mối đe dọa” trong tưởng tượng làm lời lẽ để tăng thêm lợi thế mặc cả nhằm đạt được lợi ích chính trị của mình.

Vào tháng 9/2024, Hạ viện Mỹ đã thông qua 28 dự luật có chủ đề kiềm chế Trung Quốc trong “Tuần lễ Trung Quốc”. Các dự luật bao gồm giảm sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc, hạn chế xe điện và máy bay không người lái của Trung Quốc, cấm các công ty Trung Quốc mua đất nông nghiệp của Mỹ, tăng cường kiểm soát xuất khẩu công nghệ vào Trung Quốc, cùng nhiều nội dung về việc can thiệp vào vấn đề Đài Loan và Hồng Kông.

Trong vòng một tuần, các thành viên của Hạ viện Mỹ từ cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tiến hành một “phiên tòa vắng mặt” đối với Trung Quốc, đồng thời xây dựng một loạt các chính sách trừng phạt nhắm vào Trung Quốc. Cảnh này dường như là sự tái hiện Hội nghị Versailles được tổ chức tại Paris năm 1919. Có thể hình dung rằng, tại cuộc tranh luận trên Đồi Capitol, các thành viên Hạ viện Mỹ đã “tràn đầy phẫn nộ” và “chính khí lẫm liệt”, như thể họ đại diện cho công lý loài người và là hiện thân của đạo đức thế gian. Cử chỉ, giọng điệu và ngôn từ của họ có lẽ không khác các lãnh đạo của phe Hiệp Ước như Thủ tướng Anh hay Thủ tướng Pháp khi xưa.

Keynes sẽ nghĩ gì nếu có mặt tại Hạ viện Mỹ lúc đó? Một nhóm người trông rất có lương tâm, chính nghĩa và sử dụng những ngôn từ đạo đức nhất, vậy mà lại dẫn thế giới đến một thảm họa mang tính hủy diệt khác. Một kinh nghiệm bắt đầu bằng “đạo đức” và “chính nghĩa” nhưng kết thúc bằng phi đạo đức và phi nghĩa kiểu này, chính là Thế chiến thứ hai.

Hành vi chính trị phi lý trí không nhất định là kết quả của những lựa chọn phi lý trí. Trước đây, khi phân tích sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong 40 năm qua, một lý thuyết cho rằng đã có một “cuộc đua thăng chức dành cho quan chức” giữa chính quyền các địa phương ở Trung Quốc, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Cơ chế cạnh tranh chủ yếu dựa trên việc theo đuổi hiệu quả kinh tế này đã khuyến khích các quan chức trên khắp Trung Quốc cạnh tranh trong việc kiến thiết nền kinh tế, và điều này đã thực sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nó có một yếu tố tiêu cực là, do tính lưu động cao của các quan chức, nên khi phụ trách một khu vực, họ thường quan tâm nhiều hơn đến lợi ích ngắn hạn và hy vọng đạt được một “điểm sáng” trong thời gian ngắn. Do vậy, điều này cũng tạo ra một số dự án dang dở và thậm chí để lại nguy cơ tiềm ẩn cho sự phát triển tiếp theo của một số địa phương.

Trong hệ thống dân chủ Mỹ cũng tồn tại một “cuộc đua thành tích chính trị” dành cho các chính khách sống vì lợi ích chính trị, và cơ chế khuyến khích của nó tương tự với “cuộc đua thăng chức” dành cho quan chức Trung Quốc. Sự phân cực chính trị đã khiến hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ bất đồng quan điểm nghiêm trọng về phần lớn các vấn đề trong nước. Chỉ khi lên tiếng về chính sách đối ngoại, họ mới có thể tránh được các cuộc đả kích nghiêm trọng.

Khi việc thao túng “nghị đề Trung Quốc” trở thành một ngón nghề giá rẻ, thì việc liệu Trung Quốc có thực sự là vấn đề hay không đã không còn là vấn đề nữa. Có lẽ việc thu hút được sự chú ý chính trị từ việc thao túng “nghị đề Trung Quốc” mới là điều các chính khách Mỹ thực sự quan tâm. Điều này liên quan đến sự nghiệp chính trị của họ.

Vào tháng 8/2022, ngay đêm trước khi rời nhiệm sở, Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là Nancy Pelosi đột nhiên muốn đến thăm Đài Loan, và điều này đã tạo ra căng thẳng không cần thiết cho eo biển Đài Loan và cho quan hệ Trung-Mỹ. Điều này không phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan, nhưng có lẽ phù hợp với lợi ích của bản thân Pelosi. Mối bận tâm của các chính khách vào thành tích chính trị của cá nhân họ phản ánh cơn điên chính trị trong tầm nhìn ngắn hạn của nền chính trị dân chủ. Nó đã khiến mâu thuẫn trong quan hệ Trung-Mỹ, vốn đáng lẽ phải dịu xuống, lại phát triển theo hướng đối đầu. Những kẻ hưởng lợi từ “cuộc đua thành tích chính trị” là một số ít chính khách Mỹ, trong khi thứ chịu tổn hại là sự ổn định của quan hệ Trung-Mỹ và nền chính trị thế giới.

So với những cuộc thảo luận hiếm hoi về chủ đề chiến tranh trong dư luận Trung Quốc, những năm gần đây, tầng lớp tinh anh trong giới chính trị và chiến lược Mỹ đã không kiêng dè khi bàn về chiến tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác. Sự bốc đồng này thật nguy hiểm! Lẽ ra “Thế chiến thứ ba” phải là một thuật ngữ không nên được nhắc đến, nhưng giờ đây nó đã trở thành một chủ đề được thảo luận công khai, và bản thân điều này đã là một sự thay đổi vô cùng tiêu cực.

Khi được nhắc đến thường xuyên, chiến tranh có thể sẽ trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm và xảy ra bất ngờ; vào lúc khả năng chiến tranh liên tục bị phóng đại khiến cho mọi người gióng trống khua chiêng để tạo động lực và chuẩn bị cho chiến tranh, thì khả năng nổ ra chiến tranh sẽ tăng lên rất nhiều. Trong thời đại mà khả năng nổ ra chiến tranh tăng cao, điều ít cần thiết nhất chính là màn biểu diễn chứng hysteria của các chính khách tại Hạ viện Mỹ và điều khan hiếm nhất là sự thấu tỏ của Keynes.