15/02/1837: Quốc hội Mỹ phê chuẩn các hiệp ước di dời người Mỹ bản địa

Nguồn: Congress ratifies treaties for Indian removal, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1837, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn các hiệp ước số 211 và 217, được thiết kế để di dời người bản địa khỏi vùng đất của tổ tiên họ ở Trung Tây để nhường chỗ cho người da trắng định cư. Một thỏa thuận đã được đàm phán với các bộ tộc Iowa, Sauk và Fox, trong khi thỏa thuận thứ hai là với người Oto, Omaha, Missouri, Santee Sioux, và Yankton Sioux. Các thỏa thuận này chỉ đại diện cho hai trong số gần 400 hiệp ước – gần như luôn không bình đẳng – được ký kết giữa các bộ tộc bản địa khác nhau và chính phủ Mỹ từ năm 1788 đến năm 1883.

Vào đầu đến giữa những năm 1800, sự gia tăng dân số và việc thám hiểm miền tây của người Mỹ đã làm gia tăng xung đột về lãnh thổ với các bộ tộc người bản địa, những người có quan điểm về quyền sở hữu đất đai và tài sản khác với những người định cư da trắng. Trong thời gian này, Andrew Jackson đã đóng vai trò chính trong việc định hình chính sách của nước Mỹ đối với người bản địa. Ngoài việc là một anh hùng của Chiến tranh Năm 1812, ông cũng nổi tiếng là một chiến binh chống người bản địa và là nhà đàm phán hiệp ước. Trên thực tế, ông đã làm trung gian cho chín hiệp ước với người bản địa trước khi trở thành tổng thống vào năm 1829.

Năm 1830, như một phần trong nỗ lực nhằm giành được lãnh thổ mới cho Mỹ, Tổng thống Jackson đã thúc đẩy thông qua Đạo luật Di dời người Mỹ bản địa. Chính đạo luật này đã cho phép quân đội Mỹ cưỡng bức di dời người Cherokee khỏi quê hương Georgia của họ đến vùng đất cằn cỗi ở lãnh thổ Oklahoma vào năm 1838. Cuộc di cư dưới họng súng – trong đó 4.000 người Cherokee đã chết vì đói, bệnh tật, và giá lạnh – sau này được gọi là Hành trình Nước mắt. Các chính sách của Jackson đối với người Mỹ bản địa phản ánh quan điểm phân biệt chủng tộc tồn tại trong số những người da trắng thời đó, rằng người bản địa là một chủng tộc thấp kém, cản trở sự tiến bộ kinh tế của Mỹ.