Trung Quốc siết kiểm soát Hong Kong khiến Trump phản đòn ở Panama

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s tight grip on Hong Kong led to Trump’s Panama gambit,” Nikkei Asia, 06/02/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Quốc gia Trung Mỹ đã quyết định rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Tập Cận Bình.

Việc Mỹ đe dọa giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama và cuộc tranh cãi nảy lửa diễn ra sau đó đã có bước ngoặt mới khi Panama tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn đầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc đến tuyến đường thủy quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương vào tháng 12, ngay trước lễ nhậm chức của mình, và kể từ đó đến nay, ông liên tục tuyên bố rằng công ty Hong Kong đang điều hành kênh đào này đã bị Trung Quốc bí mật kiểm soát và họ đang tính phí quá cao cho các tàu của Mỹ.

Vụ việc diễn ra sau khi Trung Quốc nhanh chóng mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong những năm gần đây, và áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, một đạo luật về cơ bản đã vô hiệu hóa công thức “một quốc gia, hai chế độ” vốn được cho là sẽ đảm bảo “mức độ tự chủ cao” cho thuộc địa cũ của Anh này.

Một công ty Hong Kong hiện đang quản lý các cảng chính ở cả hai đầu Kênh đào Panama. Và chính quyền Trump đã nêu quan ngại về an ninh quốc gia đối với những gì họ cho là sự kiểm soát của Trung Quốc đối với một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gặp Tổng thống Panama Jose Raul Mulino vào ngày 02/02. Chuyến đi của Rubio tới Thành phố Panama cho thấy chính quyền Trump đang ưu tiên vấn đề Kênh đào Panama. (Ảnh của Reuters)

Vào Chủ Nhật ngày 02/02, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino bất ngờ tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về hợp tác trong BRI, được ký lần đầu tiên vào năm 2017, sau khi nó hết hạn. Ông thậm chí còn gợi ý rằng thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc có thể kết thúc sớm.

Dự án cơ sở hạ tầng BRI khổng lồ đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động vào năm 2013.

Thông báo bất ngờ của Mulino được đưa ra ngay sau khi ông có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Thành phố Panama. Khi chọn Panama cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Rubio đã ám chỉ rằng kênh đào này là ưu tiên của chính quyền Trump.

Mỹ là bên đã xây dựng Kênh đào Panama, được khánh thành vào năm 1914. Theo hiệp ước song phương được ký vào năm 1977 bởi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Jimmy Carter, phía Mỹ đã trao trả kênh đào cho Panama vào năm 1999.

Hồi năm 2017, đầu nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Panama đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc và gia nhập BRI.

Jimmy Carter và Tướng Omar Torrijos bắt tay nhau sau khi ký Hiệp ước Kênh đào Panama vào ngày 07/09/1977. © Getty Images

Việc chào đón quốc gia sở hữu Kênh đào Panama là một sự kiện mang tính thời đại về mặt chiến lược toàn cầu của Trung Quốc.

Hiện nay, chính quyền Trump thứ hai đang rất lo ngại về khả năng Trung Quốc đóng cửa tuyến đường thủy hẹp này trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trước chuyến thăm Panama, khi được Megyn Kelly của The Megyn Kelly Show phỏng vấn vào ngày 30/01, Rubio bày tỏ lo ngại về “mọi công ty hoạt động tại Trung Quốc hoặc Hong Kong, nơi cũng do Trung Quốc kiểm soát.”

“Nếu xung đột xảy ra và chính phủ Trung Quốc yêu cầu họ đóng Kênh đào Panama, họ sẽ phải làm vậy,” Rubio nói. “Tôi chắc chắn là họ có kế hoạch dự phòng để làm như vậy.”

Đài Loan là một điểm nóng tiềm tàng có thể khiến Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau. Nỗi lo mới ở Washington là nếu tình hình của một điểm nóng ở Châu Á-Thái Bình Dương trở nên nghiêm trọng hơn, thì rủi ro là Trung Quốc sẽ phong tỏa Kênh đào Panama. Một động thái như vậy sẽ làm tê liệt nền kinh tế Mỹ, vì Mỹ là nước sử dụng kênh đào này nhiều nhất, dùng nó để luân chuyển khoảng 40% lưu lượng container của mình.

CK Hutchison Holdings, một đế chế kinh doanh rộng lớn có trụ sở tại Hong Kong do tỷ phú Lý Gia Thành xây dựng, hiện đang quản lý các cảng ở hai đầu kênh đào thông qua một trong các công ty con của mình.

Cảng Cristobal, được chụp vào ngày 01/02, nằm ở đầu Đại Tây Dương của Kênh đào Panama. © Reuters

Khi Panama gia nhập BRI vào năm 2017, công ty con của CK Hutchison đã vận hành Cảng Balboa ở đầu Thái Bình Dương của kênh đào và Cảng Cristobal ở đầu Đại Tây Dương.

Công ty con của CK Hutchison đã mua lại quyền vận hành hai cảng này theo hợp đồng có thời hạn 25 năm, được ký với chính phủ Panama vào năm 1997. Năm 2021, hợp đồng được gia hạn đến năm 2047.

Tuy nhiên, chính quyền Mulino đã ra lệnh điều tra toàn diện về việc gia hạn hợp đồng, nói rằng quá trình gia hạn do chính quyền tiền nhiệm của ông thực hiện là không minh bạch.

Khi công ty con của CK Hutchison bắt đầu vận hành các cảng vào năm 1997, người Mỹ không nghĩ rằng đó là việc phiền hà. Nhưng tình hình đã thay đổi vào khoảng năm 2020, một năm sau khi một làn sóng lớn biểu tình ủng hộ dân chủ xuất hiện trên khắp Hong Kong. Các cuộc biểu tình đã nổ ra vì một dự luật gây tranh cãi nhằm sửa đổi Sắc lệnh về Tội phạm Bỏ trốn (Fugitive Offenders Ordinance) để cho phép giao nộp các nghi phạm hình sự cho Trung Quốc đại lục. Những nhà hoạt động Hong Kong yêu cầu rút lại dự luật này đã đụng độ với cảnh sát.

Để đáp trả, Luật An ninh Quốc gia Hong Kong đã bất ngờ được thực thi vào năm 2020 theo sáng kiến của chính quyền trung ương Trung Quốc.

Người biểu tình Hong Kong cầm biểu ngữ yêu cầu chính quyền thành phố hủy bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Quốc vào ngày 09/06/2019. © Reuters

Việc đạo luật này được thông qua theo cách bỏ qua cơ quan lập pháp của Hong Kong cũng đồng nghĩa là “mức độ tự chủ cao” được đảm bảo cho đặc khu hành chính theo công thức “một quốc gia, hai chế độ” đã chấm dứt.

Người dân Hong Kong giờ đây phải cực kỳ cẩn trọng cân nhắc về những gì chính quyền trung ương Trung Quốc định nghĩa là “an ninh quốc gia.” Luật này cũng ảnh hưởng đến quá trình mở rộng ra toàn cầu của các công ty Hong Kong.

Nhà sáng lập CK Hutchison Lý Gia Thành là một ông trùm kinh doanh huyền thoại. Ông từng được cho là người gốc Hoa giàu nhất thế giới. Hiện ở tuổi 96, ông đã ngừng điều hành công việc kinh doanh.

Lý bắt đầu mối quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và đã mở rộng hoạt động kinh doanh liên quan đến Trung Quốc sau khi Hong Kong được trao trả về cho đại lục.

Vậy điều gì có thể xảy ra nếu việc phong tỏa Kênh đào Panama trở nên cần thiết đối với những gì Trung Quốc định nghĩa là an ninh quốc gia?

Về lý thuyết, ngay cả tập đoàn có trụ sở tại Hong Kong của Lý Gia Thành cũng không thể hoàn toàn phớt lờ mong muốn của Bắc Kinh, như Rubio đã chỉ ra với Megyn Kelly.

Nhưng khi người dân Hong Kong xuống đường vào năm 2019, Lý đã đưa ra một tuyên bố dũng cảm, cho thấy ông không nhất thiết phải chiều theo chính phủ Trung Quốc.

Lý Gia Thành phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hong Kong vào ngày 12/07/2000. Hiện tại, ông đã 96 tuổi và đã nghỉ hưu, không còn điều hành đế chế kinh doanh của mình. © Reuters

Lý đã cho chạy hai quảng cáo khác nhau trên trang nhất của các tờ báo lớn của Hong Kong dưới cái tên “Lý Gia Thành, một công dân Hong Kong.” Một trong hai quảng cáo đã kêu gọi chấm dứt bạo lực. Trong quảng cáo giống như bài xã luận này, ông không nói rõ ai nên ngừng sử dụng bạo lực với ai, mà để điều đó cho độc giả tự suy ngẫm.

Có phải ông đang ám chỉ đến cảnh sát Hong Kong, những người đã gây thương tích cho người biểu tình bằng cách vung dùi cui vào họ, và đến nhà lãnh đạo Hong Kong khi đó là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga?

Hay phải chăng ông đang nhắc đến việc sinh viên biểu tình ném đá vào cảnh sát?

Hay ông đang ám chỉ đến chính phủ Trung Quốc, lúc đó đang đe dọa can thiệp quân sự bằng cách huy động lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân hoặc triển khai cảnh sát vũ trang?

Quảng cáo thứ hai – xuất hiện trên phương tiện truyền thông ủng hộ Trung Quốc tại Hong Kong – đã gửi đi một thông điệp thú vị. Trong đó, Lý trích dẫn một câu trong một bài thơ nổi tiếng thời nhà Đường: “Dưa Hoàng Đài không thể hái thêm.”

Nếu người ta hái trái từ một cây dưa quá nhiều lần, cây đó sẽ chết. Câu thơ này nhằm so sánh sự tàn bạo của hoàng hậu Võ Tắc Thiên với hành động hái dưa.

Võ Tắc Thiên đã ra tay giết cả thái tử và trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Thái tử Lý Hiển đã bị người mẹ đầy tham vọng của mình, Võ Tắc Thiên, ép phải tự tử. Bài thơ hái dưa vì thế cũng thật rùng rợn, vì nó được Lý Hiển viết ra như để âm thầm phản đối Võ Tắc Thiên ngay trước khi ông qua đời.

Quả dưa trong bài thơ chính là hình ảnh của thái tử. Trong trường hợp quảng cáo của Lý Gia Thành, rõ ràng từ “dưa” là một cách nói giảm nói tránh cho việc Hong Kong đang phải đối mặt với khủng hoảng.

Bằng cách kêu gọi chấm dứt bạo lực ở nhiều nơi, Lý Gia Thành cũng hướng sự chú ý tới đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc do Tập đứng đầu.

Lý đã cực kỳ cẩn trọng để tránh bị người dân Hong Kong xem là một nhân vật thiên vị chính quyền Hong Kong, Đảng Cộng sản Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc.

Hành động của ông cho thấy công thức “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong vẫn có hiệu quả trong chừng mực nào đó cho đến năm 2019.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra tuyên bố chung tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 09/11/2017. Hai năm sau, Trump cảnh báo rằng nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Hong Kong, thì sẽ rất khó để tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. © Reuters

Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể. Khi luật an ninh quốc gia Hong Kong có hiệu lực vào năm 2020, Lý Gia Thành và CK Hutchison không còn có thể chống lại mong muốn của chính quyền trung ương Trung Quốc.

Khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Hong Kong vào năm 2019, Trump đã cảnh báo mạnh mẽ rằng nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Hong Kong, thì sẽ rất khó để tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Vòng đấu thứ hai giữa Trump và Tập đã bắt đầu, với việc Trump đi nước cờ nhằm kiểm tra BRI tại Panama.

Hôm thứ Ba ngày 04/02, Bloomberg News đã trích dẫn một nguồn tin giấu tên rằng Panama đang cân nhắc việc hủy hợp đồng với công ty con của CK Hutchison, đơn vị đang điều hành các cảng của Kênh đào Panama.

Thoạt nhìn, nước cờ Panama của Trump có vẻ lập dị. Nhưng cần nhớ rằng đằng sau nó là những thay đổi mạnh mẽ trong tình hình xung quanh Trung Quốc và Hong Kong.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.